Thành tựu ấn tượng về xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam

0
1429

Nhấn mạnh mục tiêu Vì một Việt Nam không có đói nghèo, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, phải tiếp tục hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo. Giảm nghèo không chỉ bằng trí tuệ mà cả trái tim.

Ngay từ khi mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một trong 6 nhiệm vụ đầu tiên của Chính phủ mới là “diệt giặc đói”. Từ đó đến nay, công tác xóa đói, giảm nghèo luôn là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước ta. Tuy gặp rất nhiều khó khăn, nhưng công tác xóa đói, giảm nghèo của nước ta thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, trở thành một trong những hình mẫu về thành tựu xóa đói, giảm nghèo, là câu chuyện thành công, truyền cảm hứng cho bạn bè năm châu.

Qua 10 năm thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục qua các năm trên phạm vi cả nước, các vùng miền. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam: 58,1%; năm 2015: 9,88%; năm 2019: 3,75%; năm 2020, dự kiến còn: 2,75%. Nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là 93.000 tỷ đồng.

Việt Nam là một trong số 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Ngoài chỉ số về thu nhập, chuẩn nghèo còn có 10 chỉ số để xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận đối với 5 dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.

Giảm nghèo bằng cả trái tim
Năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành “Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) về xóa nghèo”, về đích trước gần 10 năm so với thời hạn (thời hạn là năm 2015). Tuy nhiên, không vì thế mà Việt Nam thỏa mãn với những thành quả đã đạt được. Công tác xóa đói, giảm nghèo vẫn luôn là một nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước ta. Không những vậy, cách thức tính toán và xác định tiêu chí về hộ nghèo luôn được thay đổi, cập nhật với tình hình thực tế, phù hợp với cách tính chung của quốc tế nhằm làm cho công tác xóa đói giảm nghèo được đa chiều và bền vững.

Đặc biệt, ngày 2/2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1722/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Sau đó, Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã được thành lập cả ở Trung ương và địa phương để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện. Nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là 93.000 tỷ đồng.

Chính phủ đã chỉ đạo ban hành các chính sách giảm nghèo chung hỗ trợ toàn diện cho người nghèo, như: hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; bảo đảm mọi người trong hộ nghèo đều có cơ hội tiếp cận với dịch vụ khám chữa bệnh thông qua bảo hiểm y tế; nâng cao tỷ lệ trẻ em nghèo được đến trường thông qua miễn giảm học phí… và các hỗ trợ về nhà ở, nước sạch và vệ sinh, dạy nghề, lao động và việc làm, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội, vay vốn tín dụng ưu đãi; giải quyết đất ở, đất sản xuất, giao rừng. Từng bước giảm dần và bãi bỏ những chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có hoàn trả, có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời gian thụ hưởng.

Nhiều huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã được đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Trong giai đoạn 2016-2020, tại địa bàn các huyện, xã nghèo, đặc biệt khó khăn đã có khoảng 18.000 công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư, đã đưa vào sử dụng trên 15.000 công trình; khoảng 7.000 công trình được duy tu bảo dưỡng. Cơ sở hạ tầng kết nối vùng được đầu tư, như: điện, đường, trường, trạm và các công trình thiết yếu khác phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa, dân sinh.

Theo Báo cáo của Lao động-Thương binh và Xã hội, trong 10 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục trên phạm vi cả nước và các vùng miền. Nếu như năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo cả nước lên tới 14,2%, thì đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo đã giảm còn 4,25%. Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước chỉ còn 3,75%, tính bình quân giai đoạn 2015-2019 mỗi năm giảm 1,53%, và ước đến cuối năm 2020 cả nước chỉ còn 2,75% hộ nghèo.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam đã giảm trên 58% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu giai đoạn. Sau 5 năm đã có 6 triệu người thoát nghèo và 2 triệu người thoát khỏi cận nghèo.

Tỷ lệ nghèo giảm nhanh ở xã đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Một số địa phương có tỷ lệ giảm hộ nghèo hết sức ấn tượng trong giai đoạn 2015-2019 như huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) giảm 40,66%, huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) giảm 39,96%, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) giảm 34,51%, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) giảm 33,52%.

Nhiều địa phương đã nỗ lực thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, thoát nghèo, như: huyện Tân Sơn (Phú Thọ), huyện Ba Bể (Bắc Kạn), huyện Phù Yên và huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), huyện Tân Uyên và huyện Than Uyên (Lai Châu), huyện Như Xuân (Thanh Hóa), huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi). Dự kiến, đến cuối năm 2020, có 32 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Thu nhập bình quân của người nghèo tăng 1,6 lần giai đoạn 2016-2020. Người nghèo có khả năng lao động được hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với nhu cầu. Đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo, đã xuất hiện một số điển hình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo.

Đánh giá về kết quả giảm nghèo của Việt Nam, bà Caitlin Wiesen – Đại diện thường trú của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, thành tựu giảm nghèo của Việt Nam rất ấn tượng và được quốc tế công nhận. Báo cáo cập nhật Phát triển con người và Nghèo đa chiều của UNDP năm 2019 cho thấy Việt Nam đứng thứ 29 trong số 102 quốc gia về chỉ số nghèo đa chiều và nằm trong số các quốc gia có thành tích cao nhất ở Đông Á và Thái Bình Dương về chỉ số này.

Câu chuyện truyền cảm hứng cho bạn bè năm châu
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, ngày 11/12/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sau hơn 30 năm nỗ lực trong công tác giảm nghèo, Việt Nam đã trở thành một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xóa đói, giảm nghèo, là câu chuyện thành công, truyền cảm hứng cho bạn bè năm châu.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhìn nhận, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, dễ tái nghèo, chênh lệch giàu nghèo giữa vùng, các nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm còn cao. Chuẩn thu nhập trong chuẩn nghèo hiện nay chỉ bằng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa được điều chỉnh kịp thời. Một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với địa bàn nghèo, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh phải xây dựng nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo, phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, an sinh xã hội giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030, tầm nhìn 2045 với tinh thần xuyên suốt, vì một Việt Nam không có đói nghèo. Đây là vấn đề, nhiệm vụ rất lớn của đất nước thời gian tới.

Để giảm nghèo bền vững, Thủ tướng cho rằng thời gian tới phải tiếp tục hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo theo hướng đa chiều, ưu tiên trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Thủ tướng nhấn mạnh, giảm nghèo không chỉ bằng trí tuệ mà cả trái tim. Chừng nào còn có người dân bị đói, rét hay không có tiền chữa bệnh, đi học là chúng ta có lỗi và chúng ta phải cố gắng khắc phục điều này.

Theo Thủ tướng, dân trí, giáo dục, dạy nghề là những vấn đề quan trọng để góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, cần tiếp tục đầu tư hạ tầng kinh tế, xã hội các vùng đặc biệt khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông, đầu tư giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, tạo điều kiện cho người nghèo được học nghề, tiếp cận việc làm, nâng cao dân trí.

Tiếp đó, các địa phương cần tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo trong quá trình thực thi các chính sách giảm nghèo, xây dựng các mô hình giảm nghèo tại cộng đồng phù hợp với đặc thù của từng địa phương, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy, chính quyền. Cần tạo điều kiện cho người dân chủ động hơn, năng động hơn, có năng lực, động lực lớn hơn, được trao quyền tự quyết nhiều hơn trong việc thực hiện các mô hình giảm nghèo từ xây dựng chính sách đến tổ chức thực hiện.

Thủ tướng đề nghị cả nước triển khai phong trào mới: mỗi xã, mỗi huyện xây dựng một mô hình giảm nghèo tiêu biểu phù hợp với địa phương mình, với cách làm sáng tạo hơn nữa. Các địa phương có điều kiện, phát triển khá hơn nhận hỗ trợ các huyện nghèo, xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Chính quyền phải sát dân hơn, nắm vững từng hộ để có biện pháp hỗ trợ cụ thể…

Minh Hiếu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here