Báo cáo chiến lược của Anh: Định hướng mới trong chính sách ngoại giao kinh tế?

0
70
nước Anh sẽ thành công trong thế giới hiện đại, nếu ngoại giao kinh tế được hỗ trợ bằng quân sự. (Nguồn: Thecommonwealth)

Chính phủ Anh vừa công bố bản Đánh giá tổng hợp về An ninh, Quốc phòng, Phát triển và Chính sách Đối ngoại, gọi tắt là Đánh giá toàn diện.

Nước Anh sẽ thành công trong thế giới hiện đại, nếu ngoại giao kinh tế được hỗ trợ bằng quân sự. (Nguồn: Thecommonwealth)

 “Nước Anh toàn cầu” hậu Brexit

Bản Đánh giá toàn diện được xem là một sự xem xét lại kỹ càng chính sách quốc phòng của Anh và quan trọng nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Như tiêu đề “Nước Anh toàn cầu trong thời đại cạnh tranh”, bản đánh giá cũng đưa ra một chiến lược giúp “Nước Anh toàn cầu” hậu Brexit thành công trong những năm 2030.

Nhận định về bản Đánh giá toàn diện, Tướng Mike Jackson, nguyên Tổng Tham mưu trưởng, viết trên tờ The Telegraph cho rằng nước Anh sẽ thành công trong thế giới hiện đại, nếu ngoại giao kinh tế được hỗ trợ bằng quân sự. Theo Tướng Mike Jackson, các bản đánh giá kiểu này là bài tập trong việc quản lý các ưu tiên có tính cạnh tranh nhau trong chi tiêu.

Theo đó, mối đe dọa mà nước Anh phải đối mặt đang phát triển nhanh chóng, ví dụ như những tiến bộ trong công nghệ máy bay không người lái, chiến tranh trong không gian mạng và trong vũ trụ, trí tuệ nhân tạo và robot làm thay đổi không gian chiến đấu. Trong bối cảnh đó, việc điều chỉnh các ưu tiên liên quan đến sự sẵn sàng đánh đổi, dù năm ngoái London đã đạt được sự chấp thuận tăng thêm 16 tỷ bảng cho ngân sách quốc phòng.

Theo truyền thông Anh, tài liệu dài 114 trang lần này liệt kê các mục tiêu của Anh về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và phát triển, bao gồm việc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học, vốn đang là ưu tiên hàng đầu của cộng đồng quốc tế.

Đến năm 2030, Vương quốc Anh đặt mục tiêu trở thành một “siêu cường về công nghệ “; định ra các quy tắc bảo vệ trật tự quốc tế của thế giới trong tương lai nhằm bảo vệ các giá trị của thế giới, không gian mạng và vũ trụ.

Văn kiện cũng ủng hộ việc tăng cường quan hệ ngoại giao và thương mại với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; nâng cao năng lực của Anh trong việc đối phó với các trường hợp khẩn cấp trong tương lai; tăng cường tài trợ cho các cơ quan gián điệp như một phần trong nỗ lực ứng phó với mối đe dọa khủng bố.

Bản Đánh giá toàn diện cũng cảnh báo về mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân đang gia tăng và việc một số quốc gia đang đa dạng hóa kho vũ khí hạt nhân của họ. Do đó, Vương quốc Anh có kế hoạch tăng giới hạn trên của kho đầu đạn hạt nhân từ 180 đơn vị lên 260 đơn vị.

Trung Quốc là “thách thức toàn cầu” nhưng hợp tác là hoàn toàn có thể

Một trong những nội dung đáng chú ý nhất là bản Đánh giá toàn diện nhắc đến việc Trung Quốc là một thách thức lớn đối với một xã hội cởi mở như Vương quốc Anh, nhưng nước này cũng sẽ hợp tác với Bắc Kinh trên cơ sở phù hợp với các giá trị và lợi ích của “xứ sở sương mù”.

Đánh giá toàn diện nêu rõ: “Chúng tôi tăng cường khả năng đối mặt với Trung Quốc thông qua đầu tư và sử dụng những khả năng này để hiểu rõ hơn về Trung Quốc và người dân nước này”, đồng thời “chúng tôi sẽ tiếp tục thiết lập quan hệ thương mại và đầu tư tích cực với Trung Quốc, trong khi đảm bảo an ninh quốc gia và các giá trị được bảo vệ”.

Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cùng xây dựng một chiến lược đối với Trung Quốc. Theo đó, Chính phủ Anh đã mô tả Trung Quốc là một “đối thủ cạnh tranh về thể chế”, mối đe dọa mang bản chất kinh tế và hệ thống chính trị của nước này mâu thuẫn với các giá trị của Anh cùng các nền dân chủ tự do khác.

Tuy nhiên, Bắc Kinh với sức mạnh kinh tế đưa họ trở thành đối tác thương mại có giá trị của Anh. Ngoài ra, tài liệu cũng đề cập rằng nước này sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ thương mại và đầu tư tích cực với Trung Quốc, đồng thời đảm bảo rằng an ninh và giá trị quốc gia được bảo vệ.

Bản Đánh giá toàn diện cho rằng vị thế quốc tế ngày càng tăng của Trung Quốc là nhân tố địa chính trị quan trọng nhất trên thế giới hiện nay và sẽ tác động lớn đến các giá trị và lợi ích của Anh cũng như cấu trúc của trật tự quốc tế hiện nay. Ngày 15/3, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab bày tỏ mong muốn thiết lập mối quan hệ tích cực với Trung Quốc, song ông cũng nhấn mạnh rằng “các giá trị là điều quan trọng nhất”.

Ngoài Trung Quốc được coi là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh kinh tế, London cũng coi Nga là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh của đất nước.

Trước đó, tờ “The Sunday Times” ngày 14/3 từng lưu ý rằng các kế hoạch cho thấy Anh sẽ gia tăng chi phí để cho phép London đối đầu với Moskva và Bắc Kinh trong không gian mạng. Nguồn tin hé lộ: “Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh đang cố đánh cắp tài sản trí tuệ và gây ra mối đe dọa đối với an ninh kinh tế, nhưng điều này không giống như những gì đã xảy ra ở Salisbury”.

Trong khi đó, mặc dù coi Nga là quốc gia “thù địch”, trong khi Trung Quốc là “thách thức toàn cầu”, nhưng London vẫn cho rằng việc hợp tác với hai nước này là hoàn toàn có thể./.

Bùi Phóng 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here