EVFTA: Lợi ích rõ ràng với nền kinh tế Việt Nam

0
74
EVFTA sẽ là cú hích cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế của Việt Nam nói chung sau dịch Covid-19. (Nguồn: Reuters)
Không chỉ quan trọng đối với Việt Nam, EVFTA cũng có ý nghĩa chiến lược đối với EU.
Trong báo cáo “Việt Nam: Hội nhập quốc tế sâu sắc và thực hiện EVFTA”, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng những lợi ích từ EVFTA là rõ ràng với nền kinh tế Việt Nam là tăng trưởng kinh tế cao và liên tục, cũng như việc giảm mạnh tỷ lệ đói nghèo.
Mới đây một bài báo của tờ The Business Times của Singapore cũng đưa ra nhận định, “Trong khi phần lớn thế giới đang phải vật lộn với dịch bệnh COVID-19 và các biện pháp phong tỏa, Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đã thúc đẩy thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt “Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam” (EVFTA) và chứng kiến thỏa thuận này có hiệu lực vào tháng 8/2020. 4 tháng sau đó, EVFTA đã góp phần đẩy mạnh thương mại hai chiều và giảm bớt tác động của suy thoái kinh tế.
Theo đánh giá của EuroCham, ngay tại thời điểm có hiệu lực (1/8/2020), 65% hàng hóa xuất khẩu của EU sang Việt Nam và 71% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU được miễn thuế. Trong thập kỷ tới, con số này sẽ tăng lên gần 99%. Trong 6 tháng đầu năm 2021, giá trị thương mại giữa Việt Nam và EU đạt 27 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2020 và là một thành tựu đáng kể trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu. Con số này sẽ tiếp tục tăng khi EVIPA có hiệu lực sau khi hiệp định này được phê chuẩn ở từng quốc gia thành viên EU.

Ngoài cắt giảm thuế quan, EVFTA còn hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, cải cách luật pháp và phát triển bền vững. Trong khi đó, Hiệp định mở ra khả năng tiếp cận thị trường cho đầu tư của EU trong các lĩnh vực và ngành công nghiệp khác như giáo dục đại học, dịch vụ máy tính, phân phối, viễn thông.

Trong báo cáo tháng 9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 3,8% năm 2021, thấp hơn so với dự báo hồi tháng 4 với mức 6,7%. Tuy nhiên, mức dự báo tăng trưởng này vẫn trên mức trung bình 3,1% của khu vực.

Trên thực tế, suốt 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tụt dốc liên tục với mức giảm tổng cộng là -5,9% so cùng kỳ năm 2019, cùng mức sụt giảm nhu cầu ở EU trong các giai đoạn đóng cửa kinh tế do dịch bệnh. Tình thế hoàn toàn thay đổi trong 5 tháng cuối năm 2020, dưới tác động tích cực của EVFTA, trong khi tổng nhập khẩu của EU từ thế giới vẫn sụt giảm tới 20%, nhập khẩu từ Việt Nam sang thị trường này lại tăng 3,8%. Nửa đầu năm 2021, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU vẫn tăng liên tục và ổn định, ở mức 18,3% so với cùng kỳ, đặc biệt là sự bứt phá của nhóm hàng nông sản.

Ở chiều ngược lại, EVFTA cũng thúc đẩy mạnh mẽ nhập khẩu từ EU vào Việt Nam, với các sản phẩm như linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị… là thế mạnh của EU và cũng là nguồn đầu vào quan trọng cho Việt Nam. Nếu như năm 2020, nhập khẩu từ EU của Việt Nam tăng 4,3% (cao hơn mức 3,7% tăng trưởng nhập khẩu từ tất cả các nguồn) thì 6 tháng đầu năm 2021, con số này là 19,8%.

Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng được ưu đãi thuế quan theo EVFTA của Việt Nam cũng đạt được mức cao nhất so năm đầu thực thi của bất kỳ FTA nào khác. Theo Bộ Công thương, 5 tháng cuối năm 2020, tỷ lệ này là 14,8% (quan sát của VCCI cho thấy, tỷ lệ này gấp hai lần tỷ lệ sử dụng ATIGA, gấp bảy lần AIFTA, gấp hai lần tỷ lệ tận dụng các thị trường mới của CPTPP trong năm đầu). Nửa đầu năm 2021, tỷ lệ này đã tăng lên tới mức 29%.

Về đầu tư, với những cam kết về quản trị minh bạch từ Hiệp định EVFTA và những cam kết tạo môi trường thương mại đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư của hai bên, Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn đầu tư có chất lượng và được học hỏi, hấp thụ khoa học và công nghệ tiên tiến từ EU, tạo ra những giá trị và lợi ích cho doanh nghiệp và nhà đầu tư của cả hai bên.

Tính đến tháng 6/2021, EU có 2.221 dự án (tăng 142 dự án so cùng kỳ năm 2020) từ 26/27 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực tại Việt Nam với vốn đầu tư đăng ký đạt 22,216 tỷ USD (tăng 449 triệu USD so cùng kỳ năm 2020).

Mặc dù vậy, các nhà quan sát lưu ý rằng, Việt Nam phải làm nhiều hơn nữa nhằm đạt được những lợi ích đầy đủ của EVFTA. Như đại diện WB cho rằng: “Nếu Việt Nam có thể hành động một cách quyết đoán để thu hẹp khoảng cách về pháp lý và năng lực thực hiện, thì Việt Nam có thể tận dụng được thỏa thuận thương mại mà những lợi ích trực tiếp của nó được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử nước này. Dịch COVID-19 như một nút cài đặt lại và EVFTA như một chiếc máy gia tốc, giờ là thời điểm hoàn hảo để Việt Nam tiến hành những cải cách trong nước sâu rộng hơn”.

The Business Times bình luận, EVFTA – hiệp định thương mại tự do thứ hai mà EU ký kết với một nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sau Singapore – không phải là thỏa thuận thương mại tự do lớn duy nhất đang thúc đẩy sự tăng trưởng của Việt Nam. Trong vài năm qua, một loạt FTA đã có hiệu lực đối với Việt Nam, trong đó có Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các quan chức Việt Nam cho rằng đây là một phần trong nỗ lực dài hạn nhằm xây dựng nền kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại theo định hướng XHCN  Có những dấu hiệu cho thấy chiến lược này đang gặt hái thành quả.

Bài báo nhận định khi dịch bệnh COVID-19 lắng xuống và các đường biên giới quốc tế dần mở lại, Việt Nam sẽ đón nhận một làn sóng thương mại thậm chí còn lớn hơn với EU. ADB dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ quay trở lại gần mức tăng trưởng trước dịch bệnh là 6,5%.

Nguyễn Thúy

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here