Diễn đàn chính trị cấp cao (HLPF) thường niên năm 2021

0
70
(Internet)
(Internet)

Từ ngày 06 – 16/7/2021, Hội đồng Kinh tế – Xã hội (ECOSOC) của Liên hợp quốc đã tổ chức kỳ họp Diễn đàn chính trị cấp cao (HLPF) thường niên năm 2021 với chủ đề “Phục hồi bền vững, chống chịu sau đại dịch COVID-19 để thúc đẩy các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường trong phát triển bền vững: xây dựng phương hướng tổng thể, hiệu quả để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 trong thập niên hành động và đạt phát triển bền vững”. Kỳ họp do Chủ tịch ECOSOC Munir Akram chủ trì với sự tham dự của nhiều khách mời quan trọng như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterrres, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed, Tổng thống Senegal Macky Sall, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc WTO Ngozi Iweala, Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus và nhà kinh tế học Mỹ đoạt giải Nobel năm 2019 Michael Kremer.

Tại các phiên khai mạc HLPF và phiên họp cấp cao ECOSOC, lãnh đạo Liên hợp quốc và các cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc có một số đánh giá như sau:

Chủ tịch ECOSOC Munir Akram đánh giá đại dịch COVID đã làm lộ rõ bất công xã hội đang diễn ra có hệ thống, đẩy lùi hàng chục năm thành quả phát triển; đẩy hàng trăm triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực, thất nghiệp, gián đoạn học tập; làm cho hàng triệu người bị kỳ thị đối xử; khiến cho phụ nữ chịu nhiều bất công và bạo lực hơn; gây tác động kinh tế nặng nề cho các nước đang phát triển như thu nhập giảm, nợ nước ngoài tăng, thiếu nguồn lực phát triển. Ông cho rằng HLPF 2021 là cơ hội để các nước chứng tỏ quyết tâm thực hiện các mục tiêu đề ra, thảo luận thách thức, rà soát chính sách thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, phục hồi sau đại dịch, và xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình nghị sự 2030 cho thập niên tới. Ông kêu gọi đề cao các mục tiêu, giá trị và cam kết trong Chương trình nghị sự 2030 về các mục tiêu phát triển bền vững và Chương trình hành động Adis Ababa về bảo đảm tài chính cho phát triển làm phương hướng vượt qua đại dịch, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện các thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterrres cảnh báo đại dịch đang lan nhanh ở nhiều nước và gây tác động to lớn đối với tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, làm GDP toàn cầu sụt giảm 4,6% trong năm qua, khiến 36 nước nghèo có nguy cơ vỡ nợ, làm 255 triệu người mất việc làm, đẩy 124 triệu người vào nghèo cùng cực, 320 triệu người vào cảnh thiếu đói, 65% học sinh bị ảnh hưởng việc học hành; lao động trẻ em và bạo lực với phụ nữ gia tăng; khí thải các bon tăng cao kỷ lục trong 3 triệu năm qua và bằng 148% mức trước cách mạng công nghiệp; đa dạng sinh học suy giảm mạnh với 1 triệu loài có nguy cơ tuyệt chủng và 10 triệu héc-ta rừng mất đi mỗi năm; bất bình đẳng xã hội vẫn rất cao. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cảnh báo tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đang rất chậm, nhất là về giảm nghèo và ứng phó biến đổi khí hậu. Để phục hồi nhanh chóng sau đại dịch và lấy lại đà thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, ông kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp trên 4 lĩnh vực gồm: (i) Bảo đảm mọi người dân tiếp cận vắc-xin, xét nghiệm, điều trị, hỗ trợ ứng phó COVID-19; (ii) Hành động quyết liệt ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là đặt mục tiêu trung hòa phát thải các bon vào giữa thế kỷ này và huy động 100 tỷ USD mà các nước phát triển đã cam kết chi hàng năm đến trước năm 2020, chuyển đổi năng lượng than, dầu, khí sang năng lượng tái tạo, chấm dứt cho vay các dự án nhiệt điện vào cuối năm 2021; (iii) Xây dựng xã hội bình đẳng, hòa hợp hơn, bảo đảm an sinh xã hội, kết nối số, bình đẳng giới; (iv) Huy động nguồn tài chính hợp lý để giữ đà tiến bộ trên ba lĩnh vực trên thông qua các gói kích thích kinh tế; giãn nợ, giảm nợ cho các nước nghèo, tạo cơ chế cho vay mới và tăng thuế.

Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cảnh báo sự bất bình đẳng trong phân phối vắc-xin đang khơi sâu chia rẽ giữa các nước; tuyên bố cơ chế COVAX đã chuyển 96 triệu liều vắc xin tới 135 nước, song còn rất nhỏ so với trên 3 tỉ liều đã được sản xuất; phần lớn các nước nghèo còn chưa tiêm phủ hết đối tượng dân cư có nguy cơ cao; ghi nhận một số nước đã cam kết và chia sẻ hàng trăm triệu liều vắc-xin; cho biết WHO và WB, IMF, WTO đang hợp tác đẩy nhanh tiếp cận và chuyển giao vắc-xin tới các nước đang phát triển; dự báo nếu được các nước và các công ty dược chia sẻ sớm vắc-xin hoặc ưu tiên đơn hàng của COVAX, thế giới có thể đạt tỉ lệ tiêm 10% dân số trước tháng 9 và tới 40% dân số vào cuối năm nay. Ông kêu gọi khẩn cấp áp dụng các biện pháp y tế cộng đồng, giãn cách xã hội và thực hiện bình đẳng vắc-xin để đẩy lùi đại dịch và mở cửa kinh tế; mở rộng quy mô sản xuất vắc-xin tới các nước khu vực để tránh phụ thuộc vào một số ít nguồn cung; chia sẻ công nghệ, bản quyền vắc-xin và tạm ngừng áp dụng quy định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường hệ thống y tế cơ sở; khắc phục tình trạng thiếu đoàn kết, thiếu chia sẻ thông tin, nguồn lực, công nghệ, công cụ ứng phó dịch bệnh giữa các nước hiện nay. Ông kêu gọi thực hiện 3 giải pháp chính: (i) Chia sẻ ngay vắc-xin cho COVAX, số lượng 250 triệu liều từ nay tới tháng 9 và 1 tỉ liều trong năm nay, đồng thời tăng tài trợ cho kế hoạch của WHO về Tiếp cận công cụ ứng phó đại dịch COVID- 19; (ii) Chia sẻ công nghệ mRNA về vắc-xin COVID-19 với WHO để tăng sản lượng cung ứng toàn cầu; (iii) Ủng hộ thiết lập Hiệp ước về Đại dịch để tạo nền tảng cho việc nâng cao khả năng sẵn sàng phát hiện, ứng phó dịch cũng như hợp tác nhận diện các virus dịch bệnh mới, giúp cải thiện chia sẻ, lòng tin, trách nhiệm và tăng cường năng lực quốc gia, khu vực, toàn cầu về an ninh y tế.

Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 đạt 6% và 4% năm 2022 nhờ các biện pháp tài chính, tiền tệ của các nước vừa qua, song các nước chậm tiêm phòng COVID-19 và hạn hẹp về tài chính đang tụt lại phía sau; tỉ lệ người nghèo tăng lần đầu tiên trong 20 năm qua. Bà kêu gọi các nước tiêm phòng cho 60% dân số vào giữa năm 2022; chú trọng đà thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững sau đại dịch trong 5 lĩnh vực giáo dục, y tế, đường bộ, điện năng, nước sạch. IMF đề ra kế hoạch huy động mọi thành phần xã hội tham gia thực hiện mục tiêu phát triển bền vững: (i) Cải cách cơ cấu kinh tế hướng tới tăng trưởng thông qua huy động nguồn lực tài chính trong nước như tăng 5% tỉ lệ đóng góp ngân sách từ thuế để đầu tư cho hạ tầng, y tế, giáo dục; (ii) Huy động khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư các dự án hạ tầng; (iii) Các nước phát triển tăng tỉ lệ vốn ODA đạt 0,7% Tổng thu nhập quốc gia (GNI) và IMF tăng Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) thêm 650 tỷ USD cho các nước nghèo.

Tổng giám đốc WTO Ngozi Iweala đánh giá đại dịch khiến 100 triệu người rơi vào nghèo cùng cực, phần lớn ở Trung Phi và Nam Á, 132 triệu người rơi vào thiếu đói thường xuyên, 75 triệu người bị mất việc làm; làm tăng bất bình đẳng xã hội và nguy cơ phục hồi không đồng đều trên toàn cầu; khả năng phục hồi kinh tế của các nước tùy thuộc vào tiếp cận vắc-xin và nguồn tài chính cho an sinh xã hội và kích thích kinh tế; chỉ 33% các nước mới nổi và đang phát triển giữ có đà tăng trưởng như trước đại dịch trong khi 90% các nước phát triển đạt được điều này; tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2021 dự kiến đạt 6% trong khi các nước nghèo đạt 3,4%; cung ứng vắc-xin toàn cầu trong tháng 6 đạt 1,1 tỉ liều nhưng chỉ có 15 triệu liều tới châu Phi; các nước nghèo chỉ có đủ vắc-xin cho 1,3% dân số trong khi tỉ lệ này ở các nước giàu đạt 83%. Bà đề nghị các nước thực hiện 2 giải pháp trước mắt: (i) Phân phối bình đẳng vắc-xin để phục hồi kinh tế tổng thể và đầu tư 50 tỉ USD để tiêm phòng cho 40% dân số vào cuối năm 2021 và đạt 60% vào giữa năm 2022; nới lỏng quy định thương mại để xóa nghẽn cung ứng, tăng sản lượng vắc xin và chuyển giao công nghệ vắc xin; (ii) Linh hoạt thương thượng để đạt thỏa thuận mới về bảo vệ ngư trường đại dương tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại tháng 12/2021, chấm dứt trợ cấp ngư nghiệp gây hại môi trường biển.

Nhà kinh tế học Mỹ đoạt giải Nobel năm 2019 Michael Kremer cho rằng khoa học công nghệ là chìa khóa để đạt mục tiêu thực hiện mục tiêu phát triển bền vững như việc sản xuất vắc-xin ứng phó đại dịch và cung cấp dịch vụ giáo dục từ xa khắc phục tình trạng đóng cửa trường học hiện nay; cần đầu tư cho phát triển công nghệ vắc-xin để sẵn sàng ứng phó các dịch bệnh trong tương lai; cần huy động đầu tư cho các công nghệ phục vụ cộng đồng và người nghèo, tìm kiếm đầu tư từ nhiều thành phần xã hội dân sự trong và ngoài nước; ứng dụng công nghệ vào đời sống một cách thực tế, đa dạng, sáng tạo.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Lưu Chấn Dân trình bày 2 báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về chủ đề của HLPF và Phiên họp cấp cao ECOSOC năm nay: (i) Báo cáo của Tổng thư ký Liên hợp quốc về lộ trình phục hồi sau đại dịch chuẩn bị cho phát triển bền vững trong thập niên tới (E/2021/62) cho rằng đại dịch gây thiệt hại cho các nước ở nhiều mức độ, theo nhiều cách khác nhau nhưng không vĩnh viễn và cũng tạo ra cơ hội phục hồi. Cộng đồng quốc tế cần hợp tác tạo đà thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và phát triển bền vững trong thập niên tới; tranh thủ khai thác nguồn lực phục hồi sau đại dịch để xây dựng năng lực ứng phó đại dịch tái diễn; tập trung quyết sách chăm lo con người và môi trường sống; dịch chuyển nguồn lực khắc phục đại dịch sang phục vụ các mục tiêu phục hồi sau dịch và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững như: Phân phối vắc-xin bình đẳng, thực hiện cam kết cho vay ODA, tăng quyền rút vốn đặc biệt tại IMF, giãn nợ và giảm nợ cho nước nghèo, xây dựng hệ thống an sinh xã hội, y tế, giáo dục tốt và tiếp cận tới từng người dân, ứng dụng công nghệ số vào quản lý nguồn lực, phát triển năng lượng sạch, cung ứng lương thực, chuyển dịch kinh tế xanh, xóa khoảng cách số, xây dựng giao thông và đô thị bền vững. (ii) Báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các xu thế tình hình dài hạn và các kịch bản thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (E/2021/61) cho rằng đại dịch đã đẩy nhanh tốc độ số hóa đời sống kinh tế xã hội nhưng cũng gia tăng mạnh khoảng cách về công nghệ, khiến hàng tỉ người không được hưởng lợi từ công nghệ số; phần lớn các gói kích thích kinh tế ứng phó đại dịch thời gian qua chưa chú trọng các biện pháp lâu dài, đầu tư bền vững. Báo cáo nhận định xu thế dài hạn của thế giới là ứng dụng công nghệ cao, gia tăng liên kết và coi trọng giáo dục, khoa học, các nước đang phát triển tiếp thu nhanh chóng công nghệ và cải thiện đời sống người dân; cơ hội phát triển hiện nay là tiềm năng số hóa còn rất lớn trong các ngành giao thông, lương thực, xây dựng, năng lượng, nếu được khai thác có thể đẩy nhanh chuyển đổi hiệu quả dịch vụ toàn cầu, mở ra hướng đi mới thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, cải thiện đời sống và ứng phó biến đổi khí hậu. Các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội cần hợp tác đề ra các kế hoạch phát triển trong một số lĩnh vực then chốt như thúc đẩy phục hồi sau đại dịch, hỗ trợ phát triển số hóa, ứng phó biến đổi khí hậu sẽ tạo hiệu ứng tích cực trong nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội.

2. Hoạt động thảo luận, tọa đàm và kiểm điểm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

2.1. Phần Thảo luận chung của Phiên họp cấp cao ECOSOC có 38 nước tham gia ở các cấp: Phó Thủ tướng (1), Bộ trưởng (15), Thứ trưởng (6), đại diện phái đoàn (16) và 2 tổ chức xã hội dân sự với hình thức phát biểu qua băng ghi hình. Các bài phát biểu được Ban tổ chức đăng tải lên Youtube sau khi kỳ họp HLPF kết thúc.

2.2. Đã có 13 cuộc tọa đàm trực tuyến về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo danh sách dự kiến của kỳ họp gồm: mục tiêu phát triển bền vững 1 về xóa nghèo, mục tiêu phát triển bền vững 2 về xóa đói, mục tiêu phát triển bền vững 3 về sức khỏe và cuộc sống, mục tiêu phát triển bền vững 8 về việc làm và tăng trưởng kinh tế, mục tiêu phát triển bền vững 10 về giảm bất bình đẳng, mục tiêu phát triển bền vững 12 về tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm, mục tiêu phát triển bền vững 13 về chống biến đổi khí hậu, mục tiêu phát triển bền vững 16 về hòa bình, công lý và thể chế, mục tiêu phát triển bền vững 17 về quan hệ đối tác.

Thành phần tham gia tọa đàm là đại diện chính phủ các nước, các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức xã hội dân sự.

Các chủ đề tọa đàm gồm: (i) Phục hồi bền vững sau COVID-19 là cơ hội để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; (ii) Không để ai bị bỏ lại phía sau; (iii) Xây dựng sức chống chịu các cú sốc trong tương lai nhờ chuyển đổi kết cấu kinh tế và đầu tư cho hạ tầng bền vững; (iv) Biện pháp chấm dứt đói nghèo và chuyển đổi sang nền kinh tế tổng thể, bền vững; (v) Đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu trong mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2020; (vi) Chuyển đổi tiêu dùng và sản xuất để ứng phó biến đổi khí hậu; (vii) Xây dựng xã hội hòa bình, công bằng, hòa hợp; (viii) Hỗ trợ chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; (viii) Tiếp tục tạo thuận lợi thúc đẩy thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại các nước châu Phi, nước kém phát triển, nước không có biển; (ix) Hỗ trợ các nước đảo nhỏ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; (x) Ứng dụng khoa học công nghệ và huy động xã hội dân sự tham gia thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; (xi) Tầm nhìn, ưu tiên của xã hội dân sự, khu vực tư nhân trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch; (Xii) Tăng cường đầu tư công và tư cho Chương trình nghị sự 2030.

2.3. Phần Báo cáo kiểm điểm quốc gia tự nguyện (VNR) có 42 nước trình bày báo cáo về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Các quốc gia tự nguyện chú trọng nêu các biện pháp khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 về an sinh xã hội, y tế, tiêm phòng, phục hồi kinh tế, an ninh lương thực, giáo dục, sức khỏe tinh thần, hòa hợp xã hội, việc làm; thống nhất kiến nghị các biện pháp như giảm nợ, chống chịu thiên tai, số hóa, tiếp cận đồng bộ, ứng phó đồng thời nhiều thách thức; nhiều quốc gia tự nguyện đặt mục tiêu cao hơn và biện pháp thực hiện sát sao hơn; một số quốc gia tự nguyện chú trọng tính khách quan trong phân tích tình hình với sự tham gia của các tổ chức chuyên môn hoặc tổ chức xã hội dân sự.

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed ghi nhận kinh nghiệm của các nước qua quốc gia tự nguyện giúp Liên hợp quốc đề ra các kế hoạch phục hồi và giúp các nước tăng cường thể chế, chính sách, nối lại đà thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững vào các kế hoạch ngân sách, kích thích kinh tế, đầu tư, an sinh xã hội của quốc gia; đề nghị các nước đẩy mạnh tham vấn các tổ chức xã hội dân sự trong soạn thảo quốc gia tự nguyện, đề ra mục tiêu mới, các sáng kiến theo dõi kết quả thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và minh bạch hóa chi tiêu tài chính công; khuyến khích các nước nêu rõ hơn về kế hoạch, nhu cầu, ưu tiên chính sách trong thời gian từ nay tới 2030 để các cơ quan đại diện Liên hợp quốc tại các nước hỗ trợ hiệu quả hơn.

3. Xem xét, thông qua Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng của HLPF

3.1. Nội dung văn kiện:

 – Đánh giá đại dịch COVID-19 làm bộc lộ và trầm trọng hơn bất bình đẳng xã hội, yếu kém hệ thống, thách thức, rủi ro và đe dọa làm suy giảm thành quả thực hiện Chương trình nghị sự 2030.

Đề cập một số lĩnh vực cần đẩy mạnh thực hiện gồm: Phục hồi sau đại dịch và phát triển bền vững; tập trung vào sản xuất và phân phối vắc xin COVID-19, thực hiện 3 mục tiêu của Công ước về Đa dạng Sinh học để bảo vệ động vật hoang dã, đẩy lùi suy thoái môi trường; thúc đẩy đa phương hóa và tự do hóa thương mại; xây dựng thể chế hiệu quả, trách nhiệm, minh bạch; tăng cường kinh tế số và kết nối số; xây dựng khả năng chống chịu cho các ngành nghề; đầu tư cho nghiên cứu phát triển và xây dựng các hạ tầng giao thông, năng lượng, thông tin, công nghệ; đặt mục tiêu cao, hướng tới hành động tại các hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc trong năm 2021 về các chủ đề tham nhũng, giao thông, nước, lương thực, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu.

Nhấn mạnh một số nguyên tắc: Tiếp cận đa phương và đoàn kết toàn cầu trong ứng phó với đại dịch và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững; huy động tham gia của mọi thành phần xã hội, đa dạng hóa sáng tạo trong liên kết, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào xây dựng chính sách, không để ai bị bỏ lại phía sau, bình đẳng giới, phát triển đi đôi với bảo đảm hòa bình, an ninh, nhân quyền; coi trọng tham gia của phụ nữ và thanh niên trong phát triển kinh tế – xã hội, hỗ trợ các nước có hoàn cảnh đặc biệt, coi trọng cơ chế hợp tác Nam – Nam và cơ chế ba bên; thực hiện chuyển giao công nghệ theo thỏa thuận song phương; trao đổi kinh nghiệm phát triển bền vững.

3.2. Quan điểm của các nước trong quá trình thương lượng văn kiện:

Nhóm G77 đề nghị tăng cường các biện pháp thực hiện và tạo môi trường toàn cầu thuận lợi cho phát triển; tập trung giải quyết các thách thức và nhu cầu của các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước có hoàn cảnh đặc biệt, người dân ở các vùng bị nước ngoài chiếm đóng; phản đối áp đặt trừng phạt kinh tế đơn phương; tăng cường hỗ trợ các nước vừa ra khỏi nhóm nước chậm phát triển, đặc biệt là hỗ trợ tài chính cho các nước đảo nhỏ ứng phó biến đổi khí hậu và cho các nước không có biển xây dựng hạ tầng, đa dạng hóa ngành nghề kinh tế và nâng cao năng suất; hoãn thực hiện quy định về bảo vệ tác quyền đối với công nghệ và dược phẩm điều trị COVID-19; thực hiện chỉ tiêu giảm khí thải các-bon trên tinh thần trách nhiệm chung nhưng mức độ gánh vác khác nhau giữa các nước và tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển về tài chính, công nghệ, xây dựng năng lực; tạo môi trường phát triển lành mạnh, an toàn để trẻ em và thanh thiếu niên phát triển năng lực; đề nghị Liên hợp quốc thành lập cơ sở dữ liệu tập trung về công nghệ nguồn để giúp các nước đang phát triển tiếp cận công nghệ phục vụ phát triển; khuyến khích chủ nợ tư nhân sự tham gia vào Sáng kiến Ngưng trả lãi vay (DSSI của nhóm G20).

Các nước phát triển (EU, Anh, Mỹ) nhấn mạnh coi hòa bình, an ninh, nhân quyền và nữ quyền là tiền đề, cơ sở để phát triển bền vững; xây dựng xã hội hòa bình, hòa hợp, công bằng dựa trên tôn trọng nhân quyền, pháp quyền, quản lý chính quyền hiệu quả, trách nhiệm; lưu ý bình đẳng giới và chăm sóc trẻ em gái, người yếu thế; có báo cáo kết quả thực hiên mục tiêu phát triển bền vững; cảnh báo người nghèo gia tăng; đề cao vai trò phụ nữ trong ngăn chặn xung đột và kiến tạo hòa bình; hỗ trợ và bảo vệ các đối tượng yếu thế như người tị nạn, người khuyết tật, người bản địa; nhấn mạnh vai trò của nguồn lực tư nhân cho đầu tư phát triển; yêu cầu chất lượng về xây dựng hạ tầng. EU nhấn mạnh quyền tự do về sức khỏe sinh sản và đặt cam kết cao về bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ứng phó biến đổi khí hậu, chống mất đa dạng sinh học. Canada, Australia và New Zealand nhấn mạnh tác động tiêu cực của đại dịch đối với phụ nữ và sự gắn kết giữa sức khỏe con người với điều kiện sống của động thực vật (vấn đề “Một Sức khỏe”). Mỹ đề nghị nêu đậm vấn đề “Một Sức khỏe” trong chống đại dịch, chống lao động trẻ em, bảo đảm tính bền vững của cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng toàn cầu và nguồn nước; phản đối áp dụng linh hoạt quy định của WTO về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các biện pháp thương mại khẩn cấp hoặc hỗ trợ thương mại, chuyển giao công nghệ, xử lý nợ nước ngoài; đề nghị giảm mức độ cam kết ở mức độ tự nguyện, cố gắng trong một số vấn đề như chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển, phổ cập vắc-xin toàn cầu, cho vay ODA theo quy mô kinh tế của nước cho vay và áp dụng sáng kiến dãn nợ của G20 sang khu vực tư nhân. Nga đề nghị lược bỏ một số điểm về yêu cầu bền vững trong phục hồi kinh tế sau đại dịch, thực hiện các biện pháp chính sách có lợi cho bảo tồn đa dạng sinh học, thực hiện đầy đủ các quyền con người đối của phụ nữ và trẻ em gái, và ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực, quấy rối, bóc lột, lạm dụng tình dục với người khác giới. Israel đề nghị lược bỏ ngôn ngữ đề cập việc bảo đảm quyền tự quyết của các dân tộc ở các khu vực bị chiếm đóng. Hungary phản đối ngôn ngữ đề cao vai trò của người di cư đối với phát triển bền vững.

– Văn kiện được thông qua bằng đồng thuận ở cả phiên họp HLPF ngày 15/7/2021 và Phiên họp cấp cao của ECOSOC ngày 16/7/2021. Trước đó hai phiên họp đã tiến hành bỏ phiếu không chấp thuận đề xuất của Nga về giảm nhẹ ngôn ngữ cam kết bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, nữ quyền và đề xuất của Israel về lược bỏ đề cập người dân ở các khu vực bị chiếm đóng.

(Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here