Kinh tế Mỹ

0
44
(minh hoạ)
(minh hoạ)

1. Cựu Trưởng USTR Lighthizer cho rằng Mỹ nên giữ nguyên mức thuế đang áp đặt với hàng hóa Trung Quốc

Ngày 9/9/2021, báo Inside Trade dẫn trả lời phỏng vấn của cựu Trưởng USTR Robert Lighthizer và ứng cử viên Thượng nghị sĩ bang Ohio J.D. Vance trên Akron Beacon Journal cho rằng các biện pháp thuế quan đã áp lên Trung Quốc đã giúp bù đắp cho những thiệt hại từ lợi thế kinh tế không công bằng của Trung Quốc.

Theo đó, các mức thuế đã gửi một tín hiệu rõ ràng cho các công ty Mỹ về việc cần mang việc làm trở lại nước Mỹ và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Mỹ cần tiếp tục và mở rộng các chính sách đã có từ dưới thời Chính quyền Trump thay vì nỗ lực đảo ngược. Khẳng định nền tảng quan trọng nhất đối với người lao động Mỹ là có một cơ sở sản xuất vững chắc. Hai nhân vật cũng chỉ trích việc Bộ trưởng Tài chính Jane Yellen đang chịu sự ảnh hưởng của các công ty đa quốc gia Mỹ trong việc tiến tới giảm hoặc loại bỏ các biện pháp thuế quan.

Inside Trade cho biết, trước đó bà Yellen từng trả lời the New York Times đánh giá các biện pháp áp thuế đã không được đưa ra một cách cân nhắc cẩn thận và xem xét vị trí lợi ích của Mỹ, cho rằng các biện pháp thuế này là thuế đánh vào người tiêu dùng, gây tổn thương và không giải quyết được nhiều vấn đề cơ bản mà Mỹ đang gặp trong quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Trước đó, chính quyền Trump vào năm 2018 đã tiến hành áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm theo điều khoản 232 của Luật Thương mại mở rộng 1962 với gần như tẩt cả các nước, trong đó có Trung Quốc, đồng thời áp thêm các biện pháp thuế theo điều khoản 301 lên số lượng hàng hóa trị giá 370 tỷ USD của Trung Quốc. Kể từ đó, nhiều nghị sĩ và nhóm doanh nghiệp đã thúc giục chính quyền bãi bỏ các biện pháp này.

2. Nghị sĩ Quốc hội công bố dự luật khôi phục dán mác xuất xứ bắt buộc đối với sản phẩm thịt bò

Ngày 9/9/2021, báo Inside Trade dẫn tin cho biết các nghị sỹ bao gồm Thành viên Ủy ban Nông nghiệp Thượng viện TNS John Thune và Mike Rounds (Cộng hòa – South Dakota); Jon Tester (Dân chủ – Montana) và Cory Booker (Dân chủ – New Jersey) cho biết trong tuần tới sẽ chính thức giới thiệu “Dự luật ghi nhãn thịt bò Mỹ” nhằm yêu cầu Trưởng USTR Katherine Tai, cùng với sự tham vấn của Bộ trưởng Nông nghiệp Tom Vilsack trong vòng 01 năm kể từ khi luật ban hành phải xây dựng các yêu cầu về nhãn quốc gia xuất xứ (COOL requirements) trong khuôn khổ WTO. Trường hợp USTR không khôi phục được các yêu cầu COOL, đạo luật sẽ tự động có tác dụng khôi phục đối với sản phẩm thịt bò.

TNS Thune trong tuyên bố khẳng định tính minh bạch trong việc gắn mác xuất xứ mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng; cho rằng hệ thống tiện tại ở Mỹ chưa rõ ràng, chưa làm rõ việc bò có được sinh ra và nuôi dưỡng ở Mỹ, mà chỉ cần được sơ chế và đóng gói tại Mỹ là đã được dán nhãn sản phẩm Mỹ, điều tạo ra sự không công bằng cho người chăn nuôi gia súc và dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Theo Inside Trade, một số tập đoàn công nghiệp Mỹ cùng với các nghị sỹ đã yêu cầu việc gắn nhãn mác của Mỹ phải nghiêm ngặt hơn sau khi các yêu cầu COOL trước đây của Mỹ bị Mexico và Canada kiện tại WTO do vi phạm các quy định của Tổ chức, đặt ra gánh nặng xác minh và lưu trữ hồ sơ không công bằng với hai nước kể trên. Mỹ đã bãi bỏ điều khoản này sau phán quyết của WTO.

Đề xuất dự luật hiện được một số nhóm sản xuất chăn nuôi ca ngợi, trong đó có cả Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia súc Mỹ Justin Tupper, cho đây là một con đường đạt được nhãn mác rõ ràng, chính xác giúp người tiêu dùng có thể tiếp tục đặt mua thịt bò Mỹ chất lượng cao.

3. Thiếu hụt chuỗi cung ứng của Mỹ và hậu quả của toàn cầu hóa.

Theo The Hill ngày 8/9/2021, nước Mỹ đang đối mặt với sự thiếu hụt mọi thứ, từ gỗ, thép đến hàng tiêu dùng và ô tô do Mỹ phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu. Để khắc phục điều này và bắt đầu xây dựng lại cơ sở sản xuất quốc gia, Quốc hội và Tổng thống Biden cần phải điều chỉnh lại những thiếu sót trong chính sách thương mại, và biện pháp quan trọng để đạt được điều này là định giá lại đồng đô la được định giá quá cao.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu này. Các thỏa thuận thương mại tự do thời gian qua thường được soạn thảo theo đề nghị của các công ty đa quốc gia của Mỹ, khuyến khích các công ty sản xuất ở nước ngoài, nơi có nhân công rẻ như Mexico, Trung Quốc và gần đây là Việt Nam. Chính sách đồng đô la mạnh làm cho hàng nhập khẩu rẻ hơn, nhưng lại đặt người lao động trong nước cạnh tranh với lao động nước ngoài lương thấp. Hậu quả của chính sách này là tiền lương cho công nhân sản xuất của Mỹ bị ảnh hưởng trong khi thị trường chứng khoán và các ngân hàng ở Phố Wall đã thu được lợi nhuận khổng lồ.

Việc xây dựng lại chuỗi cung ứng trong nước là điều cần thiết cho sự thành công của chương trình “Xây dựng trở lại tốt hơn” của chính quyền Biden. Quốc hội và Tổng thống Biden hiện đang xem xét các khoản đầu tư hàng trăm tỷ USD cho sản xuất, nghiên cứu, đào tạo lực lượng lao động và các chương trình liên quan. Nhưng những kế hoạch này chỉ có thể hiệu quả khi Washington thực hiện các bước để cải thiện khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất Mỹ và tạo ra nhu cầu đối với các sản phẩm sản xuất do Mỹ sản xuất.

Cách thức thực tế nhất để kích cầu đối với hàng hóa do Mỹ sản xuất là làm cho giá của chúng cạnh tranh hơn, và điều đó chỉ có thể được thực hiện bằng cách quy đổi đồng đô la Mỹ và giảm giá trị của nó khoảng 25% so với tiền tệ của Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia công nghiệp khác hiện đang có thặng dư thương mại. Điều chỉnh lại đồng đô la là công cụ hiệu quả nhất hiện có để tái cân bằng thương mại, xây dựng lại ngành sản xuất của Mỹ và loại bỏ tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng do hoạt động toàn cầu hóa của Mỹ gây ra.

4. Các biện pháp giới hạn nợ của Mỹ sẽ hết hạn vào tháng 10

Theo Bloomberg, ngày 8/9/2021, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo bộ Tài chính sẽ không còn khả năng tránh vi phạm giới hạn nợ liên bang vào tháng 10 đồng thời tiếp tục kêu gọi Quốc hội tăng hoặc đình chỉ mức trần nợ. Hồi tháng 7 bà Yellen đã cho biết Bộ Tài chính sẽ sử dụng hết các biện pháp đặc biệt của mình và sẽ hết tiền mặt ngay sau khi Quốc hội trở lại kỳ họp tháng 9. Bộ Tài chính cho biết, rất khó dự đoán thời điểm cuối cùng để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ do thanh toán vì thu, chi ngân sách liên quan trực tiếp đến đại dịch.

Các nhà lập pháp đảng Dân chủ dự kiến ​​sẽ ban hành một biện pháp giải quyết giới hạn nợ kèm theo trong một dự luật chi tiêu ngắn hạn để đảm bảo chính phủ liên bang tiếp tục có kinh phí hoạt động cho đến khi bắt đầu năm tài chính vào ngày 1/10/2021. Hầu như tất cả các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đều sẽ bỏ phiếu chống lại việc dỡ bỏ hoặc dừng giới hạn nợ do không đồng tình với các động thái của Đảng Dân chủ nhằm ban hành gói chi tiêu xã hội trị giá 3,5 nghìn tỷ USD. Đảng Dân chủ sẽ cần sự ủng hộ của 10 thượng nghĩ sỹ đảng Cộng  hòa để thông qua mức trần nợ.

Đảng Dân chủ nhấn mạnh rằng họ đã cùng phối hợp với Đảng Cộng hòa trong việc đình chỉ giới hạn nợ dưới thời Tổng thống Donald Trump và đề nghị các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa có động thái tương tự cho hiện tại. Bộ trưởng Tài chính cũng cảnh báo Quốc hội không nên đợi đến phút cuối cùng mới dừng hoặc tăng mức trần nợ vì như thế sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, tăng chi phí vay ngắn hạn cho người nộp thuế và tác động tiêu cực đến xếp hạng tín dụng của Mỹ.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here