1. Về cuộc đàm phán TIFA giữa Mỹ và Đài Loan
Ngày 30/6/2021, Inside Trade dẫn tin cuộc đàm phán trực tuyến về TIFA giữa Mỹ và Đài Loan đã diễn ra dưới sự tổ chức của Viện Mỹ tại Đài Loan và Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Mỹ. Trợ lý USTR phụ trách các vấn đề Trung Quốc Terry McCartin và Phó đại diện Thương mại Đài Loan Jen-ni Yang đã đồng chủ trì các nội dung thảo luận, tập trung vào việc “tăng cường mối quan hệ thương mại và đầu tư lâu đời” giữa hai bên. Tham gia đàm phán còn có đại diện của các Bộ Nông nghiệp, Thương mại, Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Lao động, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính.
Tại cuộc họp, phía Mỹ đã bày tỏ mong muốn có cam kết mạnh mẽ và nhất quán với Đài Loan. Trong khi đó, các quan chức Đài Loan cũng hy vọng các can dự của hai bên cuối cùng cũng sẽ dẫn đến một hiệp định thương mại tự do. Cả hai bên cũng đã đồng ý triệu tập các cuộc họp nhóm công tác thường xuyên nhằm ủng hộ cam kết tăng cường tham gia vào nỗ lực làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại song phương. Trước mắt, Mỹ và Đài Loan đã thống nhất thành lập nhóm làm việc về vấn đề lao động nhằm giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cam kết sẽ khởi động cuộc họp nhóm làm việc trong các vấn đề khác như nông nghiệp, sở hữu trí tuệ, rào cản kỹ thuật số đối với thương mại và vấn đề đầu tư.
Theo thông tin của phía Đài Loan, Mỹ trong đàm phán đã bày tỏ sự hiểu biết sâu sắc về sự sẵn sàng và quyết tâm của Đài Loan trong việc ký kết một hiệp định thương mại song phương. Cuộc gặp ngày thứ Ba đã đặt ra một nền tảng tốt hơn cho việc này.
Theo Inside Trade, các nghị sỹ Quốc hội Mỹ trong nhiều năm gần đây đã gây sức ép buộc USTR theo đuổi một thỏa thuận thương mại tự do với Đài Loan, cho rằng đây là công cụ có thể dùng chống lại Trung Quốc. Quan hệ Mỹ – Đài dưới thời Chính quyền Trump đã được thúc đẩy với việc Mỹ cử nhiều quan chức cấp cao tới thăm Đài Loan, song một cuộc đàm phán thương mại chính thức vẫn chưa được khởi động. Cho đến nay Chính quyền Biden vẫn tuyên bố sẽ ưu tiên các chính sách trong nước trước khi theo đuổi bất kỳ hiệp định thương mại mới nào.
Cuộc họp ngày thứ Ba diễn ra 02 tuần sau khi Trưởng USTR Katherine Tai thông báo về việc Mỹ sẽ nối lại đàm phán TIFA với Đài Loan sau khi điện đàm trực tuyến với Quan chức cấp cao phụ trách kinh tế của Đài Loan, ông Đặng Chấn Trung. Một số ý kiến cho rằng quyết định nối lại đàm phán TIFA của bà Tai là nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với lựa chọn của lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn trong việc dỡ bỏ lệnh cấp nhập khẩu thịt lợn và thịt bò từ từ Mỹ vào cuộc trưng cầu dân ý tháng 8 này. Trong một nỗ lực nhằm tạo thuận lợi cho quan hệ thương mại với Mỹ, bà Thái Anh Văn vào tháng 8 năm 2020 đã tuyên bố nước này sẽ dỡ bỏ các hạn chế đối với nhập khẩu thịt bò và thịt heo của Mỹ. Quyết định này đã gây ra các cuộc biểu tình ở Đài Loan và một cuộc chiến trong cơ quan lập pháp của lãnh thổ Đài Loan.
Theo thông báo của USTR, tại cuộc họp, hai bên cũng đã đề cập tới tầm quan trọng của chuỗi cung ứng an toàn và linh hoạt, cũng như vai trò của Đài Loan trong việc làm đối tác với Mỹ để cải cách hệ thống thương mại đa phương. Phía Mỹ cũng đã ghi nhận các tiến bộ mà Đài Loan đã đạt được trong việc thực thi các biện pháp bảo vệ bí mật thương mại cũng như quy trình phê duyệt thiết bị y tế.
Trước cuộc họp, thông tin nối lại đàm phán đã gặp phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ dừng mọi hình thức liên lạc chính thức với vùng lãnh thổ này. Đáp lại, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki ngày thứ Ba cho biết Chính quyền Biden sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với Đài Loan bất kể áp lực từ Trung Quốc, khẳng định Đài Loan là một nền dân chủ hàng đầu, một đối tác an ninh và kinh tế lớn của Mỹ. Mỹ cam kết đánh giá tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại và đầu tư Mỹ – Đài Loan, cam kết sẽ tiếp tục tăng cường mối quan hệ thương mại và tỏ mong đợi cuộc họp hội đồng TIFA tiếp theo.
2. 130 nước đăng ký bỏ Thuế kỹ thuật số trong khuôn khổ mới của OECD
Ngày 01/7/2021, Inside Trade dẫn tin cho biết 130 nước thành viên của OECD (trong đó có Việt Nam) đã đồng ý phối hợp giữa việc áp dụng các quy tắc thuế quốc tế mới và loại bỏ tất cả Thuế dịch vụ kỹ thuật số và các biện pháp tương tự có liên quan đối với tất cả các công ty. Đây là thỏa thuận nằm trong nhóm các biện pháp đơn phương thuộc khuôn khổ của OECD nhằm ngăn chặn các hành vi làm xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (Base Erosion and Profit Shifting – BEPS).
Theo đó, các thành viên đã đồng ý với quy tắc liên kết mục đích đặc biệt mới, đặt ra ngưỡng doanh thu 1 triệu Euro với các tập đoàn đa quốc gia phải chịu thuế. Ở các khu vực pháp lý nhỏ hơn, hoặc quốc gia có GDP thấp hơn 40 tỷ Euro, ngưỡng doanh thu của các tập đoàn đa quốc gia được đặt ở mức 250.000 Euro. Một điều khoản chung về thực hiện quy định cho biết một công cụ đa phương về thuế sẽ được phát triển và sẵn sàng để ký kết vào năm 2022, trong khi mức thuế sẽ được áp dụng vào năm 2023. Các nước thành viên cũng đã tán thành mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% để tạo mức sàn cạnh tranh về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Điều khoản về các biện pháp đơn phương là một trong số các trụ cột được OECD công bố vào ngày 01/7/2021, nhằm để đảm bảo phân phối công bằng hơn lợi nhuận và quyền đánh thuế bằng cách đảm bảo các doanh nghiệp đa quốc gia lớn nộp thuế tại nước sở tại mà họ có hoạt động và kiếm được lợi nhuận. Tổng thư ký OCED Mathias Cormann trong thông cáo báo chí cho biết sau nhiều năm làm việc và đàm phán căng thẳng, khuôn khổ BEPS lịch sử sẽ giúp đảm bảo rằng các công ty đa quốc gia lớn đóng phần thuế công bằng ở mọi nơi.
Thỏa thuận ngày 01/7/2021 được đưa ra một tháng sau khi chính quyền Biden tuyên bố sẽ không áp thuế ngay lập tức đối với sáu đối tác thương mại với thuế dịch vụ kỹ thuật số mà USTR cho là phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp Mỹ.
Hiện có 09 nước thành viên OECD đã không ký vào thỏa thuận ngày 01/7/2021: Barbados, Estonia, Hungary, Ireland, Kenya, Nigeria, Peru, St. Vincent và Grenadines và Sri Lanka. Một số trong đó như Hungary, Barbados và Peru, đã hoặc đang xem xét thực hiện thuế dịch vụ kỹ thuật số.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)