Tương lai mối quan hệ kinh tế Mỹ – Trung Quốc sẽ thay đổi như thế nào?

0
105
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: FT)

Sau khi Chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức tiếp quản quyền lực, tương lai mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc sẽ thay đổi như thế nào nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Sau đây là một số phân tích về các thông số kinh tế liên quan đến vấn đề này:

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: FT)

Thặng dư thương mại và đầu tư tài chính

Cựu Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố “cuộc chiến thương mại là điều tốt, hơn nữa dễ giành được thắng lợi”, nên ông đã phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, với hy vọng cắt giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ rời khỏi Trung Quốc.

Tuy nhiên, số liệu cho thấy thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ tăng 7,1% so với năm 2019, lên 316,9 tỷ USD trong năm 2020, và tăng 14,9% so với mức 265,8 tỷ USD khi ông Trump lên giữ chức Tổng thống Mỹ vào năm 2017.

Các tổ chức tài chính hàng đầu của Mỹ như Goldman Sachs, Morgan Stanley, BlackRock… lần lượt tận dụng việc nới lỏng các quy định tài chính mới nhất của Trung Quốc để tranh thủ đầu tư và thu lợi từ thị trường tài chính Trung Quốc trong hai năm qua.

Tính đến cuối năm 2020, các nhà đầu tư của Mỹ đang nắm giữ khoảng 1.200 tỷ USD cổ phiếu và trái phiếu do các tổ chức kinh tế Trung Quốc phát hành, gấp 5 lần số liệu chính thức do Bộ Tài chính Mỹ công bố.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khiến cho cả hai nước đều phải trả giá. Nếu cuộc chiến này tiếp tục kéo dài, chắc chắn hai bên sẽ chịu tổn thất nhiều hơn. Do đó, vấn đề làm thế nào để phá vỡ cục diện hiện nay sẽ trở thành thách thức nghiêm trọng trong nhiệm kỳ của ông Biden.

Thu nhập bình quân và gói cứu trợ kinh tế của Mỹ

Chính quyền của ông Joe Biden cũng đối diện với vô vàn thách thức trong nước. Ngoài vấn đề ứng phó khẩn cấp với dịch COVID-19, thì việc làm thế nào để phục hồi nền kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân cũng là trọng điểm chính sách của ông Biden.

Thu thập bình quân tính theo giờ của tầng lớp trung lưu Mỹ cách đây 40 năm là 9,17 USD (tính theo sức mua thực tế), nhưng mức thu nhập bình quân hiện nay chỉ là 9,03 USD, tức là không những không tăng mà còn giảm. Tầng lớp trung lưu chiếm khoảng 50% dân số Mỹ, quyết định xu hướng bầu cử của nước Mỹ.

Nếu ông Biden không thể cải thiện lợi ích của tầng lớp trung lưu trong vòng 2 năm sau khi lên cầm quyền, không thể giúp nền kinh tế lấy lại động lực, thì cho dù không có ông Trump, nhưng “chủ nghĩa Donald Trump” cũng rất có khả năng trỗi dậy trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Điều này gây khó khăn cho việc triển khai chính sách của Chính quyền của ông Biden.

Mặc dù trong bối cảnh tổng nợ của Mỹ đã đạt đến mức cao mới trong lịch sử 27.760 tỷ USD như hiện nay, nhưng Chính quyền của ông Biden vẫn tìm cách thông qua gói cứu trợ mới trị giá 1.900 tỷ USD. Ông cũng cố gắng phục hồi động lực kinh tế bằng một loạt chính sách như cứu trợ ngắn hạn, giảm thuế đối với tầng lớp trung lưu và thu nhập thấp, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy việc làm…

Tuy nhiên, mặc dù việc chấm dứt cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có lợi cho tăng trưởng kinh tế Mỹ, nhưng gần đây Chính quyền của ông Biden cho biết sẽ tiếp cận Trung Quốc với tâm thế “kiên nhẫn chiến lược”. Điều này chứng tỏ ngay cả khi nợ nần bủa vây thì ông Biden vẫn tiếp tục ngăn chặn Trung Quốc, nhiều khả năng sẽ tiếp tục kế thừa chính sách cuộc chiến thương mại, cấm vận và trừng phạt công nghệ mà người tiền nhiệm đã thực hiện, và gia tăng sức ép đối với Trung Quốc.

Mục đích ngăn chặn Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực là nhằm tiếp tục duy trì sự lãnh đạo thế giới của Mỹ. Tháng 3/2020, ông Biden đã đăng một bài viết có tiêu đề “Tại sao nước Mỹ cần phải trở lại vị thế lãnh đạo” trên tạp chí Foreign Affairs, trong đó nhấn mạnh việc hồi sinh sức sống của nước Mỹ không chỉ để lãnh đạo phương Tây, mà cần phải quay trở lại vị thế lãnh đạo toàn thế giới.

Tăng trưởng GDP và những chuyến tàu xuất phát từ Trung Quốc

Mặc dù Chính quyền của ông Biden hy vọng nhanh chóng kiểm soát dịch COVID-19, phục hồi động lực kinh tế trong nước, quay lại lãnh đạo thế giới thoát khỏi tình cảnh khó khăn. Tuy nhiên, một thế giới đang bị đại dịch COVID-19 tấn công nghiêm trọng hiện nay không thể chờ đợi sự hồi sinh và lãnh đạo của nước Mỹ.

Các nước châu Âu đã thể hiện thái độ “không chờ đợi”. Theo số liệu mới nhất của Liên minh châu Âu (EU), do tác động của dịch COVID-19, dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020 của EU tăng trưởng âm 8,3%. Hơn nữa đến cuối năm 2022, kinh tế châu Âu vẫn chưa thể phục hồi trở về mức trước khi bùng phát dịch bệnh. Đối với EU, vấn đề cấp bách hiện nay là hồi sinh nền kinh tế, và thị trường rộng lớn của Trung Quốc có thể mang lại cơ hội lớn cho EU.

Do đó, mặc dù Chính quyền của ông Biden liên tục nhấn mạnh cần phối hợp với đồng minh phương Tây để đối phó với Trung Quốc, nhưng EU đã cùng Trung Quốc hoàn thành đàm phán Hiệp định Đầu tư Toàn diện Trung Quốc-EU vào cuối năm 2020. Hiệp định này được cho là sẽ giúp EU thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại và đầu tư, củng cố địa vị lãnh đạo về chính trị, kinh tế và an ninh của EU ở toàn châu Âu, cũng như nắm chắc huyết mạch phát triển kinh tế của châu Âu trong tương lai.

Sự kiện Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, 10 nước ASEAN và Trung Quốc cùng ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) càng thể hiện rõ thái độ của những nước này. Trung Quốc dẫn đầu trong việc thoát khỏi bóng đen dịch COVID-19 đã củng cố vị trí của mình với tư cách là trung tâm của chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Hơn nữa, RCEP với tư cách là tổ chức kinh tế thương mại khu vực lớn nhất toàn cầu, chiếm 30% GDP và thương mại thế giới, nên việc thiết lập quan hệ đối tác hợp tác toàn diện trong khu vực đang là cơ hội lớn giúp khu vực châu Á-Thái Bình Dương giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, hướng đến sự phát triển hội nhập và ổn định.

Tương tự, các nước dọc theo tuyến “Vành đai và Con đường” (BRI) cũng không thể chờ đợi Mỹ. Cú sốc mang tên dịch COVID-19 của năm 2020 đã gây nên tình trạng ngừng bay, gián đoạn bay phạm vi rộng trên toàn cầu, khiến nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, năm 2020 có 12.400 chuyến tàu xuất phát từ các thành phố của Trung Quốc, với các ưu thế như chi phí tương đối thấp, ít ảnh hưởng đến môi trường… đã trở thành mạng lưới giao thông liên vận kết nối đường bộ-đường biển của châu Âu và Trung Á, Đông Á, Đông Nam Á, đảm bảo sự thông suốt của chuỗi cung ứng logistics quốc tế.

Tuyến đường sắt Trung Quốc-châu Âu cũng góp phần tăng cường thương mại giữa Trung Quốc và các nước châu Âu, Trung Quốc và các nước Trung Á, đồng thời cũng đã thúc đẩy tương tác thương mại giữa các nước dọc tuyến con đường tơ lụa trên biển và các nước dọc tuyến Con đường Tơ lụa trên đất liền, hình thành mối quan hệ đối tác hợp tác mới.

Năm 2020, GDP của Trung Quốc tăng 2,3% và nước này là nền kinh tế chủ chốt duy nhất trên toàn cầu đạt mức tăng trưởng dương. Quy mô nền kinh tế lần đầu tiên vượt 100.000 tỷ NDT (15.500 tỷ USD) thể hiện sức mạnh kinh tế, khoa học công nghệ và sức mạnh tổng hợp quốc gia của Trung Quốc bước lên một nấc thang mới.

Trong tương lai, Bắc Kinh dự kiến sẽ thúc đẩy hơn nữa đàm phán hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc (CJKFTA), đẩy mạnh tiến trình đàm phán thương mại tự do với Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), Israel, Na Uy…, cũng như tích cực xem xét gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đối với Trung Quốc, tầm nhìn không những tập trung vào Mỹ, mà còn hướng đến thế giới. Do đó, cũng không khó để dự đoán, sách lược muốn quay lại lãnh đạo các nước trên thế giới của Chính quyền của ông Biden trong thời gian tới có thể gặp phải lực cản lớn hơn từ các đối tác hợp tác của Trung Quốc.

Rủi ro từ các biện pháp “ăn miếng trả miếng”

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sẽ không đợi Mỹ hồi sinh sức sống, tiếp tục trừng phạt và “cô lập kinh tế” Trung Quốc. Trên thực tế, Trung Quốc đã bắt đầu đáp trả Mỹ.

Thứ nhất, đối với việc Mỹ lấy Luật an ninh quốc gia về Hong Kong (Trung Quốc) làm lý do để trừng phạt nhiều quan chức Trung Quốc và Hong Kong, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố tiến hành trừng phạt đối với 28 quan chức của Mỹ bao gồm cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, đồng thời quy định cụ thể các nhân viên bị trừng phạt và người thân của họ không được tiến hành các giao dịch kinh doanh liên quan với Trung Quốc.

Rõ ràng, đây là những biện pháp đáp trả đối với các phát ngôn và hành động của Mỹ có liên quan đến Hong Kong, phần lớn các công ty xuyên quốc gia đều cân nhắc thận trọng trong việc tuyển dụng 28 nhân viên nằm trong danh sách bị trừng phạt và người thân của họ để tránh liên lụy đến các lệnh trừng phạt của Trung Quốc.

Thứ hai, đối với một loạt các lệnh trừng phạt bao vây của Mỹ đối với doanh nghiệp Trung Quốc, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ban hành và thực hiện “Các biện pháp ngăn chặn việc áp dụng các luật và biện pháp của nước ngoài không phù hợp ở bên ngoài lãnh thổ”. Động thái này đồng nghĩa với việc Trung Quốc và Mỹ không nhượng bộ lẫn nhau về vấn đề trừng phạt, điều này khiến cho không ít công ty xuyên quốc gia sẽ không thể tránh khỏi tình trạng vi phạm quy định pháp luật của một trong hai nước.

Nếu thực hiện lệnh cấm của Mỹ thì sẽ bị Trung Quốc trừng phạt, ngược lại sẽ bị Mỹ trừng phạt. Nói cách khác, các công ty xuyên quốc gia phải chọn bên hoặc là Mỹ hoặc là Trung Quốc, khi đó sức mạnh kinh tế của Mỹ và Trung Quốc sẽ trở thành quyết định lựa chọn sau cùng.

Theo số liệu công bố gần đây của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR), trong số 11 quốc gia châu Âu tham gia khảo sát, 60% người được phỏng vấn kỳ vọng Trung Quốc sẽ phát triển mạnh hơn Mỹ trong 10 năm tới. Trong đó, 79% người Tây Ban Nha cho rằng Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ và con số này ở Bồ Đào Nha, Italy là 72%.

Ngoài ra, nếu Mỹ tiếp tục trừng phạt Trung Quốc trên các lĩnh vực kinh tế, công nghệ, tài chính, thì dự báo Trung Quốc cũng có nhiều khả năng sẽ yêu cầu các tổ chức và nhà đầu tư Trung Quốc cắt giảm tỷ lệ cổ phiếu đang nắm giữ của Mỹ, cấm giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Mỹ có ác cảm với Trung Quốc hoặc quan hệ mật thiết với quân đội Mỹ.

Kể từ khi Macau mở cửa ngành công nghiệp cờ bạc vào năm 2002, một nửa trong số sáu doanh nghiệp cờ bạc của Macau là của Mỹ, nên Chính phủ Trung Quốc cũng có thể thông qua việc giảm số lượng các công ty cờ bạc của Mỹ tại Macau như một biện pháp đáp trả có đi có lại.

Dư địa hợp tác

Tuy nhiên, trong vòng xoáy trừng phạt và chống trừng phạt giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có không gian hợp tác. Ngoài việc hai nước sẵn sàng tìm kiếm sự hợp tác đối với một số thách thức toàn cầu nghiêm trọng như biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh, sức khỏe cộng đồng và kiểm soát vũ khí…, thì thị trường điện ảnh rộng lớn của Trung Quốc cũng rất có tiềm năng cung cấp một khởi đầu mới cho sự hợp tác của hai nước trong thời gian tới.

Ngay từ năm 2012, hai nước đã triển khai hợp tác trên lĩnh vực điện ảnh, khi đó ông Biden là Phó Tổng thống và đã tham gia vào quá trình đàm phán, ký kết “Thỏa thuận điện ảnh Mỹ-Trung”, thỏa thuận này sau đó bị ảnh hưởng do cuộc chiến thương mại được chính quyền của ông Trump khởi xướng nhằm vào Trung Quốc.

Doanh thu phòng vé của phim ảnh Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua Mỹ trong năm 2020, trở thành thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới với 20,2 tỷ nhân dân tệ. Điều này chứng tỏ sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc. Nếu Mỹ có thể hợp tác với Trung Quốc trên lĩnh vực điện ảnh thì nước này có thể tham gia vào thị trường điện ảnh có tiềm năng khổng lồ của Trung Quốc, mà còn có thể thu hút nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc để cứu vãn sự tồn tại các rạp chiếu phim truyền thống tại Mỹ.

Bên cạnh thị trường điện ảnh, Trung Quốc cũng có thể tiếp tục nới lỏng thị trường tài chính, ô tô…, các lĩnh vực để nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào không ngừng được mở rộng, thu hút nguồn vốn của các nước chảy mạnh vào Trung Quốc để tìm kiếm lợi nhuận.

Theo số liệu mới nhất của Liên hợp quốc, năm 2020 đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc tăng 4% lên 163 tỷ USD, ghi nhận mức cao nhất kể từ năm 1983. Nhờ vậy, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ và trở thành nước thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới.

Nếu Chính quyền của ông Biden có thể ngăn chặn các biện pháp tách rời, gián đoạn cung ứng đối với Trung Quốc, khôi phục hợp tác song phương, thì hai bên có thể tương tác, trao đổi và liên kết. Doanh nghiệp hai nước có thể chia sẻ lợi ích và kinh nghiệm phát triển của cả hai bên.

Quy mô kinh tế Trung Quốc đã chạm ngưỡng tương đương 70% kinh tế Mỹ. Các nước trên thế giới coi Trung Quốc là một đối tác để cùng ứng phó với các thách thức như dịch COVID-19, kết nối thông suốt chuỗi cung ứng hậu cần (logistics) quốc tế, phục hồi kinh tế và biến đổi khí hậu…

Hơn lúc nào hết, các nước trên thế giới cũng cần một nước Mỹ duy trì quan hệ ổn định Mỹ-Trung, giúp các nước có thể nhanh chóng loại bỏ dịch COVID-19, thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu bị tàn phá sau dịch bệnh trong môi trường quốc tế yên ổn, chứ không phải ở trong tình trạng chọn bên khó khăn “chính trị dựa vào Mỹ, kinh tế dựa vào Trung Quốc”.

Thạch Bình 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here