Các nhà lãnh đạo APEC ủng hộ cải cách WTO và chuyển đổi kinh tế ở Châu Á – Thái Bình Dương

0
62
(Internet)
(Internet)

Theo tin của Diễn đàn Đông Á, các quan chức tham dự Hội nghị trực tuyến các nhà lãnh đạo APEC tháng 11/2020 tái khẳng định ủng hộ WTO và hệ thống thương mại đa phương, nền tảng đã giúp trao đổi hàng hóa và dịch vụ tự do hơn giữa các đường biên giới; đồng thời họ cũng đạt được đồng thuận về việc cần phải tiến hành cải cách thể chế WTO ở thời điểm khi mà các sáng kiến tự do hóa thương mại dường như ngày càng bị chi phối bởi các Hiệp định thương mại tự do cấp song phương hoặc khu vực. Ngay cả với những cuộc đàm phán đang diễn ra về thương mại tự do, WTO vẫn gặp khó khăn trong việc đề ra những luật lệ mới nhằm ứng phó với những phát triển của kinh tế số.

Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là nơi hưởng lợi chính của hệ thống thương mại đa phương, với APEC là diễn đàn chính để thúc đẩy tự do hóa đầu tư và thương mại, thúc đẩy kinh doanh và hội nhập kinh tế khu vực. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã đánh mạnh vào nền kinh tế toàn cầu cũng như thương mại ở khu vực. Theo Báo cáo Phân tích các xu hướng khu vực của APEC gần đây, kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương dự kiến giảm 2,5% trong năm 2020, tương đương với việc mất sản lượng khoảng 1.800 tỷ đô-la. Hàng triệu người sẽ mất việc làm và rơi vào cảnh nghèo. Covid-19 đã làm trầm trọng thêm những thách thức hiện tại ở khu vực như suy thoái môi trường và bất bình đẳng kinh tế – xã hội.

Để vượt qua khủng hoảng này đòi hỏi nỗ lực gấp đôi. Bên cạnh việc tăng cường sự sẵn sàng ứng phó của ngành y tế, các nền kinh tế cần thừa nhận những thực tiễn không bền vững dẫn đến việc các loài động vật hoang dã mất tập quán sinh sống, khiến chúng có mối liên hệ thường xuyên hơn với con người cũng như làm gia tăng những nguy cơ y tế công cộng, đó là một phần nguyên nhân của những gì chúng ta phải đối diện ngày nay. Khối lượng rác thải y tế gia tăng do Covid-19, nhất là rác thải nhựa dùng một lần và việc quản lý chúng chưa thích đáng có thể làm trầm trọng hơn suy thoái môi trường.

Các nền kinh tế cần cân nhắc mô hình sản xuất thay thế. Kinh tế tuần hoàn (circular economy) là một mô hình giảm thiểu rác thải và tận dụng các nguồn lực để giải quyết các thách thức môi trường. Xu hướng chuyển đổi công nghệ số trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cũng đặt ra những thách thức mới như bảo mật dữ liệu cá nhân, an toàn mạng, tin giả, và những vấn đề khác liên quan đến cạnh tranh. Khoảng cách số giữa các nền kinh tế và trong nội bộ một nền kinh tế cũng là nguy cơ tiềm tàng của xu hướng số hóa. Các nền kinh tế phải tiến hành cải cách cấu trúc quan trọng nhằm tối đa hóa cơ hội của nền kinh tế số và vượt qua những thách thức. Về thông tin cá nhân, các nhà quản lý cần tìm ra điểm cân bằng giữa việc thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tận dụng thông tin trong khi đảm bảo rằng thông tin cá nhân được đảm bảo.

Tăng cường tính bao trùm là một khía cạnh quan trọng khác mà các nền kinh tế cần tính đến. Bất chấp những thập kỷ tăng trưởng kinh tế, việc cải thiện mức sống bằng cách mở rộng miếng bánh kinh tế và phân chia miếng bánh này vẫn còn chưa đồng đều, tạo ra những hệ lụy tiêu cực cho quyền tiếp cận y tế, giáo dục và các cơ hội kinh tế. Đại dịch đã bộc lộ những bất bình đẳng này khi những đối tượng nghèo nhất và dễ tổn thương nhất, bao gồm phụ nữ, thanh niên và lao động bấp bênh chịu tác động lớn nhất. Các nền kinh tế cần đảm bảo các chính sách xã hội nhằm giúp những nhóm dễ bị tổn thương này tránh khỏi bị trượt dài sâu hơn do sự gia tăng bất bình đẳng là nhân tố chính dẫn đến phong trào phản đối toàn cầu hóa trên toàn cầu.

Cũng cần phải suy nghĩ lại nghiêm túc về các chính sách hiện có để xây dựng một khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tự cường và bao hàm hơn. APEC có khả năng làm được điều đó. Tầm nhìn Putrajaya 2040 của APEC đã vạch rõ ‘đổi mới và số hóa’ cùng với ‘phát triển mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao hàm’ là những động lực chính cho việc đạt được tầm nhìn về một cộng đồng Châu Á – Thái Bình Dương mở cửa, năng động, tự cường và hòa bình. New Zealand, nước chủ nhà APEC sắp tới, cho biết rằng họ sẽ xây dựng chương trình nghị sự của Hội nghị xoay quanh 3 ưu tiên: các chính sách kinh tế và thương mại nhằm giúp đẩy mạnh việc hồi phục; tăng cường tính bao hàm và bền vững cho sự hồi phục và theo đuổi đổi mới và sự hồi phục dựa trên nền tảng số.

(Phái đoàn Việt Nam tại Giơ-ne-vơ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here