Kinh tế Mỹ

0
55
(AFP)
(Internet)

1. Tổng thống Biden ký lệnh Mua hàng Mỹ cho Mua sắm Chính phủ

Ngày 25/1/2021, Tổng thống Biden đã ký một lệnh hành pháp áp đặt các quy định cứng rắn hơn đối với các hoạt động mua sắm của chính phủ để tăng cường mua các sản phẩm được sản xuất tại Mỹ, một bước đi nhằm thực hiện chiến dịch Mua hàng Mỹ nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước. Các chính sách mới sẽ bao gồm việc thắt chặt các quy tắc mua sắm của chính phủ, sửa đổi định nghĩa về các sản phẩm do Mỹ sản xuất và nâng cao các yêu cầu về hàm lượng nội địa; các cơ quan liên bang sẽ khó mua các sản phẩm nhập khẩu. Lệnh hành pháp cũng đảm bảo rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tiếp cận tốt hơn với thông tin cần thiết để đấu thầu các hợp đồng của chính phủ.

Sáng kiến ​​Mua hàng Mỹ của ông Biden có những điểm tương đồng với chính sách ưu tiên hàng nội địa của ông Trump, một phần trong chính sách nước Mỹ trên hết của ông Trump.

Chính sách Mua hàng của Mỹ của ông Biden đang được các đồng minh của Mỹ theo dõi chặt chẽ, với hy vọng xây dựng mối quan hệ thương mại thân thiện hơn so với thời chính quyền Trump. Ông Biden vẫn nhấn mạnh sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh và ủng hộ các quy tắc thương mại đa phương. Bộ trưởng Ngoại giao Canada, Marc Garneau cho biết Thủ tướng Justin Trudeau đã có cuộc điện đàm với ông Biden nêu lo ngại về xu hướng tăng cường bảo hộ sản xuất trong nước.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết mục tiêu của chính sách Mua hàng Mỹ là củng cố chuỗi cung ứng của Mỹ sau khi đại dịch Covid-19 bộc lộ điểm yếu trong hệ thống phân phối thiết bị an toàn và vật tư y tế quan trọng. “Chúng tôi cam kết làm việc chặt chẽ với các đối tác và đồng minh để hiện đại hóa các quy tắc thương mại quốc tế nhằm thúc đẩy đầu tư trong nước và củng cố chuỗi cung ứng. Tránh phụ thuộc vào các quốc gia khác không có cùng lợi ích.

Lệnh này cũng sẽ thay đổi cách tính tỷ lệ phần trăm hàm lượng sản xuất nội địa đối với các quy tắc Mua hàng Mỹ, và hàm lượng cho các sản phẩm được coi là sản xuất tại Mỹ.

Một số thành viên của Quốc hội đang kêu gọi ông Biden sử dụng chính sách Mua của Mỹ để giúp các ngành công nghiệp ở các bang. Thượng nghị sĩ Sherrod Brown (D., Ohio) và Hạ nghị sĩ Kathy Manning (D., N.C.) đã yêu cầu chính quyền ưu tiên mua thiết bị bảo hộ cá nhân do Mỹ sản xuất. Các nhà lập pháp đã gửi thư tới ông Biden “Khả năng sản xuất trong nước đối với các sản phẩm thiết yếu như áo choàng cách ly, khẩu trang N95, tăm bông xét nghiệm và các sản phẩm quan trọng khác đã tăng theo cấp số nhân kể từ đầu cuộc khủng hoảng”. “Tuy nhiên, thật đáng tiếc, chúng tôi có quá nhiều nhà sản xuất ở các bang nhưng không có đủ đơn đặt hàng để cung cấp”.

Trước đó, ông Trump cũng đã kêu gọi tăng tỷ lệ hàm lượng nội địa cần thiết cho một sản phẩm được coi là sản xuất tại Mỹ từ 50% lên 95% đối với các sản phẩm sắt, thép và lên mức 55% đối với các sản phẩm khác.

2. Hoạt động sản xuất của Mỹ tăng trong những tháng đầu năm 2021

Ngày 22/01/2021, Công ty dự báo IHS Markit công bố kết quả Các cuộc khảo sát về quản lý mua hàng cho thấy, nền kinh tế Mỹ đã lấy lại động lực vào đầu năm 2021. Chỉ số sản xuất tăng lên 59,1, mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, trong khi chỉ số hoạt động của khu vực dịch vụ đạt 57,5.

IHS Markit cho biết Chỉ số nhà quản lý mua hàng tổng hợp, đo lường cả hoạt động sản xuất và dịch vụ, cho khu vực đồng euro đã giảm xuống 47,5 trong tháng 1/2021. Ngân hàng Trung ương châu Âu ước tính rằng nền kinh tế khu vực đồng euro suy giảm 2,5% trong 03 tháng cuối năm 2020 và có thể sẽ trì trệ trong 03 tháng đầu tiên của năm nay.

Theo Chris Williamson, kinh tế trưởng tại IHS Markit cho biết khu vực EU suy giảm là do việc đóng cửa chặt chẽ hơn do Covid-19. Trong khi tại Mỹ vẫn để mở các hoạt động kinh tế. Thêm vào đó, kỳ vọng về một đợt kích thích tài khóa mới dưới chính quyền Biden đã góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất mạnh mẽ hơn ở Mỹ. Ngoài ra, các chiến dịch tiêm chủng đã làm dấy lên hy vọng về sự phục hồi mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2021.

3. Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung kêu gọi chính quyền Biden giảm thuế đối với Trung Quốc

Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung Quốc đại diện cho hơn 230 công ty lớn của Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, tuần trước đã kêu gọi chính quyền Biden giảm thuế quan của chính quyền Trump và “xây dựng một chính sách thương mại có sắc thái và hiệu quả hơn đối với Trung Quốc.” Nhóm này, trích dẫn kết quả nghiên cứu của Oxford Economics, nói rằng việc giảm dần thuế quan xuống 12% từ mức 19% hiện tại sẽ tạo ra thêm 169 tỷ USD cho GDP của Mỹ và tạo thêm 145.000 việc làm cho người Mỹ vào năm 2025.

Chủ tịch Tập đoàn Blackstone, Stephen Schwarzman, phát biểu trước một diễn đàn tài chính ở Hồng Kông hôm 19/1/2021, dự đoán chính quyền mới của Mỹ sẽ có “giọng điệu nhẹ nhàng hơn” đối với Trung Quốc và cho biết ông hy vọng căng thẳng giữa hai nước sẽ giảm bớt. Schwarzman nói: “Thực sự có một sự chồng chéo lợi ích rất đáng kể giữa hai quốc gia và với thế giới. Tôi hy vọng sẽ thấy căng thẳng giảm hơn nhiều.”

Mặc dù vậy, đến nay Tổng thống Biden đã loại trừ việc giảm thuế ngay lập tức. Các trợ lý cho biết ông có ý định xem xét lại tất cả các khía cạnh của mối quan hệ Mỹ-Trung trước khi quyết định Trump sẽ giữ, sửa đổi hoặc loại bỏ các chính sách nào.

Scott Kennedy, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho rằng cần phân loại các chính sách Trung Quốc mà ông Biden sẽ thừa hưởng từ ông Trump thành 04 nhóm: i. những chính sách mà Mỹ có thể thay đổi mà không cần thảo luận với các đồng minh (chẳng hạn như tái gia nhập Thỏa thuận Paris về BĐKH và Tổ chức Y tế Thế giới ); ii. các vấn đề xung đột mà Mỹ có thể giải quyết thông qua đối thoại với Trung Quốc (chẳng hạn như phê duyệt thị thực cho các nhà báo hoặc đánh giá lại lệnh cấm TikTok); iii. các vấn đề mà Mỹ nên tiếp tục duy trì (bao gồm áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Hồng Kông và hủy niêm yết các công ty Trung Quốc không tuân thủ các quy tắc tiết lộ của Mỹ); và iv. các vấn đề Mỹ nên quyết định trong sự phối hợp với các đồng minh (chẳng hạn như cách đối phó với các công ty Trung Quốc được coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia)

Kennedy viết: “Chính quyền Biden đang có cơ hội lớn trong đổi mới chính sách đối với Trung Quốc”. Và việc tận dụng cơ hội đó có thể kéo dài hơn 100 ngày đầu tiên của ông Biden.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here