Đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã gây ra những hậu quả tàn khốc về kinh tế – xã hội, khiến toàn thế giới chao đảo. Sang tới năm 2022, thế giới đã bước vào năm thứ ba sống chung với đại dịch. Sự ra đời và phổ biến của các loại vacxin, và những bài học kinh nghiệm trong ứng phó với đại dịch thời gian qua đã giúp các quốc gia từng bước thích nghi và khôi phục các hoạt động kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn được dự báo sẽ tiếp tục giám sút, từ 5,5% năm 2021 xuống còn 4,1% năm 2022 do nguy cơ về những đợt bùng phát Covid, sự giảm dần các hỗ trợ về tài khoá, và những điểm tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn tồn tại.
Gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19
Vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng là một trong những tác động nghiêm trọng nhất của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu. Những sự tắc nghẽn trong mạng lưới sản xuất toàn cầu bắt đầu xảy ra vào cuối năm 2020, là hệ quả của sự mất cân bằng trong cung và cầu của một số hàng hoá và đang cản trở sự hồi phục kinh tế toàn cầu. Những nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng là một hiện tượng đa chiều. Sự suy giảm và phục hồi của các hoạt động kinh tế trong đại dịch Covid-19 là chưa từng có tiền lệ, thể hiện những sự dịch chuyển cung – cầu khổng lồ do sự đóng, mở cửa của các nền kinh tế, giữa những chính sách tài khoá và tiền tệ kích thích và mức tiết kiệm cao, đặc biệt tại các nền kinh tế phát triển. Thêm vào đó, do các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh đã hạn chế đáng kể các hoạt động tiêu dùng trong các ngành dịch vụ, đặc biệt là các hoạt động di chuyển, du lịch, giải trí, xu thế tiêu dùng đang dần nghiêng về hàng hoá. Đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng nhu cầu về hàng hoá, các nhà cung cấp trên toàn thế giới gặp khó khăn trong việc đáp ứng các đơn đặt hàng ngày càng tăng. Hơn nữa, những sự đứt gãy đặc thù của chuỗi cung ứng do các sự kiện như thiên tai, dịch bệnh cũng góp phần hạn chế các hoạt động thương mại, sản xuất, đẩy giá hàng hoá tăng cao.
Các nỗ lực quốc tế nhằm phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch
Ngay từ sau làn sóng đầu tiên của đại dịch, tháng 9/2020, tám tổ chức thuộc Liên hợp quốc là Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Uỷ ban Kinh tế Châu Phi của Liên hợp quốc (UNECA), Uỷ ban Kinh tế Châu Âu của Liên hợp quốc (UNECE), Uỷ ban Kinh tế Châu Mỹ La-tinh và Caribe của Liên hợp quốc (UNECLAC), Uỷ ban Kinh tế – Xã hội Châu Á và Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP) và Uỷ ban Kinh tế – Xã hội Tây Á của Liên hợp quốc (UNESCWA) đã ra Tuyên bố chung về đóng góp của thương mại quốc tế và các chuỗi cung ứng đối với sự phục hồi kinh tế xã hội bền vững trong thời kỳ Covid-19[1]. Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của giao thông quốc tế và các chuỗi cung ứng tích hợp trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và bảo đảm dòng chảy thương mại song hành với những nỗ lực toàn cầu chống Covid-19. Tuyên bố cũng kêu gọi các chính phủ tăng cường tối đa những đóng góp của thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng trong phục hồi kinh tế – xã hội sau đại dịch thông qua các công cụ pháp lý và tiêu chuẩn quốc tế, cũng như tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực.
Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Rome, Italy vào tháng 10/2021[2] cũng dành sự quan tâm đối với vấn đề này bên cạnh các vấn đề về hợp tác y tế và phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tuyên bố chung của Hội nghị nhấn mạnh sự quan tâm của các nhà lãnh đạo đối với các thách thức toàn cầu tác động tới nền kinh tế, như những đứt gãy trong chuỗi cung ứng. Các nhà lãnh đạo sẽ hợp tác để theo dõi và giải quyết các vấn đề này trong quá trình hồi phục kinh tế và hỗ trợ sự ổn định của kinh tế toàn cầu. Đối với lĩnh vực thương mại, các nhà lãnh đạo khẳng định giảm căng thẳng thương mại, ngăn chặn những sự bóp méo trong thương mại và đầu tư, giải quyết những đứt gãy của chuỗi cung ứng và thúc đẩy các quan hệ kinh tế và đầu tư cùng có lợi, là rất quan trọng khi các nền kinh tế ứng phó và phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do những gián đoạn của chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid-19, Mỹ đã tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo và đại diện của Liên minh Châu Âu, Australia, Canada, Cộng hoà dân chủ Congo, Đức, Indonesia, Ấn Độ, Italy, Nhật Bản, Mexico, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Rome nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong giải quyết vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng và tăng cường sự thích ứng trong dài hạn[3]. Các chuỗi cung ứng toàn cầu an toàn, bền vững và thích ứng được xem là nền tảng của thịnh vượng về kinh tế, an ninh quốc gia và các lợi ích chung, đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa các chính phủ, các ngành công nghiệp, người lao động và các tổ chức quốc tế. Các quốc gia bày tỏ mong muốn hợp tác nhằm tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, và trao đổi về việc tăng cường bốn trụ cột trong khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu, đó là tính minh bạch, tính đa dạng, mở và có thể dự đoán, an ninh và tính bền vững.
Những thách thức đối với chuỗi cung ứng toàn cầu trong năm 2022
Mặc dù đã được dự báo trước nhưng sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19 vẫn diễn ra với những tác động nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc trong năm 2022. Sự hồi phục của chuối cung ứng sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức lớn. Để đến tay người tiêu dùng, các sản phẩm phải đi qua một chuỗi các công ty có liên quan, bao gồm các nhà sản xuất, các doanh nghiệp logistic cung cấp dịch vụ kho bãi, phân phối và vận chuyển, và các nhà bán lẻ. Cấu trúc phức tạp và ràng buộc lẫn nhau trong chuỗi cung ứng khiến cho những đứt gãy ở bất kỳ khâu nào cũng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi. Kể từ khi Covid-19 bùng phát, chuỗi cung ứng toàn cầu đã gặp phải ba vấn đề lớn.
Thứ nhất và dễ nhận thấy nhất đó là những áp lực chưa từng có đối với chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch bệnh và những biện pháp phong toả, hạn chế để đối phó với dịch bệnh. Mỗi quốc gia lại áp dụng những biện pháp với thời gian và mức độ thắt chặt khác nhau, khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc điều phối hoạt động của chuỗi cung ứng vốn mang tính chất xuyên