Việt Nam đang chứng tỏ sức hấp dẫn khó cưỡng với các tập đoàn, “ông lớn” thế giới, nhất là khi được đánh giá là cứ điểm phù hợp nhất cho ngành sản xuất, được hưởng lợi từ các công ty theo đuổi chiến lược “Trung Quốc +1”.
Theo một báo cáo mới đây của Nikkei Asia, “gã khổng lồ công nghệ” Apple được cho là sẽ chuyển một số hoạt động sản xuất MacBook sang Việt Nam, một động thái đã được lên kế hoạch từ năm 2020, với lô máy tính xách tay phổ biến đầu tiên của Tâp đoàn dự kiến sẽ được tung ra thị trường từ quốc gia Đông Nam Á này vào đầu tháng 5 năm 2023.
Foxconn Technology Group, nhà cung cấp dịch vụ sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới, đã được Apple yêu cầu nhanh chóng chuẩn bị để có thể lắp ráp MacBook tại Việt Nam sớm nhất trong năm sau. Apple đã làm việc để gia tăng các địa điểm sản xuất bên ngoài Trung Quốc cho tất cả các dòng sản phẩm chính, nhưng để làm như vậy cho sản phẩm cuối cùng, MacBook, Apple đã phải mất nhiều thời gian hơn do chuỗi cung ứng phức tạp.
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước Hàn Quốc vào tháng 12/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc tiếp ông Han Jong-hee, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Samsung Electronics. Tại buổi tiếp, lãnh đạo Tập đoàn cho biết đang có kế hoạch nâng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam lên 20 tỷ USD trong thời gian tới. Số liệu tài chính chi tiết Quý 3/2022 của Samsung Electronics vừa công bố cho thấy, riêng 4 nhà máy của Samsung tại Việt Nam trong 9 tháng 2022 đã đem về tổng doanh thu khoảng 56,6 tỷ USD và lợi nhuận gần 4 tỷ USD (tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước).
Trước đó, tại cuộc tiếp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo tập đoàn LG trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc, ông Kwon Bong-seok, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn LG (Hàn Quốc) cũng cho biết, tập đoàn sẽ đầu tư vào Việt Nam thêm 4 tỷ USD nữa. Tập đoàn mong muốn tiếp tục hợp tác đầu tư tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực và đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất máy ảnh cho điện thoại trong tương lai.
Thời gian qua, tập đoàn LG đã đầu tư 7 dự án tại Hải Phòng với mục tiêu sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm thiết bị nghe nhìn, di động, gia dụng và điện lạnh với tổng vốn đầu tư đạt 7,24 tỷ USD. Tập đoàn này còn hình thành mạng lưới các dự án vệ tinh, sản xuất phụ trợ với khoảng hơn 50 doanh nghiệp đầu tư tại khu công nghiệp Tràng Duệ có tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD.
Việc những “đại gia công nghệ” của thế giới như Samsung, LG hay Apple… cam kết rót vốn hàng tỷ USD cho thấy “sức nóng” của thương hiệu Việt Nam với tiềm năng lớn trở thành một cứ điểm sản xuất mới của thế giới bên ngoài Trung Quốc.
Trong bài viết được đăng tải gần đây, Tạp chí về đầu tư Moneyweek của Anh nhận định, các sản phẩm “Made in Vietnam” đang khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Nhiều tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử đều chung đánh giá là sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam như một bảo chứng cho chất lượng.
Được đánh giá như “ngôi sao đang lên” trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có sự xuất hiện của hầu hết các tên tuổi lớn hàng đầu thế giới về điện tử và công nghệ đã như: Samsung, Intel, LG, Foxconn, Canon, Panasonic, Electronics, Nokia, Meiko, Apple, Microsoft, Qualcomm…
Giải mã sức hút của Việt Nam, các chuyên gia quốc tế cho rằng, quốc gia với cơ cấu dân số trẻ có rất nhiều thuận lợi khi sở hữu vị trí địa lý nằm trong khu vực có nền công nghiệp phát triển nhanh và năng động; thị trường nội địa gần 100 triệu dân và khả năng tiếp cận trực tiếp với thị trường 600 triệu dân của ASEAN. Bên cạnh đó là thị trường xuất khẩu quốc tế rộng lớn nhờ tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTAs).
Ngoài ra, Việt Nam còn là một quốc gia có nguồn lao động dồi dào, độ tuổi còn trẻ và đặc biệt là chi phí khá thấp so với toàn thị trường lao động trên thế giới. Sự ổn định cũng khiến Việt Nam trở thành một lựa chọn hấp dẫn.
Các dự án nghiên cứu phát triển (R&D) đang được ưu đãi đặc biệt và có nhiều tiềm năng phát triển khi Việt Nam có đủ khả năng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này. Thành công của Trung tâm R&D của Samsung Việt Nam là một ví dụ cho nhận định này.
Đáng lưu ý, riêng với nhóm hàng smartphone, Việt Nam cũng đạt tỷ lệ người dân sử dụng ở mức cao trên thế giới, trung bình 1 smartphone/người. Đây cũng là yếu tố quan trọng khiến Xiaomi xây dựng nhà máy sản xuất bởi Việt Nam là thị trường lớn của Xiaomi, chỉ xếp sau Trung Quốc.
Ngọc Hà