Trong bối cảnh khủng hoảng đại dịch COVID-19, Trung Quốc đang định hướng lại mô hình phát triển của mình, hướng sự chú ý vào bên trong để tập trung vào tăng trưởng kinh tế trong nước. Tuy nhiên, rõ ràng còn quá sớm để nói rằng, thế giới có thể đánh mất Trung Quốc như một đầu tàu của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài đang trên đà giảm. Năm 2020, nước này đầu tư 70 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng, còn trong năm 2019 vốn thực hiện các dự án đầu tư ở nước ngoài đã đạt 160 tỷ USD.
Kể từ những năm 1970 cho đến cuối những năm 2010, Mỹ là đầu tàu tăng trưởng kinh tế thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), đóng góp của Mỹ vào tăng trưởng GDP toàn cầu trong giai đoạn này đạt trung bình hơn 20%. Tuy nhiên, Trung Quốc tự tin giữ vị trí thứ hai. Kể từ những năm 1980, Trung Quốc đã cung cấp cho nền kinh tế toàn cầu mức tăng trưởng khoảng 14%. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã tác động mạnh đến Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là người chơi quan trọng nhất trên sân chơi quốc tế và toàn bộ hệ thống tài chính thế giới vẫn phụ thuộc vào hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ?
Tuy nhiên, kể từ năm 2013, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới. Trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2018, Trung Quốc đã chiếm 28% tăng trưởng GDP toàn cầu. Theo dự đoán của IMF, tình trạng này sẽ duy trì ít nhất cho đến năm 2024 và đại dịch COVID-19 đã củng cố xu hướng này. Vào cuối năm 2020, Trung Quốc là quốc gia duy nhất trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ghi nhận mức tăng trưởng dương (+2,3%).
Một phần đóng góp quan trọng của Trung Quốc vào tăng trưởng GDP toàn cầu là các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn mà Trung Quốc đang thực hiện trên khắp thế giới, bao gồm cả sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) mà Bắc Kinh đã đề xuất vào năm 2013. Ban đầu, sáng kiến này tập trung vào việc phát triển hợp tác thương mại, đầu tư, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng trên lãnh thổ của các quốc gia mà Con đường Tơ lụa từng đi qua.
Sau đó, khái niệm này được mở rộng và giờ đây BRI là một khu vực hợp tác kinh tế và cơ sở hạ tầng khổng lồ, với sự tham gia của hơn 100 quốc gia. Kể từ khi công bố sáng kiến này, Trung Quốc đã đầu tư hàng trăm tỷ USD vào các dự án BRI trên khắp thế giới.
Trong khi đó, một số nước phương Tây coi BRI của Trung Quốc là một mối đe dọa và cảnh báo rằng các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trên khắp thế giới là một công cụ mà Bắc Kinh sử dụng để mở rộng tầm ảnh hưởng địa chính trị, và hiệu quả về mặt tài chính của các dự án này gây bất lợi cho các đối tác của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc như vậy, và nhấn mạnh rằng Trung Quốc cho vay trên cơ sở thị trường và không đưa thêm bất kỳ điều kiện chính trị nào. Đồng thời, khối lượng đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng của các nước khác bắt đầu giảm. Nếu trong năm 2017, thời kỳ đỉnh cao của BRI, Trung Quốc đã đầu tư 260 tỷ USD vào các dự án ở nước ngoài, thì trong năm 2019 chỉ có 160 tỷ USD, và trong thời gian cuộc khủng hoảng năm 2020, con số này đã giảm một nửa.
Trung Quốc bắt đầu sửa đổi chính sách đầu tư ra nước ngoài, xem xét kỹ lưỡng hơn triển vọng đầu tư. Trong thời kỳ đại dịch, hầu hết các quốc gia đều gặp khó khăn về kinh tế, GDP và hoạt động kinh doanh đã giảm sút. Đương nhiên, trong điều kiện này, các quốc gia tập trung giải quyết nhiệm vụ chính là phục hồi kinh tế, sau đó mới có thể thực hiện các dự án dài hạn. Ngoài ra, trong điều kiện bên ngoài không thuận lợi, Trung Quốc buộc phải điều chỉnh lại chiến lược phát triển của chính mình. Năm 2020, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố bắt đầu thực hiện chiến lược “tuần hoàn kép” dựa vào thị trường tiêu dùng trong nước trong khi duy trì vòng hoạt động kinh tế ở ngoài nước.
Trong trường hợp này, phương hướng ưu tiên là dựa vào thị trường nội địa. Một chiến lược như vậy có thể giúp Trung Quốc đạt được độc lập về công nghệ, để không phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài, điều rất quan trọng trong thời gian khủng hoảng. Đó là lý do tại sao Trung Quốc bắt đầu phân phối lại một phần nguồn lực đầu tư, dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào thị trường nội địa.
Bản chất đầu tư của Trung Quốc đang thay đổi như thế nào?
Bản chất đầu tư của Trung Quốc cũng đang thay đổi. Như phân tích của tờ Sputnik, từ đầu tư vào cơ sở hạ tầng truyền thống, Trung Quốc đang chuyển sang đầu tư vào cái gọi là “cơ sở hạ tầng mới” – mạng viễn thông thế hệ mới 5G, trung tâm dữ liệu, cơ sở hạ tầng cho xe điện, năng lượng mới.
Thứ nhất, các khoản đầu tư như vậy mang lại lợi tức nhanh hơn so với đầu tư vào các dự án cồng kềnh như xây dựng đường sắt, cây cầu, ga xe lửa. Thứ hai, trong thời đại kỹ thuật số, sự phát triển của cơ sở hạ tầng mới sẽ mang lại hiệu ứng số nhân – sẽ giúp tạo ra các ngành liên quan mới có tiềm năng tăng trưởng lớn.
Tuy nhiên, rõ ràng là còn quá sớm để nói rằng thế giới có thể đánh mất Trung Quốc như một động lực tăng trưởng. Trung Quốc đang thay đổi chiến lược đầu tư và trong tương lai sẽ dựa vào chất lượng của các khoản đầu tư, kể cả các khoản đầu tư ra nước ngoài. Một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Vành đai và Con đường về Sáng kiến Xanh cho biết, trong khuôn khổ BRI, Trung Quốc sẽ tăng cường đầu tư vào năng lượng xanh.
Trong năm 2020, các khoản đầu tư như vậy chiếm 57% tổng số các khoản đầu tư vốn của Trung Quốc theo sáng kiến này. Dự án Con đường tơ lụa kỹ thuật số cũng đang phát triển – Trung Quốc đầu tư vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở các nước đang phát triển.
Theo ước tính của Deloitte, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 79 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở nước ngoài trong khuôn khổ dự án Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số, và sáng kiến này có liên quan đến khoản đầu tư trị giá gần 200 tỷ USD. Đến nay, hơn 80 quốc gia đã triển khai các dự án kỹ thuật số của Trung Quốc trong các giải pháp kỹ thuật về quản lý đô thị thông minh, hệ thống thành phố thông minh và cơ sở hạ tầng mạng. Gần 1/4 số cáp viễn thông quốc tế ngầm dưới biển cung cấp dịch vụ điện thoại, Internet và truyền hình trên toàn thế giới là do các công ty Trung Quốc xây dựng.
Mai Ly