Một số ưu tiên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc trong năm 2021

0
60
(AP)
(AP)

Ngày 28/01/2020, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã có bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc đề cập đến 10 ưu tiên của Tổng Thư ký trong năm 2021, bao gồm: ứng phó với đại dịch COVID-19; hồi phục bền vững và toàn diện; khí hậu và đa dạng sinh học; đói nghèo và bất bình đẳng; nhân quyền; bất bình đẳng giới; hòa bình và ngăn chặn khủng hoảng; giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân; công nghệ số và thiết lập lại thế kỷ 21. Cụ thể các nội dung chính như sau:

1. Ứng phó với đại dịch COVID-19: Tổng Thư ký cho rằng vắc-xin phải được coi là hàng hóa công cộng toàn cầu, được sử dụng cho tất cả mọi người với giá cả hợp lý; cần cung cấp thêm nguồn lực cho sáng kiến COVAX để hỗ trợ vắc-xin cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tổng Thư ký kêu gọi thế giới thực hiện 6 bước cụ thể: ưu tiên nhân viên y tế và những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất; bảo vệ hệ thống y tế trước nguy cơ sụp đổ ở các nước nghèo nhất; bảo đảm cung cấp đủ và phân phối vắc-xin công bằng, bao gồm cả việc các nhà sản xuất ưu tiên cung cấp vắc-xin cho COVAX; chia sẻ liều lượng dư cho COVAX; cấp phép rộng rãi để mở rộng quy mô sản xuất; và tăng cường lòng tin trong sản xuất vắc xin.

2. Phục hồi bền vững và toàn diện: Tổng Thư ký nhấn mạnh thế giới không thể hàn gắn được vết thương COVID-19 nếu các nền kinh tế còn bị tổn thương, do đó, cần phải tiến hành các biện pháp phục hồi bền vững và toàn diện ngay từ bây giờ, trong đó tập trung đầu tư lớn vào các vấn đề như hệ thống y tế, bảo hiểm y tế toàn cầu, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ xã hội, đặc biệt là tại các nước nghèo nhất. Tổng Thư ký cho rằng quá trình phục hồi cần phải bao gồm việc không một quốc gia nào bị buộc phải lựa chọn giữa cung cấp các dịch vụ cơ bản và thanh toán các khoản nợ, cần phải tạo ra bước nhảy vọt về hỗ trợ tài chính, cụ thể: mở rộng Sáng kiến đình chỉ nợ của các nước G20; giảm nợ cho tất cả các nước đang phát triển và có thu nhập trung bình; tăng nguồn lực cho các tổ chức tài chính đa phương; tự nguyện phân bổ lại Quyền rút vốn đặc biệt chưa được sử dụng; linh hoạt trong thanh khoản các khoản nợ nhằm tránh vỡ nợ. Ngoài ra, Tổng Thư ký cũng nhấn mạnh việc phục hồi cần được thực hiện bền vững, trong đó có sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng xanh và có khả năng phục hồi.

3. Khí hậu và đa dạng sinh học: Tổng Thư ký đánh giá 2021 là năm đặc biệt quan trọng cho khí hậu và đa dạng sinh học. Tháng 12/2020, Tổng Thư ký đã kêu gọi các nước thành viên ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu và yêu cầu cộng đồng quốc tế đạt được 5 cột mốc quan trọng trước Hội nghị Thượng đỉnh COP26 được tổ chức tháng 11/2021, gồm: (i) Tiếp tục xây dựng liên minh toàn cầu để đạt được mức độ trung hòa các-bon vào năm 2050, trong đó có sự tham gia của các thành phố, công ty, và tổ chức tài chính. Các ngành vận tải biển, hàng không, công nghiệp và nông nghiệp đều phải áp dụng lộ trình cụ thể với các mốc thời gian rõ ràng đến năm 2050; (ii) Chính phủ các nước cần đệ trình Bản đóng góp quốc gia cho việc cắt giảm 45% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030 so với mức năm 2010; (iii) Cần phải tạo ra bước đột phá về khả năng thích ứng, trong đó các nhà tài trợ, các ngân hàng phát triển nên tăng tỷ trọng tài chính thích ứng từ 20 lên ít nhất 50% vào năm 2024; (iv) Đáp ứng tất cả các cam kết tài chính, trong đó các nước phát triển phải thực hiện cam kết huy động 100 tỷ USD hàng năm cho hoạt động liên quan đến khí hậu, bao gồm cả vốn hóa đầy đủ cho Quỹ Khí hậu Xanh; (v) Áp dụng các chính sách chuyển đổi như ngừng xây dựng các nhà máy điện than mới, loại bỏ than ở các nước OECD vào năm 2030 và ở các nước khác năm 2040; chấm dứt bảo trợ cho nhiên liệu hóa thạch; chuyển đổi gánh nặng thuế từ thu nhập sang các-bon, từ người nộp thuế sang người gây ô nhiễm; bắt buộc công khai rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu; tích hợp trung hòa các-bon vào tất cả các chính sách, quyết định tài chính, kinh tế. Tổng Thư ký cũng nhấn mạnh COP15 về đa dạng sinh học là cơ hội để ngăn chặn khủng hoảng tuyệt chủng thông qua khuôn khổ đa dạng sinh học mới sau năm 2020; đề xuất các giải pháp chuyển đổi sang năng lượng tái tạo mới và mở rộng khả năng tiếp cận năng lượng thông qua đối thoại cấp cao về năng lượng sẽ được tổ chức trong năm 2021. Ngoài ra, Tổng Thư ký cũng đánh giá năm 2021 đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy Chương trình Nghị sự đô thị mới.

4. Công nghệ số: Cần phải nắm bắt các cơ hội của công nghệ số nhưng cần phải bảo vệ người dân trước những nguy cơ ngày một gia tăng. Công nghệ số giúp xã hội hoạt động và mọi người được kết nối, nhưng công nghệ số cũng tạo ra thách thức, trong đó có vấn đề thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số. Mục tiêu chung của Liên hợp quốc là tất cả mọi người đều truy cập và tiếp cận an toàn Internet vào năm 2030, các trường học cần được tiếp cận trực tuyến càng sớm càng tốt.

5. Thiết lập lại cho thế kỷ 21: Quản trị đối với các cộng đồng đóng vai trò quan trọng trên phạm vi toàn cầu, không chỉ là sức khỏe cộng đồng mà cả hòa bình và môi trường. Trong Tuyên bố kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc, các nước đã kêu gọi Tổng Thư ký đưa ra các khuyến nghị thúc đẩy chương trình nghị sự chung, trong đó nhấn mạnh chủ nghĩa đa phương toàn diện hơn và liên kết hơn. Tổng Thư ký kêu gọi một Thỏa thuận Toàn cầu mới giữa các quốc gia để đảm bảo quyền lực, lợi ích và cơ hội được chia sẻ rộng rãi và công bằng hơn. Các nước đang phát triển có tiếng nói lớn hơn trong việc ra quyết định toàn cầu. Tổng Thư ký đề nghị các nước tiếp tục ủng hộ thực hiện các biện pháp quan trọng để củng cố Liên hợp quốc; cho rằng đại dịch COVID-19 là bài toán thử nghiệm lớn cho những cải cách của Liên hợp quốc.

(Phái đoàn Việt Nam tại  York)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here