Việt Nam đặt mục tiêu dẫn đầu thế giới về xuất khẩu tôm

0
199
Trong các dòng thuế thủy sản được giảm từ EVFTA, tôm sẽ là mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất. (Nguồn: Dân trí)

Mặt hàng tôm của Việt Nam những năm gần đây đã tạo được uy tín và thương hiệu nhất định, được các nhà nhập khẩu đánh giá cao. Cơ hội mở rộng thị trường từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng tạo động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp ngành tôm đẩy mạnh đầu tư nhà máy và vùng nguyên liệu cho mục tiêu phát triển dài hạn.

Phấn đấu đến năm 2025 đưa kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 10 tỷ USD.

Dần khẳng định vị trí

Thời gian qua, dịch COVID-19 gây ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu, nhưng cũng chính là “phép thử” quan trọng, khẳng định vị thế của tôm Việt trên thị trường thế giới. Trong khi nhiều quốc gia khác chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, chế biến bị gián đoạn thì Việt Nam với lợi thế kiểm soát tốt dịch bệnh, các vùng nuôi và nhà máy hoạt động liên tục, đáp ứng được nguồn hàng ở mọi thời điểm. Điều này giúp doanh nghiệp có điều kiện tham gia và thay thế nguồn cung từ các chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Năm 2020 là năm thành công của ngành tôm, khi vượt qua nhiều thời điểm thăng trầm, xuất khẩu tôm đã cán đích 411.000 tấn, trị giá 3,73 tỷ USD, tăng 6,72% về lượng và 11,07% về trị giá so với năm 2019. Mặt hàng tôm đã xuất khẩu đến 135 thị trường và có tới 508 doanh nghiệp xuất khẩu.

Đây là kết quả rất đáng ghi nhận khi nhiều ngành hàng khác “chao đảo” vì COVID-19. Trong bối cảnh đó, con tôm Việt Nam vẫn thẳng tiến tới các thị trường Mỹ, EU, Anh, Canada, Australia, Hồng Kông, Nga, Thụy Sỹ, với giá trị bật tăng so với năm 2019. Riêng xuất sang Mỹ đạt 867 triệu USD, tăng tăng 33%. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm sang thị trường EU đã tăng trở lại sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020, cả năm 2020 tăng 6,1%.

Ngoài ra, để đạt được kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tốt như vậy, nguồn cung trong nước cũng đóng góp vai trò không nhỏ. Trong các tháng đầu năm 2020, sản xuất tôm gặp khó khăn do tình hình xâm nhập mặn tại các vùng nuôi chủ lực, dẫn đến sản lượng tôm nước lợ, nhất là tôm sú bị sụt giảm. Ðến cuối năm 2020, sản xuất tôm nước lợ đã phục hồi, dịch bệnh trên tôm nuôi cũng được kiểm soát, đã giúp cho sản lượng tôm nước lợ tăng trưởng khá, bảo đảm nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2020, sản lượng tôm sú đạt 267.700 tấn, tăng 1%; tôm chân trắng đạt 632.300 tấn, tăng 8,5% so cùng kỳ.

Đặt mục tiêu dẫn đầu thế giới về xuất khẩu tôm

Hiện nay nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản, đặc biệt là tôm đang phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Theo dự báo, với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 7%/năm, dự tính đến năm 2045, tổng sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt 15 triệu tấn.

Dù thương mại thủy sản chưa thoát khỏi ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng ngành tôm Việt Nam được dự báo tiếp tục phát triển nhờ kinh nghiệm thích ứng sự biến đổi của thị trường từ năm 2020, cùng với đó là cú hích từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết và có hiệu lực trong thời gian gần đây, đặc biệt là FTA Việt Nam-EU (EVFTA).

Theo EVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Nhờ EVFTA, ngành tôm có lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các nước sản xuất khác, trong đó lợi thế rõ rệt với tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh khi tôm sú được giảm từ mức thuế GSP 4,2% về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm… Trong khi Thái Lan không được hưởng GSP, không ký FTA, bị mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ không có FTA chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia hưởng thuế GSP 4,2%, Ecuador thuế cơ bản 12%…

Để đón đầu những cơ hội mới, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch phát triển chuỗi giá trị tôm thông minh, xanh, sạch, hữu cơ tuần hoàn và cân bằng carbon gồm nhiều mô hình khác nhau phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Trong khi các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang đã phát triển nuôi và chế biến tôm nhiều năm với mật độ nhà máy cao thì khu vực Bắc Sông Hậu vẫn còn nhiều quỹ đất có thể chuyển đổi sang nuôi tôm sau khi bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Phát triển vùng nuôi tôm ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long không chỉ giúp các doanh nghiệp chế biến chủ động nguồn nguyên liệu, kiểm soát chất lượng và đáp ứng xuất xứ cho sản phẩm xuất khẩu mà còn phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP thực phẩm Sao Ta, tại Sóc Trăng, không chỉ các doanh nghiệp lớn có kế hoạch mở rộng phát triển trong những năm tới mà nhiều doanh nghiệp mới cũng bắt tay đầu tư vào ngành tôm. Điều này sẽ khiến gia tăng sự cạnh tranh nhưng cũng là một động lực đưa Sóc Trăng sớm thành vùng trọng điểm tôm của cả nước.

Để có thể tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu tốt, theo các chuyên gia, cần chú trọng đến công tác quản lý sản xuất và quản lý giống tôm nuôi phù hợp, kiểm soát tốt dịch bệnh và bảo đảm chất lượng con giống cung cấp, tránh rủi ro về khâu sản xuất để ổn định nguồn cung, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, cần tận dụng tốt cơ hội mở rộng thị trường thông qua tăng khả năng cung ứng để bù đắp sản lượng thiếu hụt do các quốc gia cung ứng khác đang chịu tác động tiêu cực do dịch COVID-19; tăng năng lực cạnh tranh và thị phần ở các thị trường lớn và chiến lược, như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh…

Theo ông Hồ Quốc Lực, hầu hết doanh nghiệp ngành tôm đều đã nhìn rõ cơ hội để tăng tốc, song để có thể nắm bắt cơ hội đó và duy trì sự phát triển bền vững cần có sự chuẩn bị đồng bộ; trong đó, một yếu tố cực kỳ quan trọng là truy xuất nguồn gốc gắn liền với cấp mã số cơ sở nuôi. Ông Hồ Quốc Lực nhấn mạnh, các doanh nghiệp chỉ đầu tư nhà máy, mở rộng vùng nguyên liệu là chưa đủ mà cần chủ động chia sẻ trách nhiệm, hỗ trợ cơ quan quản lý thúc đẩy việc cấp chứng nhận vùng nuôi càng sớm càng tốt.

Theo các chuyên gia, dù vẫn còn chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng lĩnh vực thủy sản vẫn có lợi thế nhất định, thị trường thủy sản sẽ sớm sôi động trở lại, đặc biệt vào giai đoạn 6 tháng cuối năm. Những thuận lợi cả về chủ quan lẫn khách quan và sự chủ động chuyển mình của các doanh nghiệp sản xuất và chế biến tôm được kỳ vọng đưa ngành tôm cán đích mục tiêu xuất khẩu 4,4-4,5 tỷ USD trong năm 2021. Quy mô thị trường tôm toàn cầu dự báo sẽ tăng lên 64,53 tỷ USD vào năm 2026 (năm 2020 là 48,7 tỷ USD), là cú hích cho tôm Việt tăng trưởng xuất khẩu. Nếu duy trì được đà phát triển như hiện nay, chỉ ít năm nữa ngành tôm Việt Nam sẽ vươn lên dẫn đầu thế giới cả về quy mô lẫn doanh số.

Minh Hiếu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here