Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông: Các thị trường thế giới sẽ phản ứng thế nào và hệ lụy?

0
231
(Nguồn: AP)

Khả năng cuộc xung đột Israel-Hamas mở rộng ở Trung Đông sẽ trở thành một mồi lửa cho sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu. 

Cuộc xung đột Israel-Hamas mở rộng sẽ trở thành một mồi lửa cho sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu. (Nguồn: AP)

Iran đã lên tiếng cảnh báo về “những hậu quả sâu rộng” nếu Israel trả đũa bằng cuộc xâm lược Dải Gaza. Xung đột khu vực đang làm tăng những tác động toàn cầu. Tuy nhiên, các thị trường dường như vẫn đang giao dịch dựa trên những lo ngại trong nước nhiều hơn là lo ngại về tác động của xung đột.

Các thị trường phản ứng như thế nào?

Có hai loại hàng hóa phản ứng mạnh nhất trước sự leo thang căng thẳng ở Trung Đông, đó là dầu và vàng. Giá dầu, sau khi leo đỉnh 96 USD/thùng vào cuối tháng Chín, đã giảm về mốc 84 USD/thùng, trước khi Phong trào Hồi giáo Hamas tấn công Isreal. Tuy nhiên, ngay sau cuộc tấn công, giá dầu lập tức vọt trở lại, chạm mức 91 USD/thùng và giá vàng tăng kỷ lục hơn 38 USD/ounce cùng thời điểm.

Trên các thị trường chứng khoán, hoạt động giao dịch cổ phiếu dường như không bị ảnh hưởng, với thị trường Mỹ tăng gần 2% kể từ khi bạo lực bùng phát và thị trường Australia tăng 1,3%.

Sau một trong những tuần hỗn loạn nhất trong lịch sử gần đây, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ giảm nhẹ trong tuần qua, nhưng vẫn ở mức cao. Điều này cho thấy rằng chưa có bất kỳ “cơn sóng thần” nào càn quét vào các loại tài sản trú ẩn an toàn truyền thống toàn cầu.

Chỉ số VIX toàn cầu, thường được mô tả là “chỉ số sợ hãi” đã tăng từ 17,4 điểm lên 19,3 điểm, mặc dù vậy vẫn nằm dưới ngưỡng đỉnh 26,5 điểm ghi nhận vào tháng Ba năm ngoái.

Câu hỏi rằng liệu sự tự mãn của các nhà đầu tư có tiếp tục trong thời gian tới hay không sẽ sớm được trả lời khi Isreall sẵn sàng thử thách quyết tâm của Iran.

Nếu Iran tham gia vào cuộc xung đột ở Trung Đông, sẽ có những tác động địa chính trị rộng lớn hơn xảy ra. Iran vốn gần gũi với Nga, Trung Quốc và Syria, cũng như lực lượng Hamas, trong khi Isreal nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Mỹ và các quốc gia phương Tây. Điều này dẫn đến sự phân chia mạnh mẽ hơn trong cục diện địa chính trị toàn cầu, đi kèm các căng thẳng giữa hai bên.

Hệ lụy khi xung đột mở rộng?

Tờ Sydney Morning Herald bình luận, để theo đuổi tiến trình hòa bình rộng lớn hơn ở Trung Đông, Mỹ đã nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Iran. Chính hành động này được cho là tạo điều kiện để Iran tăng xuất khẩu dầu. Trong năm 2022, sản lượng khai thác dầu của quốc gia Trung Đông tăng từ mức vài trăm nghìn thùng/ngày lên đến hơn 2 triệu thùng/ngày. Phần lớn số dầu đó được vận chuyển tới Trung Quốc.

Nếu Iran được xác nhận là “tiếp tay” cho lực lượng Hamas và tiếp tục đe dọa gây căng thẳng leo thang cho khu vực, thì chắc chắn Mỹ sẽ áp dụng trở lại các biện pháp trừng phạt đối với nước này. Do đó, làm thắt chặt nguồn cung của thị trường dầu mỏ toàn cầu, vốn đang thiếu hụt bởi vụ việc Saudi Arabia và Nga ban hành lệnh giảm quy mô khai thác dầu. Trừ khi thế giới có thể thuyết phục được Saudi Arabia loại bỏ ngay lập tức quyết định cắt giảm sản lượng, nếu không triển vọng giá dầu chắn chắn sẽ tăng lên.

Nhiều khả năng Saudi Arabia sẽ làm vậy và giao dịch dầu ở mức giá cao vẫn tăng để đổi lấy khối lượng khai thác tăng, bù đắp cho phần thiếu hụt của Iran. Nếu không tăng sản lượng khai thác dầu từ Saudi Arabia và/hoặc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), bất kỳ sự sụt giảm nào trong nguồn cung dầu từ Iran cũng sẽ gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.

Tuần trước, nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), thông qua Mỹ, đã tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai công ty vận tải biển (một của Thổ Nhĩ Kỳ và một của Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất – UAE) vì vận chuyển dầu của Nga, được bán trên mốc 60 USD/thùng – mức giá trần do G7 áp đặt. Động thái này sẽ gây hạn chế dòng chảy dầu của Nga vào thị trường toàn cầu. Nếu có thêm bất kỳ sự cắt giảm nào từ nguồn cung dầu của Iran, chắc chắn nền kinh tế thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ suy thoái cao hơn.

Hơn nữa, sự mở rộng xung đột và các biện pháp trừng phạt cũng sẽ gây ảnh hưởng đế dòng vốn toàn cầu. Tình trạng này đã được quan sát thấy vào tuần trước, khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ giảm trở lại. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm hiện thấp hơn một vài điểm cơ bản so với trước cuộc tấn công của lực lượng Hamas vào Isreal và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm thấp hơn 19 điểm cơ bản trong cùng thời điểm.

Lợi suất trái phiếu Mỹ đã tăng vọt sau khi báo cáo kinh tế của Mỹ được phát hành cho thấy khả năng lạm phát tại nền kinh tế này có triển vọng cao hơn dự đoán, củng cố khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao hơn, trong khoảng thời gian dài hơn. Nhiều đồn đoán cho rằng Chính phủ Mỹ sẽ sớm tung ra một đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 30 năm mới, trị giá 20 tỷ USD. Nhưng nhu cầu đối với loại trái phiếu này hiện vẫn yếu, mặc dù lợi suất đưa ra cao nhất kể từ năm 2007, cho thấy rằng quy mô cung trái phiếu đã áp đảo cầu.

Trên thị trường vàng và tiền tệ, giá vàng đã tăng 2% và đồng USD tiếp tục tăng nhẹ cho thấy đã có một dòng vốn trú ẩn “len lỏi” hướng về thị trường Mỹ. Một loại tiền tệ trú ẩn an toàn khác là đồng yen của Nhật Bản cũng tăng giá nhẹ.

Khó có thể phân chia rõ ràng các yếu tố gây ảnh hưởng

Thị trường Mỹ rất thiếu ổn định, do sự biến động liên tục của kỳ vọng về những gì mà Fed có thể hành động với lãi suất, tác động của lãi suất cao nhất trong 16 năm qua đang “phủ bóng” lên những người đi vay và các ngân hàng vốn đang quen với mức lãi suất cực thấp. Trong khi đó, nợ công và thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ đã tăng đáng kể sau đại dịch COVID-19.

Căng thẳng gia tăng trên khắp khu vực Trung Đông có thể là một yếu tố ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng nó đang bị che phủ bởi tình trạng hỗn loạn hiện có tại các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Khả năng phục hồi rõ ràng của thị trường chứng khoán Mỹ trước sự gia tăng lợi suất trái phiếu có thể chỉ là đột biến, do sự thống trị thị trường của một số cổ phiếu công nghệ lớn. Không loại trừ khả năng những gì đang xảy ra phản ánh một khía cạnh khác của dòng vốn đầu tư tìm kiếm thị trường trú ẩn an toàn.

Khi phạm vi xung đột ở Trung Đông trở nên rõ ràng hơn, việc phân tách các chuỗi ảnh hưởng bên trong thị trường sẽ dễ dàng hơn. Hy vọng rằng những ảnh hưởng đó vẫn chủ yếu mang tính chất nội địa, thay vì xuất phát từ xung đột quân sự, có khả năng gây ra sự đe dọa và tàn phá không chỉ đối với thị trường tài chính./.

Diệu Linh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here