Fed quyết định duy trì lãi suất gần 0%, thị trường chứng khoán, dầu mỏ, vàng lập tức biến động

0
75
Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: THX/TTXVN
Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo nền kinh tế Mỹ sẽ chứng kiến các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 trong tháng 4-6/2020.

Trong cuộc họp kéo dài hai ngày 16-17/3 của Fed, hầu hết các quan chức của cơ quan này cho biết, họ không muốn tăng lãi suất cho đến năm 2023. Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed đã bỏ phiếu để duy trì ổn định lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức gần 0%, đồng thời tiếp tục chương trình mua tài sản, trong đó Fed sẽ mua ít nhất 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng.

Với dự báo khả quan, Fed dự kiến kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 1984 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,5% vào cuối năm, từ mức 6,2% hiện nay. FOMC cũng tái khẳng định rằng họ sẽ đặt mục tiêu đạt lạm phát ở mức vừa phải trên 2% trong một thời gian và kỳ vọng lạm phát dài hạn vẫn được duy trì ở mức 2%. Các quan chức Fed tin rằng, lạm phát sẽ lên tới 2,1%, cao hơn mức lạm phát mục tiêu 2% của họ vào năm 2023.

Chứng khoán đi lên

Ngay sau khi quyết định tiếp tục nới lỏng tiền tệ của Fed được phát đi, thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) tăng mạnh trong phiên giao dịch 17/3 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới và cho biết chính sách nới lỏng tiền tệ của họ sẽ không sớm kết thúc.

Khép phiên này, tại thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ), chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,3% lên 3.974,12 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq  tăng 0,4% lên 13.525,20 điểm, chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng tăng 0,6% lên 33.015,37 điểm.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số FTSE tại thị trường London (Vương quốc Anh) lúc đóng cửa giảm 0,6% xuống 6.762,67 điểm. Chỉ số DAX 30 tại thị trường Frankfurt (Đức) tăng 0,3% lên 14.596,61 điểm, chỉ số CAC 40 tại thị trường Paris (Pháp) đi ngang 6.054,82 điểm, chỉ số EURO STOXX 50 cũng ổn định ở mức 3.849,74 điểm. Các nhà đầu tư cho biết vẫn còn những lo ngại trong bối cảnh một số nước trong khối đã quyết định ngừng sử dụng vaccine của AstraZeneca do lo ngại phản ứng phụ gây ra hiện tượng đông máu.

Tại Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch 17/3, chỉ số HNX-Index tăng 0,67 điểm (0,24%) lên 276,55 điểm, trong khi chỉ số VN-Index tăng 6,19 điểm (0,52%) lên 1.186,09 điểm.

USD giảm, Vàng bật tăng

Giá vàng thế giới đã tăng hơn 1% sau khi Fed tái khẳng định quan điểm về chính sách tiền tệ nới lỏng, nhân tố làm suy yếu đồng USD.

Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 1.743,93 USD/ounce sau khi có lúc tăng 1,2%. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn đóng phiên ở mức 1.727,10 USD/ounce.

Phiên này, đồng USD giảm 0,5%, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn với những người nắm giữ đồng tiền khác. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ vẫn ở mức cao sau quyết định mới nhất của Fed. Tình trạng này đang đặt ra thách thức đối với vị thế của vàng, vốn được coi là công cụ hữu hiệu để chống lạm phát.

Giá dầu giảm phiên thứ tư

Trong phiên giao dịch ngày 17/3, giá dầu thế giới giảm phiên thứ tư trước triển vọng nhu cầu tại châu Âu yếu đi và lượng dầu tồn kho tại Mỹ gia tăng.

Chốt phiên này, giá dầu Brent giảm 39 xu Mỹ (0,6%) xuống 68 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 20 xu Mỹ (0,3%) xuống 63,68 USD/thùng.

Một số quốc gia châu Âu đã tạm dừng sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca do lo lắng về các tác dụng phụ. Trong khi đó, Đức chứng kiến các ca mắc mới gia tăng; Chính phủ Italy đang áp đặt chính sách đóng cửa trên toàn quốc; còn Pháp lên kế hoạch thực thi các biện pháp hạn chế cứng rắn hơn.

Stephen Brennock, nhà môi giới tại PVM nhận định chính sách đóng cửa sẽ không mang lại đà phục hồi kinh tế cũng như thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu tại châu Âu. Theo chuyên gia này, hy vọng hiện nay là châu Âu có thể đưa việc triển khai vaccine trở lại đúng hướng.

Trong phiên giá dầu đã giảm xuống mức thấp sau khi dữ liệu của chính phủ cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 2,4 triệu thùng trong tuần trước. Dữ trữ dầu thô của Mỹ đã tăng bốn tuần liên tiếp sau khi hoạt động của nhà máy lọc dầu ở miền Nam bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt vào tháng trước. Các nhà phân tích cho biết các công ty đang dần khởi động lại các cơ sở và hoạt động sản xuất dự kiến sẽ được khôi phục trong vài tuần tới.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 17/3 dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ trở lại mức trước đại dịch trong hai năm và đạt mức cao kỷ lục vào năm 2026 trừ trường hợp các chính phủ có hành động nhanh chóng để đáp ứng các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo thường niên của IEA, khi chương trình tiêm chủng tiến hành trên diện rộng và chính sách hạn chế được dỡ bỏ, nhu cầu dầu sẽ trở lại mức của năm 2019 vào năm 2023. IEA ước tính nhu cầu dầu toàn cầu mỗi năm sẽ tăng 104 triệu thùng/ngày vào năm 2026, tăng 4% so với năm 2019.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here