Piyush Goyal, Bộ trưởng đường sắt, thương mại và công nghiệp của Ấn Độ, tuần này cho biết ông có kế hoạch thảo luận với chính quyền Biden để xây dựng một gói thỏa thuận thương mại mới và cải thiện mối quan hệ song phương. Ông Goyal dự định sẽ làm việc với Đại diện Thương mại Mỹ, Katherine Tai về kế hoạch trên.
Tại Hội thảo ngày 17/2/2021 do Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Ấn Độ của Phòng Thương mại Mỹ tổ chức, ông nó “Tôi nghĩ rằng thỏa thuận cũ bây giờ không cần bàn đến. Tất cả chúng ta phải xem xét những ý tưởng mới và cách thức để sửa chữa một số vấn đề mà đã thấy trong quá khứ và đáp ứng những nhu cầu của người dân chúng ta.”
Ông Goyal hy vọng các cuộc đàm phán với chính quyền Biden sẽ ít gây tranh cãi hơn. “Tôi hy vọng khoảng thời gian này chúng ta có thể nhìn ra bức tranh lớn.”
Mỹ và Ấn Độ trong thời chính quyền Trump tập trung đàm phán về tiếp cận thị trường sữa, thiết bị y tế và thuế công nghệ thông tin. Goyal cho biết một số vấn đề đó có thể là một phần của thỏa thuận mới nhưng sẽ ở phạm vi rộng hơn. “Tôi nghĩ chúng ta cần gạt những điều đó sang một bên và chuyển sang quỹ đạo của một sự gắn kết lớn hơn nhiều với thực tế là chúng ta bổ sung cho nhau. Chúng ta khó có thể cạnh tranh với nhau”.
Tổng thống Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tổ chức một cuộc thảo luận đầu tiên vào tuần trước, tập trung vào các nỗ lực phục hồi sau COVID-19, các vấn đề khí hậu và xây dựng lại “nền kinh tế toàn cầu theo cách có lợi cho người dân của cả hai nước”.
“Các nhà lãnh đạo nhất trí giữ liên lạc chặt chẽ về một loạt các thách thức toàn cầu và mong đợi những gì Mỹ và Ấn Độ sẽ đạt được cùng nhau”. Ông Modi, trong một tweet ngày 08/02/2021, cho biết hai bên cũng thảo luận về cam kết đối với một “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” cũng như “củng cố quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn để tăng cường hòa bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hơn thế nữa.”
Ông Goyal cho biết ông dự định gặp John Kerry, đặc phái viên khí hậu mới của Biden, vào thứ Năm.
“Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng chúng tôi có nhiều sức mạnh tổng hợp trong suy nghĩ của mình,” ông nói về lập trường của chính quyền Biden về các vấn đề khí hậu. “Chúng ta sẽ xem cách Mỹ và Ấn Độ có thể làm việc cùng nhau hướng tới nỗ lực toàn cầu để bảo vệ thế giới khỏi biến đổi khí hậu, ô nhiễm và các vấn đề trong tương lai nếu chúng ta không giải quyết những vấn đề này ngay bây giờ.” Ông cũng chỉ ra “một loạt” cải cách lao động và nông nghiệp do Ấn Độ thực hiện sẽ “mở ra cơ hội cho các công ty Mỹ.”
Ông nói: “Tôi mời các doanh nghiệp ở Mỹ xem Ấn Độ như một cơ sở sản xuất để bạn có thể phục vụ một thị trường Ấn Độ rộng lớn. “Ấn Độ mang đến cơ hội tuyệt vời cho các công ty Mỹ cắt giảm chi phí, trở nên cạnh tranh hơn và làm việc trên tinh thần hợp tác thực sự”.
Về quyền bảo vệ dữ liệu – một lĩnh vực mà trước đây Mỹ và Ấn Độ có quan điểm khác biệt – Goyal cho biết Ấn Độ “rất muốn mở rộng không gian kỹ thuật số với Mỹ”. “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ ý thức về trách nhiệm của mình với người dân Ấn Độ về quyền bảo vệ riêng tư dữ liệu. “Chúng tôi lo ngại về việc các tập đoàn lớn nắm giữ rất nhiều dữ liệu của công dân và thường sử dụng vào các lĩnh vực khác nhau,” ông nói thêm, trích dẫn “hành vi của các công ty công nghệ lớn bao gồm cả các công ty Mỹ”.
Goyal cũng đề ập một đạo luật về bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu gần đây do Bộ Công nghệ Thông tin và Điện tử Ấn Độ “đưa ra”, đã vấp phải sự phẫn nộ của một số tập đoàn công nghệ và kinh doanh của Mỹ. “Ấn Độ muốn bảo vệ không gian chính sách của mình và muốn bày tỏ quan ngại về việc những gã khổng lồ công nghệ lớn không sẵn sàng tuân thủ luật pháp và cơ cấu xã hội mà chúng tôi rất coi trọng ở Ấn Độ,” Goyal nói thêm.
Tháng trước, chính quyền Trump kết luận rằng thuế dịch vụ kỹ thuật số do Ấn Độ áp đặt đã phân biệt đối xử với các công ty Mỹ. Báo cáo được đưa ra sau một cuộc điều tra 301 được bắt đầu vào tháng 6 năm ngoái. Ông Lighthizer, tuy nhiên, đã hoãn hành động sau cuộc điều tra đó và một số cuộc điều tra khác, và để lại cho chính quyền Biden giải quyết.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)