Kinh tế Mỹ

0
77
(minh hoạ)
(minh hoạ)

1. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Schumer cho rằng đảng Dân chủ đang đi đúng hướng trong việc thông qua gói ngân sách 3,5 nghìn tỷ đô la

Ngày 1/8/2021, The Hill cho biết Lãnh đạo Đa số Thượng viện Charles Schumer (DN.Y.) đã tuyên bố trong cuộc họp hiếm khi xảy ra vào Chủ nhật rằng Đảng Dân chủ đang đi “đúng đường” để thông qua một thỏa thuận cơ sở hạ tầng có sự ủng hộ của lưỡng đảng và một nghị quyết về ngân sách cho gói chi tiêu 3,5 nghìn tỷ đô la trước khi Quốc hội nghỉ hè. Schumer cho rằng dù có một số vướng mắc, nhưng Đảng Dân chủ vẫn luôn vững tin là sẽ thông qua được hai dự luật lớn và toàn diện nêu trên và luôn vững bước trên con đường đạt được mục tiêu này.

Schumer nêu ra nhận xét trên khi Thượng viện đang chờ một nhóm Thượng nghị sĩ của hai đảng hoàn thiện và công bố văn bản thỏa thuận cho dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỷ USD trong 8 năm, trong đó sẽ bao gồm 550 tỷ USD chi tiêu mới. Nhóm đã dự kiến công bố dự luật vào Thứ Bảy, nhưng đã không đạt mục tiêu vì các cuộc đàm phán và soạn thảo vẫn đang diễn ra. Các thành viên của nhóm lưỡng đảng này đã tuyên bố vào sáng Chủ nhật rằng họ dự kiến dự luật sẽ được công bố vào cuối ngày Chủ Nhật. Schumer phát biểu tại Thượng viện rằng ông mong chờ các thỏa thuận sẽ được sớm hoàn thiện và muốn thông qua nó trong vòng “vài ngày tới”.

Thỏa thuận đã vượt qua hai rào cản thủ tục với sự ủng hộ của khoảng 17 thượng nghị sĩ Cộng hòa. Thượng nghị sĩ Susan Collins (R-Maine), một thành viên của nhóm lưỡng đảng, cho biết bà tin rằng dự luật sẽ có đủ sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa để thông qua sớm nhất là vào cuối tuần này. Schumer nhắc lại rằng, sau khi Thượng viện thông qua dự luật lưỡng đảng này, ông sẽ đưa ra nghị quyết về ngân sách cho gói chi tiêu 3,5 nghìn tỷ đô la, trong đó có các ưu tiên hàng đầu của Đảng Dân chủ như mở rộng Medicare, chống biến đổi khí hậu và cải cách nhập cư.

Để thông qua nghị quyết về ngân sách, đảng Dân chủ sẽ cần sự ủng hộ của tất cả các đảng viên Dân chủ ở Thượng viện. Các lãnh đạo của Đảng Dân chủ tự tin rằng họ sẽ có tất cả 50 phiếu của các thành viên Đảng Dân chủ ở Thượng viện cho dự luật này, với tất cả những thành viên ôn hòa chủ chốt như Joe Manchin (DW.Va.), Kyrsten Sinema (D-Ariz.) và Jon Tester (D-Mont.) đều đã cam kết ủng hộ.

Dự kiến tháng 8 và tháng 9 sẽ soạn thảo gói chi tiêu. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ là tất cả các thành viên của Đảng Dân chủ ở Thượng viện có đồng ý với gói chi tiêu này hay không. TNS. Sinema (D-Aritz) cho biết bà sẽ không ủng hộ gói chi tiêu 3,5 nghìn tỷ đô la, trong khi Manchin (DW.Va.) đã nêu lên những lo ngại về chi tiêu và khả năng trả nợ.

2. Giới hạn trần nợ công sẽ thúc đẩy một cuộc chiến với nhiều rủi ro.

Ngày 1/8/2021, The Hill đưa tin thỏa thuận kéo dài hai năm qua nhằm giới hạn mức trần nợ công của Mỹ đã hết hiệu lực sau khi Quốc hội và Tổng thống Biden không có hành động gì để trao cho Hoa Kỳ nhiều quyền vay hơn. Điều này sẽ khởi động một cuộc chiến với nhiều rủi ro với Mỹ và những tác động nghiêm trọng đối với thị trường tài chính toàn cầu. Từ bây giờ, Bộ Tài chính Mỹ sẽ bắt đầu thực hiện các biện pháp mà cơ quan này gọi là “các biện pháp đặc biệt” nhằm ngăn ngừa Hoa Kỳ vỡ nợ. Các biện pháp này sẽ có thể ngăn chặn tình trạng vỡ nợ cho đến tháng 10 hoặc thậm chí là tháng 11 trước khi Tổng thống Biden sẽ phải ký một dự luật để tăng hoặc tạm dừng giới hạn trần nợ công một lần nữa.

Các lần hết hạn thời gian cho mức trần nợ công đã gây ra nhiều bế tắc giữa hai đảng trong thập kỷ qua và lần gần đây nhất là vào năm 2019. Mỗi lần như vậy, Quốc hội lại nâng hoặc dừng giới hạn nợ công. Những tuần trước khi có thể xảy ra một vụ vỡ nợ tiềm ẩn thường là thời gian căng thẳng nhất cho cả thị trường tài chính và các quan chức chính quyền.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen tuần trước đã gửi thư đến các lãnh đạo Quốc hội và đề nghị Quốc hội hành động càng sớm càng tốt, cảnh báo rằng họ có nguy cơ “gây tổn hại không thể khắc phục đối với nền kinh tế Hoa Kỳ và sinh kế của tất cả người Mỹ” bằng cách trì hoãn hành động.

Hiện chưa có triển vọng rõ ràng về một thỏa thuận lưỡng đảng trong vấn đề này khi đảng Cộng hòa cố gắng cắt giảm chi tiêu còn đảng Dân chủ từ chối xem xét các đề nghị của đảng Cộng hòa. Đảng Dân chủ hiện có đa số thấp ở cả Hạ viện và Thượng viện nên họ vẫn sẽ cần sự ủng hộ của 10 Thượng nghị sĩ Cộng hòa để tránh sự thủ tục kéo dài bất tận (filibuster) đối với dự luật tăng hoặc dừng trần nợ công. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa đã nói với Đảng Dân chủ rằng không thể có thỏa thuận trần nợ công của cả hai đảng nếu không có các biện pháp giảm khối nợ quốc gia khoảng 28 nghìn tỷ USD. Một số nhà lập pháp Cộng hòa đã đề xuất một thỏa thuận tương tự như Đạo luật Kiểm soát Ngân sách năm 2011, đạo luật đã chấm dứt tình trạng bế tắc về trần nơ công ngay trước khi Hoa Kỳ lần đầu tiên bị hạ cấp tín dụng. Tuy nhiên, các đảng viên Dân chủ cho rằng việc gắn việc tăng trần nợ công với bất kỳ dự luật gây tranh cãi nào cũng giống như bắt giữ hệ thống tài chính làm con tin.

Nếu không có sự giúp đỡ từ các đảng viên Cộng hòa, đảng Dân chủ sẽ phải thông qua dự luận tăng trần nợ công thông qua một biện pháp điều chỉnh ngân sách, chỉ cần đa số thường tại hai Viện nhưng sẽ phải có sự ủng hộ của tất cả 50 đảng viên Dân chủ Thượng viện.

Tháng 6/2021, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) đã ước tính rằng Quốc hội có thời gian cho đến tháng 10 hoặc tháng 11 trước khi Bộ Tài chính sử dụng hết các biện pháp đặc biệt và khả năng thanh toán các khoản nợ của chính phủ đúng hạn. Nhưng cả CBO và Bộ Tài chính đều cảnh báo rằng Hoa Kỳ có thể đứng trên bờ vực của tình trạng vỡ nợ ngay sau khi các nhà lập pháp trở lại sau kỳ nghỉ hè vào tháng 9. Khi đó, họ sẽ phải đối mặt với thời gian khó khăn trong việc thông qua một dự luật để tránh chính phủ đóng cửa vào ngày 1 tháng 10.

Bà Yellen cũng cho biết không thể xác định chính xác thời gian Hoa Kỳ đến giới hạn vỡ nợ do sự không chắc chắn mà đại dịch coronavirus gây ra và phản ứng tài chính của chính phủ liên bang khiến việc xác định chính xác thời gian Hoa Kỳ trở nên khó khăn hơn.

Mức trần nợ công không trực tiếp ngăn cản chính phủ chi tiền và cũng không thể khiến Hoa Kỳ tránh được việc phải trả tiền các hóa đơn. Giới hạn này chỉ đơn giản nhằm ngăn Bộ Tài chính vay thêm bất kỳ một khoản nợ nào để thanh toán cho các khoản chi tiêu đã được Tổng thống và Quốc hội cho phép.

Việc vỡ nợ có thể sẽ gây ra sự gián đoạn lớn đối với thị trường và nền kinh tế. Hàng nghìn tỷ đô la trái phiếu kho bạc do các chính phủ và nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ được củng cố bằng niềm tin vào khả năng thanh toán các khoản nợ của chính phủ liên bang. Việc vỡ nợ quốc gia có thể làm mất niềm tin đó và gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính thảm khốc.

Một báo cáo năm 2015 của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ phân tích vụ bế tắc về mức trần nợ năm 2013 cho thấy các nhà đầu tư đã thực hiện một hành động chưa từng có là tránh không mua các trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ, khoản đầu tư được coi là an toàn gần như tiền mặt, và đã tạo ra nhiều vấn đề trên thị trường tài chính. Báo cáo cho biết: Các nhóm công nghiệp nhấn mạnh rằng ngay cả việc chậm thanh toán tạm thời cũng có thể làm suy yếu niềm tin vào độ tin cậy của Hoa Kỳ và do đó gây ra thiệt hại đáng kể cho các thị trường về trái phiếu và các tài sản khác của Bộ Tài chính.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here