Chiều ngày 26/7/2021, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức tham vấn kín về thực hiện Nghị quyết 2565 về vaccine COVID-19 và Nghị quyết 2532 về COVID-19 theo đề nghị của Anh. Các Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách cứu trợ nhân đạo và xây dựng hòa bình Ramesh Rajasingham và Oscar Fernandez-Taranco đã tham dự và báo cáo tại cuộc họp. Phái đoàn xin báo cáo các nội dung chính như sau:
1. Thông tin của các báo cáo viên:
1.1. Trợ lý Tổng Thư ký Rajasingham cho biết, so với báo cáo Hội đồng Bảo an trước đó, tình hình nhân đạo tại các khu vực xung đột, khủng hoảng hiện đang trầm trọng thêm do tác động cộng hưởng của xung đột, đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu; trong năm 2021, tại ¾ số các quốc gia cần cứu trợ nhân đạo, số ca nhiễm COVID-19 và tử vong gia tăng do thiếu vắc-xin, năng lực y tế công cộng yếu kém và các biến chủng mới của COVID-19 dễ lây lan hơn, chủng Delta hiện là biến chủng phổ biến nhất trên toàn cầu, đã được xác nhận tại 124 quốc gia, trong đó có 17 quốc gia thuộc danh sách có nhu cầu cứu trợ nhân đạo; cho rằng do năng lực y tế hạn chế, các con số nêu trên có thể chưa phản ánh chính xác mức độ khủng hoảng trên thực tế; kêu gọi cộng đồng quốc tế cần hành động nhằm bảo đảm tiếp cận trang thiết bị phòng dịch, nguồn cung oxy, thiết bị chẩn đoán, xét nghiệm và thuốc điều
Ông Rajasingham cũng cho rằng kể từ khi Nghị quyết 2565 được thông qua, vắc-xin đã được phân bổ đến khu vực có tình trạng mong manh song số lượng chưa đủ đáp ứng, theo đó mới có 18 triệu liều được phân phối; nhằm thực hiện mục tiêu tiêm chủng cho 10% dân số tại các khu vực này trước tháng 9/2021 thì cần tiếp tục phân phối 162 triệu liều nữa; theo dự báo, nguồn cung vắc-xin cho khu vực xung đột sẽ tăng nhiều hơn trong quý III và IV năm nay, COVAX có thể có được 1,9 tỷ liều vào cuối năm 2021 nhằm phân bổ cho các nước thu nhập thấp. Ông hoan nghênh các nước tự nguyện chia sẻ vắc-xin thông qua COVAX, Liên minh châu Phi (AU) hoặc song phương; khuyến khích các nước giải ngân nhanh chóng và cân nhắc tiếp tục đóng góp tài chính cho các cơ chế vaccine; cho biết vấn đề quan trọng hiện nay là xây dựng năng lực tiêm chủng cho hệ thống y tế các nước, vì chưa đến 50% lượng vaccine được phân bổ đi kèm thiết bị tiêm chủng (bơm kim tiêm…), dẫn đến nguy cơ vaccine không thể sử dụng, hết hạn trước khi có thể được sử dụng (như Nam Sudan mặc dù tiếp nhận vaccine nhưng thiếu kinh phí để triển khai chương trình tiêm chủng); cần hỗ trợ đào tạo nhân viên y tế, xác định các nhóm người dân dễ bị tổn thương, áp dụng các biện pháp an ninh, hậu cần, bảo đảm tiếp cận đến cả người dân sống tại khu vực lãnh thổ do nhóm vũ trang phi nhà nước kiểm soát; cần khắc phục tư tưởng bài vaccine thông qua gắn kết với cộng đồng.
Ông đề cập đến các tác động nhân đạo khác của đại dịch COVID-19 như nhu cầu cứu trợ nhân đạo trong năm 2021 tăng 40% so với 2020, thu nhập của các quốc gia giảm sút, nguy cơ đánh mất các kết quả phát triển đã đạt được; 3,4 triệu trẻ em không được đến trường; các chương trình tiêm chủng bị trì hoãn, làm bùng phát các bệnh không truyền nhiễm như sởi, đậu mùa; theo WFP, cứ 1 trong 10 người trên toàn cầu bị vào tình trạng thiếu ăn, giá cả lương thực tăng cao nhất trong 1 thập niên, 45 triệu người có nguy cơ bị rơi vào nạn đói hoặc tình trạng tương tự như nạn đói; phụ nữ và trẻ em bị tác động mạnh mẽ nhất.
Theo đó, Trợ lý Tổng Thư ký đề xuất: (i) hỗ trợ tài chính cho cứu trợ nhân đạo, đồng thời nhanh chóng giải ngân các cam kết (WB cam kết hỗ trợ 12 tỷ đô-la cho các nước nghèo song cho đến nay mới giải ngân được 3,6 tỷ đô-la); (ii) ứng phó với các làn sóng dịch thông qua bảo đảm hỗ trợ nguồn cung oxy, trang thiết bị y tế, thuốc men, hỗ trợ các chính phủ giảm thiểu tác động; (iii) các quốc gia nghèo nhất và dễ tổn thương nhất cần được tiếp cận vaccine, kêu gọi ủng hộ COVAX và quyên góp nguồn vaccine dư thừa; (iv) tăng cường hệ thống tiêm chủng và chống tư tưởng bài vaccine.
1.2. Trợ lý Tổng Thư ký Fernandez-Taranco cho biết hai thách thức lớn hiện nay là bảo đảm đủ nguồn cung vaccine và bảo đảm vaccine được phân phối, quản lý an toàn, song hiện nay phần lớn các nước đang phải đối mặt với thách thức thứ nhất; nguồn cung vaccine cực kỳ hạn chế, chẳng hạn Syria mới nhận được lô vaccine đầu tiên với 256 nghìn liều thông qua COVAX cho dân số 30 triệu người; các nguy cơ an ninh từ đại dịch tiếp tục gia tăng do tác động nghiêm trọng về kinh tế – xã hội, lòng tin giảm sút, bầu cử và chuyển giao chính quyền bị trì hoãn, tình trạng vi phạm nhân quyền, thu hẹp không gian dân sự, bất bình đẳng giới, các biện pháp phong tỏa (như tại Colombia). Trợ lý Tổng Thư ký thông tin về một số tình hình cụ thể như tại Lebanon, tình trạng mất an ninh do bạo lực, cắt điện, suy giảm sức mua cộng hưởng với tác động của COVID-19; tại Myanmar, hệ thống y tế công cộng phải chịu áp lực kể từ sau khi quân đội nắm quyền ngày 1/2/2021, năng lực xét nghiệm và điều trị bị giảm.
Ông Fernandez-Taranco cho rằng cần tăng cường nỗ lực ngăn ngừa xung đột, xây dựng và duy trì hòa bình, thực hiện Lời kêu gọi ngừng bắn của Tổng Thư ký. Thực tế, các trung gian, hòa giải viên của Liên hợp quốc tiếp tục nỗ lực duy trì lệnh ngừng bắn, tổ chức đối thoại trực tiếp khi có thể hoặc đối thoại trực tuyến (nêu ví dụ cuộc họp lần thứ 5 của Ủy ban hiến pháp Libya được tổ chức tại Geneva, lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020, Đặc phái viên Tổng Thư ký về Syria đã triệu tập một cuộc họp trực tiếp, Phái bộ Liên hợp quốc tại Libya UNSMIL tiếp tục sử dụng phương thức trực tiếp và trực tuyến để kết nối các bên liên quan). Các phái bộ tiếp tục hỗ trợ nước chủ nhà ứng phó và giảm thiểu tác động của đại dịch như UNAMI hỗ trợ phân phối trang thiết bị bảo hộ; UNSOM cung cấp địa điểm cách ly. Các vấn đề như ngôn ngữ thù hận, thông tin sai sự thật cần được giải quyết trong khi gắn kết xã hội, bảo vệ sức khỏe phụ nữ cần được ủng hộ. Trợ lý Tổng Thư ký cho rằng công bằng vaccine là phép thử đạo đức quan trọng nhất, đồng thời có ý nghĩa sống còn với hòa bình và an ninh quốc tế; khẳng định cần bảo đảm tất cả mọi người được tiêm chủng sớm nhất có thể.
2. Phát biểu của các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
2.1. Các nước thành viên Hội đồng Bảo an bày tỏ thất vọng vì Nghị quyết 2532 và Nghị quyết 2565 không được thực hiện như mong đợi, lời kêu gọi ngừng bắn của Tổng Thư ký và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an không được thực thi, bạo lực vẫn tiếp diễn.
– Về diễn biến của đại dịch, nhiều ý kiến cho rằng số ca mắc và tử vong tăng lên với tốc độ đáng quan ngại thời gian qua và biến chủng đang lây lan nhanh chóng cho thấy thế giới chưa thể kiềm chế và kiểm soát được đại dịch; chỉ trong vòng 18 tháng, thế giới đã có 4 triệu người tử vong, 240 triệu người bị đẩy vào tình cảnh đói nghèo; tác động cộng hưởng của xung đột, COVID-19, đói nghèo, biến đổi khí hậu.
– Về việc tiêm chủng vaccine, các nước lo ngại tỷ lệ tiêm chủng tại các nước thu nhập thấp chỉ đạt 2%, trong số 3,3 tỷ liều vaccine đã được phân phối có đến 84% dành cho các nước thu nhập cao và cao trung bình, nhiều nước sẽ không đạt mục tiêu tiêm chủng 25% dân số vào cuối năm 2021; ghi nhận kết quả của Chương trình COVAX phân phối 110 triệu liều vaccine đến 135 nước, trong đó có Palestine, song cho rằng mục tiêu hướng đến còn rất xa.
Hầu hết ý kiến khẳng định tiếp cận công bằng vaccine là yêu cầu sống còn; kêu gọi không dự trữ vaccine, thu hẹp khoảng cách tiếp cận vaccine, bảo đảm tất cả người dân được tiêm chủng; ủng hộ Kế hoạch tiêm chủng toàn cầu do Tổng Thư ký Liên hợp quốcđề xuất trên cơ sở không để ai bị bỏ lại; ủng hộ tăng cường năng lực sản xuất của quốc gia, hỗ trợ hệ thống phân phối vaccine từ đó đẩy nhanh chương trình tiêm chủng quốc gia.
– Về một số vấn đề khác, các ý kiến kêu gọi tăng cường hỗ trợ tài chính cho hoạt động cứu trợ nhân đạo; có sự điều phối giữa Liên hợp quốc, quốc gia thành viên, tổ chức khu vực, các tổ chức tài chính, nhà sản xuất và hệ thống y tế địa phương; kêu gọi khôi phục các chương trình tiêm chủng, chống thông tin sai sự thật. Một số ý kiến ủng hộ cần bảo đảm ưu tiên tiêm chủng cho nhân viên gìn giữ hòa bình.
2.2. Ngoài ra, một số nội dung đáng chú ý khác như sau:
Anh cho rằng triển vọng nguồn cung vaccine sẽ tăng lên, tuy nhiên thách thức là khó khăn trong việc triển khai chương trình tiêm chủng tại các nước thu nhập thấp, hệ thống y tế và cơ sở hạ tầng yếu kém, tâm lý bài vaccine; cần quản lý hiệu quả nguồn cung để năng lực tiếp nhận và quản lý không bị qúa tải, tối đa hóa lợi ích từ các dàn xếp cho phép tiếp nhận vaccine (như các lệnh ngừng bắn); 50% số ca nhiễm và tử vong hiện nay là tại các tình huống nhân đạo, cần đặc biệt chú ý đến các nước thu nhập thấp, xung đột, cần hỗ trợ nhân đạo; tỏ quan tâm về phối hợp giữa Liên hợp quốc và ASEAN trong giải quyết tình hình tại Myanmar, nơi theo dự đoán đến tuần tới sẽ có 50% người dân bị nhiễm COVID-19, và nêu vai trò của cộng đồng quốc tế trong thúc đẩy ngừng bắn tạo điều kiện cho chương trình vaccine được triển khai tại đây.
Mỹ cam kết đẩy nhanh phân phối vaccine, hỗ trợ tất cả các trụ cột của chương trình ACT Accelerator, bao gồm COVAX; đã tài trợ 2 tỷ đô-la Mỹ cho GAVI nhằm hỗ trợ COVAX, là nhà tài trợ lớn nhất cho COVAX; tại cuộc họp G7 vừa qua, Mỹ thông báo cam kết cung cấp 500 triệu vaccine pfizer cho GAVI để cung cấp cho 92 nước thu nhập thấp, trung bình và Châu Phi, ngoài 80 triệu liều Mỹ đã cam kết cung cấp cho toàn cầu; thừa nhận tác động bất cân xứng với phụ nữ, trẻ em, người tàn tật; kêu gọi triển khai chương trình “vùng đệm vaccine”; cho rằng tiêm chủng tại Syria phụ thuộc vào tiếp cận nhân đạo xuyên biên giới, cảnh báo sự suy giảm nghiêm trọng năng lực xét nghiệm và trang thiết bị; quan tâm về mức độ dịch bệnh tại Đông Bắc Syria.
Pháp cho rằng cần tập trung vấn đề tiếp cận vaccine, vaccine cần là tài sản công toàn cầu; Hội đồng Bảo an cần khuyến khích các nước tự sản xuất vaccine, chuyển giao công nghệ, tăng cường nhận thức chống bài vaccine; cho rằng thảo luận về thực hiện 2 Nghị quyết có thể được nêu tại cuộc họp chủ đề, cũng như lồng ghép vào thảo luận về tình hình khu vực.
Nga nêu Nghị quyết 2565 là khuôn khổ rõ ràng về sự tham gia, vai trò của Hội đồng Bảo an trong vấn đề vaccine COVID-19; quan ngại COVAX không bảo đảm đủ vaccine cần thiết; cần thúc đẩy để chương trình “vùng đệm nhân đạo”[1] được triển khai đầy đủ; thúc đẩy các nỗ lực tiếp cận vaccine mà không bị chính trị hóa thông qua đẩy nhanh phê duyệt các loại vaccine, sử dụng công nghệ trong quản lý, phân phối vaccine, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương; cho rằng thông tin về việc thực hiện Nghị quyết 2565 cần được cung cấp nhanh chóng và lồng ghép vào các báo cáo thường kỳ của Ban Thư ký Liên hợp quốc; Nga đã và đang đóng góp vào nỗ lực chung, đã đăng ký 4 loại vaccine trong đó vaccine hiệu nghiệm nhất là Sputnik 1 được sử dụng trên khắp thế giới, là loại hiệu quả thứ hai trong chống COVID-19, đã hỗ trợ đầu tư trang thiết bị sản xuất vaccine cho 14 nước.
Trung Quốc kêu gọi đoàn kết và điều phối, các bên cần đáp ứng lời kêu gọi ngừng bắn, tạo điều kiện tiếp cận nhân đạo, ưu tiên phụ nữ, trẻ em, người tàn tật; dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương vì không có căn cứ theo luật pháp; chỉ có 44% vaccine toàn cầu được phân bổ tại các nước đang phát triển, tại các nước nghèo nhất là 0,4%, trong khi nhiều nước tích trữ vaccine, vaccine đang được lưu trữ trong nhà kho chờ hết hạn, điều này đi ngược lại công lý, tác động tiêu cực đến nỗ lực kiểm soát COVID-19; hoan nghênh các nỗ lực cung cấp vaccine, hy vọng cam kết đi cùng với hành động, kêu gọi dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ; cho biết đã cung cấp vaccine như tài sản công cho tất cả các nước trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an, có kế hoạch phân phối cho Ai Cập và qua đó phân phối cho người dân Palestine tại dải Gaza, cam kết trong 4 tháng nữa sẽ cung cấp thêm 110 nghìn liều cho COVAX; cần thực hiện Tuyên bố Chủ tịch về phục hồi hậu xung đột tại Châu Phi; cần chống kỳ thị, chính trị hóa, chia rẽ, đối đầu.
Tunisia cho rằng Nghị quyết 2532 đã nhấn mạnh tác động của đại dịch đến hòa bình, an ninh quốc tế; cảm ơn các nước hỗ trợ Tunisia vượt qua khó khăn. SVG nêu Châu Phi chiếm phần lớn chương trình nghị sự của Hội đồng bảo an nhưng chỉ nhận được 1,7% lượng vaccine đã phân bổ; kêu gọi hợp tác với GAVI, CEPI, UNICEF và các bên nhằm đẩy mạnh phân phối vaccine; nhiều nước Châu Phi đã đăng ký và trả tiền mua vaccine nhưng vẫn chưa nhận được, vaccine còn tập trung tại các nước phát triển, cho rằng việc đầu cơ tích trữ và chỉ tiêm chủng cho người giàu là cách làm không bền vững; cần thúc đẩy các nước tự sản xuất vaccine, ủng hộ dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng năng lực tự sản xuất. Kenya cho rằng có trường hợp các nước Châu Phi kêu gọi vaccine song yêu cầu này bị xếp phía sau; kê gọi tăng cường sản xuất toàn cầu; quan tâm tình hình tiêm chủng cho các phái bộ, nhân viên nhân đạo, tuyến đầu trong xung đột. Niger quan ngại về tình trạng mất an ninh lương thực; cần tránh sử dụng nguồn cung vaccine nhằm phục vụ các lợi ích chiến lược.
Mexico khẳng định yêu cầu đối thoại, đoàn kết, chẳng hạn tại Síp, đối thoại giữa các bên đã đạt kết quả mở lại 3 điểm thông quan còn lại, đồng bộ hóa các biện pháp kiểm soát COVID-19; cho biết Mexico đã chia sẻ nguồn cung ứng trang thiết bị phòng dịch với các nước bị ảnh hưởng.
Estonia ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, cam kết phân phối vaccine công bằng, ủng hộ kế hoạch vaccine toàn cầu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Ireland quan ngại đại dịch làm trầm trọng thêm xung đột, cộng hưởng với nạn đói, các vụ tấn công vào nhân viên nhân đạo, làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo như tại Syria, Lebanon, Myanmar, Afghanistna, Ethiopia. Na Uy cho rằng cần bảo đảm tiêm chủng cho những người bị tổn thương tại các khu vực khó tiếp cận, bảo đảm chương trình “vùng đệm nhân đạo” diễn ra đồng thời với chương trình COVAX; lên án tấn công vào nhân viên nhân đạo; tại Myanmar, quan ngại tình trạng tấn công vào cơ sở y tế, dịch bệnh lây lan không thể kiểm soát, hệ thống y tế hoàn toàn suy sụp, nghi kị sâu sắc trong người dân, tình trạng nhân đạo hết sức nghiêm trọng, kêu gọi cần có hành động thống nhất, không chính trị hóa; tỏ quan tâm về biện pháp theo dõi và đánh giá thực hiện ngừng bắn, lồng ghép khía cạnh giới vào các nỗ lực trung gian, hòa giải, cách thức bảo đảm tiếp cận vaccine tại Myanmar trong các khu vực do quân đội kiểm soát và không do quân đội kiểm soát.
Ấn Độ cho rằng cần cơ chế hiệu quả nhằm giải quyết vấn đề mất công bằng, thiếu điều phối trong tiếp cận, phân phối vaccine; Ấn Độ đã cung cấp 200 nghìn liều vaccine cho các phái bộ Liên hợp quốc, cảm ơn sự ủng hộ trong đợt dịch thứ hai tại Ấn Độ, cam kết chia sẻ nhiều nhất có thể với các nước; Ấn Độ đã ứng dụng công nghệ thông tin trong chiến dịch tiêm chủng, sẵn sàng cung cấp công nghệ này như là tài sản công cộng cho các nước, kêu gọi dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine; kêu gọi cần tiếp tục chống khủng bố trong thời gian dịch COVID-19.
2.3. Việt Nam cho rằng đại dịch COVID-19 đã làm bộc lộ nhiều bất bình đẳng giữa các quốc gia, trong đó, vấn đề khoảng cách trong tiêm chủng vaccine COVID-19 đặc biệt đáng quan ngại, có thể đe dọa nỗ lực xây dựng hòa bình và các thành quả phát triển đã đạt được; cần bảo đảm tất cả mọi người được tiêm chủng, tiếp cận dịch vụ xét nghiệm, chữa bệnh COVID-19; kêu gọi các nước ủng hộ tài chính và nguồn cung vaccine cho Chương trình COVAX; nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện các biện pháp lâu dài về ngăn ngừa, chấm dứt xung đột, phát triển kinh tế, tăng cường sinh kế của người dân, cung cấp tài chính cho phát triển và ứng phó một cách tổng thể các thách thức kinh tế, khí hậu, dịch bệnh.
3. Trả lời các câu hỏi, Trợ lý Tổng Thư ký Rajasingham cho biết ngoài việc hỗ trợ tài chính cho phân phối vaccine, cần tiếp tục cứu trợ các nhu cầu khác về nước uống, lương thực, các loại vaccine có ý nghĩa sống còn khác; kêu gọi bảo đảm vaccine đến được những người dân dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt tại khu vực lãnh thổ do nhóm vũ trang kiểm soát, người di cư, tị nạn, người bị buộc phải rời khỏi nhà cửa, khuyến khích các chính phủ xác định nhóm ưu tiên, không để ai bị bỏ lại phía sau; nhắc lại 4 nhóm lĩnh vực khuyến nghị cần triển khai để giảm thiểu tác động của COVID-19, kêu gọi mạnh mẽ Hội đồng Bảo an xem xét các giải pháp này; theo IFM, cần nguồn kinh phí 50 tỷ đồng để tiêm chủng cho tất cả người dân tại các nước thu nhập thấp, đây là khoản đầu tư công lớn nhất; thừa nhận tác động đặc biệt đến phụ nữ, đặc biệt tâm lý bài vaccine do quan ngại về vấn đề sinh sản, kêu gọi cần tăng cường hiểu biết về vấn đề này, bảo đảm phụ nữ và trẻ em gái được coi là nhóm đặc biệt bị tổn thương.
Ông Rajasingham cho biết tại Đông Bắc Syria, đã có 18 nghìn ca nhiễm, hơn 700 người chết, tại Tây Bắc Syria, có hơn 13 nghìn ca nhiễm, hơn 700 người chết, cảnh báo số liệu này chưa phản ánh hết bức tranh do hạn chế tiếp cận và năng lực xét nghiệm; cho biết đã có 300 nghìn liều được phân bổ cho nhân viên nhân đạo và gìn giữ hòa bình, trong đó 200 nghìn liều cho phái bộ, 100 nghìn liều cho các nhân viên nhân đạo; 20% nhân viên nhân đạo đã được tiêm chủng; cho rằng cần chú trọng đến nhân viên nhân đạo của chính phủ và tổ chức phi chính phủ địa phương vì họ chiếm đa số và không được tiếp cận chương trình tiêm chủng của Liên hợp quốc.
Trợ lý Tổng Thư ký Fernandez-Taranco cho rằng cần giải quyết nhu cầu của người dân dễ bị tổn thương, nhấn mạnh nguyên tắc đối tác, đoàn kết và bao trùm; cần thông tin đến người dân, chống thông tin sai và ngôn ngữ thù hận, các phái bộ và văn phòng quốc gia của Liên hợp quốc đang tham gia nỗ lực chung theo hướng này; cần có ứng phó toàn diện và đồng nhất, phối hợp với WB, IMF, ADB nhằm xác định ưu tiên; cho biết Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã gặp đại diện các tổ chức khu vực về tăng cường hợp tác và điều phối giữa Liên hợp quốc và tổ chức khu vực, kể cả với AU và ASEAN; tái khẳng định vai trò quan trọng của Hội đồng Bảo an trong ủng hộ lời kêu gọi ngừng bắn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Các phái bộ đã tiêm chủng cho 36% nhân viên, trong đó có 36 nghìn liều vaccine do Liên hợp quốcquản lý, chưa kể các nhân viên được quốc gia gửi quân tiêm chủng trước khi cử đi.
Về Myanmar, Trợ lý Tổng Thư ký cho biết Liên hợp quốc đang thúc đẩy mở rộng tiếp cận nhân đạo, đặc biệt đến các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trực tiếp; các chiến dịch tiêm chủng vaccine hiện nay đã bị dừng lại, Liên hợp quốc đang tập trung mọi nỗ lực, coi việc khôi phục trở lại là ưu tiên quan trọng.
[1] Cho phép tiêm chủng cho những người không được xếp vào chương trình tiêm chủng khác, chẳng hạn do thuộc khu vực lãnh thổ do nhóm vũ trang kiểm soát hoặc trong trường hợp xung đột.
(Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)