

Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu đồ nội thất lớn nhất sang thị trường Mỹ trong bối cảnh thuế xuất tăng cao khiến các nhà sản xuất rời khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Mỹ đã trở thành thị trường chủ lực đóng góp vào kỳ tích XK gỗ và sản phẩm gỗ năm 2020 của Việt Nam. Theo đó, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này đạt 7,166 tỷ USD, tăng tới 34,37% so với năm 2019 – mức tăng cao nhất trong số các thị trường XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Dự kiến, doanh số bán đồ nội thất và bộ đồ giường ngủ của Mỹ sẽ đạt 143 tỷ USD trong 5 năm tới, tăng gần 25,5% kể từ năm 2020. Trong đó, sản phẩm sofa sẽ đạt doanh thu 22 tỷ USD, giường ngủ ở mức 21 tỷ USD; các dòng nội thất cho phòng trẻ em, giải trí, phòng ăn, nhà bếp đều tăng trên 20%.
Một nghiên cứu mới đây của tạp chí Furniture Today, tạp chí uy tín của ngành nội thất Mỹ, về việc Việt Nam thay thế Trung Quốc trở thành nguồn cung đồ nội thất lớn nhất cho thị trường Mỹ, cho rằng đây là “một trong những sự chuyển dịch mạnh mẽ nhất trong lịch sử nhập khẩu đồ nội thất gần đây” ở Mỹ.
Theo dữ liệu từ nghiên cứu của Furniture Today, Việt Nam xuất khẩu hơn 7,4 tỷ USD đồ nội thất sang Mỹ trong năm 2020, tăng 31% so với 5,7 tỷ USD trong năm 2019. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ xuất khẩu được 7,33 tỷ USD đồ nội thất sang Mỹ trong năm 2020, giảm 25% so với 9,7 tỷ USD trong năm 2019. Mặc dù sự chênh lệnh là tương đối nhỏ, nhưng vị trí của Việt Nam trên trường thế giới cho thấy quốc gia Đông Nam Á đã “phát triển tầm quan trọng như thế nào trong những năm gần đây” và điều này diễn ra khi Việt Nam nổi lên như “một thế lực trong ngành đồ gỗ nội thất” trong bối cảnh các nhà sản xuất đồ nội thất của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các loại thuế chống bán giá mà Mỹ bắt đầu áp đối với hàng nhập từ Trung Quốc từ tháng 4/2004.
Sự thay đổi này diễn ra mạnh mẽ hơn khi chính phủ Mỹ áp mức thuế lên tới 25% đối với hầu hết các mặt hàng nội thất của Trung Quốc trong 2 năm rưỡi qua, kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump bắt đầu cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh hồi tháng 7/2018. Ngành công nghiệp sản xuất đồ nội thất bắt đầu rời khỏi Trung Quốc khi thuế xuất của Mỹ áp lên hàng Trung Quốc từ 10% bắt đầu từ nửa cuối năm 2018. Hàng xuất từ Trung Quốc sang Mỹ giảm 1%, xuống còn 13,6 tỷ USD trong khi hàng của Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ tăng 9%, lên 4,2 tỷ USD so với 3,9 tỷ USD trong năm trước đó.
Sự thay đổi về mức xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc trong 2 năm liên tiếp khiến Việt Nam trở thành nhà cung cấp lớn nhất cho Mỹ trong lĩnh vực này.
Fred Henjes, Giám đốc điều hành của Riverside Furniture Corp, một trong những nhà bán lẻ đồ nội thất hàng đầu ở Mỹ, cho biết “điều đó không làm ông ngạc nhiên chút nào” và rằng công ty của ông không còn mua sản phẩm của Trung Quốc nữa, Riverside đã nhập các mặt hàng nội thất phòng ngủ, phòng ăn, văn phòng tại nhà chủ yếu từ Việt Nam.
Bà Julie Hundersmarck – chuyên viên Cục Lâm nghiệp Mỹ- chia sẻ, Mỹ là một trong những thị trường đòi hỏi các tiêu chuẩn khắt khe và kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, tính hợp pháp của sản phẩm gỗ. Tỷ lệ kiểm tra hàng nhập khẩu vào Mỹ chỉ chiếm từ 1 – 2% tổng số đơn hàng, nhưng các cơ quan quản lý có nhiều công cụ khác nhau để đảm bảo sự tuân thủ quy định gỗ hợp pháp thông qua giám sát chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đến sản phẩm. Cục Lâm nghiệp Mỹ đang phát triển thiết bị thẩm định gỗ, sẽ hỗ trợ Việt Nam kiểm soát tốt hơn nguồn gốc, tính hợp pháp của sản phẩm gỗ XK vào Hoa Kỳ, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Bên cạnh những cơ hội được mở ra, tình trạng thiếu nguyên liệu thô sẽ tiếp tục làm đình trệ một số hoạt động sản xuất. Chi phí cho nguyên vật liệu thô, linh kiện tăng làm tăng giá thành phẩm. Hàng tồn đơn ở mức cao nhất trong nhiều năm, kéo dài thời gian giao hàng… Đây là những thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt.
Thọ Anh