Từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay, Trung Quốc đã cấp 4,89 triệu giấy chứng nhận liên quan đến Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Trong một cuộc họp báo ngày 27/12, Người Phát ngôn của Hội Xúc tiến thương mại Quốc tế của Trung Quốc (CCPIT), ông Yang Fan cho biết từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay, Trung Quốc đã cấp 4,89 triệu giấy chứng nhận xuất xứ, giấy chứng nhận thương mại và các giấy chứng nhận khác liên quan đến RCEP. Con số này tăng 4,69% so với năm 2021.
Các chuyên gia cho biết các giấy chứng nhận đã giúp cắt giảm khoảng 9 triệu USD thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, phản ánh động lực tăng trưởng mạnh mẽ mà RCEP đã đóng góp vào sự ổn định của chuỗi cung ứng giữa Trung Quốc và các thành viên RCEP.
Tổng giá trị giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) không ưu đãi do hệ thống xúc tiến thương mại quốc gia cấp là 325,41 tỷ USD, tăng 17,26% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị của giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi là 55,97 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 11 tháng đầu năm, 16.487 giấy chứng nhận xuất xứ RCEP đã được cấp cho 3.062 công ty với tổng giá trị là 599 triệu USD. Ông Yang Fan cho biết tại cuộc họp báo rằng ước tính có tổng cộng 9 triệu USD tiền cắt giảm hoặc miễn thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc tại các nước thành viên nhập khẩu của RCEP.
Với việc cắt giảm thuế quan và các biện pháp tạo thuận lợi thương mại khác, RCEP đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và các nước tham gia, đặc biệt là ở Đông Nam Á.
Trong 11 tháng đầu năm, tổng thương mại của Trung Quốc với ASEAN tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn tốc độ tăng trưởng ngoại thương chung của Trung Quốc. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và vị thế của ASEAN với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ngày càng được củng cố.
Thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN tiếp tục phát triển, điều này có lợi cho việc thực hiện RCEP bằng cách giảm hơn nữa chi phí hợp tác thương mại khu vực, thúc đẩy tạo thuận lợi cho thương mại và tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng và công nghiệp trong và ngoài khu vực.
Các chuyên gia nhận định, bất chấp đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, RCEP tiếp tục mang lại hiệu quả và giúp thúc đẩy nâng cấp hợp tác kinh tế – thương mại khu vực.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã nâng ước tính tăng trưởng kinh tế cho Đông Nam Á vào năm 2022 từ 5,1% lên 5,5%, phản ánh một phần vai trò của RCEP trong việc kích thích nền kinh tế khu vực.
RCEP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Hiệp định chiếm khoảng 30% của tổng sản phẩm nội địa GDP toàn cầu, trở thành một khối thương mại lớn nhất trong lịch sử. Có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, hiệp định RCEP tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới và được kỳ vọng xóa bỏ tới 90% thuế quan trong vòng 20 năm giữa các thành viên.
Hiện nay, các báo cáo đánh giá về tác động của RCEP đều cho rằng Hiệp định sẽ mang lại nhiều tác động tích cực tới nền kinh tế khu vực. Theo đó, tới năm 2030, sẽ làm tăng thu nhập của toàn khu vực khoảng 0,6%, tương đương với tăng thêm mỗi năm 245 tỷ USD và tạo thêm 2,8 triệu việc làm.
Hà Phương (theo ecns.vn)