Những cơ hội mà doanh nghiệp Việt Nam không nên bỏ lỡ tại Israel

0
81
Tọa đàm quảng bá du lịch và xúc tiến thương mại nông sản Việt Nam ngày 15/6/2022 tại Tel Aviv. (Nguồn: TTXVN)

Chỉ ra những thuận lợi và khó khăn tại địa bàn Israel, Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung khẳng định cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Israel là rất lớn, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Các thành tựu về công nghệ giống, nuôi trồng, tưới tiêu, bảo quản sau thu hoạch và thương mại hóa của Israel rất đáng học tập. (Nguồn: Dreamstime)

Đánh giá Israel là một đất nước mà ở đó “đất cực kỳ quý và nước cực kỳ hiếm”, Đại sứ Lý Đức Trung chỉ ra rằng tại quốc gia Trung Đông này, mọi thứ khó và dễ luôn đan xen đến mức ranh giới khó phân định rạch ròi, đôi khi tưởng rằng rất thuận lợi nhưng lại rất khó khăn và ngược lại.

Khó và dễ đan xen

Về chính trị – an ninh, trong vòng 4 năm qua, Israel trải qua 5 cuộc bầu cử khác nhau, gần đây nhất là cuộc bầu cử thứ 5 diễn ra vào ngày 1/11/2022. Cử tri Israel phải đợi đến những ngày cuối năm 2022 để biết rõ các thành viên trong nội các mới của Thủ tướng Benjamin Netanyahu gồm những gương mặt nào. Đây cũng được coi là nội các cứng rắn và cực hữu nhất trong lịch sử 75 năm tái lập quốc của Nhà nước Do Thái Israel. Tuy chính trường Israel có thể sơ bộ ổn định trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới nhưng mất an ninh, mất an toàn xã hội, gia tăng xung đột và cọ xát giữa Israel và Palestine có thể sẽ lên tới mức cao nhất trong nhiều năm.

Tuy vậy, chính quyền địa phương Israel rất ổn định, kinh tế địa phương cũng phát triển ổn định, các vùng và đô thị có chính sách tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế cũng như giao thương quốc tế, nhiều lãnh đạo địa phương liên tục được bầu lại làm thị trưởng nhiều kỳ, có những người đã làm từ 15 – 20 năm và vẫn có khả năng tái cử.

Nhiều địa phương của Israel triển khai các chương trình hợp tác kết nghĩa với rất nhiều thành phố các nước khác nhau trên thế giới cùng một lúc.

Về kinh tế – đầu tư, trong 3 năm đại dịch Covid-19, trong khi các nước và khu vực trên thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế Israel phát triển khá vững chắc.  Năm 2021 GDP tăng hơn 8%, đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao đạt mức kỷ lục 26 tỷ USD. Dự kiến cả năm 2022, GDP sẽ tăng hơn 6%, đầu tư vào công nghệ cao dự kiến giảm nhưng vẫn đạt khoảng 15 tỷ USD.

Tuy nhiên, do các dòng vốn ngoại đổ vào lớn và liên tục phần nào đã gây ra “bong bóng công nghệ” khiến giá cả tăng vọt, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, phải thắt chặt chi tiêu. Tel Aviv luôn đứng trong tốp 3 thành phố đắt đỏ nhất thế giới, đồng nội tệ shekel của Israel cũng lên giá mạnh khiến Ngân hàng trung ương của Israel cũng phải tăng lãi suất lên cao nhất trong vòng 20 năm qua (3,5%).

Thực tiễn này khiến cho hàng hóa các nước nhập vào Israel phần nào kém cạnh tranh vì giá bán cao và các hoạt động xúc tiến cũng giảm quy mô vì ngân sách ngày càng trở nên eo hẹp so với chi phí dịch vụ tăng cao (có mặt hàng rau quả, thực phẩm tăng đến 50%, bất động sản tăng khoảng 20% và giá thuê nhà tăng khoảng 30% trong vòng 3 năm).

Về văn hóa – xã hội, Israel là nước rất hấp dẫn về du lịch tôn giáo, tâm linh (thánh địa Jerusalem) và chăm sóc sức khỏe (Biển Chết) cũng như các loại công nghệ đời sống phát triển hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, nguy cơ xung đột giữa các bộ phận dân cư theo các tôn giáo khác nhau luôn tiềm ẩn, nhất là giữa người Đạo Hồi và Do Thái giáo bên cạnh vấn đề tranh chấp lãnh thổ kéo dài giữa Israel và Palestine khiến môi trường an ninh, an toàn cho người dân gặp nhiều thách thức.

Trong năm 2021, các đợt bắn tên lửa từ Dải Gaza vào Israel kéo dài gần 1 tháng gây nhiều thiệt hại về người và của. Năm 2022 tuy có giảm mạnh về cường độ nhưng cũng gây hoang mang về tâm lý cho doanh nghiệp và người dân trong làm ăn và giao thương.

Bên cạnh đó, chính quyền Israel tập trung nguồn lực và ưu tiên phục vụ người Do Thái trước hết nên hoạt động của người không phải gốc Do Thái và người nước ngoài ít được quan tâm, tạo thuận lợi.

Đại sứ Lý Đức Trung và Tham tán thương mại Lê Thái Hòa trao đổi với Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu về hợp tác thương mại, du lịch giữa Việt Nam và Israel. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Israel)

Về môi trường quốc tế, Hiệp định Abraham do Mỹ đỡ đầu bước vào năm kỷ niệm thứ hai, tạo môi trường rất thuận lợi cho Israel mở các cánh cửa sang các nước trong khu vực, nên hoạt động kinh tế đối ngoại của Israel với các nước này nhất là Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Morocco trở thành ưu tiên cao hơn so với các đối tác khác.

Israel và UAE ký FTA sau 6 tháng đàm phán. UAE đầu tư vào quỹ nghiên cứu phát triển tại Israel khoảng 10 tỷ USD, Bahrain đầu tư vào nghiên cứu công nghệ sinh học- nông nghiệp, Morocco thành tâm điểm cho các diễn đàn đầu tư vào đổi mới sáng tạo cũng như Hội nghị Negev dần trở thành diễn đàn thường niên về phát triển kinh tế khu vực.

Tuy nhiên, quan hệ giữa Israel và Iran luôn rất nóng, hai bên cọ xát bán trực tiếp trên chiến trường Syria và gián tiếp trên các diễn đàn khác nhau, luôn ở thế “một mất một còn” và mối hiểm họa hạt nhân treo lơ lửng. Qua đó, ta thấy môi trường quốc tế và khu vực rất “khắc nghiệt” trên mọi phương diện.

Từ những phân tích trên, Đại sứ Lý Đức Trung kết luận rằng, tại địa bàn Israel, khó khăn và thuận lợi luôn đan xen nhưng cơ hội là có khi trong bối cảnh “bão giá”, Israel đã chấp nhận thay đổi tiêu chuẩn hàng hóa tiêu dùng, không quá khắt khe theo các quy định mang tính tôn giáo (theo luật Do Thái Giáo và chứng chỉ Kosher tuyệt đối hóa định chuẩn đối với các hàng hóa tiêu dùng) mà áp dụng luôn các tiêu chuẩn châu Âu CE đối với hàng hóa nhập khẩu vào Israel bắt đầu từ 2022.

“Điều này có lợi cho hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh đàm phán FTA đang bước vào các khâu kỹ thuật cuối cùng và người tiêu dùng Israel cũng rất có cảm tình với đất nước và con người Việt Nam. Quá trình điều chỉnh chính sách từ Covid-19 sang hậu Covid-19 và ứng phó với lạm phát, bão giá của Israel cũng cho ta nhiều thông tin tham khảo hữu ích”, Đại sứ Lý Đức Trung nhấn mạnh.

Tọa đàm quảng bá du lịch và xúc tiến thương mại nông sản Việt Nam ngày 15/6/2022 tại Tel Aviv. (Nguồn: TTXVN)

Khai thác mạnh hơn tiềm năng trong hợp tác nông nghiệp

Nông nghiệp Israel đóng góp cho GDP khoảng 2,5%/năm tương đương khoảng 12-13 tỷ USD. Các thành tựu về công nghệ giống, nuôi trồng, tưới tiêu, bảo quản sau thu hoạch và thương mại hóa của Israel rất đáng học tập.

Người Việt Nam vốn đã biết rất nhiều về ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp và nông nghiệp thông minh của Israel từ rất nhiều năm nay. TH Truemilk luôn được cả hai bên nhắc tới như là một điển hình trong hợp tác doanh nghiệp với doanh nghiệp. Các tỉnh như Sơn La, Ninh Bình và một số địa phương khác ở Đồng bằng Sông Cửu Long cũng ứng dụng thành công công nghệ của Israel trong tưới tiêu, sản xuất rau củ quả và thủy hải sản.

Trên cơ sở đó, Đại sứ Lý Đức Trung cho rằng trong thời gian tới, tiềm năng trong hợp tác nông nghiệp sẽ được khai thác mạnh hơn để phục vụ cho xuất khẩu khi FTA được đưa vào thực hiện và hai bên tiếp tục nỗ lực tìm tiếng nói chung trong hợp tác đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại Israel theo hợp đồng trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nhận định con người luôn là yếu tố quyết định, Đại sứ Lý Đức Trung chỉ ra rằng trong hơn 10 năm hợp tác cử thực tập sinh nông nghiệp sang học tập và làm việc tại Israel, Việt Nam dường như vẫn chưa phát huy được đầy đủ những kiến thức và kỹ năng mà các em sinh viên đã thu nhận được trong quá trình sinh sống Israel.

Tổng số đến nay có khoảng 10.000 sinh viên của các cơ sở đào tạo khác nhau trên cả nước và là con em của nhiều địa phương tỉnh thành khác nhau trên cả nước đã và đang tham gia chương trình. Đại sứ Lý Đức Trung tin rằng đây chính là nguồn lực quan trọng cần khai thác để đẩy mạnh quan hệ hợp tác nông nghiệp giữa hai nước.

Bên cạnh đó, Đại sứ Việt Nam tại Israel cũng gợi ý các Bộ, ngành trung ương và các địa phương cần tập trung đầu tư cho nghiên cứu và phát triển về giống, kỹ thuật canh tác để ứng dụng tại Việt Nam phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác, sinh hoạt của nông thôn Việt Nam, đặc biệt là kỹ thuật và công nghệ canh tác trong các điều kiện khắc nghiệt như đại dương và sa mạc mà Israel có thế mạnh vượt trội.

“Có doanh nghiệp Israel đã nghiên cứu được mô hình canh tác ‘không nước, không phân bón’ và đã bước đầu kết nối được với một số đối tác tại Việt Nam. Chỉ có như vậy, hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Israel mới có thể vươn tới đạt được các bước đột phá trong tương lai”, Đại sứ Lý Đức Trung nhấn mạnh.

Thu Trang

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here