1. Mỹ ưu tiên đàm phán về thuế quốc tế
Ngày 29/5/2021, the Hill đưa tin chính quyền Biden đã và đang ưu tiên các cuộc đàm phán về thuế quốc tế, đặc biệt là việc thiết lập một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Chính quyền Biden coi thỏa thuận về mức thuế tối thiểu là cách ngăn cản các công ty quyết định di chuyển trụ sở vì nguyên nhân thuế đối với doanh nghiệp. Chính quyền Biden cũng cho rằng thỏa thuận này là một cách để giúp các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ có sức cạnh tranh hơn nếu Mỹ tăng thuế doanh nghiệp. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và G20 là hai nhóm nước công nghiệp đang thảo luận về loại thuế này và đang hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận chính trị vào tháng 7.
OECD đang tập trung thảo luận hai vấn đề chính liên quan đến thuế. Vấn đề đầu tiên là vấn đề mà chính quyền Biden hiện đang tập trung nhất, được gọi là Trụ cột thứ 2 (Pillar 2). Đó là thuế suất hiệu quả tối thiểu toàn cầu đối với các khoản thu nhập nước ngoài của các công ty, nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp kiếm lời từ việc trốn thuế. Thỏa thuận về mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ không yêu cầu các quốc gia phải tăng thuế doanh nghiệp. Thay vào đó, nó sẽ khuyến khích các công ty có những cách để tính một mức thuế tối thiểu đối với các khoản thu nhập từ nước ngoài của công ty, ít nhất là cao như mức mà thỏa thuận quy định. Ví dụ, một nước sẽ yêu cầu các công ty của mình trả phần chênh lệch giữa tỷ suất thuế tối thiểu của nước đó và tỷ suất thuể mà nước này sẽ trả cho các nước khác về các thu nhập ở nước ngoài của mình. Tổng thống Biden đề xuất cơ chế này để có ngân sách thực hiện kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 2,25 nghìn tỷ USD của mình.
Còn vấn đề thứ hai, thường được gọi là Trụ cột 1 (Pillar 1), là tìm cách thay đổi các quy định về địa điểm đánh thuế lợi nhuận của các công ty. Vấn đề này xuất phát từ thực tế là có một số công ty lớn, đặc biệt là các công ty công nghệ của Mỹ, không nộp thuế ở các quốc gia mà các công ty này có doanh thu lớn, nhưng không có hoạt động gì. Điều này đã khiến một số quốc gia ban hành các loại thuế dịch vụ kỹ thuật số đơn phương (DST), mà Mỹ cho là phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp của Mỹ. Theo Daniel Bunn, Phó chủ tịch phụ trách các dự án toàn cầu tại Tax Foundation, hai vấn đề trên liên quan chặt chẽ với nhau. Một số nước sẽ muốn ưu tiên một vấn đề hơn vấn đề còn lại, nhưng OECD muốn đạt được thỏa thuận về cả hai vấn đề này cùng một lúc.
Thương lượng về hai vấn đề nêu trên bắt đầu từ thời chính quyền Donald Trump nhưng chính quyền Biden thể hiện quan tâm hơn và mong muốn đạt được thỏa thuận hơn. Chính quyền Biden đã ra tín hiệu cho thấy Mỹ coi việc đạt thỏa thuận về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là ưu tiên cao. Biden dự kiến ngân sách cho kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 2,25 nghìn tỷ USD một phần bằng cách tăng thuế suất doanh nghiệp của Mỹ từ 21% lên 28% và tăng thuế suất GILTI lên 21%. Trong các cuộc thảo luận gần đây với các nước OECD, Mỹ đề xuất mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu là 15%, thấp hơn mức 21% mà chính quyền đang đề xuất cho mức thuế tối thiểu ở Mỹ. Một số quốc gia khác, như Đức và Pháp đã phản ứng tích cực với đề xuất này của Mỹ, nhưng những nước khác như Ireland và Hungary thì tỏ ra lo ngại.
Gần đây, một số nghị sỹ Cộng hòa đã tỏ lo ngại về các cuộc đàm phán và đưa ra một số ưu tiên của họ đối với các quan chức và người được đề cử của Bộ Tài chính. Đảng Cộng hòa không muốn Mỹ tăng thuế suất GILTI trước khi các quốc gia khác có hành động tương tự. Họ cho rằng làm như vậy sẽ khiến các công ty Mỹ gặp bất lợi so với các công ty nước ngoài. Họ cũng muốn đảm bảo rằng một thỏa thuận về mức thuế tối thiểu không bao gồm bất kỳ ngoại lệ nào đối với các quốc gia là đối thủ cạnh tranh của Mỹ, bao gồm cả Trung Quốc. Đồng thời, các nghị sỹ Công hòa cũng yêu cầu Bộ Tài Chính chỉ chấp thuận thỏa thuận liên quan đến Trụ cột 1 nếu thỏa thuận này yêu cầu các nước phải bỏ thuế dịch vụ kỹ thuật số đơn phương (DST). Các nghị sỹ Dân chủ cũng phản đối mạnh mẽ các DST đơn phương mà các nước đã ban hành trong những năm gần đây.
OECD hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận chính trị vào tháng 7. Các chuyên gia về thuế cho rằng sẽ mất một khoảng thời gian để Mỹ và các quốc gia khác thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào sau khi được hoàn tất. Để thực hiện thỏa thuận, Mỹ và các quốc gia khác sẽ cần phải thực hiện một số thay đổi trong nội luật và có thể cả các hiệp ước về thuế.
2. Nhà Trắng đề xuất tăng cường ngân sách lớn cho thương mại.
Ngày 28/5/2021, Inside Trade cho biết Nhà Trắng đã công bố đề xuất ngân sách cho năm tài chính 2022, trong đó ủng hộ việc tăng 29,4% ngân sách cho Bộ Thương mại, bao gồm cả ngân sách tài trợ cho việc khuyến khích sản xuất chất bán dẫn trong nước, thiết lập một quỹ cho mục đích phục hồi chuỗi cung ứng và tăng cường tài trợ cho Cục quản lý thương mại quốc tế (ITA) và Cục Công nghiệp và An ninh (BIS). Đề xuất này, nếu được chấp thuận, sẽ tăng ngân sách cho Bộ Thương mại từ 8,9 tỷ USD trong năm 2021 lên 11,5 tỷ USD.
Đề xuất ngân sách của chính quyền bao gồm một số nội dung trong Kế hoạch Việc làm Mỹ của Tổng thống Biden, như 50 tỷ USD trong 10 năm để tài trợ cho Đạo luật Tạo Động lực Hữu ích để Sản xuất Chất bán dẫn cho Mỹ. Khoản tài trợ được đề xuất sẽ cung cấp cho chương trình 750 triệu USD trong năm 2022 và 37,5 tỷ USD đến năm 2026.
Đề xuất ngân sách của Nhà Trắng thay đổi đáng kể so với những gì Quốc hội đang xem xét. Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Mỹ, mà Thượng viện có thể sẽ thông qua vào tháng tới, bao gồm 52 tỷ USD để tài trợ cho Đạo luật CHIPS. Dự luật của Thượng viện quy định rằng Bộ Thương mại sẽ nhận được 19 tỷ USD vào năm 2022. Đạo luật CHIPS đã được thông qua vào đầu năm, nhưng chưa được bố trí ngân sách. Đề xuất ngân sách thương mại cũng tài trợ 50 tỷ USD cho một cơ quan mới có nhiệm vụ giám sát “năng lực công nghiệp trong nước và tài trợ cho các khoản đầu tư để hỗ trợ sản xuất hàng hóa thiết yếu”. Cơ quan này sẽ nhận được 50 tỷ USD trong 5 năm, trong đó 5 tỷ USD cho năm 2022 thông qua việc thành lập “Quỹ khả năng phục hồi chuỗi cung ứng quan trọng”. Đối với BIS, chính quyền đề xuất tăng gần 7% so với mức 133 triệu USD cho năm 2021, nâng tổng số lên 142 triệu USD vào năm 2022. Việc tăng ngân sách này sẽ “nâng cao khả năng của BIS trong việc củng cố, sắp xếp hợp lý và quản lý việc kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, đồng thời tăng khả năng của BIS trong việc hoàn thành một cách hiệu quả các cuộc điều tra và đánh giá nhằm xác định tác động của việc nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp đặc biệt đối với an ninh quốc gia của Mỹ”. BIS được bố trí 133 tỷ USD cho năm 2021, mức tăng được đề xuất cho cơ quan này phù hợp với các dự kiến hoạt động của cơ quan này trong năm.
Đối với ITA, chính quyền đang dự kiến mức tăng khoảng 5,5% so với khoản kinh phí 530 triệu USD năm 2021, nâng mức kinh phí lên 559 triệu USD vào năm 2022. Cơ quan này dự kiến tăng chi phí ở mức trung bình cho từng chương trình trong tổng số 4 chương trình của mình là công nghiệp và phân tích; thực thi và tuân thủ; thị trường toàn cầu; và công tác chỉ đạo, điều hành. Chính quyền đề xuất tăng thêm 3 triệu USD cho USTR, nâng ngân sách của USTR từ 55 triệu USD lên 58 triệu USD.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)