Thách thức và khuyến nghị về thanh toán quốc tế trong xuất khẩu gạo sang châu Phi

0
595

Các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện có quan hệ khá hạn chế với các tổ chức tín dụng tại thị trường các nước châu Phi. Đây là thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói chung, mặt hàng gạo nói riêng, trong vấn đề thanh toán quốc tế.

Trong những năm gần đây, doanh số thanh toán chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng với thị trường châu Phi đã có xu hướng tăng. (Ảnh minh họa – Nguồn: Shutterstock)

Châu Phi là thị trường rất tiềm năng cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có xuất khẩu gạo. Trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành của Việt Nam dành nhiều quan tâm cho việc phát triển quan hệ hợp tác, thúc đẩy, tạo điều kiện và tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư làm ăn với thị trường này.

Trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã hoàn thiện cơ chế trao đổi thông tin chính thức định kỳ giữa các ngân hàng thương mại (NHTM) và NHNN thông qua việc ban hành mẫu báo cáo về quan hệ hợp tác song phương giữa hệ thống NHTM với các quốc gia trên thế giới. Qua đó, NHNN đã có thể thu thập thông tin về hoạt động thanh toán, chuyển tiền tại các quốc gia trên thế giới thông qua hệ thống ngân hàng Việt Nam để tìm hiểu về thực trạng hoạt động thanh toán, trong đó bao gồm các quốc gia thuộc thị trường châu Phi.

Nhiều thách thức trong thanh toán quốc tế

Bà Đào Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng, Vụ Hợp tác Quốc tế, NHNN cho biết, các NHTM Việt Nam thông qua việc thiết lập các quan hệ đại lý với các NHTM tại các quốc gia châu Phi đã góp phần hỗ trợ cho hoạt động thanh toán xuất. nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam với thị trường này.

“Số liệu thống kê cho thấy, đến tháng 6/2022, các NHTM Việt Nam đã thiết lập được 120 quan hệ đại lý, từ con số 87 quan hệ đại lý năm 2017. Tại hầu hết các thị trường xuất, nhập khẩu chính của Việt Nam ở châu Phi, các NHTM Việt Nam đã thiết lập được quan hệ đại lý với NHTM nước sở tại, qua đó tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, như Ai cập (30 đại lý), Nam phi (18), Mauritus (13), Ghana (10)…”, bà Hằng thông tin.

Trong những năm gần đây, doanh số thanh toán chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng với thị trường châu Phi đã có xu hướng tăng. Năm 2018, doanh số thanh toán, chuyển tiền với thị trường này đạt hơn 832 triệu USD, năm 2021 đạt hơn 1,5 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2022, con số này tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021.

Tham gia thanh toán cho thị trường châu Phi, một số NHTM Việt Nam có mạng lưới liên kết khá rộng như BIDV (17 đại lý), Vietinbank (13), Vietcombank (11), NHTMCP Phương Đông (11), NHTMCP Á Châu (10), Techcombank (8)…

“Tuy nhiên, qua rà soát, chúng tôi cũng nhận thấy, đối với các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam sang châu Phi, ngoại trừ Ghana, các thị trường khác như Bờ biển Ngà (4), Mozambich (1), Cameroon (1) hay Senegal (0), các NHTM Việt Nam hiện có quan hệ khá hạn chế với các NHTM tại các thị trường này”, Phó Vụ trưởng, Vụ Hợp tác Quốc tế, NHNN nhấn mạnh.

Mặt hàng gạo hiện đang đóng vai trò là một trong các mặt hàng chủ lực, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Phi. Theo các chuyên gia, một số vấn đề gặp phải trong thanh toán xuất khẩu hàng hóa nói chung và gạo nói riêng với thị trường châu Phi như:

Số lượng quan hệ đại lý mà NHTM Việt Nam thiết lập với thị trường châu Phi có tăng, nhưng chủ yếu mới chỉ tập trung vào một số thị trường trọng tâm, do vậy việc thanh toán với thị trường châu Phi nhìn chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn;

Do năng lực tài chính có hạn nên nhà nhập khẩu châu Phi thường đề nghị mua hàng trả chậm (phương thức nhờ thu) và không mở L/C (do chi phí cao), hoặc thanh toán bằng hình thức điện chuyển tiền, đặt cọc trước một phần, số còn lại se thanh toán nốt khi có chức từ. Đây là các phương thức thanh toán có độ rủi ro cao, khi phát sinh tranh chấp, NHTM cũng không thể hỗ trợ khách hàng đòi tiền.

Một số tồn tại khác trong hoạt động của NHTM Việt Nam với thị trường này có thể kể đến như: Thiếu thông tin về khách hàng, đối tác NHTM tại các quốc gia châu Phi; Việc tra soát thông tin để đảm bảo các qui định về định danh khách hàng (KYC), qui định về phòng chống rửa tiền khó khăn và mất nhiều thời gian; Rủi ro về an ninh chính trị, khoảng cách địa lý, múi giờ, rào cản ngôn ngữ dẫn đến khó khăn trong quá trình giao dịch liên hệ và các NHTM thiếu thông tin, hiểu biết lẫn nhau.

Phó Vụ trưởng, Vụ Hợp tác Quốc tế, NHNN Đào Thúy Hằng cho biết, liên quan tới hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi, ngành ngân hàng không có chính sách riêng. Tuy nhiên, lĩnh vực xuất khẩu và nông nghiệp nông thôn (NNNT) là 2 trong 5 lĩnh vực ưu tiên được tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Theo đó, NHNN đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên này. Kết quả, đến cuối tháng 6/2022, dư nợ lĩnh vực NNNT đạt hơn 2,8 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ phục vụ ngành lúa, gạo nói riêng đạt hơn 157 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm 2021, chiếm 5,54% dư nợ lĩnh vực NNNT.

Đối với lĩnh vực xuất khẩu: Một số ngân hàng cũng đã xây dựng các gói tín dụng cho xuất khẩu, như chương trình tài trợ xuất khẩu trước khi giao hàng. Đây là hình thức tài trợ vốn lưu động cho các doanh nghiệp xuất khẩu để thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, với nguồn trả nợ chính cho khoản vay là nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp… Theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến hết tháng 6/2022, dư nợ tín dụng nhập khẩu mặt hàng gạo đạt 1.938 tỷ đồng, giảm 33% so với cuối năm 2021, dư nợ tín dụng xuất khẩu mặt hàng gạo đạt 7.608 tỷ đồng, tăng 45,5% so với cuối năm 2021.

Đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế, NHNN thông tin về một kênh có thể huy động nguồn tài chính cho hoạt động XNK gạo với thị trường châu Phi dành cho khu vực tư nhân, đó là từ nguồn của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), một thành viên thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới.

Theo đó, về các đối tác tại châu Phi có thể nghiên cứu, tiếp cận nguồn vốn vay từ IFC để nhập khẩu lương thực, bao gồm gạo từ thị trường Việt Nam, để đảm bảo an ninh lương thực. Trong năm tài khóa từ tháng 7/2021-6/2022, IFC đã đầu tư mức kỷ lục lên đến 9,4 tỷ USD để phát triển khu vực tư nhân tại châu Phi, trong đó bao gồm 3 tỷ USD cho tài trợ thương mại, 603 triệu USD tài trợ cho nông nghiệp, hỗ trợ đảm bảo an ninh lương thực tại các quốc gia châu Phi.

Còn tại Việt Nam, trong thời gian qua, IFC đã và đang thúc đẩy các hoạt động tài trợ thương mại và tài trợ chuỗi cung ứng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp trong ngành dệt may và nông sản, tiếp tục hoạt động XNK hàng hóa và duy trì việc làm.

Hỗ trợ của IFC giúp các ngân hàng thực hiện việc giãn lịch thanh toán cho thêm nhiều khách hàng, đồng thời cấp các khoản tài trợ mới cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho lưu chuyển hàng hóa xuyên biên giới được thông suốt, giúp giảm bớt khó khăn về thanh khoản.

Bên cạnh đó thông qua Chương trình Tài trợ Thương mại Chuỗi cung ứng toàn cầu, IFC (năm 2021 đã cấp 418 triệu USD) đã hỗ trợ cấp vốn ngắn hạn cho các nhà cung cấp đang xuất khẩu hàng hóa cho bên mua quốc tế (bằng cách chiết khấu hóa đơn sau khi những hóa đơn này được bên mua chấp thuận), qua đó giúp nhà xuất khẩu duy trì được thanh khoản khi đối tác mua hàng của họ yêu cầu gia hạn thời hạn thanh toán.

Khuyến nghị giải pháp

Bà Hằng nêu: “Liên quan tới hoạt động thanh toán XNK với thị trường châu Phi, có thể thấy rằng, trong điều kiện hệ thống thanh toán của Việt Nam đã và đang tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, hạn chế, khó khăn về thanh toán với các nước châu Phi chủ yếu xuất phát từ việc thiếu cơ chế trao đổi thông tin giữa các bên liên quan: doanh nghiệp, NHTM và các cơ quan quản lý.

Để thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động thanh toán tại thị trường châu Phi, qua đó góp phần tăng cường kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước châu Phi, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, NHNN đề xuất 4 biện pháp:

Một là, đối với vấn đề liên quan tới thông tin thị trường nói chung, đề nghị Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao và các đơn vị liên quan tăng cường giới thiệu các đối tác, môi trường kinh doanh, hệ thống pháp luật của các quốc gia liên quan thông qua việc xây dựng các cổng thông tin về thị trường; Tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại đầu tư, quảng bá các cơ hội kết nối kinh doanh, nâng cao hiểu biết của doanh nghiệp Việt Nam về tập quán kinh doanh tại các thị trường này nhằm giảm thiểu các tranh chấp thương mại;

Về phía NHNN, sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá khả năng ký kết thỏa thuận MOU hợp tác với một số NHTW châu Phi, trên cơ sở đó hỗ trợ các NHTM hai bên kết nối và trao đổi thông tin, cập nhật danh sách các NHTM uy tín; đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện để các NHTM Việt Nam có thể tham gia vào các diễn đàn, hội thảo về tiềm năng thị trường châu Phi, qua đó có thể kết nối trực tiếp với các khách hàng doanh nghiệp tại các thị trường này, cũng như là các đối tác là các TCTC tại các quốc gia châu Phi;

Hai là, tổ chức các buổi tọa đàm/hoạt động xúc tiến thương mại mang tính chuyên đề (theo ngành hàng hoặc địa bản trọng điểm, như buổi tọa đàm ngày hôm nay về xuất khẩu gạo) để giúp nhận diện tiềm năng thị trường và cơ hội kết nối doanh nghiệp, ngân hàng, có thể tổ chức các hoạt động này bên lề các cuộc họp Ủy ban Liên chính phủ, Ủy ban hỗn hợp. Về phía NHNN, có thể phối hợp với Bộ Ngoại giao, đơn vị liên quan để mời các ngân hàng đã tích cực hoạt động hoặc quan tâm tới các thị trường trọng tâm tham gia các tọa đàm/hoạt động xúc tiến thương mại với các thị trường này.

Ba là, về phía các NHTM Việt Nam: Tăng cường kết nối, thiết lập quan hệ đại lý với các NHTM tại các quốc gia ở châu Phi; Tích cực tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại do các cơ quan liên quan của Việt Nam tổ chức để kết nối với doanh nghiệp; Xây dựng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng phù hợp, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng doanh  nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu sang thị trường châu Phi.

Bốn là, về phía các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia xuất nhập khẩu với thị trường châu Phi nói chung cần: Tìm hiểu kỹ thông tin và uy tín của đối tác; Lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp với đặc tính hàng hóa, phù hợp với phương thức giao hàng để đem lại hiệu quả giao dịch; Tăng cường kết nối với các NHTM trong nước khi thực hiện xuất nhập khẩu sang thị trường châu Phi để thực hiện thanh toán quốc tế, cũng như tiếp cận, tìm hiểu về các gói sản phẩm tín dụng phù hợp, hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang các thị trường này.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, có thể nghiên cứu, tiếp cận thêm các nguồn tài trợ thương mại, được cấp bởi các tổ chức tài chính quốc tế như IFC thông qua các NHTM Việt Nam.

Trần Liễu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here