Thương mại điện tử đã và đang góp phần quan trọng cho sự phát triển nền kinh tế số như một xu thế không thể đảo ngược.
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company vào, năm 2022, người tiêu dùng mua hàng trực tuyến ở Việt Nam chiếm tỷ lệ 49%, chỉ đứng sau Singapore (53%), cao hơn Malaysia và Indonesia.
Theo báo cáo của “Digital 2022 Global Overview Report” của We are social, Hootsuite thì tỷ lệ người sử dụng Internet để mua sắm mỗi tuần ở Việt Nam đứng thứ 11 trong số những quốc gia với 58,2% và ngang bằng với mức trung bình của toàn cầu, cao hơn các nước Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc nhưng thấp hơn Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Philippines, Ấn Độ và Anh.
Quy mô của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam vào năm 2015 chỉ ở khoảng 4 tỷ USD nhưng đến năm 2025, con số này được dự báo lên đến 49 tỷ USD và thậm chí, Google còn dự báo rằng, quy mô của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2025 sẽ lên đến 57 tỷ USD.
Xu thế kinh tế mới lại đặt ra các yêu cầu mới đối với ngành Hải quan, trong đó, quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử mới là một công tác quản lý hoàn toàn mới.
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin tại Việt Nam, hoạt động thương mại điện tử có sự tăng trưởng nhanh chóng và ảnh hưởng ngày càng sâu rộng trong đời sống kinh tế, xã hội. Các hoạt động kinh doanh, trao đổi mua bán hàng hoá trên không gian mạng diễn ra ngày càng sôi động.
Do đặc điểm của hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử thường là hàng nhỏ lẻ, trị giá thấp, hàng hóa của cá nhân, sử dụng cho mục đích tiêu dùng của cá nhân, các giao dịch thương mại điện tử đối với hàng hóa đơn giản, thuận tiện, các lô hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử số lượng nhiều và tăng nhanh trong thời gian vừa qua. Vì vậy, trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, cơ quan quản lý nhà nước cũng như người khai hải quan, người mua hàng thường gặp các vướng mắc về thủ tục hải quan, từ hồ sơ hải quan, đánh giá rủi ro, áp lực tốc độ thông quan hàng hóa,… cho đến công tác thống kê đánh giá của cơ quan hải quan…
Chẳng hạn, trên thực tế, về hồ sơ, do hàng hóa được giao dịch qua thương mại điện tử, vì vậy, người mua hàng gặp khó khăn trong việc cung cấp chứng từ cho cơ quan hải quan khi thực hiện thủ tục hải quan, đặc biệt là các chứng từ nhằm chứng minh trị giá giao dịch của hàng hóa, cơ sở để cơ quan hải quan thực hiện tính thuế.
Hay, công tác thống kê đánh giá của cơ quan hải quan, theo quy định hiện hành chưa có chỉ tiêu thông tin trên tờ khai hải quan để cơ quan hải quan thực hiện việc thống kê đánh giá riêng đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử, vì vậy, việc thống kê, đánh giá riêng đối với hàng hóa giao dịch thương mại điện tử xuất khẩu, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn.
Về việc cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng nhập khẩu thì phát sinh số lượng các văn bản quá nhiều. Trong khi đó, số lượng các văn bản liên quan đến quản lý chuyên ngành của các Bộ, ngành quá nhiều vì vậy, một cá nhân mua hàng hóa qua thương mại điện tử không thể biết được hàng hóa của mình khi thực hiện thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu có phải kiểm tra chuyên ngành hay không và nếu phải kiểm tra thì thực hiện theo văn bản nào?…
Về việc xác định trị giá hải quan lại vấp một vấn đề hoàn toàn mới khác. Theo quy định về việc xác định trị giá hải quan thì hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử người mua là cá nhân rất khó có đủ chứng từ để chứng minh trị giá với cơ quan hải quan. Vì vậy, trong trường hợp các cá nhân thực hiện mua hàng tại thời gian giảm giá mạnh nhưng người mua không đủ chứng từ chứng minh thì cơ quan hải quan không đủ cơ sở để xác định trị giá tính thuế dựa trên trị giá thực thanh toán (giá đã giảm) mà sử dụng các phương pháp xác định trị giá theo quy định để thực hiện tính trị giá hải quan, xác định số tiền thuế phải nộp.
Nhận thấy được mức độ quan trọng của việc tạo thuận lợi cũng như việc quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử, ngày 26/9/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1254/QĐ-TTg, trong đó giao Bộ Tài chính xây dựng Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Ngày 27/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 431/QĐ-TTg phê duyệt Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu. Theo đó, giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định trình Chính phủ ban hành về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.
Ngày 26/2/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 24/NQ-CP về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử, giao Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ Nghị định trong quý IV/2021.
Ngày 31/12/2021, Bộ Tài chính có tờ trình số 249/TTr-BTC về việc ban hành Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử;
Ngày 10/5/2022, Bộ Tài chính có tờ trình số 102/TTr-BTC về việc chỉnh, lý bổ sung tờ trình số 249/TTr-BTC sau khi rà soát giữa Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ.
Ngày 12/9/2022, Bộ Tài chính có công văn số 9046/BTC-TCHQ giải trình ý kiến Thành viên Chính phủ và hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.
Hiện dự thảo đang được Văn phòng Chính phủ hoàn thiện hồ sơ để trình ký ban hành. Sau khi Nghị định được ban hành sẽ giải quyết các vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp, người mua, người bán hàng thương mại điện tử cũng như của các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo đó, hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đang thực hiện trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS), về cơ bản Hệ thống đang đáp ứng yêu cầu quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, tuy nhiên đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có các đặc trưng riêng.
Từ yêu cầu thực tiễn trên, cơ quan hải quan cần xây dựng Hệ thống đảm bảo việc thuận lợi cho người khai hải quan thực hiện khai hải quan, cơ quan hải quan theo dõi, quản lý được hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử đồng thời, hệ thống phải hiện đại phù hợp với sự phát triển của thương mại điện tử.
Quy định về quản lý thuế cũng được định rõ, quy định về việc miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử để đảm bảo việc thuận lợi cho người mua tại Việt Nam, tăng tốc độ thông quan hàng hóa (do không phải thực hiện các thủ tục liên quan đến nộp thuế), tránh việc lợi dụng việc miễn thuế để chia nhỏ hàng hóa, gian lận thương mại
Để đảm bảo việc thuận lợi cho người mua là cá nhân thực hiện mua hàng với số lượng nhỏ sử dụng cho mục đích cá nhân, dự thảo Nghị định quy định các trường hợp được miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu
Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử được chia thành các nhóm khác nhau để có biện pháp quản lý phù hợp, dựa trên kinh nghiệm, thông lệ quốc tế và mức độ rủi ro đối với từng nhóm hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử.
Đối với hàng hóa xuất khẩu được chia thành 2 nhóm, hàng hóa nhập khẩu được chia thành 3 nhóm. Thủ tục hải quan giữa các nhóm có sự khác biệt, nhóm hàng hóa được cơ quan hải quan xác định có độ rủi ro thấp thì được khai nhiều đơn hàng trên một tờ khai hải quan để đảm bảo tăng tốc độ thông quan của hàng hóa, hàng hóa được cơ quan hải quan xác định có độ rủi ro cao (có thuế, chịu sự quản lý chuyên ngành) thực hiện khai 1 đơn hàng trên 1 tờ khai, số lượng các chỉ tiêu khai trên tờ khai hải quan cũng khác nhau giữa các nhóm hàng hóa.
Thanh Tâm