Xu hướng thiết lập chuỗi cung ứng khoáng sản thiết yếu bền vững và cơ hội cho Việt Nam

0
310
(minh hoạ)

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, có khoảng 50 khoáng sản thiết yếu và tập hợp của 17 nguyên tố đất hiếm (REE) giúp nền kinh tế kỹ thuật số hiện đại hoạt động ổn định. Những vật liệu này được sử dụng để sản xuất tua-bin gió, động cơ xe điện và điện thoại thông minh, cũng như các thiết bị quân sự hiện đại như máy bay chiến đấu F-35 và nhiều mặt hàng công nghệ cao khác.

Các khoảng sản thiết yếu được phân bổ rộng khắp thế  giới với trữ lượng khác nhau, do đó thời gian gần đây nhiều quốc gia và doanh nghiệp quan ngại về nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng khoáng sản thiết yếu trước tác động của dịch bệnh, cạnh tranh nước lớn và xung đột tại Ukraine.

Theo Bộ Năng lượng Mỹ và một số cơ quan nghiên cứu, lithium, niken và coban (tất cả đều được sử dụng để sản xuất pin), cũng như dysprosium (thiết bị lưu trữ dữ liệu), iridium (lớp phủ cực dương), neodymium (nam châm), praseodymium (hợp kim hàng không vũ trụ), terbium (sợi quang học) và đất hiếm là những khoáng chất quan trọng hàng đầu đối với nhu cầu năng lượng và có nguy cơ chịu các cú sốc cung ứng cung cao nhất.

Trong 5 năm qua, thị trường khoáng sản thiết yếu đã tăng gấp đôi quy mô, lên 320 tỷ USD và được dự báo sẽ tăng gấp đôi một lần nữa vào cuối thập niên. Gần như mọi sản phần công nghệ được sử dụng trong đời sống hàng ngày và kinh doanh đều yêu cầu đầu vào khoáng sản thiết yếu. Ví dụ, pin xe điện cần trung bình 200kg khoáng chất quan trọng cho mỗi chiếc xe, gấp gần 6 lần lượng khoáng chất cần thiết cho một chiếc ô tô thông thường. Dự báo xe điện sẽ chiếm 72% tổng doanh số bán xe mới ở EU và 50% ở Mỹ vào năm 2030, trên đà đạt một nửa doanh số toàn cầu vào năm 2035. Nhu cầu về xe điện tăng cao sẽ đòi hỏi nguồn cung hàng nghìn kiloton khoáng sản thiết yếu tăng vọt.

Xu hướng thiết lập chuỗi cung ứng khoáng sản thiết yếu bền vững

Nhiều quốc gia đang thực hiện lộ trình chuyển đổi xanh và tăng cường ứng dụng các công nghệ xanh và sạch hơn, trong đó bao gồm các nỗ lực tăng cường sự tự chủ về năng lượng và giảm phụ thuộc vào dầu khí nhập khẩu. Tuy nhiên, các chính sách này có thực hiện được hay không phụ thuộc vào việc bảo đảm chuỗi cung ứng khoáng sản đầu vào.

Trong bối cảnh nhu cầu khoáng sản thiết yếu ngày càng tăng, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu các chuỗi cung ứng khoáng sản. Trung Quốc hiện chiếm 85 – 90% sản lượng tinh chế từ khai thác kim loại của REE toàn cầu và 92% sản lượng nam châm REE toàn cầu, 68% coban, 65% niken và 60% lithium cần thiết cho pin xe điện. Các đánh giá cho rằng 65% linh kiện pin, 71% pin và 57% xe điện trên thế giới được sản xuất tại Trung Quốc.

Thời gian qua, nhiều nước đã công bố các chiến lược và kế hoạch quốc gia để nâng cao khả năng tự chủ đối với khoáng sản thiết yếu. Tháng 3/2023, EU ban hành Đạo luật Khoáng sản Thiết yếu với mục tiêu “giảm sự phụ thuộc vào các bên thứ ba để tiếp cận các khoáng sản thô quan trọng”. Tháng 6/2023, Australia công bố chiến lược khoáng sản thiết yếu với mục tiêu đưa Australia trở thành cường quốc về năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, một số nước có ​​xu hướng gia tăng các biện pháp hạn chế xuất khẩu tài nguyên khiến số lượng các biện pháp hạn chế tăng gấp 5 lần trong gần 2 thập kỷ qua. Gần đây, Zimbabwe cấm xuất khẩu lithium chưa qua chế biến để khuyến khích việc chế biến trong nước. Indonesia, nơi có 21% trữ lượng niken thế giới và 37% sản lượng mỏ niken, đã hạn chế xuất khẩu quặng niken. Philippines, nước cung cấp niken lớn thứ hai thế giới (12%), có kế hoạch đánh thuế xuất khẩu niken để khuyến khích ngành công nghiệp trong nước. Chile tiến hành quốc hữu hóa ngành công nghiệp lithium, vốn chiếm 26% trữ lượng của thế giới.

Việc thiết lập chuỗi cung ứng khoáng sản thiết yếu bền vững, đa dạng và linh hoạt đang trở thành nhu cầu cấp thiết của các quốc gia để thực hiện các mục tiêu phát triển biền vững. Không quốc gia nào có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu khoáng sản thiết yếu trong nước và mọi quốc gia ở mức  độ khác nhau đều có nhu cầu nhập khẩu các khoáng sản thiết yếu. Mỹ hiện nhập khẩu một nửa lượng tiêu thụ khoáng sản. Trung Quốc cũng phải nhập khẩu khoáng sản để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và tiêu dùng tại thị trường hơn 1 tỷ dân.

Để tiến tới thiết lập chuỗi cung ứng khoáng sản thiết yếu bền vững, các khuyến nghị quốc tế cho rằng các nước cần có một chiến lược toàn diện, có sự tham gia của khu vực công và tư, có chiến lược đầu tư, khuôn khổ pháp lý và các phương thức hợp tác quốc tế mới. Một số khuyến nghị theo Goldman Sachs và các cơ quan nghiên cứu bao gồm:

Chiến lược đầu tư vào các công đoạn của chuỗi giá trị. Hiện các kế hoạch đầu tư vào chuỗi cung ứng khoáng sản thiết yếu của một số nước tập trung vào khai thác nguyên liệu thô hoặc sản xuất các thành phần công nghệ sạch, là những bước đầu tiên và cuối cùng của chuỗi giá trị. Các quốc gia cần đưa ra chiến lược với các biện pháp khuyến khích trong toàn chuỗi cung ứng, không chỉ đối với các sản phẩm cuối cùng, và cần ưu tiên những khâu có lợi thế hoặc có khả năng đem lại lợi ích cao.

Giảm tải quy trình tài trợ, cấp phép và thực hiện các dự án khoáng sản thiết yếu nhằm giảm thời gian và chi phí cần thiết để phát triển các mỏ và cơ sở chế biến khoáng sản mới, đồng thời quan tâm thích đáng tới vấn đề môi trường và xã hội.

Thiết lập các quan hệ đối tác mới. Mỹ và một số đồng minh như Anh, EU đang đàm phán để ký kết thỏa thuận khoáng sản thiết yếu, cho phép các thành phần có nguồn gốc từ Anh, EU đủ điều kiện nhận tín dụng theo Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ. Mỹ và Nhật Bản đã ký thỏa thuận khoáng sản thiết yếu vào tháng 3/2023. Mỹ, EU, Nhật Bản và Anh đang thành lập một “câu lạc bộ các bên” khoáng sản thiết yếu để giảm sự phụ thuộc vào bên thứ ba. 13 nước thành viên Hiệp định Đối tác An ninh Khoáng sản, không bao gồm các nước Mỹ Latinh và Đông Nam Á, đã lên kế hoạch thực hiện 15 dự án tiềm năng tại một số khu vực.

Trong khi đó, hợp tác giữa Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực khoáng sản đang gia tăng. Trong bảy tháng đầu năm 2023, thương mại song phương giữa Moscow và Bắc Kinh đạt 134 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó bao gồm các khoáng sản thiết yếu như nhôm và niken.

Nghiên cứu và phát triển, các quốc gia cần tập trung nâng cao năng lực, đào tạo chuyên gia ngành khai thác chế biến khoáng sản, chú trọng đào tạo nghề và giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu của ngành và nhu cầu của người tiêu dùng. Đổi mới công nghệ, kỹ thuật sản xuất, phương pháp khai thác cũng góp phần làm chuỗi cung ứng khoáng sản thiết yếu trở nên linh hoạt, bền vững hơn.

Những cơ hội đối với Việt Nam

Theo đánh giá của Cục Địa chất Việt Nam, Việt Nam có trên 5.000 mỏ, điểm quặng của 50 loại khoáng sản khác nhau, trong đó có một số loại khoáng sản trữ lượng đáng kể, tầm cỡ thế giới, có ý nghĩa chiến lược và là nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội.

Trữ lượng và tài nguyên đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Nguyên tố đất hiếm là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao như sản xuất chất bán dẫn, điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang, đồng thời được dùng để sản xuất các thiết bị điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính, xe ô tô điện, pin lưu trữ, tấm pin mặt trời và tua bin gió, nam châm,  chất phát quang…

Việt Nam có trữ lượng quặng titan, được xem là vật liệu tương lai, khoảng 663,15 triệu tấn khoáng vật nặng có ích, đứng thứ 6 trên thế giới. Việt Nam cũng có trữ lượng lớn quặng bauxit (3.500 triệu tấn quặng tinh), urani (218.000 tấn U308) và một số nguyên liệu thiết yếu khác.

Theo đánh giá của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, việc sở hữu số lượng đáng kể các nguyên liệu quý như đất hiếm là yếu tố quan trọng để Việt Nam thu hút công nghệ bán dẫn, nhất là trong bối cảnh dịch chuyển các chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất tại châu Á. Kinh nghiệm một số nước trong khu vực, điển hình là Indonesia cho thấy việc sở hữu nguồn nguyên liệu quý hiếm (niken) cùng với các biện pháp thu hút đầu tư đã giúp Indonesia thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khai khoáng và ô tô điện trị giá hàng tỷ USD.

Với mạng lưới đối tác rộng khắp, bao gồm hơn 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện cùng hơn 60 đối tác FTA, Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khoáng sản thiết yếu bền vững, cũng như xác lập vị thế vững chắc hơn trong các chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất tại châu Á và toàn cầu. Trong thời gian qua, giữa Việt Nam và một số đối tác đã hình thành các nội dung hợp tác, trao đổi liên quan đến chuỗi cung ứng khoán sản và ngành bán dẫn, bao gồm Biên bản ghi nhớ thành lập Trung tâm chuỗi cung ứng Việt Nam – Hàn Quốc về đất hiếm và khoáng sản cốt lõi, các thỏa thuận giữa các đối tác Việt Nam và Mỹ về lĩnh vực bán dẫn…

Bên cạnh những cơ hội, việc củng cố, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng khoáng sản thiết yếu bền vững cần lưu ý một số vấn đề, bao gồm bảo đảm hài hòa giữa nhu cầu phát triển kinh tế với các yếu tố xã hội, môi trường, bảo đảm lợi ích giữa các bên hợp tác, tham gia chuỗi cung ứng… Một số khuyến nghị được đưa ra bao gồm:

Một là, nghiên cứu xây dựng các chiến lược, kế hoạch, chính sách tổng thể liên quan đến chuỗi cung ứng các khoáng sản thiết yếu để bảo đảm tính hài hòa, đồng bộ trong việc thiết kế và triển khai các hoạt động khai thác, ứng dụng, phát triển, cũng như bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu kinh tế với xã hội và môi trường. Vừa qua, cũng đã có những khuyến nghị về xây dựng chiến lược/định hướng dài hạn phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hai là, bảo đảm sự gắn kết giữa các chính sách khai thác, sử dụng nguồn cung khoáng sản với các chính sách thu hút đầu tư, công nghệ, nguồn vốn từ bên ngoài. Một số nước trong khu vực, nhất là Indonesia rất chú trọng các chính sách này để phục vụ mục tiêu phát triển các chuỗi cung ứng khoáng sản và thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Ba là, chú trọng hợp tác quốc tế về thiết lập chuỗi cung ứng khoáng sản thiết yếu bền vững, trong đó lựa chọn các đối tác có tiềm lực về vốn, công nghệ, có nhu cầu hợp tác trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Cần khuyến khích các hoạt động hợp tác kinh doanh, đầu tư ở cấp độ doanh nghiệp gắn với các biện pháp quản lý vĩ mô nhằm bảo đảm lợi ích của cả doanh nghiệp và Nhà nước trong tiến trình thiết lập chuỗi cung ứng khoáng sản thiết yếu bền vững.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here