Củng cố vị trí “then chốt và lực lượng vật chất quan trọng” của doanh nghiệp Nhà nước

0
79

“Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong thực hiện phát triển kinh tế, xã hội”.

Chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trên phạm vi toàn quốc, về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính tái khẳng định “DNNN giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội”.

“Chúng ta phải lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp, đặt mình vào vị trí doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi người chung tay, góp sức, nỗ lực trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để góp gió thành bão, vượt qua khó khăn”. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Khó khăn tiềm ẩn rất lớn

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có gần 680 DNNN (trong đó, có 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chiếm gần 6% số doanh nghiệp cả nước và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần, chiếm gần 2,4%) nhưng nắm một lượng tài sản rất lớn, hơn 3,8 triệu tỷ đồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá các DNNN hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân người lao động tăng lên.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN cơ bản được ổn định, tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp hoạt động thua lỗ. Hiệu quả đầu tư chưa đạt kỳ vọng, một số dự án có lỗ lũy kế lớn. Việc xử lý các dự án kém hiệu quả chưa được giải quyết triệt để.

Cụ thể, tính đến hết năm 2022, tổng tài sản của DNNN đạt 3,8 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2021. Vốn nhà nước đang đầu tư tại các DNNN là 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2021.

Tổng doanh thu của các DNNN năm 2022 đạt 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2021. Lãi phát sinh trước thuế của DNNN tính đến cuối năm 2022 đạt 241.165 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2021.

Mặc dù ghi nhận lãi ở nhiều doanh nghiệp khu vực này, song một số tập đoàn, tổng công ty đã phát sinh lỗ lớn. Tính đến cuối năm 2022 có 64/676 doanh nghiệp (chiếm 9% tổng số DNNN) có lỗ phát sinh với tổng số lỗ phát sinh là 29.456 tỷ đồng; 144/676 doanh nghiệp (chiếm 21% tổng số DNNN) còn lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 69.892 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả của DNNN năm 2022 là 1.981.967 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2021, trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 55%. Tổng lỗ phát sinh của cả khu vực DNNN là 33.639 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở khối các doanh nghiệp trung ương như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ phát sinh 32.055 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng không lỗ phát sinh 1.317 tỷ đồng.

Ước tính, tổng doanh thu của 847 doanh nghiệp có vốn nhà nước năm 2023 có thể đạt 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, lãi phát sinh trước thuế ước đạt 117.388 tỷ đồng dự kiến tăng 9%, nộp ngân sách tăng 7% so với kế hoạch cả năm; lỗ phát sinh ước đạt 41.666 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, so với năm 2022, doanh thu của khu vực này chỉ bằng 51%, lãi trước thuế giảm 47,3% và phần nộp ngân sách cũng giảm 32,9%… Bức tranh sản xuất kinh doanh năm nay của khu vực DNNN cho thấy, dù có nỗ lực và đang khả quan so với kế hoạch, song những khó khăn tiềm ẩn còn rất lớn.

“Đường dù hiểm nghèo cũng có lối đi”

Trong tám tháng đầu năm 2023, dù chịu ảnh hưởng lớn từ tình hình thế giới với đặc điểm chung là lạm phát neo ở mức cao, tăng trưởng chậm lại, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự chỉ đạo, điều hành khoa học, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế – xã hội tháng Tám và tám tháng duy trì đà “tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước” trên nhiều lĩnh vực.

Trong đó, Cộng đồng doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng nỗ lực không ngừng, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục vươn lên, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết.

Tuy nhiên, sự đóng góp không như trước của khu vực DNNN không chỉ do tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn hơn. Báo cáo với Thường trực Chính phủ tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phải nhắc tới viễn cảnh không mấy tích cực, trước mắt là khoảng năm năm tiếp theo, khi việc thực hiện các dự án đầu tư mới của DNNN trong thời gian qua không được thúc đẩy, dẫn tới không tạo ra được năng lực tăng thêm. Đây cũng là điều mà chính các tập đoàn, tổng công ty nhà nước luôn đau đáu.

Hiện tại, tỷ trọng đóng góp của DNNN vào GDP khoảng 29%. Thủ tướng đặt ra là làm thế nào để khai thác nguồn lực đang nằm trong DNNN, trong tập đoàn kinh tế, đưa sớm nguồn lực vào nền kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các DNNN cần sớm hoàn thiện, trình các cấp về kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư. Chủ động nghiên cứu xu hướng phát triển các ngành, lĩnh vực mới; bảo đảm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, các cân đối lớn, thực hiện tốt đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, cần tháo gỡ cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp. Trong đó tập trung xử lý vướng mắc phát sinh khi thực hiện Luật 69 và các văn bản hướng dẫn; tháo gỡ cơ chế và hoàn thiện đề án phát triển DNNN phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt, đưa ra các chính sách vượt trội, đặc thù…

Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng, một số ngành cần tập trung xây dựng cơ chế như: Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; Chiến lược quốc gia về phát triển ngành hydrogen; ngành, lĩnh vực quan trọng phục vụ phát triển nền kinh tế đất nước theo hướng bền vững, tuần hoàn; năng lượng tái tạo/năng lượng sạch (điện gió ngoài khơi, hyrogen, LNG), thiết kế và sản xuất chip, bán dẫn…

Để DNNN thực sự trở thành “lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước” dẫn dắt các thành phần kinh tế khác, Thủ tướng đề nghị tập trung đánh giá tình hình, những thành tựu, đóng góp của DNNN, những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân chủ quan và khách quan, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách đối với khu vực doanh nghiệp này, những tồn tại hạn chế trong chính doanh nghiệp, những khó khăn nào xuất phát từ thể chế chính sách, những khó khăn nào xuất phát từ khâu triển khai thực hiện để đề xuất rõ cấp nào, bộ nào cần xử lý các vướng mắc, từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tại các DNNN.

Thủ tướng chỉ đạo, trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung thúc đẩy có trọng tâm, trọng điểm ba động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), tiếp tục củng cố, phát huy lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, vực dậy lĩnh vực công nghiệp, trong đó tập trung cho lĩnh vực chế biến, chế tạo, tháo gỡ khó khăn thị trường, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng….

Cùng với đó, cần nhận định, đánh giá đúng, sát vị thế, vai trò của DNNN hiện nay, từ đó làm rõ mục tiêu sắp xếp, cải cách khu vực DNNN phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. Đây cũng là công việc phục vụ cho việc tổ chức sơ kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW năm 2017 của Trung ương khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, báo cáo cấp có thẩm quyền. Tinh thần là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với các DNNN.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển của các DNNN cần góp phần tiếp tục cụ thể hóa, triển khai các thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam với các nước, các đối tác, trong đó có Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhất là sau các chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối năm 2022 và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden mới đây.

Với tinh thần “Non cao cũng có đường trèo/Đường dù hiểm nghèo cũng có lối đi”, Thủ tướng mong muốn, với sự bản lĩnh, kiên định, năng động, sáng tạo, tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội lớn, vì khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc ấm no, khối DNNN tìm ra giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tốt hơn, tập trung cho các động lực tăng trưởng, đặc biệt là về đầu tư.

Trong sáu tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu của các DNNN trên cả nước là 689.534 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023. Lãi phát sinh trước thuế thu nhập doanh nghiệp là 67.403 tỷ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm 2023.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here