Thêm một thị trường triển vọng cho hàng Việt Nam trong CPTPP

0
85

Bên cạnh thị trường của các quốc gia thành viên CPTPP mà Việt Nam đang khai thác và đẩy mạnh xuất khẩu, Peru đang nổi lên là một “bến đỗ” tiềm năng cho hàng Việt tại khu vực Mỹ Latinh.

Năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Peru đạt hơn 633 triệu USD, tăng 62% so với năm 2020.

Ngày 14/7/2021, Quốc hội Peru đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Sau đó Chính phủ Peru đã công bố sẽ trở thành nền kinh tế thứ 8 trong số 11 nền kinh tế của Hiệp định. Bộ Ngoại thương và Du lịch (Mincetur) ngày 19/9/2021 đã ra thông báo Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực đối với nước này.

Trong số 11 nước tham gia Hiệp định CPTPP, Mexico, Peru, Chile đều là những nước có cam kết cắt giảm tỉ lệ thuế quan cho hàng hoá Việt Nam rất cao ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Cụ thể, tỉ lệ cắt giảm thuế quan cho hàng hoá Việt Nam tại Peru là 80%.

Với những ưu đãi thuế quan cao như vậy, hàng Việt sẽ có nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường này. Peru cũng được đánh giá là thị trường tiềm năng và là thị trường tương đối phù hợp với trình độ và quy mô cũng như cách tiếp cận của Việt Nam bởi 75% các công ty xuất nhập khẩu của Peru là vừa và nhỏ, hàng hóa dễ thâm nhập.

Trong các lĩnh vực, Đại sứ quán Peru đã đưa ra bốn lĩnh vực chính mà các doanh nghiệp Peru có thể quan tâm. Đó là nguyên liệu thủy sản chế biến; trái cây và rau quả; các sản phẩm tự nhiên; nguyên phụ liệu cho ngành dệt may. Đây đều là những lĩnh vực mà hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ CPTPP.

Thống kê của Thương vụ Việt Nam tại Brazil kiêm nhiệm Peru cho thấy, bước sang năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Peru đạt hơn 633 triệu USD, tăng 62% so với năm 2020. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Peru đạt 660 triệu USD, tăng mạnh tới 84%. So với năm 2020, đây là kỳ tích, đánh dấu lần tiên kim ngạch thương mại song phương vượt 500 triệu USD, đưa Peru trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh.

6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Peru đạt hơn 316,6 triệu USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Peru đạt triệu 289 triệu USD, tăng 2,5%. Các mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu tăng, như mặt hàng thủy sản (tăng 115%), xơ sợi dệt các loại tăng 141%, cao su (tăng 33%), giày dép các loại (tăng 8,2%), điện thoại di động và linh kiện (tăng 11,2%), túi xách (tăng 17%), nội thất từ chất liệu khác gỗ (tăng 61%). Một số mặt hàng giảm như clanke và xi măng (-64%), chất dẻo nguyên liệu (-72%), máy vi tính, sản phẩm điện tử (-27%)…

Cơ hội xuất khẩu của doanh nghiệp Việt vào Peru rất lớn, nhưng thị trường cũng có những quy định khá rõ ràng. Chính phủ Peru không đặt ra những yêu cầu đặc biệt nào đối với những tiêu chuẩn áp dụng cho hàng nhập khẩu, nhưng nông sản, thực vật, hạt giống, cành giâm, hoa quả tươi… cần phải có sự cho phép nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp Peru. Mọi loại sữa đã qua chế biến phải qua kiểm tra phân tích tại Peru trước khi thông quan.

Thương vụ Việt Nam tại Brazil kiêm nhiệm Peru cũng chỉ ra một số thách thức để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Peru, như: thủ tục, tập quán của thị trường; khoảng cách địa lý; sự cạnh tranh khốc liệt về chất lượng và giá cả từ các quốc gia xuất khẩu khác; các doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội phần nào còn chủ quan, chưa thật sự chủ động và quyết liệt trong công tác mở rộng thị trường…

Do vậy, để tăng cường xuất khẩu sang thị trường Peru, Thương vụ Việt Nam tại Brazil khuyến cáo, các doanh nghiệp cần tăng cường giới thiệu quảng bá sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trực tiếp tại các Hội chợ, Trung tâm triển lãm; kết hợp quảng bá các sản phẩm hàng hóa và đất nước con người Việt trên các kênh truyền thông của quốc gia này; Hợp tác, kết nối với các Hiệp hội, Liên đoàn các Bang và các thành phố phối hợp chia sẻ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa.

Cũng theo Thương vụ, Peru là thị trường mở, rất tiềm năng, khả năng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam rất tốt, người dân địa phương rất hoan nghênh hàng hóa nhập khẩu nếu chất lượng tốt… các doanh nghiệp nên có nhiều chương trình xúc tiến và giới thiệu sản phẩm tại Peru. Trước khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Peru nói riêng và thị trường các nước nói chung, cần tuân thủ đầy đủ và nghiêm ngặt các yêu cầu của nước đó.

Bên cạnh đó, Thương vụ mong muốn, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ đẩy mạnh phát triển mảng logistics, nâng cao năng lực logistics Việt Nam, giúp doanh nghiệp thuận lợi trong xuất khẩu, vì ảnh hưởng cạnh tranh trực tiếp đến giá cả và thời gian giao nhận hàng với các quốc gia xuất khẩu như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore.

Cùng với đó, các doanh nghiệp, Hiệp hội và địa phương nên phối hợp Bộ Công Thương để tham gia các chương trình xúc tiến trực tiếp như Hội chợ, triển lãm, hội nghị xúc tiến và hội nghị doanh nghiệp,…

Ngoài ra, liên quan đến phòng vệ thương mại, đại diện Thương vụ cho biết, Peru hiện là thành viên duy nhất của Hiệp định CPTPP chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Do đó, trong trường hợp cơ quan điều tra của Peru điều tra chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, doanh nghiệp cần lưu ý chứng minh đầy đủ căn cứ để không bị áp dụng quy định về kinh tế phi thị trường.

Vân Chi

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here