Kinh tế về đích, nhưng khó khăn đã ập đến

0
66
(
(ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê)

Theo ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kinh tế năm 2022 đã về đích với tốc độ tăng trưởng 8,02% – cao nhất trong nhiều năm qua. Nhưng khó khăn đã ập đến kể từ đầu quý IV/2022.

Ông nhận xét thế nào về tăng trưởng GDP năm 2022?

Trong 3 quý đầu năm 2022, chứng kiến sự khởi sắc của kinh tế Việt Nam sau 2 năm đại dịch. Tuy nhiên, bước sang quý IV, nền kinh tế trở nên khó khăn hơn khi khu vực công nghiệp xoay chiều suy giảm. Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực có xu hướng tăng trưởng chậm, thậm chí tăng trưởng âm như ngành sản xuất kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, thiết bị điện, cao su, plastic, thuốc lá, khai thác than. Đặc biệt, đầu tàu trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như dệt may, da giày, sản phẩm điện tử, máy vi tính giảm tốc trong quý IV.

Rất không vui khi trong thời điểm kết thúc năm 2022 để chuẩn bị kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, chúng ta phải chứng kiến tình trạng doanh nghiệp giải thể, người lao động buộc phải nghỉ việc hoặc giảm giờ làm đang diễn ra phổ biến. Nguyên nhân của tình trạng này đến nhiều từ yếu tố bên ngoài và một phần yếu tố trong nước.

Yếu tố bên ngoài tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam có thể kể đến là gì, thưa ông?

Theo tôi, có 3 yếu tố bên ngoài tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam năm 2022.

Thứ nhất là, nhu cầu tiêu dùng thế giới suy yếu. Nguyên nhân là do chính sách tiền tệ thắt chặt ở Mỹ và các nước châu Âu nhằm kiểm soát lạm phát khiến tiêu dùng bị sụt giảm. Điều này đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam do đây là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam ngoài Trung Quốc. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bị cắt giảm đơn hàng nên buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất.

Thứ hai là, thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu do Trung Quốc đóng cửa nền kinh tế để thực thi chính sách Zero Covid, dẫn đến làn sóng đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu của thế giới. Điều này tác động mạnh và trực tiếp tới Việt Nam bởi nhiều ngành hàng của Việt Nam bị phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc như dệt may, hóa chất, sản xuất kim loại, sản xuất điện tử… Việc phải tìm nguồn nguyên liệu mới thay thế cho nguồn cung đứt gãy trở nên càng khó khăn hơn do việc tiếp cận thị trường mới bị hạn chế bởi xung đột Nga – Ukraine, kinh tế toàn cầu suy giảm và chi phí vận tải, logistics tăng.

Thứ ba là, chi phí đầu vào tăng cao do các yếu tố phi kỹ thuật. Xung đột Nga – Ukraine đã chia cắt cung cầu thế giới, đồng thời chia cắt các hướng tiếp cận thị trường quốc tế, đẩy giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao khiến chi phí đầu vào lại càng bị đội lên.

Thế còn yếu tố bên trong thì sao?

Lãi suất trong nước tăng mạnh, đặc biệt lãi suất huy động thỏa thuận trên thị trường đang rất cao, khiến tiêu dùng cuối cùng sẽ suy giảm, sản xuất trở nên khó khăn hơn.

Đầu tư công triển khai chậm so với kế hoạch do vướng mắc ở nhiều khâu, đặc biệt là về thể chế, các quy định pháp lý đang cản trở việc triển khai đầu tư công ở hầu khắp các địa phương và bộ, ngành. Điều này đã và đang ảnh hưởng lớn đến kế hoạch khôi phục kinh tế của Việt Nam.

Mặc dù nền kinh tế đã dần mở cửa từ tháng 10/2022 và “bình thường cũ” trở lại kể từ đầu tháng 3/2022, nhưng năng lực nội tại của khối doanh nghiệp chưa phục hồi, cộng với những khó khăn về thị trường, đơn hàng, nguồn hàng, khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm dần qua từng tháng kể từ tháng 9/2022 cũng là nguyên nhân dẫn tới tốc độ tăng trưởng GDP quý IV/2022 thấp nhất so với giai đoạn 2011-2019, thưa ông?

Sau khi mở cửa trở lại, kinh tế Việt Nam đã bật mạnh trong năm 2022, đặc biệt là giai đoạn giữa năm. Tăng trưởng GDP 3 quý đầu năm đạt 8,85% với mức tăng trưởng khá ở hầu hết các ngành kinh tế. Nhiều ngành đã gần như quay trở lại mức trước đại dịch. Điều này cho thấy, Việt Nam đã thích nghi và tận dụng tốt cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, sang quý IV, tình hình trở nên xấu đi, nguyên nhân như tôi đã nói ở trên. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm mạnh kể từ tháng 9/2022 chỉ là hệ quả tất yếu của hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn do cả yếu tố trong nước lẫn ngoài nước.

Có nghĩa, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm không phải do năng lực sản xuất nội địa, mà chủ yếu do yếu tố khách quan?

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã vượt 700 tỷ USD và trở thành một trong 20 nền kinh tế có hoạt động xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới. Kể từ khi mở cửa nền kinh tế, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ, kể cả trong những thời điểm thương mại thế giới suy thoái như năm 2020 và 2021 diễn ra đại dịch Covid-19, hay những thời điểm cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc kinh tế, thì hoạt động cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.

Vì vậy, có thể khẳng định, kim ngạch xuất khẩu trong quý IV/2022 giảm dần qua từng tháng không phải do năng lực sản xuất của Việt Nam không đảm bảo, mà chủ yếu do cầu tiêu dùng thế giới suy giảm nên doanh nghiệp không ký thêm được hợp đồng để gia tăng sản xuất. Để khắc phục, hạn chế xu thế suy giảm này, theo tôi cần phải kích cầu thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp căn cơ lâu dài, đó là nội địa hóa nhiều hơn nữa bằng cách phát triển công nghiệp phụ trợ do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất tại Việt Nam và kêu gọi các doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất tại Việt Nam, để tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu.

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp các ngành kể trên giãn nộp thuế, hỗ trợ về lãi suất cho vay, tìm kiếm thì trường xuất khẩu để các doanh nghiệp duy trì sản xuất, giảm thiểu việc cắt giảm lao động.

(Mạnh Bôn/baodautu.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here