Quan chức Singapore dự báo kinh tế thế giới và kinh tế Singapore

0
47
(Internet)
(Internet)

Về kinh tế thế giới:

 Trong phát biểu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Singapore ngày 26/1/2021, Bộ trưởng Giáo dục Singapore Lawrence Wong cho rằng đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài khoảng 4-5 năm nữa trước khi thế giới có thể bắt đầu thời kỳ bình thường hậu dịch. Việc có Vac-xin sẽ giúp từng bước nối lại du lịch quốc tế và phục hồi kinh tế, nhưng tiêm chủng ở phạm vi toàn cầu không phải là việc dễ dàng và nhanh chóng. Trong giai đoạn chống dịch hiện nay, thế giới sẽ còn đối diện với nhiều cú sốc nữa. Ví dụ một nghiên cứu mới đây cho thấy các vac-xin hiện nay không có hiệu quả cao với chủng virus mới ở Nam Phi.

Kịch bản tốt là con người có thể phát triển được loại vac-xin có hiệu quả đối với tất cả các chủng virus corona; hoặc việc tiêm chủng chống Covid-19 sẽ giống tiêm các loại cúm thông thường khác, và vac-xin sẽ được phát triển và tiêm định kỳ. Nhưng kịch bản xấu là con người luôn không theo kịp sự tiến hóa của virus.

Con người hiện sống trong một thế giới gắn kết nên không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người an toàn. Không ai biết thế giới hậu Covid sẽ ra sao, nhưng sẽ có những thay đổi tích cực. Đại dịch hiện nay đã làm tăng nhận thức về các thói quen vệ sinh và trách nhiệm xã hội. Con người luôn có nhu cầu tiếp xúc trực tiếp với nhau, nhưng một số thói quen cũ như bắt tay khi gặp mặt có thể sẽ không còn.

Mỗi khi có khủng hoảng, xu hướng tự nhiên là suy diễn về kịch bản xấu từ những tình huống ngắn hạn. Một số người dự đoán việc số hóa sẽ dẫn đến cách sống phi tập trung và các thành phố không còn phù hợp thời hậu Covid. Nhưng nhiều ví dụ lịch sử cho thấy sau đại dịch, các thành phố sẽ lại hồi sinh. Ví dụ Florence sau bệnh dịch hạch thế kỷ 14 phát triển rực rỡ thời kỳ Phục sinh; các thành phố ở Chicago và New York phát triển mạnh mẽ ngay sau khi đại dịch 1918 tàn phá nước Mỹ. Lý do là, các thành phố đều do con người vận hành. Con người bản chất là động vật có tính xã hội, có khả năng thích ứng và có năng lực quyết định tương lai. Nên nhìn khủng hoảng như một bối cảnh để nâng cấp hệ thống và phần mềm, khởi động lại máy tính sau khi bị virus tấn công.

Bộ trưởng Cao cấp Tharman Shanmugaratnam cho rằng, trước hết các nước phải vượt qua đại dịch, và cần phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng và mạng lưới quốc tế mạnh mẽ, với các tổ chức đa quốc gia, với các nước đang phát triển nhằm tạo ra một giai đoạn phát triển mới cho toàn cầu. Các chính phủ cần cộng tác với các tổ chức công đoàn, các công ty, và cơ sở đào tạo để hỗ trợ người lao động bước vào một giai đoạn phát triển bao trùm mới

Đối với Singapore:

Singapore sẽ phải sẵn sàng ứng phó với một thế giới thay đổi bất ngờ. Trong giai đoạn hiện nay, các nguyên tắc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và tránh nơi tụ tập đông người sẽ vẫn là một phần cuộc sống. Các chính sách cần sẵn sàng để bảo vệ người dân yếu thế.

Singapore cần “cài đặt lại” ba vấn đề sau đại dịch. Một là xây dựng xã hội công bằng hơn. Đại dịch đã làm cho khoảng cách giàu nghèo gia tăng. Cần giảm thiểu bất bình đẳng, trao quyền cho những người có năng lực, duy trì lưu thông kinh tế-xã hội, xây dựng chính sách cân bằng giữa thị trường tự do với can thiệp của nhà nước theo hướng hỗ trợ người thu nhập thấp, đảm bảo công ăn việc làm cho người dân và tăng cường hệ thống an sinh xã hội. Cần thiết phải giúp đỡ trẻ em từ khi sinh ra, tránh để chế độ đánh giá dựa trên tài năng biến thành chế độ thừa hưởng, khi mà điều kiện khi sinh ra quyết định số phận cuộc đời con người. Các trường học có đông trẻ em có hoàn cảnh khó khăn sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ hơn.

Hai là phát triển bền vững. Singapore là một trong những nước xanh nhất thế giới và là nước duy nhất hoàn toàn ngừng sự gia tăng xe ô tô. Singapore sẽ phải làm nhiều hơn để đạt sự tăng trưởng xanh hơn nữa, bền vững hơn nữa.

Ba là sự đoàn kết. Đoàn kết là nhân tố chủ chốt để người dân và chính phủ thống nhất chính sách và hành động nhất là trong bối cảnh đại dịch với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch đã làm gia tăng nhiều mâu thuẫn, gia tăng quan điểm cực đoan, làm cho việc đồng thuận và quản lý xã hội trở nên khó khăn hơn. Câu trả lời là phải tăng cường mạnh mẽ tinh thần đoàn kết và gắn kết xã hội.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here