Cải cách Doanh nghiệp Nhà nước: Lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn hậu COVID-19

0
50
Đại dịch Covid-19 đang khiến ngành hàng không chịu thiệt hại nặng. (Nguồn: Vietnamnet)

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trực thuộc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, nhiệm vụ của Tổ công tác là chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, tích cực nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hiện, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được giao quản lý vốn Nhà nước đối với các doanh nghiệp sau:

1. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC);

2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN);

3. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN);

4. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex);

5. Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem);

6. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam;

7. Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam;

8. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT);

9. Tổng công ty Viễn thông MobiFone;

10. Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba);

11. Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines);

12. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines);

13. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam;

14. Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam VEC;

15. Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV);

16. Tổng công ty Cà phê Việt Nam;

17. Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2);

18. Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1);

19. Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.

Định kỳ hàng tháng và khi cần thiết, tổ công tác đặc biệt kịp thời tổng hợp tình hình giải quyết khó khăn, vướng mắc cho 19 tập đoàn, tổng công ty, đề xuất Ủy ban, chủ tịch Ủy ban phương án giải quyết vấn đề phát sinh, báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.

Theo quyết định thành lập, Tổ công tác đặc biệt của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp do Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh làm tổ trưởng; Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh làm tổ phó. Tổ công tác đặc biệt còn gồm có Vụ Tổng hợp, Vụ Năng lượng, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ pháp chế, kiểm soát nội bộ, Vụ Công nghệ và Hạ tầng, Vụ Nông nghiệp, Vụ Công nghiệp, Văn phòng Ủy ban, Trung tâm Thông tin.

Trong một tin liên quan tới hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chính phủ vừa gửi tới Quốc hội báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2020.

Báo cáo đã tổng hợp tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2020 của 807 DN, gồm 646 DNNN và 161 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước. Theo đó, Tổng tài sản của các DN này là hơn 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2019. Vốn chủ sở hữu là hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2019.

Tổng vốn Nhà nước đang đầu tư tại 807 DN là 1.597.399 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2019. Trong đó: doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là hơn 1,4 triệu tỷ đồng và các doanh nghiệp còn lại là hơn 151 nghìn tỷ đồng.

Lãi phát sinh trước thuế đạt 162.904 tỷ đồng, giảm 22% so với năm 2019. Trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ – con là 140.522 tỷ đồng, giảm 25% so với năm 2019, chiếm 86% tổng lãi phát sinh trước thuế của các DN. Tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước là 307.869 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2019.

Đáng chú ý, có 119/807 DN (chiếm 15% tổng số DN) có lỗ phát sinh với tổng số lỗ phát sinh là 15.740 tỷ đồng. Ngoài ra, có 169/807 DN (chiếm 21% tổng số DN) còn lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 33.750 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân được đưa ra là năm 2020, phần lớn các DNNN chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 nên tổng doanh thu đều giảm hoặc chỉ tương đương so với thực hiện năm 2019.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here