An ninh lương thực: Vấn đề ngày càng ‘nóng’ ở Đông Nam Á

0
560
An ninh lương thực sẽ là một trong những vấn đề trọng tâm của các cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo ASEAN trong thời gian tới. (Nguồn: EPA)

Tình trạng nguồn cung lương thực bị thu hẹp và giá cả tăng cao đã đặt vấn đề an ninh lương thực lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của các quốc gia Đông Nam Á.

An ninh lương thực sẽ là một trong những vấn đề trọng tâm của các cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo ASEAN trong thời gian tới. (Nguồn: EPA)

Theo Nikkei Asia, ngành công nghiệp thực phẩm chế biến từ nông nghiệp toàn khu vực Đông Nam Á đang đối mặt với nhiều thách thức khi giá lương thực không ngừng tăng.

Đơn cử như tại Lào, lạm phát cán mốc cao nhất trong 22 năm qua là 34% vào tháng 9/2022, chủ yếu do chi phí lương thực cao hơn. Giá gạo, thực phẩm chính của người Lào, cao hơn 45,3% so với năm 2021. Tương tự, tại Philippines, giá lương thực tăng 9,8% trong tháng 10/2022, so với mức tăng 7,7% trong tháng 9.

Mặc dù giá lương thực cao có thể mang lại lợi nhuận ngắn hạn cho một số nhà sản xuất nông nghiệp, nhưng chúng cũng dẫn đến chi phí đầu vào cao hơn cho các doanh nghiệp ở phía dưới chuỗi giá trị, chẳng hạn như các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống.

Ở góc độ người tiêu dùng, giá thực phẩm tăng nhanh hơn có thể nhanh chóng dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực và tài chính. Đặc biệt là ở các nước Đông Nam Á, thực phẩm thường chiếm từ 1/3 đến 1/2 chi tiêu hộ gia đình. Chi phí sản xuất lương thực tăng đột biến có thể nhanh chóng biến thành lạm phát trên diện rộng và tạo ra khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Những áp lực này, cộng hưởng với tình trạng biến đổi khí hậu và thay đổi nhân khẩu học, đang đặt ra thách thức cho ngành nông nghiệp – thực phẩm của Đông Nam Á, lĩnh vực tạo ra 127 triệu việc làm, tương đương từ 1/3 đến 1/2 tổng số việc làm ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Ngành nông nghiệp – thực phẩm, bao gồm sản xuất nông nghiệp và sản xuất và phân phối thực phẩm, đã đóng góp gần 810 tỷ USD cho 5 nền kinh tế ở khu vực Đông Nam Á, chiếm từ 1/4 đến 1/3 tổng sản phẩm quốc nội của mỗi nền kinh tế.

Hiện nay, ở các quốc gia Đông Nam Á đang có 3 thực trạng đặt ra các mối đe dọa bổ sung đối với quá trình phục hồi sau đại dịch của ngành nông nghiệp – thực phẩm.

Một là, chủ nghĩa dân tộc về thực phẩm. Từ tháng 6-10/2022, Malaysia đã tạm dừng xuất khẩu gia cầm sống để đảm bảo đủ nguồn cung trong nước trong bối cảnh giá tăng cao. Indonesia cũng cấm xuất khẩu dầu cọ trong tháng 5/2022.

May mắn thay, mức độ phổ biến của các biện pháp hạn chế xuất khẩu mới đã giảm bớt trong những tháng gần đây, nhưng những phản ứng tức thời như vậy có thể quay trở lại nếu giá lương thực tăng cao hơn nữa.

Trên thực tế, các biện pháp hạn chế xuất khẩu là một giải pháp hoàn toàn không hiệu quả nhằm ngăn ngừa giá cả tăng cao. Trong ngắn hạn, việc cấm xuất khẩu lương thực sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà sản xuất lương thực và ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài.

Mặc dù nó có thể giúp tạm thời dập tắt lạm phát đối với các quốc gia xuất khẩu ròng, nhưng các nước nhập khẩu lương thực ròng, chẳng hạn như Philippines, Brunei và Singapore, buộc phải chịu thêm mức giá tăng, góp phần vào lạm phát chung thông qua nguồn cung trong khu vực ASEAN hội nhập chặt chẽ.

Hai là, quá trình tái cân bằng tài khóa diễn ra trên khắp Đông Nam Á sau các biện pháp tài khóa bất thường trong thời kỳ đại dịch và bối cảnh chi phí vay nợ ngày càng tăng có thể đặt ra một thách thức khác đối với lĩnh vực nông sản thực phẩm.

Ổn định tài chính rõ ràng phải là một ưu tiên, nhưng các chính phủ nên tiếp cận các loại thuế mới đối với tiêu dùng thực phẩm và đồ uống, hoặc loại bỏ các khoản trợ cấp hiện có đối với nguồn cung nhiên liệu một cách thận trọng. Tác động của chi phí cao hơn nhu cầu của người tiêu dùng sẽ gia tăng trong bối cảnh lạm phát đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp và lợi nhuận của nhà sản xuất bị siết chặt.

Ba là, rủi ro từ các khoản thuế tiêu thụ đặc biệt liên quan đến sức khỏe. Các loại thuế mới đối với hàm lượng muối, thực phẩm chế biến và đồ uống có đường đang trong giai đoạn được triển khai ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.

Mặc dù có lý do đúng đắn đằng sau các khoản thuế này, nhưng nhiều đề xuất được thực hiện theo cách từ trên xuống mà không có sự tham vấn và hợp tác đầy đủ với người tiêu dùng và nhà sản xuất. Điều này gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh và hiếm khi đạt được các mục tiêu y tế.

Indonesia đã nhấn mạnh vấn đề an ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu khi nước này đăng cai Chủ tịch ASEAN vào năm 2023. Chính vì vậy, những giải pháp nhằm đối phó với tình trạng mất an ninh lương thực trong ngắn hạn và dài hạn sẽ là một trọng tâm của các cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo ASEAN trong thời gian tới.

Thu Trang

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here