Khánh Hòa quy hoạch 4 phân vùng chính để triển khai thành công quy hoạch tỉnh

0
62
(MPI)
(MPI)

Chiều 27/12/2022, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã tiến hành phiên họp thẩm định và thông qua Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tỷ lệ cao, kèm điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung.

Đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch nhấn mạnh, công tác quy hoạch nói chung và quy hoạch tỉnh nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong việc hoạch định đường hướng phát triển thời kỳ tới; nhận diện được các điểm nghẽn, thách thức, khai thác hết các tiềm năng, lợi thế, giải phóng các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, phát triển bền vững, phù hợp với các xu thế mới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, công tác lập quy hoạch hiện có những thuận lợi như đã có định hướng hoạch tổng thể quốc gia; một số quy hoạch đã được phê duyệt; có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Bộ Chính trị về vùng, tỉnh;… là cơ sở pháp lý chính trị quan trọng. Đặc biệt, gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành các nghị quyết mới về phát triển vùng, trong đó có Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết về chương trình hành động thực hiện các nghị quyết; các văn bản về các mô hình kinh tế mới, về thực hiện cam kết tại Hội nghị quy hoạch hiện nay vào thời điểm rất thuận lợi.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những khó khăn như: đây là lần đầu tiên xây dựng quy hoạch tích hợp, kinh nghiệm chưa nhiều, đòi hỏi cao. Vậy làm thế nào để nhận diện được thách thức, cơ hội về không gian phát triển, thực hiện mục tiêu, mô hình mới một cách bền vững nhất; đánh giá thực trạng trúng và đúng; phân tích và đưa ra định hướng mới; hình thành kết cấu hạ tầng thích ứng với tình hình mới; giải pháp huy động nguồn lực ra sao… là những vấn đề được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt ra đối với bản quy hoạch tỉnh Khánh Hòa.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh, Khánh Hòa có những văn bản có giá trị chính trị pháp lý quan trọng như Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 21/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, trong đó có nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Tỉnh đã tổ chức xây dựng các quy hoạch, trong đó quan trọng nhất là quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm hiện thực hóa mục tiêu được Bộ Chính trị đề ra, đặc biệt là mục tiêu được nêu tại Nghị quyết số 09-NQ/TW, đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; là nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

4 phân vùng quy hoạch chính bổ trợ cho nhau

Theo đó, Báo cáo quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra quan điểm phát triển đảm bảo tính khả thi và phát triển lâu dài, tạo nền tảng cho các giai đoạn tiếp theo; đảm bảo tỷ trọng hợp lý giữa các thành phần kinh tế và bảo vệ nền kinh tế khỏi các tác động toàn cầu bất lợi trong tương lai, tập trung vào đổi mới và đa dạng hóa; đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu, tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tầm nhìn của Khánh Hòa đến năm 2050 có thể được hỗ trợ bởi 3 trụ cột chính là dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp; mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt xấp xỉ 8% giai đoạn 2021-2030 và 5% giai đoạn 2030-2050, GRDP bình quân đầu người đạt xấp xỉ 8 nghìn USD vào năm 2030. Dự thảo cũng đề ra 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường; 6 nhiệm vụ trọng tâm; 4 đột phá.

Quy hoạch Khánh Hòa đưa ra 4 phân vùng quy hoạch chính với những thế mạnh và đặc điểm riêng, bổ trợ cho nhau để triển khai thành công quy hoạch tỉnh, bao gồm: Khu kinh tế Vân Phong – đóng góp GRDP thấp nhất trong năm 2020, là khu vực chưa phát triển với tiềm năng chưa được khai thác; Vùng trọng điểm gồm thành Nha Trang và phía Nam Ninh Hòa và huyện Diên Khánh – khu vực đô thị và điểm nóng phát triển du lịch và dịch vụ lâu năm; Vùng phía Nam gồm thành phố Cam Ranh và đô thị Cam Lâm – trung tâm quốc phòng và logistic địa phương; Vùng phía Tây gồm khu vực nội địa và miền núi – khu vực nông thôn cách biệt và đất chủ yếu là nông nghiệp thuộc các huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn và phía Tây thị xã Ninh Hòa.

Đóng góp ý kiến cho bản dự thảo quy hoạch, các ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang bộ là thành viên Hội đồng thẩm định và ý kiến phản biện của chuyên gia đều cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo Quy hoạch và nội dung Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch. Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đã được xây dựng phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030, Nghị quyết số 26-NQ/TW và Nghị quyết số 09-NQ/TW; Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII. Báo cáo quy hoạch nghiên cứu công phu, nghiêm túc và cơ bản đã tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ và Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 07/8/2020.

Bên cạnh đó, các ý kiến đề xuất nội dung cần làm rõ thêm các điểm nghẽn phát triển, nguyên nhân của việc phát triển có xu hướng chậm lại; về hạ tầng giao thông, liên kết vùng, nội vùng, liên vùng vẫn còn những bất cập; quản lý tiềm năng nguồn lực như đất đai, nhân lực trong thời kỳ quy hoạch; bổ sung thêm về sự phân bổ phát triển không gian, hiện trạng hạ tầng xã hội, đô thị; thực trạng khai thác bảo vệ tài nguyên khoáng sản và hoạt động khoáng sản; quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu, kịch bản phát triển; phương án phát triển các khu công nghiệp; danh mục các mỏ khoáng sản.

Về lựa chọn các ngành ưu tiên cơ bản phù hợp với tinh thần các quy hoạch cấp trên tuy nhiên cần đưa ra luận chứng thể hiện rõ cơ sở ưu tiên đầu tư trong thời kỳ quy hoạch; luận chứng rõ việc lựa chọn các đô thị đưa ra và các tiêu chí lựa chọn; Về phương án phát triển các khu công nghiệp, bổ sung các khu công nghiệp, cần rà soát và luận chứng rõ, đặc biệt là việc sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đảm bảo theo quy định.

Các chuyên gia lưu ý, quy hoạch đã nhấn mạnh đến phát triển bền vững, hướng đến nền kinh tế đa dạng, bên cạnh phát triển du lịch, phát triển logistic gắn với khu công nghiệp; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; vừa phát triển du lịch, văn hóa, cảng biển, sân bay… mỗi khu vực đều tạo ra động lực phát triển, tạo cho sự phát triển chung của tỉnh và liên kết vùng, đưa Khánh Hòa trở thành tỉnh thành tăng tốc và phát triển bứt phá trong thời gian tới.

(Thanh Huyền/baodautu)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here