Theo thống kê mới công bố của WTO[1], quý 3 năm 2020 chứng kiến sự hồi phục một phần của thương mại thế giới trong lĩnh vực hàng công nghiệp, dẫn đầu là các mặt hàng điện tử, dệt may và ô-tô do sản xuất được khôi phục và các biện pháp phong tỏa ứng phó dịch Covid-19 được nới rộng ở một số nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, mặc dù có tiến triển đáng kể trong những tháng gần đây, thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ vẫn ở mức thấp so với năm 2019. Theo đó, tổng thương mại hàng hóa tiêu dùng – bao gồm nhiên liệu và nông sản cũng như hàng hóa sản xuất trong 9 tháng đầu năm giảm 11% so với năm trước trong khi thương mại trong lĩnh vực hàng hóa sản xuất, với giá cả ít biến động hơn hàng tiêu dùng, giảm 10% trong 9 tháng đầu năm. Giá trị thương mại của các sản phẩm nhiên liệu và khai khoáng giảm sâu trong quý 3 do giá giảm trong khi thương mại nông sản vẫn ổn định do nhu cầu lương thực vẫn được duy trì trong bối cảnh đại dịch. Chỉ tính riêng trong quý 3, thương mại hàng hóa sản xuất giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, gần bằng mức thương mại trước đại dịch và có tiến triển so với mức giảm 19% trong quý 2. Các mặt hàng máy tính và điện tử có mức tăng trưởng thương mại hai chữ số, tương tự là sản phẩm dệt may, do nhu cầu khẩu trang tăng cao.
Trái lại, thương mại dịch vụ vẫn ảm đạm, giảm 17% trong tháng 9 sau khi ghi nhận mức giảm 23% trong tháng 7 và 22% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm trước. Số liệu này dựa trên thống kê dữ liệu của 39 nền kinh tế chiếm 2/3 thương mại dịch vụ toàn cầu. Số liệu cho quý 3 với khảo sát nhiều nền kinh tế hơn dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng 1 năm sau. Mặc dù mức giảm trong thương mại dịch vụ có vẻ như đã thoát đáy do các biện pháp hạn chế du lịch trong nội khối EU đã được dỡ bỏ vào mùa hè, hầu hết các nền kinh tế tiếp tục chứng kiến mức giảm mạnh. Trong tháng 9, xuất khẩu dịch vụ từ Mỹ giảm 27% so với mức trước đại dịch trong khi nhập khẩu dịch vụ của Trung Quốc giảm 18% so với năm trước. Làn sóng Covid-19 thứ hai vào mùa thu đã làm đóng băng triển vọng hồi phục. Tuy nhiên, việc vaccine Covid-19 ra đời với kế hoạch sản xuất, vận chuyển và phân phối vắc xin trên toàn thế giới được dự đoán sẽ giúp khôi phục thương mại dịch vụ vào năm 2021, qua hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp thúc đẩy du lịch.
[1] https://www.wto.org/english/news_e/news20_e/stat_04dec20_e.htm
(Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)