Số hoá giúp thúc đẩy tài chính toàn diện trong giới trẻ các nước ASEAN

0
66
Ảnh minh họa. (Nguồn: Unsplash/Rupixen)

Báo cáo mới nhất của WEF cho thấy số hoá có thể thúc đẩy tài chính toàn diện cho thế hệ số của cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).  

Ảnh minh họa. (Nguồn: Unsplash/Rupixen)

Mới đây, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã công bố Báo cáo ASEAN Digital Generation Report 2022. Trong ấn bản lần thứ sáu này, báo cáo đã khảo sát 90.000 người ở độ tuổi 16-35 tại sáu nước ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Theo báo cáo, ASEAN đang chứng kiến sự phát triển chưa từng có trong số hoá, với sự hiểu biết về các dịch vụ tài chính kỹ thuật số cũng ngày một tăng. Các ứng dụng thanh toán số đứng thứ hai về tần suất sử dụng, chỉ sau các ứng dụng mạng xã hội, với 84% số người được hỏi đã sử dụng các ứng dụng này. Do đó, nhiều khả năng xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì thời gian tới. Việc phát triển các kỹ năng quản lý tài chính có mối liên hệ chặt chẽ với khả năng tiếp cận các sản phẩm tài chính, đặc biệt là sản phẩm tiên tiến như bảo hiểm, cho vay và đầu tư.

Báo cáo cũng phản ánh một số tồn tại trong tiếp cận dịch vụ tài chính, nêu định hướng tháo gỡ và thúc đẩy tài chính số trong giới trẻ ASEAN trong tương lai.

Đầu tiên, việc cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính đóng vai trò quan trọng, giúp giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân và doanh nghiệp của họ như dòng tiền, tiết kiệm và mở rộng kinh doanh.

Tuy vậy, khả năng tiếp cận tài chính của thế hệ số vẫn chưa đồng đều. Hơn một nửa số người trẻ ASEAN có nhu cầu vay vốn lại không thể tiếp cận với các nguồn chính thức. Trong đó, 28% số người có nhu cầu vay vốn không thể bảo đảm tài chính. Có tới gần 1/5 số người được hỏi cho biết phải dựa vào các nguồn vay phi truyền thống hơn như từ gia đình, bạn bè, hợp tác xã hoặc các nguồn vay khác.

Thứ hai, theo báo cáo, phụ nữ khó tiếp cận với các khoản vay, dịch vụ tài chính hơn. Chỉ 22% phụ nữ vay vốn thành công từ các ngân hàng thương mại, so với 28% ở nam giới. Với các dịch vụ tài chính cao cấp hơn như tín dụng, đầu tư và bảo hiểm, tỷ lệ phụ nữ sử dụng (19%) cũng thấp hơn nam giới (28%). Tuy nhiên, phụ nữ lại thích ứng nhanh hơn nam giới về sử dụng các ứng dụng tài chính số..

Thứ ba, nhiều người quan ngại về các chi phí phát sinh không công khai khi tiếp cận dịch vụ tài chinh số, cũng như vấn đề bảo mật và gian lận, lừa đảo. Nhiều ứng dụng tài chính số có giao diện thiếu thân thiện, đòi hỏi quy trình phức tạp.  Một số rào cản khác bao gồm ngôn ngữ sử dụng trong các hợp đồng dịch vụ tài chính còn phức tạp, khó hiểu, cùng một số điều khoản hợp đồng không rõ ràng.

Dù vậy, quá trình số hóa có thể giúp giải quyết lo ngại này và tăng tiếp cận tài chính cho các nhóm thiểu số. Tăng cường số hóa cho các dịch vụ tiết kiệm và thanh toán sẽ mở đường cho các dịch vụ tài chính số hóa tiên tiến hơn như đầu tư, tín dụng và bảo hiểm,… tới tay của người dân trong khu vực. Đặc biệt, 9/10 người đều mong muốn số hóa hơn nữa dịch vụ tài chính của khu vực ASEAN.

Đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, họ mong muốn có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ tài chính, qua đó góp phần cải thiện việc quản lý dòng tiền và mở rộng cơ hội tăng trưởng kinh doanh.

Một trọng tâm chính của quá trình số hóa sâu rộng hơn là tăng cường tính toàn diện. Theo báo cáo, bên liên quan cần cùng nhau xác định tồn tại và thách thức, nâng cao hiểu biết về tài chính số và củng cố các quy định về an ninh, an toàn, từ đó tạo ra một nền kinh tế số toàn diện, ổn định và bền vững hơn cho thế hệ số của ASEAN. Sở hữu kiến thức về tài chính và kỹ thuật số sẽ là chìa khóa để người dân và doanh nghiệp ASEAN sử dụng tài chính số an toàn và thành thạo hơn.

Nhật Lệ (theo WEF)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here