Triển vọng tăng trưởng kinh tế Thụy Sỹ năm 2021 khả quan hơn dự báo

0
43
(Internet)
(Internet)

Theo dự báo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 31/5/2021, GDP của Thụy Sỹ dự kiến ​​sẽ tăng 3,2% trong năm 2021, cao hơn hẳn so với mức 2,2% trong dự báo trước đó của OECD. Tổ chức này cũng dự đoán mức tăng trưởng GDP năm 2022 của Thụy Sỹ là 2,2%.

OECD nâng dự báo triển vọng GDP cao hơn đối với Thụy Sỹ do nhiều biện pháp nới lỏng đã được áp dụng khi mà cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch Covide-19 có dấu hiệu lắng dịu. Triển vọng thị trường lao động được cải thiện và tỷ lệ tiết kiệm ở mức cao đang giảm dần sẽ thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng nội địa. Theo OECD, khi tình hình sáng sủa hơn, hoạt động đầu tư cũng sẽ tăng lên ở Thụy Sỹ. OECD cũng ghi nhận Chính phủ Thụy Sỹ đã nhanh chóng có những biện pháp hiệu quả hỗ trợ việc làm và thu nhập trong thời kỳ suy thoái vửa qua. OECD khuyến nghị nước này tiếp tục có các biện pháp tài khóa phù hợp để hỗ trợ hiệu quả cho công ăn việc làm và hoạt đông kinh doanh. Đặc biệt cần duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và tăng tốc cải cách cơ cấu, nhất là nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và loại bỏ các rào cản đối với cạnh tranh.

Về triển vọng toàn cầu, OECD dự báo phục hồi kinh tế từ đại dịch cũng đang tăng tốc. Triển vọng GDP toàn cầu sẽ tăng 5,8% năm 2021, nâng 1% so với dự báo 4,8% trong dự báo trước đó của OECD vào tháng 12/2020. Tuy nhiên, OECD cũng lưu ý rằng tình hình y tế toàn cầu vẫn còn bấp bênh. Tình trạng thiếu vắc-xin ở các nước nghèo có thể dẫn đến các biến thể virus mới, kéo theo tái diễn phong tỏa. OECD cho rằng chừng nào phần lớn dân số toàn cầu vẫn không được tiêm chủng thì “tất cả chúng ta vẫn dễ bị tổn thương trước sự xuất hiện của các biến thể virus mới”.

Ngày 1/6/2021, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ công bố số liệu chính thức cho thấy GDP của Thụy Sỹ trong Quý I/2021 giảm nhẹ 0,5% so với Quý trước. Lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề do các biện pháp hạn chế chống đại dịch COVID-19 trong Quý I/2021. Tiêu dùng tư nhân sụt giảm khá mạnh. Ngược lại, ngành công nghiệp hoạt động tốt giúp chặn đà giảm GDP. Nhìn chung tình hình kinh tế không nghiêm trọng như đầu năm 2020. Ngành khách sạn – nhà hàng ghi nhận sự sụt giảm nghiêm trọng so với Quý trước, lên đến −30,4%, do các biện pháp phong tỏa và hạn chế xã hội. Lĩnh vực nghệ thuật, giải trí giảm −5,1%, lĩnh vực y tế và hoạt động xã hội giảm −3,0%, lĩnh vực vận tải và thông tin liên lạc giảm nhẹ −0,9%. Chi tiêu cho tiêu dùng tư nhân đã giảm khá mạnh ở mức −3,3% trong Quý I/2021.

Ngành thương mại có mức giảm lên đến -4,8%, đặc biệt trong thương mại bán buôn. Riêng dịch vụ tài chính tăng 2,6%, chủ yếu nhờ mảng hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Xuất khẩu dịch vụ cũng giảm mạnh −5,2%. Do tiêu dùng tư nhân sụt giảm mạnh, tổng cầu nội địa giảm −1,8%,  nhập khẩu giảm nhẹ −0,1%. Ngược lại, lĩnh vực công nghiệp ghi nhận sự phát triển rất tích cực trong Quý I/2021. Doanh thu và giá trị xuất khẩu đã vượt mức trước đại dịch. Không giống như đầu năm 2020, chuỗi cung ứng quốc tế hầu như không bị gián đoạn. Được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng mạnh từ các đối tác thương mại quan trọng như Mỹ và Trung Quốc, ngành sản xuất có mức tăng trưởng 4,9%. Các ngành then chốt như công nghiệp hóa chất và dược phẩm cũng như các ngành công nghiệp sản xuất khác đều tăng trưởng kéo theo đà phục hồi của một số ngành xuất khẩu như đồng hồ, cơ khi chính xác, máy móc thiết bị và kim loại. Nhìn chung, xuất khẩu hàng hóa tăng 1,5%. Lĩnh vực công nghiệp do đó đã góp phần đáng kể hạn chế sự sụt giảm mạnh hơn của GDP của Thụy Sỹ trong Quý I/2021.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Thuỵ Sĩ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here