Khuyến nghị giải pháp của các tổ chức quốc tế tại Geneva về phòng chống đại dịch, xử lý các thách thức do đại dịch đặt ra,
phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội

0
74
(minh hoạ)
(minh hoạ)

Qua theo dõi, tổng hợp một số nghiên cứu và báo cáo đánh giá, khuyến nghị của các tổ chức quốc tế chuyên môn thuộc hệ thống Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Phái đoàn Việt Nam tại Geneva trân trọng báo cáo tổng hợp nhanh về một số đánh giá và biện pháp hỗ trợ, ứng phó với đại dịch của một số tổ chức quốc tế có trụ sở tại Geneva như WHO, ILO, UNCTAD, ITC, WEF, ITU, UPU và WIPO, cũng như các thực tiễn tốt, ý tưởng, mô hình mới về phòng chống đại dịch, xử lý các thách thức do đại dịch đặt ra, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Về việc đánh giá ưu khuyết điểm của các giải pháp và kiến nghị chính sách cho Việt Nam, Phái đoàn sẽ có báo cáo riêng.

1. Đánh giá của WHO về triển vọng kiểm soát đại dịch Covid – 19

1.1. Đánh giá chung của WHO


- Chưa thể đánh giá được khi nào đại dịch sẽ kết thúc. Tuy nhiên, các nhà khoa học, chuyên gia y tế tại WHO cũng cho rằng đại dịch sẽ kết thúc sớm hơn nếu các biện pháp như vắc-xin, điều trị, bảo vệ khỏi lây nhiễm, tăng cường hệ thống y tế… được áp dụng hiệu quả và đồng đều trên thế giới, với những điều kiện như vậy, hi vọng có thể khống chế được đại dịch trong năm 2022.

– Các yếu tố quan trọng tác động đến khả năng kiểm soát SARS-CoV-2, theo WHO gồm: i) tỷ lệ lây nhiễm và các biến thể lưu hành; ii) tốc độ tăng hoặc giảm trong tỷ lệ mắc bệnh; iii) các hình thức, việc sử dụng và tuân thủ các biện pháp kiểm soát đang được áp dụng; iv) tốc độ tiêm chủng; v) việc xác định và tiêm vắc-xin cho các nhóm nguy cơ cao; 
và vi) hiệu quả của vắc-xin và khả năng miễn dịch tự nhiên trong dân số.


Miễn dịch cộng đồng có thể đạt được thông qua tiêm chủng hoặc lây nhiễm. WHO ủng hộ việc đạt miễn dịch cộng đồng qua tiêm chủng, đã và đang nỗ lực cùng các đối tác 
 tìm mọi biện pháp để tăng cường tiếp cận vắc-xin cho tất cả các nước, hướng tới tỷ lệ tiêm chủng đạt 10% dân số thế giới trong tháng 9/2021, 40% vào cuối năm nay và 70% vào giữa năm 2022 . Hiện nay các thông tin liên quan tới khả năng duy trì sinh miễn dịch sau khi nhiễm/tiêm vắc-xin cũng như tỷ lệ dân số cần được tiêm vắc-xin để đạt miễn dịch cộng đồng với Covid-19 đang tiếp tục được nghiên cứu, theo dõi. Chiến lược vắc-xin quốc gia cần ưu tiên đối tượng người cao tuổi, người có nguy cơ cao về sức khỏe, cũng cần phải chú ý rằng kể cả khi đã bao phủ vắc-xin với người cao tuổi và các nhóm đối tượng ưu tiên, dễ bị tổn thưởng thì virus vẫn có thể tiếp tục lan truyền trong nhóm dân số chưa được tiêm.

– Biến thể virus: Virus đang tiếp tục lan truyền và tạo ra các biến thể. Cho đến nay các loại vắc-xin do WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp vẫn cho thấy tác dụng với các biến thể hiện hành, WHO tiếp tục nhấn mạnh thực hiện biện pháp tiêm chủng cùng những biện pháp y tế công cộng và xã hội (Public Health and Social Measures-PHSM) để đối phó với đại dịch. WHO đã và đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ và thông tin tới các nước thành viên về các biến thể của SARS-CoV-2.

– Các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại có thể làm chậm lây nhiễm Covid-19 thông qua việc hạn chế tiếp xúc. Các chính phủ có thể sử dụng biện pháp này để tận dụng khoảng thời gian cần thiết để tăng cường năng lực truy vết, xét nghiệm, điều trị, phụ thuộc vào tình hình cụ thể tại địa phương. Mặc dù vậy, các biện pháp này có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới cá nhân, cộng đồng, xã hội đặc biệt là tới các nhóm yếu thế như người nghèo, người nhập cư, người tỵ nạn… sinh sống trong điều kiện chật hẹp và phụ thuộc vào ngày công lao động.

1.2. Một số khuyến nghị chính của WHO về áp dụng các biện pháp y tế công cộng và xã hội

Theo hướng dẫn tạm thời của WHO về các biện pháp y tế công cộng và xã hội trong bối cảnh Covid-19, các biện pháp y tế công cộng và xã hội (PHSM) được hiểu bao gồm: biện pháp bảo vệ cá nhân (khoảng cách, tránh tụ tập đông người, rửa tay, đeo khẩu trang…), biện pháp môi trường (làm sạch, khử khuẩn, thông khí), biện pháp theo dõi và phản ứng (xét nghiệm, giải mã gien, truy vết, cách ly), biện pháp giãn cách vật lý (hạn chế số lượng và luồng di chuyển, duy trì khoảng cách ở nơi công cộng, hạn chế di chuyển nội địa) và các biện pháp liên quan tới di chuyển quốc tế. PHSM không bao gồm các biện pháp ứng phó y tế như thuốc điều trị và vắc-xin. Các biện pháp cần được kết hợp và tiến hành ở cấp quản lý thấp nhất nơi có thể đánh giá được tình huống dịch bệnh và phải phù hợp với điều kiện từng địa phương. Chính quyền quốc gia và địa phương cần cân bằng giữa việc đáp ứng ảnh hưởng trực tiếp về y tế của Covid-19 với việc hạn chế ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn với sức khỏe và ổn định kinh tế-xã hội như việc mất đi thu nhập và tiếp cận với các dịch vụ. Cần có kế hoạch và chuẩn bị trước để hạn chế ảnh hưởng khi hệ thống y thế rơi vào quá tải hoặc các dịch vụ y tế và xã hội thiết yếu khác bị đình trệ.

– Áp dụng các biện pháp y tế công cộng và xã hội tùy theo mức độ lây nhiễm của dịch bệnh và năng lực ứng phó của hệ thống y tế: do tình hình dịch tễ thường không đồng nhất trong cả nước, chính quyền cần đảm bảo các biện pháp được áp dụng theo tình hình dịch tễ của địa phương và có thời gian áp dụng cụ thể. Bất cứ điều chỉnh nào cũng như lý do điều chỉnh cần được thông báo rõ ràng tới công chúng.

– Cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ của các biện pháp y tế công cộng và xã hội: các biện pháp y tế công cộng và xã hội cần đi cùng với chính sách duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu, đảm bảo tiếp cận lương thực thực phẩm, nước uống dịch vụ và hàng hóa thiết yếu, đảm bảo thu nhập, hỗ trợ cộng đồng và hộ gia đình, bảo đảm quyền con người bao gồm những ảnh hưởng về giới.

– Không có một công thức chung nào cho các biện pháp được áp dụng do sự khác biệt lớn về tình hình dịch tễ học và điều kiện kinh tế xã hội ở những nơi mà đại dịch xuất hiện.

– Trong bối cảnh các nước đều đã triển khai tiêm chủng và đại dịch cũng tiếp tục biến đổi với các biến chủng mới nguy hiểm hơn, các biện pháp y tế công cộng và xã hội cần được xem xét và điều chỉnh một cách thường xuyên theo tình hình dịch tễ học ở địa phương. Điều này đòi hỏi phải nhanh chóng đưa ra quyết định dựa trên các đánh giá tình huống liên tục ở cấp hành chính thấp nhất có thể có sự phối hợp chặt chẽ với các khu vực lân cận ở cấp địa phương và quốc gia. Những đánh giá như vậy cần dựa trên dữ liệu có sẵn và thực hiện phương pháp tiếp cận rủi ro/lợi ích để xem xét tình hình dịch tễ học địa phương, năng lực của hệ thống y tế và các cân nhắc khác (chẳng hạn như các sự kiện đòi hỏi tập trung đông người có thể sắp diễn ra). Các chỉ số dịch tễ học có được phụ thuộc vào năng lực xét nghiệm, năng lực thu thập dữ liệu, độ bao phủ tiêm chủng và chiến lược ứng phó tổng thể với Covid-19 ở từng nước. Ở những nơi mà năng lực giám sát và xét nghiệm còn hạn chế, điều quan trọng là phải xác định và sử dụng các chỉ số bổ sung về tình trạng bệnh, tử vong và áp lực lên hệ thống y tế, chẳng hạn như công suất sử dụng giường cho cả giường bệnh thông thường và giường ICU, để bổ sung dữ liệu dịch tễ học.

– Hướng dẫn tạm thời của WHO về các biện pháp y tế công cộng và xã hội trong bối cảnh Covid-19 cũng đưa ra một số khuyến nghị liên quan tới các biện pháp cá nhân hóa y tế công cộng (individualized public health measures) hướng tới đối tượng là người đã được tiêm chủng đầy đủ hoặc đã khỏi bệnh. Điều này cũng phản ánh thực tế khi nhiều nước đã nới lỏng một số biện pháp với cá nhân nhằm hạn chế ảnh hưởng kinh tế xã hội của các biện pháp đã và đang được áp dụng. Theo đó, WHO khuyến nghị sau khi đánh giá thật kỹ các khía cạnh về đạo đức, kỹ thuật và mức độ lây nhiễm, các nước có thể xem xét nới lỏng một số biện pháp với đối tượng: i) đã được tiêm chủng đầy đủ bằng một loại vắc-xin trong danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO hoặc theo luật của nước đó và đã có thời gian ít nhất 2 tuần sau khi tiêm đầy đủ; ii) đã nhiễm SARS-CoV-2 được khẳng định bằng xét nghiệm RT-PCR trong 6 tháng vừa qua và không còn nhiễm bệnh theo tiêu chuẩn của WHO về việc chấm dứt cách ly với bệnh nhân Covid-19. Phụ thuộc vào tình hình/mức độ lây nhiễm cụ thể, các biện pháp nới lỏng có thể được áp dụng cho những cá nhân này bao gồm: không cần cách ly sau khi tiếp xúc gần với các ca nhiễm Covid-19, không cần xét nghiệm hoặc cách ly khi di chuyển quốc tế, có thể tham gia các sự kiện với những người đã được tiêm chủng đầy đủ và đã khỏi bệnh mà không cần đeo khẩu trang hoặc áp dụng giãn cách (tuy nhiên vẫn cần tuân thủ việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng và các cơ sở y tế theo khuyến nghị). Mặc dù vậy, đến nay WHO vẫn giữ quan điểm không khuyến khích các nước đưa ra hoặc triển khai yêu cầu về chứng nhận tiêm chủng hoặc miễn dịch với SARS-CoV-2 để xuất/nhập cảnh hoặc lấy đó làm điều kiện cho việc di chuyển quốc tế.

2. Đánh giá và giải pháp ứng phó với Covid-19 của ILO

2. 1. Đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)

Cuộc khủng hoảng thị trường lao động do đại dịch COVID-19 tạo ra còn lâu nữa mới kết thúc, và tăng trưởng việc làm sẽ không đủ để bù đắp cho những thiệt hại ít nhất là đến năm 2023. Dự kiến sẽ có 205 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu vào năm 2022, tăng cao so với mức 187 triệu năm 2019. Con số này tương ứng với tỷ lệ thất nghiệp 5,7%.

Dự báo công cuộc phục hồi việc làm toàn cầu sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2021 nếu tình hình đại dịch về tổng thể không trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, tiến trình phục hồi này sẽ không đồng đều do việc tiếp cận vắc-xin không bình đẳng và hầu hết các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi không đủ khả năng để triển khai các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ. Hơn nữa, chất lượng của những việc làm mới tạo ra ở những nước này cũng có khả năng kém hơn.

Việc làm và thời gian làm việc giảm kéo theo sự sụt giảm mạnh về thu nhập từ lao động, cùng với đó là sự gia tăng tương ứng về tỷ lệ nghèo. So với năm 2019, hiện nay đã có thêm 108 triệu người lao động trên toàn thế giới được phân loại vào nhóm nghèo hoặc nghèo cùng cực (với mức thu nhập tương đương thấp hơn 3,2 đô la Mỹ mỗi ngày). ILO đánh giá những tiến bộ đạt được trong 5 năm vừa qua hướng tới xóa bỏ tình trạng có việc làm nhưng vẫn nghèo đã trở lại điểm xuất phát, đồng thời cũng cho rằng điều này khiến việc đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc về xóa nghèo trước năm 2030 càng khó khả thi hơn.

Khủng hoảng Covid-19 cũng khiến cho những bất bình đẳng vốn đã có từ trước trở nên tồi tệ hơn do khủng hoảng tác động nặng nề hơn tới những người lao động dễ bị tổn thương. Việc thiếu các chế độ an sinh xã hội ở nhiều nơi, như tình trạng của 2 tỷ người lao động trong khu vực phi chính thức trên toàn thế giới, đồng nghĩa với sự gián đoạn về việc làm do đại dịch đã và đang gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với thu nhập và sinh kế của gia đình người lao động. Phụ nữ và lao động thanh niên/lao động trẻ là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng mất việc làm.

Đại dịch Covid-19 đã làm lộ rõ và mở rộng thêm khoảng cách chênh lệch về an sinh xã hội giữa các nước thu nhập cao và các nước thu nhập thấp. Dù diện bao phủ an sinh xã hội trên toàn giới đã được mở rộng ở mức chưa từng có trong thời kỳ khủng hoảng Covid-19, nhưng vẫn còn hơn 4 tỷ người trên thế giới hoàn toàn chưa được bảo vệ. Hiện nay, chỉ có 47% dân số toàn cầu được bảo vệ hiệu quả bởi ít nhất một loại hình trợ cấp an sinh xã hội, trong khi còn 4,1 tỷ người (53%) hoàn toàn không được đảm bảo an ninh thu nhập từ hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Việc ứng phó với đại dịch không đồng đều và không đầy đủ, dẫn tới làm gia tăng khoảng cách giữa các nước có thu nhập cao và các nước có thu nhập thấp và không đủ khả năng đảm bảo an sinh xã hội cần thiết mà tất cả mọi người xứng đáng được hưởng.

Đối với khu vực ASEAN, số ca mắc Covid-19 tăng và tiến độ triển khai vắc-xin chậm có thể tiếp tục kéo dài khủng hoảng thị trường lao động và cản trở công cuộc phục hồi. Xét đến các biện pháp hạn chế di chuyển được áp dụng, tiến độ tiêm vắc-xin và tốc độ phục hồi của nền kinh tế, không có kịch bản nào đưa ra dự báo rằng thời giờ làm việc sẽ được phục hồi hoàn toàn vào năm 2022. Năm 2021, theo tính toán ASEAN sẽ phải chịu mức tổn thất thời giờ làm việc là 7,4% đối với kịch bản cơ sở và lần lượt là 7% đối với kịch bản lạc quan và 7,9% đối với kịch bản tiêu cực so với thời điểm trước đại dịch. Mức tổn thất thời giờ làm việc của khu vực ghi nhận trong quý đầu năm 2021 là 6,1% và trong quý II là 6,2% (so với quý IV năm 2019). Dự báo làn sóng dịch Covid-19 đang tiếp diễn sẽ khiến điều kiện thị trường lao động nửa cuối năm 2021 còn trở nên tổi tệ hơn nữa. Theo ILO, tính đến tháng 5 năm 2021, các nước ASEAN đã phân bổ tổng cộng gần 16% GDP cho các phản ứng kích thích tài khóa. Tuy nhiên, cần thiết phải có thêm những hành động chính sách trong lĩnh vực an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và bảo vệ lao động để đảm bảo một công cuộc phục hồi từ khủng hoảng lấy con người làm trung tâm ở khu vực ASEAN.

2.2. Khuyến nghị của ILO về chiến lược phục hồi

ILO đưa ra khuyến nghị xây dựng chiến lược phục hồi trên bốn nguyên tắc: (i) thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên diện rộng và tạo việc làm năng suất; (ii) hỗ trợ thu nhập hộ gia đình và chuyển dịch thị trường lao động; (iii) củng cố những nền tảng thiết chế cần thiết cho tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn diện, bền vững và có sức chống chịu tốt; và (iv) sử dụng đối thoại xã hội trong xây dựng các chiến lược phục hồi lấy con người làm trung tâm. Bên cạnh việc đảm bảo phục hồi về mặt kinh tế, xã hội một cách toàn diện, bền vững, lấy con người làm trung tâm, vấn đề cấp thiết trong ứng phó với đại dịch như phối hợp hành động quốc tế và đoàn kết nhằm đảm bảo tiếp cận công bằng và toàn cầu đối với vắc- xin, điều trị và các biện pháp bảo vệ trước Covid-19 cũng thường xuyên được nhấn mạnh, đề cập tại các cuộc thảo luận tại ILO.

3. Chiến lược và giải pháp ứng phó với Covid-19 của UNCTAD

Đánh giá của UNCTAD cho rằng đại dịch COVID-19 đã đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần 2 và sẽ để lại hậu quả trong nhiều năm tháng tiếp theo, đe dọa những thành tựu mà các nước đã đạt được trong việc hướng đến mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững (SDG) theo Chương trình nghị sự 2030 của LHQ. Các ước tính chỉ ra rằng đã có từ 119 đến 124 triệu người rơi vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2020, và dự kiến sẽ có thêm từ 143 đến 163 triệu người nữa trong năm nay. Các tác động lâu dài của đại dịch sẽ để lại những hệ lụy nghiêm trọng đối với sự phát triển của các quốc gia và để phục hồi UNCTAD đề xuất một số giải pháp chính sau.

3.1. Thúc đẩy các chiến lược phục hồi xanh và bền vững

Để phục hồi, ưu tiên trước mắt là đẩy nhanh quá trình tiêm chủng nhằm khống chế đại dịch thông qua mở rộng sự tiếp cận của các nước đang và kém phát triển đối với vắc- xin Covid-19. Trước hết, cần đảm bảo việc tiếp cận công bằng với giá cả phải chăng vắc- xin và các công cụ y tế ứng phó Covid-19 trên toàn thế giới. Về lâu dài, cần phải có hành động toàn cầu cho sự phục hồi, đòi hỏi các cách tiếp cận và biện pháp thống nhất và toàn diện, đặc biệt phản ánh nhu cầu của các nước kém phát triển nhất trong lĩnh vực thương mại, tài chính, công nghệ và nâng cao năng lực, nhằm giải quyết hiệu quả các nguyên nhân gốc rễ của sự chậm tiến bộ của các nước kém phát triển nhất nhằm hướng tới quá trình thoát nghèo, chuyển đổi suôn sẻ và bền vững nhằm đạt được các Mục tiêu SDGs.

UNCTAD cho rằng chuyển đổi cấu trúc dựa trên năng lực sản xuất là giải pháp lâu dài duy nhất cho các vấn đề của các nước đang và chậm phát triển. Tiếp cận đầu tư toàn diện, cũng như công nghệ toàn diện và các quan hệ đối tác phát triển được củng cố sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình này. Để hồi phục hậu Covid-19, các nước đang và chậm phát triển cần nhiều hơn nữa nguồn tài chính phát triển bền vững và việc đảm bảo khả năng tiếp cận của họ với nguồn tài chính đó sẽ là yếu tố quan trọng. Điều này bao gồm việc mở rộng quy mô tài chính phát triển, nâng cao hiệu quả và tái cân bằng phân phối theo ngành với sự quan tâm thích đáng đến các lĩnh vực kinh tế như nông nghiệp, chế tạo và cơ sở hạ tầng.

Các giải pháp khác được UNCTAD đề xuất bao gồm thúc đẩy hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ và bí quyết kỹ thuật để tạo điều kiện cho việc sản xuất vắc-xin Covid-19 và các công cụ y tế khác, cung cấp tài chính và hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số và tăng trưởng xanh, chuyển giao công nghệ và bí quyết kỹ thuật cho các nước đang và kém phát triển, phát triển bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, và thu hẹp bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia. Ngoài ra, để ứng phó thành công với các cuộc khủng hoảng, các mối đe dọa và thách thức toàn cầu, cộng đồng quốc tế cần một hệ thống đa phương hiệu quả, dựa trên các quy tắc và giá trị phổ quát, với cốt lõi là Liên hợp quốc. Điều này đòi hỏi những cải tổ cần thiết trong hệ thống phát triển của LHQ, trong đó có UNCTAD.

3.2. Khởi động sự phục hồi trong ngành du lịch

Gần đây nhất, UNCTAD đề xuất cần hành động khẩn cấp và khởi động sự phục hồi của ngành du lịch với sự tham gia của hàng triệu lao động mà trong hơn một năm nay đã gặp nhiều khó khăn. UNCTAD và Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc đang đi đầu trong việc cung cấp dữ liệu và phân tích rõ ràng, cập nhật và đáng tin cậy được các chính phủ và doanh nghiệp sử dụng để định hình các chính sách phục hồi và ra quyết định.

Các quốc gia cũng nên đảm bảo rằng các doanh nghiệp du lịch của họ thuộc mọi quy mô có thể tồn tại trong cuộc khủng hoảng hiện nay để tạo sức bật cho ngành khi khách du lịch quay trở lại. Điều này đòi hỏi các biện pháp như hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp du lịch và cung cấp bảo trợ xã hội cho những người làm du lịch. Ngoài ra, công nghệ kỹ thuật số cần được sử dụng để tăng cường bảo mật và nâng cao lòng tin của khách du lịch. Đây cũng là lúc để đẩy mạnh số hóa giữa các công ty và lực lượng lao động du lịch, nâng cao kỹ năng cho lĩnh vực này để trở nên linh hoạt hơn.

Theo Quyền Tổng thư ký UNCTAD, hiện nay là thời điểm để thiết kế lại và điều chỉnh các chính sách và quản lý du lịch, bao gồm thông qua các sản phẩm du lịch sáng tạo, đa dạng hơn và sự hồi sinh của các khu vực nông thôn. Du lịch là ngành có chuỗi giá trị kinh tế rộng nhất và dấu ấn xã hội sâu sắc nhất. Đây là cơ hội để suy nghĩ lại, khởi động

3.3. Bảo vệ người tiêu dùng

UNCTAD khuyến nghị các chính phủ thực hiện 5 hành động chính để bảo vệ người dùng và tính cạnh tranh trên thị trường trong cuộc khủng hoảng COVID-19:

– Đảm bảo các điều kiện bình đẳng giữa các công ty để có một sân chơi bình đẳng mà vẫn phù hợp ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng.

– Tạm thời cho phép các thỏa thuận hợp tác cần thiết để đảm bảo cung cấp và phân phối các sản phẩm có giá cả phải chăng cho tất cả người tiêu dùng để ngăn chặn tình trạng thiếu các sản phẩm thiết yếu.

– Giám sát chặt chẽ thị trường của các sản phẩm thiết yếu như chất khử trùng, khẩu trang và gel để đảm bảo có sẵn, nếu cần thiết, thông qua giá tạm thời để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong thời kỳ đại dịch.

– Thực thi mạnh mẽ luật cạnh tranh chống lại các công ty lợi dụng khủng hoảng bằng cách tạo ra các-ten hoặc lạm dụng sức mạnh thị trường của họ.

– Điều chỉnh các thủ tục và thời hạn cạnh tranh cho phù hợp với các tình huống bất thường do đại dịch gây ra.

3.4. Thúc đẩy hợp tác Nam – Nam

Theo UNCTAD, một chương trình hợp tác Nam-Nam cần xoay quanh ba mục tiêu lớn: mở rộng nguồn lực tài chính; tăng cường không gian chính sách; và xây dựng khả năng phục hồi. Bên cạnh đó, các nước đang phát triển cần phải điều chỉnh các chính sách thương mại và công nghiệp. Các khoản trợ cấp tài chính khổng lồ đang được triển khai ở các nước phát triển để duy trì các doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch và được coi là hỗ trợ khẩn cấp trong trường hợp ngoại lệ, tuy nhiên, sẽ có tác động bóp méo đối với hệ thống thương mại quốc tế. Các nước đang phát triển không thể có được sự hỗ trợ như vậy. Thay vào đó, họ sẽ cần áp dụng các chính sách thương mại và công nghiệp chiến lược để hỗ trợ các ngành thiết yếu và duy trì việc làm. Các hiệp định thương mại Nam – Nam, đặc biệt là ở cấp khu vực, có thể cung cấp các thị trường đa dạng để tạo cơ hội xuất khẩu.

Chương trình hợp tác kỹ thuật số Nam-Nam của UNCTAD nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa và các cơ hội hội nhập mới giữa các nước đang phát triển có thể cung cấp một lộ trình chính sách để xây dựng khả năng phục hồi ở các nước đang phát triển. Đại dịch cũng là cơ hội để các nước đang phát triển thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực y tế. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện tạm hoãn các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS). Để ứng phó với COVID-19, các nước phương Nam cần tăng cường quan hệ đối tác chiến lược trọng tâm của hợp tác Nam-Nam và xây dựng tình đoàn kết xung quanh các cải cách đối với cấu trúc đa phương nhằm thúc đẩy quản trị

4. Chiến lược và giải pháp ứng phó với Covid-19 của ITC về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME)

Trọng tâm trong chiến lược ứng phó với Covid-19 của Trung tâm thương mại thế giới (ITC) là tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) – đối tượng bị tác động mạnh từ đại dịch Covid-19 để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn và củng cố tính tự cường hướng đến phục hồi và phát triển hậu đại dịch. Chiến lược của ITC bao gồm các phản ứng ngắn, trung và dài hạn.

4.1. Phản ứng ngắn hạn: Quản lý sự gián đoạn và củng cố các lĩnh vực quan trọng

Trong ngắn hạn, các chiến lược phục hồi thương mại tập trung vào việc củng cố các lĩnh vực quan trọng và có hệ thống tiếp tục phát triển bất chấp sự đổ vỡ của chuỗi giá trị toàn cầu. Các ngành này bao gồm: nông nghiệp và chế biến thực phẩm, y tế, dược phẩm, công nghiệp vệ sinh và công nghệ thông tin và truyền thông. Tương tự như vậy, các chức năng hỗ trợ cần thiết để phát triển trong một xã hội ít tiếp xúc cũng được quan tâm, chẳng hạn như vận tải, quản lý hậu cần và thương mại điện tử.

Chiến lược sẽ hỗ trợ các nước đối tác tăng cường các lĩnh vực này bất chấp sự không chắc chắn được tạo ra do hậu quả của đại dịch. ITC sẽ xác định các giải pháp phù hợp cho các quốc gia để giúp họ điều chỉnh các xáo trộn thương mại như lệnh cấm xuất khẩu, quan hệ thương mại không chắc chắn và sự thay đổi trong năng lực sản xuất. Trước mắt, chiến lược ứng phó với Covid-19 của ITC sẽ hỗ trợ các nước đối tác:

– Xác định tác động thương mại của COVID-19 đối với các lĩnh vực xuất khẩu chính, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

– Xác định các quan hệ kinh doanh và kênh phân phối mới, trong và ngoài nước.

– Quản lý các hạn chế thương mại, tái xây dựng năng lực cung ứng và phát triển chuỗi cung ứng kỹ thuật số để duy trì sự di chuyển của hàng hóa trong khi tuân thủ các biện pháp an toàn.

– Xây dựng lộ trình để tăng cường năng lực vận tải và hậu cần và quản lý rủi ro.

– Tận dụng các kênh kỹ thuật số và các công cụ ICT để đảm bảo năng lực của các MSME tiếp tục hoạt động.

 – Xây dựng năng lực và các quy trình xung quanh các quy tắc vệ sinh và an toàn lao động mới, cũng như tuân thủ an toàn thực phẩm, đặc biệt là tuân thủ SPS, sức khỏe và các tiêu chuẩn tự nguyện khác tại các thị trường xuất khẩu.

4.2. Phản ứng trung và dài hạn: Xây dựng khả năng phục hồi kinh tế và cải thiện sự nhanh nhạy của doanh nghiệp để đối mặt với “trạng thái bình thường mới”


ITC sẽ hỗ trợ các quốc gia xây dựng khả năng phục hồi kinh tế, xác định các cơ hội đa dạng hóa sản xuất, tăng cường sự linh hoạt của môi trường hoạt động kinh doanh và tạo lập thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.

Về lâu dài, chiến lược này sẽ hỗ trợ các nước:

–  Lập biểu đồ đánh giá rủi ro chuỗi giá trị trung và dài hạn để giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu được các điểm dễ bị tổn thương về kinh tế, và đề xuất các kế hoạch dự phòng và các phản ứng dài hạn thích hợp.

–  Xác định và lập kế hoạch cho một môi trường kinh doanh lành mạnh, đặc biệt là cạnh tranh, tiếp cận tài chính, tạo thuận lợi thương mại và hậu cần quốc tế cho các doanh nghiệp để tăng cường khả năng phục hồi.

–  Giúp các MSME áp dụng các phương pháp quản lý nhanh và kết nối với các nền tảng kỹ thuật số và vươn ra toàn cầu thông qua thương mại điện tử.

–  Xây dựng Chiến lược điện tử cho các chính phủ và các cơ sở hỗ trợ thương mại (TSI) để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trực tuyến và kỹ thuật số cho MSME.

–  Hỗ trợ số hóa các chuỗi giá trị truyền thống để nâng cao chất lượng, khả năng truy 
11

5. Chiến lược và giải pháp ứng phó với Covid – 19 của WEF

Mặc dù vắc-xin Covid-19 đã được nghiên cứu và sản xuất một cách thần tốc, WEF đánh giá rằng đại dịch này sẽ không vì thế mà sớm qua đi. Những hệ quả kinh tế to lớn của cuộc khủng hoảng y tế này như mất việc làm, giảm đầu ra sản xuất tiềm năng, và gia tăng nghèo đói và bất bình đẳng sẽ còn kéo dài nhiều năm. Các đề xuất ứng phó và hồi phục từ Covid-19 của WEF có ba trọng tâm chính: chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và mô hình chủ nghĩa tư bản mới.

5.1. Chuyển đổi xanh

WEF khuyến nghị các quốc gia tạo ra các gói phục hồi Covid-19 ‘xanh’, hướng đến mục tiêu đạt được net zero vào năm 2050. Theo đó, các quốc gia nên tìm cách giảm hàm lượng carbon trong sản xuất năng lượng ở tất cả các mục đích sử dụng cuối cùng. Cần nhiều nỗ lực hơn nữa để chuyển giao công nghệ, cung cấp khả năng tiếp cận tài chính và thúc đẩy hợp tác quốc tế để cho phép các nước đang phát triển đáp ứng tăng trưởng nhu cầu mới với cường độ CO2 thấp hơn so với con đường của các nước phát triển. Về dài hạn, các chính phủ nên đưa các thước đo thành công về kinh tế và xã hội ngoài GDP vào tính toán của mình để đảm bảo giảm thiểu các hậu quả không mong muốn và sự đánh đổi giữa kinh tế và môi trường.

5.2. Chuyển đổi số

Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh tốc độ số hóa của các doanh nghiệp và các chuỗi cung ứng, tính kết nối, tự động hóa, các giải pháp thông minh và sự triển khai các công cụ như in 3D, máy bay không người lái và thực tế ảo. Tuy nhiên, những tiến bộ công nghệ cũng đi kèm cái giá phải trả về mặt xã hội: những người ít chuẩn bị hơn đã bị mất lợi thế và tính riêng tư của dữ liệu và các nguy cơ an ninh mạng trở nên phổ biến hơn. Do đó, công nghệ đã trở thành một phần của giải pháp nhưng cũng cần phải đảm bảo sự tiếp cận công nghệ mang tính bao trùm. Trong nội bộ các quốc gia, điều quan trọng là các thành phần dân số – ví dụ người già – không bị bỏ lại phía sau. Các chính quyền và doanh nghiệp phải phối hợp với nhau để khai thác thị trường mới và phát triển các công nghệ mới. Trên phạm vi toàn cầu, cần có nhiều kế hoạch nhằm khuyến khích và tăng cường tiếp cận internet. Rộng hơn, những luật lệ mới cho thương mại tự do cần được phát triển để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế số và thúc đẩy chu chuyển dữ liệu và thanh toán điện tử xuyên biên giới một cách an toàn, đảm bảo và hiệu quả.

5.3. Đầu tư vào “vốn con người”

Cuộc khủng hoảng Covid đã bộc lộ rõ ràng hơn bao giờ hết những bất cập và bất bình đẳng trong hệ thống trong quá khứ. Tuy nhiên, nó cũng tái định hình suy nghĩ của các nhà lãnh đạo toàn cầu về giá trị cơ bản của cuộc sống, tiềm năng con người và sinh kế của người dân. Theo WEF, đây là cơ hội đầu tư vào tài sản quý giá nhất của chúng ta: vốn con người. Từ đó, WEF thúc đẩy ý tưởng về mô hình mới “Chủ nghĩa tư bản nhiều bên liên quan” (stakeholder capitalism) vốn được thiết kế để mang lại lợi ích cho mọi người thay vì chỉ các cổ đông như chủ nghĩa tư bản truyền thống. Mô hình mới này kêu gọi các công ty tìm kiếm việc tạo ra giá trị dài hạn, cân nhắc nhu cầu của tất cả các bên liên quan của họ, bao gồm xã hội và môi trường nói chung. Trong số những khuyến nghị mà WEF đưa ra tại Tuần lễ Chương trình nghị sự Davos 2021 nhằm ứng phó với hệ quả của Covid-19 gồm đảm bảo tiếp cận “vắc-xin cho người dân”, tạo điều kiện cho người dân được tiêm chủng, không chỉ là các nước giàu; đánh thuế tài sản cực đại nhằm đầu tư vào một tương lai bền vững và công bằng cho tất cả mọi người, cũng như mở rộng sự tiếp cận đối với các chương trình y tế và phúc lợi xã hội nhằm ngăn người dân tái nghèo.

6. Chiến lược và giải pháp ứng phó với Covid-19 của ITU

Khi COVID-19 bắt đầu lan rộng ra quốc tế, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) không mất nhiều thời gian để đưa ra phản ứng nhờ vào số lượng thành viên đa dạng của 193 quốc gia thành viên và hơn 900 khu vực tư nhân, các công ty, trường đại học và các tổ chức quốc tế và khu vực, và dựa trên nền tảng đổi mới công nghệ tiên tiến, củng cố khu vực công-tư là mối quan hệ đối tác rất quan trọng:

Kể từ khi đại dịch bùng phát, phản ứng của ITU đã thực hiện một cách tiếp cận toàn diện, từ nền tảng khả năng phục hồi mạng toàn cầu (REG4COVID) cho các sáng kiến đa bên liên quan, chẳng hạn như Chương trình hành động của Ủy ban băng thông rộng đối với các dự án chung với các cơ quan Liên hợp quốc, bao gồm cả quan hệ với UNESCO về nền tảng học tập điện tử, với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và UNICEF về nhắn tin sức khỏe.

Sử dụng tiện ích về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), ITU là thực thể duy nhất trên thế giới hài hòa và điều phối việc sử dụng quốc tế của phổ tần số vô tuyến và quỹ đạo vệ tinh, thiết bị và dịch vụ (cung cấp các dịch vụ thông tin vô tuyến ở tất cả các quốc gia (trong không gian, hàng không, trên biển và trên đất liền), hỗ trợ các nước đang phát triển về cơ sở hạ tầng và chính sách phát triển, trong đó có công cuộc phòng chống Covid- 19, đặc biệt hỗ trợ cho những người trong các cộng đồng không được phục vụ và ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa, không kết nối internet.

Công nghệ kỹ thuật số rất cần thiết để thúc đẩy phục hồi và tăng tốc kinh tế toàn cầu tiến tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) trong thời kỳ COVID-19 và sau đó; không để ai bị bỏ lại phía sau là lời hứa trọng tâm của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, do đó cũng cố gắng không bỏ lại ai đằng sau trong đại dịch Covid-19.

Đại dịch đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về hợp tác kỹ thuật số toàn cầu nơi ITU đóng một vai trò quan trọng trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, kiến thức kỹ thuật số và xây dựng năng lực, như được nêu rõ trong Lộ trình hợp tác kỹ thuật số của Tổng thư ký Liên hợp quốc.

Kết nối băng thông rộng toàn cầu được ưu tiên hàng đầu trong quá trình khôi phục toàn cầu và các nỗ lực phát triển bền vững. Hợp tác giữa y tế, tài chính và thông tin và các lĩnh vực truyền thông là chìa khóa để đầu tư hiệu quả và hiệu quả hơn vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, công nghệ và dịch vụ rất cần thiết trong đại dịch covid-19.

Các công nghệ mới nổi như 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, điện toán đám mây, Internet of Things (IoT) và nhiều nền tảng khác có tiềm năng giải quyết những thách thức cấp bách và cải thiện hơn nữa cuộc sống của hàng tỷ người trên toàn cầu trong đại dịch (thương mại điện tử, học tập từ xa và y tế từ xa) để hỗ trợ phục hồi từ COVID-19.

Tuy nhiên ITU đánh giá cần giải quyết thách thức lớn hiện nay về khoảng cách kỹ thuật số. Thứ nhất, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm nổi bật khoảng cách kỹ thuật số dai dẳng, đặc biệt là giữa các đô thị và các khu vực nông thôn, và giữa các nước phát triển và đang phát triển (còn 3,7 tỷ người vẫn chưa kết nối Internet mặc dù tỷ lệ thâm nhập Internet toàn cầu tăng từ gần 17% năm 2005 lên 51% năm 2019 và bị loại khỏi lợi ích của kết nối kỹ thuật số; chỉ có 40% các quốc gia có sẵn dữ liệu sức khỏe của cá nhân). Hàng trăm triệu người khác phải vật lộn với tình trạng chậm, kết nối tốn kém và không đáng tin cậy do đó khó tiếp cận với các tiện ích chống Covid-19 trên nền tảng kỹ thuật số. Thứ hai, khoảng cách kỹ thuật số theo giới là một vấn đề khác được nhấn mạnh bởi cuộc khủng hoảng COVID-19. Trong năm 2019, ITU ước tính rằng 55% dân số nam trên toàn cầu đang

7. Chiến lược và giải pháp ứng phó với Covid-19 của UPU

UPU cho rằng đại dịch không chỉ là cuộc khủng hoảng y tế, mà về cơ bản là một cuộc khủng hoảng của nhân loại. Không ai là không bị ảnh hưởng, không có nền kinh tế nào không bị tổn thương. Do vậy, cần phải có cách tiếp cận toàn xã hội, toàn ngành nghề, toàn dịch vụ toàn chính phủ, toàn cầu… được thúc đẩy bởi sự thống nhất và đoàn kết cho tới khi tất cả đều được an toàn sau đại dịch. Trong đó dịch vụ bưu chính đóng một vai trò quan trọng và đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực bưu chính, với khối lượng thư giảm đáng kể trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh này, UPU và dịch vụ bưu chính toàn cầu với UPU là cơ quan quản lý toàn cầu đã đưa ra 2 trụ cột trong phòng chống Covid-19: (i) Nhận thức, lan tỏa và vận động; (ii) Hỗ trợ cho các giải pháp vắc-xin trước mắt và củng cố năng lực ngành Bưu chính, xây dựng các khả năng và định nghĩa về dịch vụ bưu chính đối với dịch vụ y tế; hỗ trợ kỹ thuật để triển khai dịch vụ.

Được coi như một dịch vụ thiết yếu trong thời gian lockdown, các dịch vụ bưu chính là cơ sở hạ tầng quan trọng của xã hội, cung cấp không chỉ các dịch vụ cốt lõi, mà còn một loạt các dịch vụ kinh tế – xã hội mới để hỗ trợ các quần thể đang gặp rủi ro. Các dịch vụ mới này bao gồm: dịch vụ thanh toán, chẳng hạn như tiền mặt chuyển tới trước cửa kịp thời và đáng tin cậy; và không chỉ dịch vụ chuyển tiền mà còn cho cả các sản phẩm thiết yếu, bao gồm cả thuốc; cung cấp thiết bị bảo vệ y tế cá nhân, cộng đồng cũng như các thiết bị và mặt hàng phòng chống Covid-19; công tác hậu cần thu thập kiểm tra mẫu thử Covid- 19 và vận chuyển đến phòng thí nghiệm để phân tích.

Một lĩnh vực hỗ trợ tiềm năng, nhanh chóng của ngành Bưu chính là việc phân phối vắc-xin COVID-19, sẽ cung cấp cho cả UPU cơ hội trở thành một phần của giải pháp với thách thức toàn cầu hiện nay: đảm bảo việc tiếp cận với vắc-xin cho người dân. Việc tiếp cận Vaccines là một thách thức về hậu cần khi đại dịch kéo dài. Với sự hướng dẫn chuyên môn và khuyến cáo từ UPU và từ các ngành nghề, tổ chức toàn cầu liên quan đến vấn đề sức khỏe, UPU có thể trở thành một phần quan trọng của giải pháp với sự hỗ trợ của các chính phủ.

Là một tổ chức trong hệ thống LHQ, UPU có thể hình thành các đối tác toàn cầu với các thực thể y tế cộng đồng can dự vào việc phòng chống đại dịch Covid-19 và nguồn cung vaccines. Ngoài ra, UPU đóng vai trò quan trọng trong công tác nâng cao nhận thức của cộng đồng và tuyên truyền phổ biến về bảo vệ sức khỏe trong đại dịch Covid-19.

8. Dịch vụ và hỗ trợ của WIPO liên quan đến Covid-19

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, WIPO cung một gói các biện pháp nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên đối phó với đại dịch Covid-19, cũng như đặt nền móng cho các nỗ lực phục hồi kinh tế sau Covid. Gói hỗ trợ này liên quan đến năm lĩnh vực chính: hỗ trợ chính sách và lập pháp, hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực, hỗ trợ đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ, giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ, và nguồn tài nguyên kiến thức.

8.1. Hỗ trợ chính sách và lập pháp

WIPO cam kết hỗ trợ các quốc gia thành viên thông qua việc tư vấn lập pháp và xây dựng chính sách liên quan đến sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo. Với kinh nghiệm trong việc tư vấn cho các quốc gia thành viên trong nhiều thập kỷ, WIPO tư vấn các quốc gia thành viên về các biện pháp cụ thể giúp giải quyết những vấn đề phát sinh trong đại dịch, cũng như để phục hồi sau đại dịch. Hoạt động tư vấn dựa trên quan hệ hợp tác song phương và bảo mật, đồng thời được điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu riêng của từng quốc gia thành viên.

8.2. Hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực

Các tổ chức đào tạo sở hữu trí tuệ của WIPO sẽ mở rộng quy mô các chương trình đào tạo và giáo dục liên quan đến Covid. Các lĩnh vực trọng tâm bao gồm: sở hữu trí tuệ và tiếp cận thuốc, sở hữu trí tuệ và đổi mới y tế (tập trung vào đổi mới y tế liên quan đến Covid) và sở hữu trí tuệ là một công cụ hợp tác mở để ứng phó với đại dịch Covid. Các khóa đào tạo này tập trung vào mục tiêu phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid bằng hoạt động đổi mới sáng tạo.

WIPO cung cấp các khóa học phát triển chuyên nghiệp và đào tạo từ xa về sở hữu trí tuệ theo cách dễ tiếp cận đối với các quốc gia thành viên, cộng đồng và cá nhân, để nâng cao kiến thức và kỹ năng về sở hữu trí tuệ. Các phiên bản tùy chỉnh của các khóa học cũng cho phép từng quốc gia điều chỉnh nội dung sở hữu trí tuệ cho các nhóm đối tượng cụ thể nhằm hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo.

Là một phần trong hợp tác tăng cường nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên đối phó với đại dịch Covid-19, WIPO, WHO và WTO sẽ cùng tổ chức một loạt các cuộc hội thảo nâng cao năng lực thiết thực. Những cuộc hội thảo này có hai mục tiêu bao trùm: tăng cường luồng thông tin khi đại dịch trầm trọng hơn và tăng cường năng lực của các quốc gia thành viên trong việc ứng phó với đại dịch thông qua việc tiếp cận công bằng đến các công nghệ y tế liên quan tới Covid-19. Hội thảo đầu tiên về chuyển giao công nghệ và cấp li xăng dự kiến sẽ diễn ra vào nửa cuối tháng 9/2021.

Ba cơ quan này cũng đang thảo luận về cách thức đẩy mạnh nỗ lực hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia thành viên, thông qua việc cung cấp cơ chế một cửa với đầy đủ kiến thức và kỹ năng chuyên môn về sở hữu trí tuệ và thương mại của cả ba cơ quan.

8.3. Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ

WIPO phối hợp xây dựng hơn 1.200 Trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ (TISC) tại hơn 80 quốc gia trên thế giới nhằm giúp các quốc gia thành viên trong việc khai thác chuyên môn sở hữu trí tuệ. Các trung tâm này cho phép cho các nhà sáng chế, các nhà nghiên cứu ở các nước đang phát triển tiếp cận được nguồn thông tin công nghệ và các dịch vụ chất lượng cao ngay tại chỗ, giúp họ hiểu rõ hơn và sử dụng hữu hiệu công cụ sở hữu trí tuệ trong hoạt động nghiên cứu triển khai và phát triển công nghệ. WIPO cũng cung cấp một loạt các chương trình và tài nguyên đào tạo, bao gồm các khóa học đào tạo từ xa của WIPO, để hỗ trợ việc đào tạo chuyên môn và nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ tại các trung tâm này.

8.4. Giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ

Khoảng 15% các vụ việc hòa giải và trọng tài nộp cho Trung tâm hòa giải và trọng tài của WIPO có liên quan đến sinh học, thiết bị y tế và các ngành công nghiệp hóa chất. Những tranh chấp này không chỉ liên quan đến các công ty lớn mà đến cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như các công ty khởi nghiệp. Để tạo điều kiện cho các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận tốt hơn đến các dịch vụ đó, bất kỳ doanh nghiệp nào có dưới 250 nhân viên vướng vào tranh chấp sở hữu trí tuệ sẽ được giảm 25% phí nếu nộp đơn cho Trung tâm này.

8.5. Nguồn tài nguyên kiến thức

WIPO đã phát triển một công cụ theo dõi chính sách sở hữu trí tuệ trong đại dịch Covid-19 nhằm thu thập và cung cấp thông tin về những biện pháp mà các cơ quan sở hữu trí tuệ trên thế giới áp dụng để ứng phó với đại dịch Covid -19, bao gồm thông tin liên quan đến thời hạn, áp dụng pháp luật và các quy định pháp lý khác, giúp người nộp đơn nhanh chóng tiếp cận đến những biện pháp linh hoạt mà các cơ quan sở hữu trí tuệ áp dụng trong đại dịch Covid -19.

WIPO cũng thiết lập một cơ sở dữ liệu sáng chế về thuốc (Pat-INFORMED) cho phép cộng đồng y tế toàn cầu, đặc biệt là những người liên quan đến việc mua sắm thuốc dễ dàng truy cập đến thông tin sáng chế về thuốc. Tính đến tháng 6/2021, cơ sở dữ liệu nàychứa 236 tên phi thương mại quốc tế (INN) và 21.029 bằng sáng chế liên quan đến 653 sáng chế cùng loại.

WIPO cũng xây dựng báo cáo toàn cảnh sáng chế – một hình thức sử dụng thông tin và dữ liệu sáng chế để thu thập và chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về xu thế phát triển công nghệ trên thế giới. WIPO đã sử dụng hình thức báo cáo này để hỗ trợ các cuộc thảo luận về sản xuất vắc-xin của WHO với các nhà sản xuất vắc-xin, về cấp li xăng và mua sắm công, và về các quyết định của Tổ chức thỏa thuận cấp li xăng chéo về thuốc liên quan đến thuốc kháng virus. WIPO hiện đang chuẩn bị một bản báo cáo toàn cảnh sáng chế liên quan đến vắc-xin và tác nhân điều trị nhắm đến Covid-19 và đặt kế hoạch phát hành báo cáo này ngay trước khi diễn ra Đại hội đồng WIPO vào đầu tháng 10 năm nay.

(Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here