Giành lại độc lập chiến lược trong các lĩnh vực mang tính sống còn

0
140
(https://twitter.com/frs_org)
(https://twitter.com/frs_org)

Ngày 11/3/2021, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược đã phối hợp với Thư viện Quốc gia Pháp tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ để “Giành lại độc lập chiến lược trong các lĩnh vực then chốt” (“(Re)conquérir une indépendance stratégique dans les secteurs d’activités d’importance vitale”) với sự tham gia của các đại diện đến từ Ủy ban Châu Âu, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, một số cơ quan của chính phủ Pháp (Bộ Kinh tế, Bộ Giáo dục v.v.), France Biotech, Liên đoàn các ngành công nghiệp điện, điện tử và truyền thông

Đại dịch Covid 19, nguy cơ về an ninh kinh tế, an ninh y tế, an ninh lương thực, tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã làm cho lãnh đạo nhiều quốc gia chú trọng việc giảm sự phụ thuộc công nghệ vào bên ngoài và tăng cường năng lực các hệ sinh thái công nghiệp và công nghệ quốc gia, nhất là trong các lĩnh vực chiến lược như kinh tế hay quốc phòng. Các nước như Nga, Hoa Kỳ, Ấn Độ hay Liên minh Châu Âu có đánh giá khác nhau về các ngành được cho là chiến lược nhưng đều có những điểm chung nhất định. Hội thảo tập trung vào khái niệm “chủ quyền công nghệ” (“Souveraineté technologique”), việc thực hiện chủ quyền này và xác định các lĩnh vực quan trọng hàng đầu để đảm bảo tự chủ và độc lập chiến lược.

Về khái niệm “chủ quyền công nghệ”: có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh các quan niệm về tự chủ chiến lược, độc lập chiến lược hay chủ quyền công nghệ, đặc biệt là giữa Pháp – một nước gắn liền với tự chủ chiến lược (cụm từ này đã được Tổng thống Pháp đề cập trong một bài phát biểu năm 2017) và một số nước đối tác trong Liên minh Châu Âu. Cho đến thời điểm hiện tại thì chưa có một định nghĩa thống nhất về các khái niệm này.

“Chủ quyền công nghệ” bắt nguồn từ khái niệm “chủ quyền” – một thuật ngữ pháp lý nhằm thể hiện quyền lực tối cao và vô điều kiện. Cụm từ “chủ quyền công nghệ” được bắt đầu sử dụng từ những năm 90 bởi các hackers, gắn liền với sự ra đời của internet và các mạng xã hội. Các diễn giả tại hội thảo đã sử dụng định nghĩa mang tính hàn lâm do Viện Fraunhofer Institute for systems and innovation research của Đức đưa ra vào tháng 7/2020, theo đó khái niệm này mang các đặc trưng sau: được duy trì bởi khả năng nghiên cứu, tạo ra các kiến thức về khoa học và công nghệ; không có nghĩa là tự cung tự cấp hoặc độc lập hoàn toàn (do các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ được quốc tế hóa, các quốc gia cần hợp tác với nhau); là điều kiện cần nhưng không đủ đối với chủ quyền kinh tế. Ngày nay, khái niệm này được nhìn nhận dưới góc độ địa chính trị nhiều hơn là pháp lý. Trên cơ sở tính đến 3 yếu tố (công nghệ có thể tạo ra thị trường lớn; công nghệ phục vụ tất cả các lĩnh vực kinh tế; cho phép cải thiện việc thực hiện chủ quyền như quốc phòng, tư pháp … và dịch vụ công), chủ quyền công nghệ được thể hiện trong các lĩnh vực y tế (vắc-xin, xử lý dữ liệu y tế), công nghệ thông tin truyền thông (5G), trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật số.

Tháng 02/2020, Chính phủ Pháp đã xác định có chọn lọc các thị trường trọng điểm mạnh về công nghệ để tăng tính cạnh tranh cho Pháp và xây dựng kế hoạch hành động hướng tới các lĩnh vực chiến lược như y tế, sản xuất thực phẩm, công nghệ số, chuyển đổi sinh thái. Đồng thời, Pháp cũng xây dựng một danh sách các công nghệ quan trọng cần được ưu tiên bảo vệ chống lại các mối đe dọa từ nước ngoài nhằm bảo đảm an ninh kinh tế, bao gồm 140 công nghệ trên tất cả các lĩnh vực và quy mô doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp khởi nghiệp, được xác định từ tháng 10/2020. Dự kiến Pháp sẽ trình danh sách này lên Ủy ban Châu Âu. Pháp cũng xây dựng hệ thống cảnh báo trên cơ sở sự phối hợp liên ngành của các cơ quan nhà nước nhằm phát hiện và ngăn chặn đe dọa từ nước ngoài, ví dụ như việc mua lại doanh nghiệp. Trong năm 2020, có khoảng 300 cảnh báo về an ninh kinh tế được đưa ra.

Từ góc độ Châu Âu, Ủy ban Châu Âu vào tháng 11/2020 đã xác định 2 yếu tố của chủ quyền công nghệ:

–    Yếu tố nội bộ: phát triển ngành công nghệ châu Âu bằng việc xác định năng lực chiến lược và các ngành công nghệ để xây dựng; hợp tác với nhiều nước ngoài Châu Âu khác nhau (không phụ thuộc vào chỉ 1 nước); chia sẻ các nguồn lực, thực hiện đầu tư chung, điều phối các dự án lớn về nghiên cứu và phát triển (R&D), sáng tạo, cơ sở hạ tầng; chương trình không gian (Galileo, Copernicus …), tài trợ chương trình quân sự chung, liên minh về pin (nhằm chống lại việc phụ thuộc vào Trung Quốc), cấu trúc châu Âu về công nghiệp khí, các sáng kiến về một “đám mây-cloud” của Châu Âu và an ninh mạng, liên minh nguyên liệu thô, sáng kiến trong lĩnh vực linh kiện bán dẫn và bộ xử lý…

–    Yếu tố bên ngoài: tự bảo vệ đối với giao dịch thương mại không lành mạnh; đảm bảo các quy định của thương mại quốc tế được áp dụng; đảm bảo việc tiếp cận thị trường quốc tế được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại; trao đổi thông tin giữa các quốc gia thành viên về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các lĩnh vực chiến lược (hiện chỉ có 15 nước Châu Âu có hệ thống giám sát FDI); thiết lập liên kết về phát triển công nghệ với những đối tác cùng chia sẻ các giá trị với Châu Âu.

Về các lĩnh vực quan trọng hàng đầu nhằm bảo đảm tự chủ chiến lược,  các diễn giả khuyến nghị cách tiếp cận theo hướng phản công, không chỉ tập trung phân tích các nguy cơ, những gì sẽ mất mà nên tập trung phân tích những gì có thể giành được: phân tích nguy cơ đến từ quan hệ đối tác giữa các nước khác nhau, các hành động và tiến triển của các dự án do địa chính trị đang chuyển dịch và thỏa thuận giữa các nước không phải lúc nào cũng ổn định, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm hiểu các đối thủ cạnh tranh chủ yếu nhằm tránh nguy cơ về an ninh, phát huy tình báo kinh tế.

Đối với không gian là 1 lĩnh vực tương đối đặc biệt, các diễn giả phân tích một số nguy cơ đối với lĩnh vực này như nguy cơ về tài chính do lĩnh vực này cần đầu tư lớn trong khi các doanh nghiệp hoạt động trong ngành lại khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng mặc dù Ngân hàng Đầu tư Châu Âu đang thiết lập nền tảng để đảm bảo cho các khoản vay; không thu hút được đầu tư tư nhân; do ảnh hưởng của Covid mà lợi nhuận giảm dẫn đến nguồn vốn đầu tư dành cho nghiên cứu và sáng tạo giảm. Các cơ quan nhà nước cần đóng vai trò là cơ quan tham vấn về kỹ thuật nhằm thu hút đầu tư và cần tạo ra thị trường ổn định và bền vững.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here