Từ đầu năm 2021, khi các chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 bắt đầu được triển khai ở các nền kinh tế tiên tiến, một thế giới đầy ắp khách du lịch và các doanh nhân đi lại trở thành một viễn cảnh đầy hấp dẫn.
Sau đó, biến thể Delta đã buộc các quốc gia lại phải kiểm soát chặt biên giới. Ngày nay, khi biến thể Delta còn đang tiếp tục tàn phá châu Âu và châu Mỹ, sự xuất hiện của biến thể Omicron dẫn đến có thêm nhiều lệnh cấm đi lại, khiến kỳ vọng vào tương lai càng thêm giảm sút.
Nếu xem ngành du lịch như là một vị khách du lịch thì người đó lúc này đang ngồi trong phòng chờ sân bay, nhìn vào bảng thông báo mà trên đó chẳng hiển thị gì ngoài các từ “Bị hoãn” và “Hủy chuyến”.
Sự u ám này đã được phản ánh trong báo cáo Thước đo du lịch thế giới của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) công bố cuối tháng 11/2021. Khi đánh giá quy mô của ngành du lịch so với năm 2019, lần cuối cùng mọi người được tự do đi lại, có thể thấy ngành “công nghiệp không khói” này vẫn khác xa với mức bình thường như thế nào. UNWTO dự kiến lượng khách du lịch quốc tế trong năm 2021 sẽ thấp hơn 70-75% so với năm 2019.
Như vậy, vẫn không có khác biệt nào so với năm 2020. Trong khi đó, doanh thu từ du lịch được dự báo sẽ đạt 700 – 800 tỷ USD, một sự cải thiện nhỏ so với năm 2020, nhưng vẫn khá nhỏ so với mức 1.700 tỷ USD năm 2019.
Dữ liệu từ quý I-III/2021 cho thấy châu Á đang bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Lượng khách quốc tế đến khu vực này chỉ bằng 5% so với mức năm 2019, thấp hơn so với mức 16% vào năm 2020. Các quốc gia châu Á nhìn chung chậm hơn trong việc nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng COVID-19. Trung Quốc, thị trường du lịch lớn thứ hai thế giới, đã luôn đóng chặt cánh cửa khi theo đuổi chính sách “Không COVID-19”.
Bức tranh ở châu Âu cũng ảm đạm. Mặc dù du lịch tại lục địa này đã tăng trở lại một chút trong quý III/2021 so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tổng lượng khách du lịch tính từ đầu năm đến nay không thay đổi. Chỉ ở Bắc Mỹ, nơi có lượng khách du lịch trong giai đoạn tháng 1-9 năm nay cao hơn so với năm 2020.
Năm 2022 tình hình có thể sẽ tốt hơn, khi các biện pháp hạn chế, nếu may mắn, sẽ tiếp tục được nới lỏng nhờ sự hỗ trợ của công nghệ mới, và nhu cầu khổng lồ bị dồn nén trong hai năm được giải phóng.
Nhưng Trung Quốc không có khả năng nới lỏng các quy định của mình trong năm 2022 do lo ngại sẽ bùng phát dịch COVID-19 vào đúng năm nước này đăng cai Thế vận hội mùa Đông và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XX. Do đó, ngành du lịch sẽ lại phụ thuộc phần lớn vào sự hồi sinh của các chuyến công tác, lĩnh vực mà trong một năm bình thường chiếm khoảng 1/5 chi tiêu du lịch toàn cầu.
The Economist cho rằng sự không chắc chắn đối với triển vọng chung là các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, ví dụ như Omicron, và những tác động kèm theo của các biến thể. Vì vậy, có thể là đến năm 2024, ngành du lịch mới có thể quay trở lại mức trước đại dịch.
Đình Thư