Ngày 19/01/2021, WEF công bố Báo cáo rủi ro toàn cầu 2021, dựa trên kết quả của Khảo sát Nhận thức Rủi ro toàn cầu (GRPS) mới nhất, kèm theo phân tích về những chia rẽ xã hội, kinh tế và công nghiệp ngày càng tăng, mối tương quan giữa chúng và tác động đối với khả năng giải quyết các rủi ro toàn cầu chính yếu vốn đòi hỏi sự gắn kết xã hội và hợp tác toàn cầu.
Covid-19 đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về nhân mạng và kinh tế. Đại dịch đe dọa kéo lùi nhiều năm tiến triển trong công cuộc giảm nghèo và bất bình đẳng và làm suy yếu hơn sự gắn kết xã hội và hợp tác toàn cầu. Tình trạng mất việc làm, nới rộng khoảng cách số, gián đoạn tương tác xã hội, và chuyển đổi thị trường đột ngột có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng và đánh mất cơ hội cho phần lớn dân số toàn cầu. Những tác động của đại dịch này dưới hình thức bất ổn xã hội, phân mảnh chính trị và căng thẳng địa chính trị sẽ định hình tính hiệu quả của phản ứng của chúng ta đối với các mối đe doạ lớn khác trong thập kỷ tới bao gồm tấn công mạng, vũ khí huỷ diệt hàng loạt và rõ ràng nhất là biến đổi khí hậu.
Trong số những rủi ro lớn nhất và có khả năng xảy ra nhất trong 10 năm tiếp theo là thời tiết cực đoan, thất bại trong hành động chống biến đổi khí hậu và sự phá hoại môi trường do con người gây ra cũng như việc tập trung quyền lực số, bất bình đẳng số và thất bại trong an ninh mạng. Trong số những rủi ro có tác động lớn nhất trong thập kỷ tới, các bệnh truyền nhiễm đứng hàng đầu, tiếp theo là thất bại trong hành động khí hậu và các rủi ro môi trường khác, cũng như vũ khí huỷ diệt hàng loạt, khủng hoảng sinh kế, khủng hoảng nợ và sự sụp đổ của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.
Về phạm vi thời gian mà những rủi ro này sẽ trở thành mối đe doạ nghiêm trọng đối với thế giới, những mối đe doạ chính yếu trong vòng 2 năm tới bao gồm tình trạng thất nghiệp, sự vỡ mộng lan rộng của giới trẻ, bất bình đẳng số, trì trệ kinh tế, tàn phá môi trường, xói mòn sự gắn kết xã hội và các cuộc tấn công khủng bố. Các rủi ro về kinh tế sẽ bộc lộ rõ nhất trong vòng 3-5 năm tới, bao gồm bong bóng tài sản, bất ổn giá, những cú sốc hàng hoá và khủng hoảng nợ, tiếp theo là các rủi ro địa chính trị, bao gồm các mối quan hệ và xung đột giữa các quốc gia cũng như việc địa chính trị hoá các nguồn tài nguyên. Trong vòng 5-10 năm tới, các rủi ro môi trường như đánh mất đa dạng sinh học, khủng hoảng tài nguyên thiên nhiên và thất bại trong hành động khí hậu sẽ là chủ đề chính, cùng với vũ khí huỷ diệt hàng loạt, tác động tiêu cực của công nghệ và sự sụp đổ của các quốc gia hoặc các thể chế đa phương.
Trong bối cảnh đó các cường quốc tầm trung, những nước có ảnh hưởng mà kết hợp lại với nhau chiếm tỷ trọng kinh tế toàn cầu nhiều hơn cả Mỹ và Trung Quốc cộng lại – thường đóng vai trò dẫn dắt hợp tác đa phương trong thương mại, ngoại giao, khí hậu, an ninh và gần đây nhất là y tế toàn cầu. Tuy nhiên, nếu những căng thẳng địa chính trị tiếp diễn, các cường quốc tầm trung sẽ cố gắng thúc đẩy sự hồi phục toàn cầu ở thời điểm mà sự phối hợp toàn cầu là rất cần thiết cũng như củng cố tính tự cường nhằm đối phó với những cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Với thế giới đã nhận thức tốt hơn về rủi ro, báo cáo GRR 2021 cũng đưa ra những bài học nhằm tăng cường phản ứng và tính tự cường. Phản ứng đối với đại dịch Covid-19 cũng đặt ra bốn cơ hội quản trị nhằm tăng cường tính tự cường nói chung của các nước, các doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế: (i) định hình khung phân tích vận dụng quan điểm toàn diện và dựa trên hệ thống về tác động của rủi ro; (ii) đầu tư cho “những người dũng cảm đối đầu với rủi ro” nổi bật nhằm khuyến khích lãnh đạo quốc gia và hợp tác quốc tế; (iii) cải thiện giao tiếp rủi ro và đối phó với tin sai lệch; và (iv) tìm hiểu những hình thức mới của đối tác công tư về sự sẵn sàng đối phó đại dịch. Khi các chính phủ, doanh nghiệp và các xã hội đương đầu với Covid-19, sự gắn kết xã hội trở nên quan trọng hơn bao giờ hết./.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Giơ-ne-vơ)