Kỳ họp thứ 59 của Ủy ban Phát triển Xã hội của Liên hợp quốc

0
48
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

1. Từ ngày 8-17/2/2021, Khóa họp lần thứ 59 Ủy ban Phát triển Xã hội của Liên hợp (CsocD) đã được tổ chức trực tuyến với chủ đề “Chuyển đổi công bằng xã hội hướng tới phát triển bền vững: Vai trò của công nghệ số đối với phát triển xã hội và phúc lợi cho tất cả mọi người” (Socially just transition towards sustainable development: the role of digital technologies on social development and well-being of all). Phiên thảo luận chung của khóa họp có 99 phát biểu của các nhóm khu vực và quốc gia, trong đó có 23 nước phát biểu ở cấp Bộ trưởng và 6 nước ở cấp Thứ trưởng. Phái đoàn xin báo cáo các nội dung chính như sau:

1.1. Theo báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, đại dịch COVID-19 đặt ra những thách thức chưa từng có đối với phát triển xã hội và phúc lợi của mọi người trên toàn thế giới. Bất bình đẳng, nghèo cùng cực, thất nghiệp, tiêu thụ quá mức, suy thoái môi trường, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu cũng tiếp tục gây tác động nghiêm trọng, cho thấy sự cần thiết phải chuyển đổi xã hội sang hướng phát triển bền vững. Báo cáo cho rằng, công nghệ kỹ thuật số có thể góp phần giải quyết các thách thức này, thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Các nước cần thúc đẩy chuyển đổi về mặt xã hội, thay đổi trong suy nghĩ và cách tiếp cận, từ theo đuổi lợi ích kinh tế và vật chất ngắn hạn sang tái cân bằng các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường nhằm xây dựng một tương lai bền vững chung cho tất cả mọi người.

Phát biểu tại Khóa họp, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Volkan Bozkir nhấn mạnh năm 2020 được cho là năm khởi động “Thập kỷ hành động” đẩy nhanh Chương trình nghị sự 2030, song thế giới lại đối mặt với sự thụt lùi lớn nhất về kinh tế, xã hội kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Chủ tịch Đại hội đồng cho rằng phải ưu tiên giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bất bình đẳng, đề nghị hệ thống phát triển Liên hợp quốc tiếp tục hỗ trợ các quốc gia phục hồi trong giai đoạn hậu COVID-19 và thực hiện các SDGs. Bất cứ sự phục hồi nào cũng phải lấy con người làm trung tâm và các chính sách xã hội cần tính tới các nhu cầu cụ thể của những người bị ảnh hưởng nhất.

Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc, ông Munir Akramcho rằng trong đại dịch, các nước nghèo bị ảnh hưởng nhiều nhất, do vậy cần thúc đẩy phục hồi kết hợp với các chính sách giải quyết tình trạng bất bình đẳng. Để thúc đẩy công nghệ kỹ thuật số và thu hẹp khoảng cách số, ông nhấn mạnh cần 428 tỷ đô la để đầu tư cho băng thông rộng toàn cầu và đây là thời điểm cho sự đổi mới, sáng tạo và đoàn kết.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội, ông Lưu Chấn Dân nêu công nghệ đóng vai trò quan trọng để đạt được tất cả các Mục tiêu, nhưng để khai thác đầy đủ tiềm năng của công nghệ, cần phải có hành động nhanh chóng để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, thúc đẩy hội nhập và tạo điều kiện cho 3 tỷ người có thể truy cập internet; nhấn mạnh sự cần thiết cần có một hợp đồng xã hội mới, bảo đảm các dịch vụ công có chất lượng và thúc đẩy cơ hội bình đẳng, cũng như đầu tư vào việc làm.

Chủ tịch Khóa 59 Ủy ban phát triển xã hội, bà María del Carmen Squeff cho rằng Đại dịch đã cho thấy khoảng cách trong tiếp cận các công nghệ kỹ thuật số; phúc lợi xã hội sẽ chỉ thực hiện được nếu có sự chuyển đổi kỹ thuật số và các rào cản cần phải bị xóa bỏ.

1.2. Trong thảo luận, các nước đều cho rằng đại dịch COVID-19 gây ra tác động mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, cản trở, thậm chí đẩy lùi sự phát triển về kinh tế, xã hội; nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đa phương trong vượt qua đại dịch và phục hồi hậu đại dịch. Nhiều nước cho rằng đại dịch đưa đến một tương lai khó đoán định, đòi hỏi các nước phải có chính sách “rất quyết đoán”. Đáng chú ý, nhiều đánh giá cho rằng châu Á là một trung tâm công nghệ toàn cầu, với nhiều công nghệ mới nổi góp phần nâng cao hiệu quả các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội và chăm sóc y tế. Công nghệ kỹ thuật số đã giúp ngăn chặn sự lây lan của vi rút, hỗ trợ bảo đảm các hoạt động kinh doanh được liên tục và bảo đảm quyền truy cập vào các dịch vụ. Các ý kiến cho rằng nếu trí tuệ nhân tạo được khai thác một cách khôn ngoan, có thể giúp 1 tỷ người trong khu vực thoát khỏi cảnh nghèo đói; nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác công tư, cam kết chính trị và cách tiếp cận đa bên trong xây dựng các chiến lược công nghệ thông tin, truyền thông toàn diện. Tuy nhiên, nếu không thu hẹp khoảng cách số, các nước sẽ không đạt đúng hạn các Mục tiêu phát triển bền vững.

Về các nhóm biện pháp được đề xuất, các nước đang phát triển nhấn mạnh: (i) Cần thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, theo đó các nước cần tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ, thông tin (ICT) với giá cả phải chăng; cải thiện quản trị kỹ thuật số, thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng, không phân biệt đối xử và duy trì tính bảo mật toàn cầu của các sản phẩm và dịch vụ ICT. (ii) Cần xây dựng lại tốt hơn hậu COVID-19 nhằm đạt Chương trình nghị sự 2030; theo đó, cần đổi mới các cơ chế cung cấp dịch vụ xã hội, hỗ trợ người dân, đặc biệt đối với các đối tượng dễ bị tổn thương, người nghèo và mọi chính sách phải đặt con người làm trung tâm. (iii) Kêu gọi hợp tác quốc tế cả về tài chính và xây dựng năng lực, thúc đẩy hợp tác Bắc-Nam, Nam-Nam và hợp tác ba bên, tạo ra một hệ thống cởi mở, công bằng và không phân biệt đối xử trong tiếp cận và chia sẻ thành tựu của khoa học công nghệ; nhấn mạnh các nước phát triển cần thực hiện các cam kết hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các nước đang phát triển.

Trong khi đó, các nước phát triển nhấn mạnh: (i) Quyền tiếp cận công nghệ kỹ thuật số của mọi người dân, đặc biệt phụ nữ và trẻ em gái, người cao tuổi và người khuyết tật…; trong quá trình hoạch định chính sách liên quan khai thác cách mạng kỹ thuật số, cần đảm bảo sự tham gia đầy đủ của các đối tượng trên. (ii) Vai trò quan trọng của các tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động trong việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và các thách thức khác đối với xã hội. (iii) Khuyến khích CSocD áp dụng cách tiếp cận toàn diện đối với công nghệ kỹ thuật số, xem xét các mối liên hệ giữa phát triển xã hội, kinh tế, môi trường, hợp tác quốc tế.

Nhân dịp này, các nước cũng chia sẻ các kinh nghiệm trong hỗ trợ an sinh xã hội, tận dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số vượt qua đại dịch. Áo chia sẻ nước này có gói cứu trợ Covid-19 trị giá 665 triệu Euro, một trong những gói cứu trợ cao nhất ở châu Âu; Malaysia có một số gói kích thích kinh tế trị giá 3,7 tỷ đô la; El Salvador hỗ trợ 300 USD/người cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch; Qatar đã chi 75 triệu rials để hỗ trợ việc làm; Morocco thành lập Quỹ đặc biệt để giải quyết các tác động của đại dịch. Ngoài ra, Malaysia cho biết hơn 3,1 triệu sinh viên và 387.000 giáo viên nước này đang sử dụng nền tảng mới dựa trên “Google’s Suite for Education”. Philippines cho biết đang xúc tiến Kế hoạch băng thông rộng và đặt mục tiêu xây dựng mạng lưới kết nối toàn quốc với việc triển khai cáp quang và công nghệ không dây. Ethiopia thông qua Cơ sở dữ liệu “Ethio-Migrant” để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra lao động và an toàn lao động tại nơi làm việc và cung cấp dịch vụ cho lao động ở nước ngoài.

Cameroon chia sẻ về “Digital Cameroon 2020” nhằm phát triển công nghiệp ở địa phương và thúc đẩy nguồn nhân lực và khả năng lãnh đạo. Trinidad và Tobago có nhiều sáng kiến cung cấp các thiết bị di động được trang bị đặc biệt cho người khiếm thị và khiếm thính, truy cập WiFi miễn phí trên phương tiện giao thông công cộng và trong những nơi công cộng khác, tạo điều kiện cho mọi người dân tiếp cận thông tin, dịch vụ của Chính phủ. Ấn Độ cho biết hệ thống nhận dạng dựa trên sinh trắc học của Ấn Độ hiện bao phủ hơn 95% dân số, một bước tiến nhằm hướng tới bảo đảm chăm sóc sức khỏe toàn dân. Paraguay có các chương trình chuyển tiền mặt để bảo đảm an ninh lương thực cho những người dễ bị tổn thương nhất, trong đó có những người bị mất việc làm do COVID-19; ban hành kế hoạch phục hồi kinh tế “Let’s Lift Paraguay” tập trung bảo trợ xã hội, đầu tư vào việc làm và tín dụng cho phát triển.

2. Một số nghị quyết chính của khoá họp:

 (i) Nghị quyết về chủ đề khóa họp 59 với nội dung chính đề nghị/khuyến nghị các nước thực hiện mọi biện pháp về kinh tế, xã hội, bảo đảm nguồn lực, tranh thủ vai trò của kỹ thuật số để thúc đẩy chuyển đổi xã hội hướng tới bền vững; khuyến nghị trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong xây dựng các chương trình, chính sách và các biện pháp liên quan; đề nghị hệ thống Liên hợp quốc hỗ trợ các nước trong nỗ lực này nhằm đảm bảo đạt các Mục tiêu phát triển bền vững.

(ii) Nghị quyết về các khía cạnh xã hội của Quan hệ đối tác mới vì sự phát triển của Châu Phi với nội dung chính mời các đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ các nước châu Phi trên mọi lĩnh vực, nhất là lĩnh vực y tế; yêu cầu Tổng Thư ký Liên hợp quốc, phối hợp với Văn phòng Cố vấn đặc biệt về Châu Phi và Ủy ban Kinh tế Châu Phi xem xét Nghị quyết 74/301 của Đại hội đồng (năm 2020) và báo cáo định hướng hành động cũng như các khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của các cơ quan Liên hợp quốc liên quan đến vấn đề xã hội

(iii) Nghị quyết về công tác tổ chức và phương thức làm việc của Ủy ban trong thời gian tới. Theo đó, Ủy ban quyết định chọn chủ đề ưu tiên của khóa họp 60 là “Phục hồi bao trùm, tự cường từ COVID-19 vì cuộc sống bền vững, phúc lợi và nhân phẩm cho tất cả mọi người: Xóa đói nghèo dưới mọi hình thức và khía cạnh để đạt Chương trình Nghị sự 2030” (Inclusive and resilient recovery from COVID-19 for sustainable livelihoods, well-being and dignity for all: eradicating poverty and hunger in all its forms and dimensions to achieve the 2030 Agenda).

3. Tại khóa họp, Việt Nam đã có bài phát biểu quốc gia nhấn mạnh việc tranh thủ các thành tựu của công nghệ số sẽ giúp đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và đề nghị: (i) Cần chú trọng vào giáo dục và đào tạo kỹ năng khoa học công nghệ; đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ số, cung cấp dịch vụ với giá cả phù hợp, nhất là đối với các vùng sâu, vùng xa; (ii) Thúc đẩy hợp tác quốc tế, kêu gọi các nước phát triển thực hiện cam kết hỗ trợ phát triển chính thức, đạt mục tiêu dành 0,7% tổng thu nhập quốc dân cho hỗ trợ phát triển chính thức các nước đang phát triển; (iii) Các chính sách phát triển cần tính tới các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, đảm bảo cân bằng giữa phục hồi kinh tế với phát triển bền vững. Nhân dịp này, ta đã thông tin về các thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này, cho biết Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách toàn diện, bền vững nhằm xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân, được cộng đồng quốc tế công nhận là nước thành công trong xóa đói giảm nghèo; đặt ra mục tiêu kép là vừa ngăn chặn dịch bệnh vừa đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an sinh xã hội thông qua phát hành gói bảo trợ xã hội trị giá 2,6 tỷ USD; chú trọng ứng dụng kỹ thuật số để phục vụ phát triển và thực hiện các chính sách xã hội; cam kết thực hiện tích cực và đầy đủ các trách nhiệm của mình, đóng góp cho nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong thúc đẩy phát triển xã hội toàn cầu.

Ngoài ra, ta cũng tham gia phát biểu chung của Nhóm G77 tại khóa họp; phối hợp với các nước bạn bè trong thương lượng dự thảo các nghị quyết, giảm thiểu việc lồng ghép các nội dung liên quan đến các quyền dân sự, chính trị, vai trò của xã hội dân sự trong thúc đẩy tiếp cận tự do thông tin, tự do internet nhằm bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của CsocD.

(Phái đoàn Việt Nam tại New York)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here