Bangladesh và Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất từ xuất khẩu may mặc

0
108
(Minh Phúc)
(Minh Phúc)

Các nhà nghiên cứu của Đại học Cornell đã làm việc với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) để đưa ra tài liệu phân tích, phác thảo các kịch bản có thể xảy ra cho một tương lai sau COVID-19 của ngành công nghiệp may mặc toàn cầu, đặc biệt chú ý đến những tác động có thể xảy ra đối với người lao động, người sử dụng lao động và chính phủ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Theo đó, Bangladesh và Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất do sự chuyển dịch xuất khẩu hàng may mặc và giày dép từ Trung Quốc. Năm 2019, tỷ trọng xuất khẩu quần áo và giày dép của cả hai quốc gia này sang Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) bằng một nửa thị phần của Trung Quốc.

Nhập khẩu quần áo và giày dép của Mỹ từ Trung Quốc giảm xuống còn 37,9% vào năm 2019, trong khi vào năm 2010 là 50,7%. Tương tự, nhập khẩu của EU từ Trung Quốc giảm xuống là 36,1% trong năm 2019, từ 47,6% trong năm 2010.

Tỷ trọng xuất khẩu hàng may mặc và giày dép của Bangladesh sang Mỹ tăng lên 4,3% vào năm 2019, từ 3,5% trong năm 2010. Tỷ trọng xuất khẩu của nước này sang EU ở mức 13,2% trong năm 2019, tăng từ 6,6% trong năm 2010.

Tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ và EU lần lượt tăng lên 14,9% và 6,7% trong năm 2019. Tỷ trọng của Việt Nam sang hai thị trường truyền thống này lần lượt là 6,6% và 4,0% trong năm 2010.

Tuy vậy, giống như Mỹ, Trung Quốc vẫn là nguồn nhập khẩu hàng dệt, may và giày dép lớn nhất của EU từ năm 2000 đến năm 2019. Nghiên cứu cũng cho thấy nhập khẩu từ Việt Nam và Bangladesh tăng liên tục kể từ năm 2000. Sự dịch chuyển nhập khẩu hàng may mặc của Trung Quốc đã diễn ra dần dần trước khi xảy ra các cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gần đây và các lệnh trừng phạt lao động cưỡng bức năm 2021.

Một nghiên cứu chung khác của Hiệp hội Công nghiệp Thời trang Hoa Kỳ (USFIA) và Đại học Delaware cũng cho biết chi phí tăng cao cho việc tìm nguồn cung ứng là mối quan tâm đáng kể đối với các công ty thời trang Hoa Kỳ vào năm 2021. Và cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc làm trầm trọng thêm áp lực và thách thức tài chính mà các công ty thời trang của Mỹ đang phải đối mặt trong đại dịch.

Mặc dù Việt Nam vẫn là một điểm đến tìm nguồn cung chính, nhưng người mua Hoa Kỳ đã tỏ ra thận trọng hơn trong năm nay về tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam do lo ngại về chi phí tăng và những bất ổn thương mại. Nghiên cứu cho rằng Bangladesh vẫn là một điểm đến tiềm năng đối với người mua Mỹ vì khả năng cạnh tranh về giá cả.

Nghiên cứu của USFIA đánh giá Bangladesh tập trung vào các mặt hàng may mặc cơ bản là bất lợi trong cạnh tranh và cho rằng việc đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm xuất khẩu cũng như nâng cao tính linh hoạt và kịp thời trong sản xuất sẽ là yếu tố quan trọng để Bangladesh đóng vai trò quan trọng hơn trong cung ứng hàng may mặc cho Mỹ.

Md Shahidullah Azim, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA), cho biết Việt Nam sản xuất nhiều mặt hàng giá trị gia tăng hơn, có giá tương đối cao. Ngược lại, Bangladesh xuất khẩu số lượng lớn nhưng giá thấp. Chính phủ nên hỗ trợ chính sách để khuyến khích các doanh nhân sản xuất sợi nhân tạo để đa dạng hóa các mặt hàng may mặc của Bangladesh. Bangladesh cũng nên xem xét nhiều mặt hàng có giá trị gia tăng hơn để chiếm thị phần lớn hơn không chỉ trong các đơn đặt hàng đã chuyển dịch từ Trung Quốc mà trong cả tổng thể cơ cấu hàng của Bangladesh. Với các khuyến nghị của USFIA, ông đề nghị “nên chú ý nhiều hơn đến việc đa dạng các sản phẩm, nhưng không nên bỏ việc sản xuất các mặt hàng may mặc cơ bản” mà Bangladesh đang có lợi thế.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here