Đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã gây ra những hậu quả tàn khốc về kinh tế – xã hội, khiến toàn thế giới chao đảo. Sang tới năm 2022, thế giới đã bước vào năm thứ ba sống chung với đại dịch. Sự ra đời và phổ biến của các loại vacxin, và những bài học kinh nghiệm trong ứng phó với đại dịch thời gian qua đã giúp các quốc gia từng bước thích nghi và khôi phục các hoạt động kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn được dự báo sẽ tiếp tục giám sút, từ 5,5% năm 2021 xuống còn 4,1% năm 2022 do nguy cơ về những đợt bùng phát Covid, sự giảm dần các hỗ trợ về tài khoá, và những điểm tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn tồn tại.
Gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19
Vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng là một trong những tác động nghiêm trọng nhất của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu. Những sự tắc nghẽn trong mạng lưới sản xuất toàn cầu bắt đầu xảy ra vào cuối năm 2020, là hệ quả của sự mất cân bằng trong cung và cầu của một số hàng hoá và đang cản trở sự hồi phục kinh tế toàn cầu. Những nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng là một hiện tượng đa chiều. Sự suy giảm và phục hồi của các hoạt động kinh tế trong đại dịch Covid-19 là chưa từng có tiền lệ, thể hiện những sự dịch chuyển cung – cầu khổng lồ do sự đóng, mở cửa của các nền kinh tế, giữa những chính sách tài khoá và tiền tệ kích thích và mức tiết kiệm cao, đặc biệt tại các nền kinh tế phát triển. Thêm vào đó, do các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh đã hạn chế đáng kể các hoạt động tiêu dùng trong các ngành dịch vụ, đặc biệt là các hoạt động di chuyển, du lịch, giải trí, xu thế tiêu dùng đang dần nghiêng về hàng hoá. Đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng nhu cầu về hàng hoá, các nhà cung cấp trên toàn thế giới gặp khó khăn trong việc đáp ứng các đơn đặt hàng ngày càng tăng. Hơn nữa, những sự đứt gãy đặc thù của chuỗi cung ứng do các sự kiện như thiên tai, dịch bệnh cũng góp phần hạn chế các hoạt động thương mại, sản xuất, đẩy giá hàng hoá tăng cao.
Các nỗ lực quốc tế nhằm phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch
Ngay từ sau làn sóng đầu tiên của đại dịch, tháng 9/2020, tám tổ chức thuộc Liên hợp quốc là Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Uỷ ban Kinh tế Châu Phi của Liên hợp quốc (UNECA), Uỷ ban Kinh tế Châu Âu của Liên hợp quốc (UNECE), Uỷ ban Kinh tế Châu Mỹ La-tinh và Caribe của Liên hợp quốc (UNECLAC), Uỷ ban Kinh tế – Xã hội Châu Á và Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP) và Uỷ ban Kinh tế – Xã hội Tây Á của Liên hợp quốc (UNESCWA) đã ra Tuyên bố chung về đóng góp của thương mại quốc tế và các chuỗi cung ứng đối với sự phục hồi kinh tế xã hội bền vững trong thời kỳ Covid-19[1]. Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của giao thông quốc tế và các chuỗi cung ứng tích hợp trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và bảo đảm dòng chảy thương mại song hành với những nỗ lực toàn cầu chống Covid-19. Tuyên bố cũng kêu gọi các chính phủ tăng cường tối đa những đóng góp của thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng trong phục hồi kinh tế – xã hội sau đại dịch thông qua các công cụ pháp lý và tiêu chuẩn quốc tế, cũng như tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực.
Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Rome, Italy vào tháng 10/2021[2] cũng dành sự quan tâm đối với vấn đề này bên cạnh các vấn đề về hợp tác y tế và phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tuyên bố chung của Hội nghị nhấn mạnh sự quan tâm của các nhà lãnh đạo đối với các thách thức toàn cầu tác động tới nền kinh tế, như những đứt gãy trong chuỗi cung ứng. Các nhà lãnh đạo sẽ hợp tác để theo dõi và giải quyết các vấn đề này trong quá trình hồi phục kinh tế và hỗ trợ sự ổn định của kinh tế toàn cầu. Đối với lĩnh vực thương mại, các nhà lãnh đạo khẳng định giảm căng thẳng thương mại, ngăn chặn những sự bóp méo trong thương mại và đầu tư, giải quyết những đứt gãy của chuỗi cung ứng và thúc đẩy các quan hệ kinh tế và đầu tư cùng có lợi, là rất quan trọng khi các nền kinh tế ứng phó và phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do những gián đoạn của chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid-19, Mỹ đã tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo và đại diện của Liên minh Châu Âu, Australia, Canada, Cộng hoà dân chủ Congo, Đức, Indonesia, Ấn Độ, Italy, Nhật Bản, Mexico, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Rome nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong giải quyết vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng và tăng cường sự thích ứng trong dài hạn[3]. Các chuỗi cung ứng toàn cầu an toàn, bền vững và thích ứng được xem là nền tảng của thịnh vượng về kinh tế, an ninh quốc gia và các lợi ích chung, đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa các chính phủ, các ngành công nghiệp, người lao động và các tổ chức quốc tế. Các quốc gia bày tỏ mong muốn hợp tác nhằm tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, và trao đổi về việc tăng cường bốn trụ cột trong khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu, đó là tính minh bạch, tính đa dạng, mở và có thể dự đoán, an ninh và tính bền vững.
Những thách thức đối với chuỗi cung ứng toàn cầu trong năm 2022
Mặc dù đã được dự báo trước nhưng sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19 vẫn diễn ra với những tác động nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc trong năm 2022. Sự hồi phục của chuối cung ứng sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức lớn. Để đến tay người tiêu dùng, các sản phẩm phải đi qua một chuỗi các công ty có liên quan, bao gồm các nhà sản xuất, các doanh nghiệp logistic cung cấp dịch vụ kho bãi, phân phối và vận chuyển, và các nhà bán lẻ. Cấu trúc phức tạp và ràng buộc lẫn nhau trong chuỗi cung ứng khiến cho những đứt gãy ở bất kỳ khâu nào cũng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi. Kể từ khi Covid-19 bùng phát, chuỗi cung ứng toàn cầu đã gặp phải ba vấn đề lớn.
Thứ nhất và dễ nhận thấy nhất đó là những áp lực chưa từng có đối với chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch bệnh và những biện pháp phong toả, hạn chế để đối phó với dịch bệnh. Mỗi quốc gia lại áp dụng những biện pháp với thời gian và mức độ thắt chặt khác nhau, khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc điều phối hoạt động của chuỗi cung ứng vốn mang tính chất xuyên quốc gia. Những biện pháp phong toả, hạn chế gây ra những thay đổi lớn về cung, cầu, khiến hoạt động nhịp nhàng của các chuỗi cung ứng gặp nhiều trở ngại. Những xu thế rõ ràng từ trước đại dịch như sự gia tăng của việc mua sắm trực tuyến, sự thiếu hụt nguồn cung tài xế và các lao động kỹ năng khác, gây ra những vấn đề thực sự.
Thứ hai, môi trường kinh tế và kinh doanh ngày càng trở nên khó khăn, thách thức hơn. Hoạt động của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đang ngày càng được quốc tế hoá, do đó những biến động trong môi trường kinh tế và kinh doanh toàn cầu sẽ tác động lớn đến các doanh nghiệp. Chưa kể đến đại dịch, những thay đổi về chính sách kiểm soát biên giới tại Anh và EU sau Brexit, những biến động về tỉ giá, hay thay đổi trong chính sách kinh tế vĩ mô của các nước…vốn đã khiến cho môi trường kinh doanh quốc tế biến động khó lường. Những bất trắc trong môi trường kinh doanh ngày càng tăng lên do ảnh hưởng của đại dịch.
Thứ ba, tác động về môi trường của các hoạt động cung ứng và logistic ngày càng được quan tâm. Các quốc gia trên thế giới ngày càng quan tâm hơn đến các thực hành chuỗi cung ứng bền vững nhằm đạt được các cam kết về cắt giảm phát thải. Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) tại Glasgow vào tháng 11/2021 vừa rồi đã tập trung nhiều vào vấn đề vận chuyển hàng hoá và logistic. Việc tăng cường thực hành các hoạt động chuỗi cung ứng bền vững sẽ trở thành thách thức lớn khi các công ty một mặt vẫn đang phải khắc phục với những khó khăn, đứt gãy do đại dịch Covid-19 gây nên.
Vậy chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức nào trong năm 2022?
Trước tiên, phải nhấn mạnh rằng thế giới sẽ tiếp tục bước vào một giai đoạn đầy bất định, không thể dự báo trước. Sự xuất hiện của biến chủng Omicron một lần nữa cho thấy nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới luôn rình rập và có thể làm trầm trọng hơn các khó khăn hiện tại. Các chính sách ngăn chặn dịch bệnh gắt gao như chiến lược “zero-Covid” của Trung Quốc với những biện pháp thắt chặt kiểm soát biên giới có thể tạo thêm áp lực trong bối cảnh đó.
Mặc dù thời gian gần đây, chi phí vận chuyển quốc tế đã giảm xuống nhưng nhìn chung sẽ vẫn ở mức cao trong năm 2022. Các chính sách kiểm soát hải quan hậu Brexit chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022 cũng làm tăng thêm các loại chi phí, khiến nhiều doanh nghiệp không kịp thích ứng. Thêm vào đó, việc áp dụng ngày càng nhiều các cách thức hoạt động bền vững và thân thiện với môi trường hơn trong sản xuất và logistic cũng sẽ làm thay đổi các quy trình vận chuyển hàng hoá và chuỗi cung ứng. Những thực tiễn mới này ảnh hưởng tới tất cả các khâu từ phương tiện vận chuyển (ví dụ như chuyển đổi sang các xe tải vận chuyển chạy bằng điện), tới những thay đổi lớn hơn trên toàn chuỗi cung ứng như việc tái định vị các trung tâm phân phối để giảm thiểu khoảng cách vận chuyển.
Tuy môi trường kinh doanh toàn cầu ngày càng khó lường và ẩn chứa nhiều rủi ro, khiến cho triển vọng phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu trong năm 2022 trở nên khó dự đoán, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu nhiều khả năng sẽ dần được cải thiện trong nửa sau của năm 2022. Do tính chất phức tạp và đa chiều, nhiều vấn đề trong chuỗi cung ứng sẽ cần thời gian dài hơn để phục hồi. Ví dụ, việc đẩy mạnh ngành sản xuất linh kiện bán dẫn cần các khoản đầu tư lớn vào việc nâng cao năng lực xưởng đúc. Quá trình này đòi hỏi một khoảng thời gian tương đối, và những chuyển biến căn bản chỉ có thể xảy ra vào cuối năm 2022 hoặc năm 2023. Mọi sự cải thiện trong việc thiếu hụt nguồn cung lao động trong những tháng sắp tới đều phụ thuộc vào các hỗ trợ của chính phủ, cũng như những diễn biến mới của dịch bệnh, số lượng ca mắc Covid-19 mới và những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh của chính phủ.
Việc các loại chi phí vận chuyển đã giảm xuống trong thời gian gần đây chủ yếu nhờ vào các yếu tố tạm thời như các cảng biển tại Nam Á đã mở cửa trở lại khi số ca mắc Covid-19 giảm xuống; và trên thực tế, các loại phí tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao kỷ lục. Một loạt khảo sát của Ngân hàng Trung ương Châu Âu trong năm 2021 với các doanh nghiệp cho thấy, nhìn chung, khu vực doanh nghiệp vẫn dự đoán tình hình sẽ tiếp tục khó khăn trong cả năm 2022.
Trong giai đoạn tới, các rủi ro về gián đoạn nguồn cung vẫn tồn tại, đặc biệt nếu dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Biến thể Omicron đã làm dấy lên những quan ngại về việc dịch bệnh sẽ căng thẳng hơn trên quy mô toàn cầu. Những đợt bùng phát dịch bệnh có thể dẫn tới việc các cảng hoặc doanh nghiệp phải đóng cửa, làm gián đoạn sản xuất và vận chuyển, và do đó trở thành lực cản đối với hoạt động của chuỗi cung ứng, trong khi gây sức ép làm tăng giá cả. Thêm vào đó, những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh bùng phát như hạn chế di chuyển và các chuyến bay quốc tế, hay những hạn chế tự nguyện, có thể sẽ lại khiến nhu cầu của người tiêu dùng chuyển dịch từ dịch vụ sang hàng hoá, làm trầm trọng hơn những điểm gián đoạn của chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, nếu nhu cầu của người tiêu dùng nói chung sụt giảm, điều đó có thể giúp giảm bớt các sức ép vốn góp phần gây ra những điểm tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, chủ yếu do nhu cầu tăng. Cuối cùng, nếu các ngành sản xuất vật liệu bán dẫn và năng lực vận chuyển của ngành vận tải được đẩy mạnh sớm hơn thì những gián đoạn từ phía nguồn cung sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn.
Bên cạnh các yếu tố cung – cầu, môi trường kinh doanh toàn cầu sẽ tiếp tục có nhiều thay đổi. Căng thẳng địa chính trị giữa các nền kinh tế cũng có thể dẫn tới đối đầu về thương mại, gây ra những gián đoạn mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Các thoả thuận thương mại mới như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực sẽ ảnh hưởng đến các mô thức thương mại toàn cầu.
Hướng tới phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chuỗi cung ứng toàn cầu đã bước vào một giai đoạn chuyển đổi và tái cơ cấu với sự xuất hiện của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đại dịch Covid-19 đã tạo ra sức ép đẩy mạnh hơn quá trình này, khi mà tính thích ứng và đáng tin cậy của hoạt động sản xuất trở nên quan trọng hơn, và việc tăng cường tự động hoá và đưa hoạt động sản xuất trở lại trong nước (“reshoring”) giúp các công ty điều chỉnh linh hoạt hơn trước những thay đổi về nhu cầu, giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh đại dịch có thể tiếp tục bùng phát.
Để giải quyết khủng hoảng chuỗi cung ứng, các quốc gia đang phát triển có cơ hội phát triển và tăng cường chuỗi giá trị khu vực thông qua các cam kết khu vực. Điều này có thể bảo đảm các doanh nghiệp nhỏ sẽ hợp tác để giảm chi phí giao dịch và hưởng lợi từ quy mô kinh tế. Ngành sản xuất tại các nước đang phát triển cũng cần nguồn tài chính dài hạn. Tại các nước đã có sẵn năng lực phát triển các trung tâm sản xuất của khu vực, các doanh nghiệp có thể không đủ khả năng tận dụng các cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị hoặc mở rộng sản xuất khi nhu cầu tăng do thiếu nguồn vốn. Các ngân hàng phát triển quốc gia và khu vực cần đóng vai trò mạnh mẽ hơn, thông qua các hình thức hợp tác khu vực, hợp tác Nam – Nam mới.
Hội nhập khu vực không chỉ giúp tăng dòng chảy thương mại mà còn có thể tạo thuận lợi cho các thay đổi cấu trúc, tăng cường tính thích ứng. Một nghiên cứu mới của UNCTAD cho thấy thương mại trong khuôn khổ các hiệp định thương mại có khả năng phục hồi tốt hơn trong bối cảnh thương mại toàn cầu giảm sút do Covid-19.
Bên cạnh đó, quá trình số hoá chuỗi cung ứng nhằm ứng phó với tác động của đại dịch đòi hỏi các quốc gia dành ưu tiên đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật số và chuỗi cung ứng. Việc số hoá các cảng và cơ quan tại khu vực biên giới là một ví dụ. Tự động hoá thủ tục hải quan, phân tích dữ liệu hàng hoá trước khi đến, tối ưu hoá các cảng dừng chân và các giải pháp kỹ thuật số khác có thể giúp đẩy nhanh hoạt động hải quan tại các cảng.
Các doanh nghiệp cũng cần tăng tính thích ứng và khả năng thích nghi với những gián đoạn lớn để có thể xây dựng các chiến lược và giải pháp dài hạn cho các thách thức lớn trong tương lai. Còn đối với người tiêu dùng, trong giai đoạn tới, người tiêu dùng có thể sẽ phải quen dần với việc giá cả hàng hoá sẽ tiếp tục tăng lên do các vấn đề của chuỗi cung ứng, và một vài mặt hàng sẽ trở nên khan hiếm trong các dịp lễ, Tết./.
Hoàng Ngọc
[1] https://unctad.org/system/files/information-document/IMO-UNCTAD-2020-statement_en.pdf
[2] https://www.gpfi.org/sites/gpfi/files/7_G20%20Rome%20Leaders%27%20Declaration.pdf
[3] https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2021/10/31/chairs-statement-on-principles-for-supply-chain-resilience/