Giao lưu kinh tế Việt Nam-Ấn Độ: Cơ hội và thách thức

0
120
Tọa đàm tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ (1972-2022).

Đó là chủ đề của Toạ đàm quốc tế do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hội hữu nghị Việt Nam – Ấn Độ thành phố Hà Nội, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội đồng tổ chức vào ngày mai, 28/12.

Tọa đàm tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ (1972-2022).

Tọa đàm tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ (1972-2022), với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành và các cơ quan nghiên cứu cũng như nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ, Phòng Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM).

Tham gia trình bày tại Tọa đàm có Đại sứ Tôn Sinh Thành – nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ (2014-2018); bà Minni Kumam, Bí thư thứ nhất phụ trách kinh tế và thương mại, Đại sứ quán Ấn Độ; lãnh đạo Hội hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ thành phố Hà Nội; đại diện Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, INCHAM, Vietjet…

Chương trình gồm 3 phiên, bao gồm phiên khai mạc, phiên về quan hệ thương mại và phiên về đầu tư và chuyển đổi số. Tọa đàm là cơ hội để các bên trao đổi và trình bày các ý kiến, quan điểm của nhau, từ đó thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt Nam-Ấn Độ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 7/1/1972, trong nhiều thập niên qua, dù trải qua những biến động phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, nhưng quan hệ Việt Nam-Ấn Độ luôn duy trì tình hữu nghị bền vững và ngày càng phát triển tốt đẹp.

Việt Nam và Ấn Độ đã nâng cấp quan hệ từ Đối tác chiến lược năm 2007 lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.

Những nỗ lực của Việt Nam trong việc đẩy nhanh hội nhập vào thị trường toàn cầu mang lại nhiều cơ hội cho hợp tác kinh tế với Ấn Độ.

Hiện nay, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 15 của Ấn Độ và thứ 4 ở Đông Nam Á. Việt Nam đang cố gắng đa dạng hóa thương mại và có ý định tận dụng thị trường đang phát triển của Ấn Độ.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, tổng kim ngạch thương mại hai nước trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 11,43 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Việt Nam xuất siêu sang Ấn Độ 6,13 tỷ USD, tăng 35%.

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ lực sang Ấn Độ là điện thoại di động và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hóa chất, nhựa, cao su, cà phê, hạt tiêu và hạt điều. Các mặt hàng Ấn Độ xuất khẩu chính sang Việt Nam là các sản phẩm sắt, thép, nguyên phụ liệu dệt may, thủy sản, ngô, dược phẩm và nguyên phụ liệu, phụ tùng ôtô.

Ấn Độ là một thị trường lớn với dân số khoảng 1,4 tỷ người, nhu cầu thị trường phong phú, đa dạng nằm ở nhiều phân khúc khách hàng… là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường.

Mặc dù vậy, sự hiện diện của các doanh nghiệp Việt Nam tại Ấn Độ còn ít, nguyên nhân là do sự quan tâm của các địa phương, doanh nghiệp về thị trường Ấn Độ còn thấp nên chưa thể thúc đẩy mạnh mẽ tiềm năng của thị trường; thủ tục hành chính, pháp luật kinh doanh của Ấn Độ còn khá rườm rà, phức tạp.

Toạ đàm “Giao lưu kinh tế Việt Nam-Ấn Độ: Cơ hội và thách thức” diễn ra vào 8h ngày 28/12 tại Hội trường tầng 7, Toà nhà A18, Viện Thông tin Khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Hồng Phúc

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here