Tin Kinh tế Bangladesh

0
226
(ảnh minh hoạ)
(Bangladesh)

1. Nhập khẩu hạt điều thô

Bộ Nông nghiệp Bangladesh mới đây đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu hạt điều thô từ 90% xuống còn khoảng 7% nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp chế biến nông sản phi truyền thống này.

Bộ trưởng Nông nghiệp Abdur Razzaque cho biết: “Ủy ban Doanh thu Quốc gia (NBR) đã đồng ý với đề xuất giảm thuế đáng kể đối với việc nhập khẩu hạt điều”. Ông Razzaque đã thông tin trong phát biểu tại hội thảo trực tuyến về “Chuỗi giá trị thực phẩm: trong thời kỳ Covid-19”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka (DCCI) tổ chức. “Dần dần, việc nhập khẩu hạt điều sẽ được miễn thuế”, Bộ trưởng nói và cho biết thêm rằng chính phủ đã phân phát 50.000 cây giống hạt điều cho nông dân.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp, Chính phủ cũng tạo điều kiện cho các nhà nhập khẩu tư nhân nhập khẩu 5 tấn hạt điều thô lai ghép từ Campuchia, để có thể sản xuất 600 nghìn cây giống điều. Bên cạnh đó, chính phủ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khu vực tư nhân trong việc chế biến các mặt hàng thực phẩm phi truyền thống để các sản phẩm có thể gia tăng giá trị cho chuỗi thực phẩm nội địa và ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.

Bộ trưởng Bangladesh cũng thông tin sản xuất lúa gạo đang phát triển tốt và có thể sớm có sản lượng thặng dư. Ông cho biết: “Mặc dù đóng góp của ngành nông nghiệp vào GDP không giống như những năm 1980, nhưng ngành này vẫn đang có lãi và tạo điều kiện cho phát triển ngành chế biến từ nhiều nguyên liệu thô. Bangladesh hiện trồng nhiều loại trái cây phi truyền thống khác nhau như thanh long, sắn và dâu tây”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp cũng thông báo chính phủ đã cấp khu đất rộng hai mẫu Anh ở Purbachal để lập một phòng thí nghiệm tiêu chuẩn quốc tế và trung tâm chế biến nông sản.

Trong hội thảo, M Burhan Uddin, giáo sư Khoa Công nghệ Thực phẩm và Công nghiệp Nông thôn tại Đại học Nông nghiệp Bangladesh, cho biết Bangladesh là một trong những quốc gia sản xuất thủy sản hàng đầu trên thế giới với sản lượng hàng năm là 4,277 triệu tấn. Trong đó, tôm đạt 254.000 tấn (niên vụ 2017-18). Trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tạo ra việc làm và giảm nghèo rất cần có thêm các biện pháp thể chế và chính sách. Ông khuyến nghị phát triển một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp nông nghiệp, giảm chi phí kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ, an toàn thực phẩm, tiếp cận tài chính và hợp đồng canh tác.

Chủ tịch DCCI yêu cầu loại bỏ độc quyền của các trung gian ngăn cản sự phát triển của các nền tảng thương mại điện tử đối với thị trường nông sản.

2. Tổng quan xuất khẩu dược phẩm của Bangladesh

Với quy mô dân số lớn, nhận thức về sức khỏe ngày càng được nâng cao và khả năng mua hàng ngày càng tăng, Bangladesh được coi là một nước tiêu thụ dược phẩm lớn trên thế giới. Nhu cầu cao và ngày càng rộng đã được đáp ứng phần lớn do các công ty dược phẩm Bangladesh đã tận dụng điều kiện thuận lợi đối với Quốc gia kém phát triển nhất (LDC) của Bangladesh để được miễn bảo hộ bằng sáng chế cũng như sản xuất chủ yếu các loại thuốc đã hết hạn bằng sáng chế và chi phí thấp. Chính sách dược phẩm quốc gia năm 1982 được Chính phủ ban hành đã tạo điều kiện thúc đẩy việc tiếp cận các thành phần hoạt chất chi phí thấp chủ yếu là từ Ấn Độ và Trung Quốc, tiếp cận các bí quyết và nghiên cứu của các chuyên gia dược phẩm, nâng cao năng lực sản xuất tại các nhà máy nội địa, các công ty dược Bangladesh đã chuẩn bị và làm tốt cho chúng trong ba thập kỷ qua, sản xuất nội địa nhiều loại thuốc chi phí thấp cho đại chúng và bằng cách này, Bangladesh không còn yêu cầu nhập khẩu để đáp ứng hầu hết nhu cầu dược phẩm của mình trong khi nhiều quốc gia có thu nhập trung bình và thấp khác (LMIC) có quy mô dân số và kinh tế tương đương vẫn phải nhập khẩu dược phẩm với số lượng và chi phí lớn đáng kể. Ví dụ, Nigeria nhập khẩu 859 triệu USD và Việt Nam nhập khẩu thuốc trị giá 1,775 tỉ USD, cao hơn lần lượt 3,2 và 6,6 lần so với mức nhập khẩu là 270 triệu USD của Bangladesh mỗi năm.

Các công ty dược phẩm nội địa chắc chắn đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp Bangladesh đạt được nhiều cột mốc về chỉ số sức khỏe mà Bangladesh đã được thế giới đánh giá cao và nhiều bài báo nghiên cứu đã cố gắng tìm ra bí mật và giải đáp câu hỏi về hiệu suất vượt trội của Bangladesh và thành công trong việc cải thiện sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, vai trò của các nhà sản xuất thuốc trong nước nhìn chung vẫn chưa được công nhận và không được đánh giá cao đối với hầu hết các nhà hoạch định chính sách, người ủng hộ, nhà phân tích trong nước và quốc tế cũng như các chuyên gia và nhà nghiên cứu y tế toàn cầu. Thu nhập cao hơn, giáo dục tốt hơn và hiểu biết về sức khỏe tốt hơn của người dân Bangladesh đã giúp các công ty dược phẩm nội địa phát triển vì nhiều người được khuyến khích và có thể tiếp cận, mua và sử dụng các loại thuốc hiện đại.

Bangladesh bắt đầu xuất khẩu các thành phẩm dược phẩm và một số nhà sản xuất thuốc Bangladesh đã tạo được dấu ấn trên thị trường toàn cầu. Mặc dù không vượt trội về quy mô nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dược phẩm đang tăng dần. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển rất chậm này, sẽ còn lâu Bangladesh mới có thể phát triển thành một quốc gia xuất khẩu dược phẩm có quy mô khá và được công nhận trên thị trường thế giới. Đã đến lúc phải tái lập chiến lược và các nhà sản xuất thuốc trong nước phải có cái nhìn toàn diện, có hệ thống và quan trọng hơn là về thị trường thuốc toàn cầu, phân khúc thị trường, nhắm mục tiêu đến một số quốc gia, sau đó tập trung và kiên trì phát triển doanh nghiệp đối với những thị trường cụ thể. Bước đầu tiên quan trọng là làm thế nào để xác định các quốc gia mục tiêu này?

Các quyết định kinh doanh phải được định hướng trên cơ sở dữ liệu và dữ liệu phải làm cơ sở cho những người ra quyết định. Dữ liệu thị trường cần được thu thập liên tục, tổng hợp có ý nghĩa và kịp thời. Theo dữ liệu xuất khẩu của Cục xúc tiến xuất khẩu, Bangladesh đã xuất khẩu thuốc sang 118 quốc gia trong năm 2019. 121 quốc gia vào năm 2018 và 103 quốc gia vào năm 2017. Tuy nhiên, cũng theo dữ liệu năm 2019, 21 quốc gia chiếm 88% tổng giá trị xuất khẩu và còn 97 quốc gia khác chiếm 16.985.812 USD thuốc – tương đương 12,51% xuất khẩu thuốc của Bangladesh. Thật kỳ lạ và thú vị là có đến 9 quốc gia trong số này, giá trị xuất khẩu bằng hoặc dưới 100 đô la và vẫn được liệt kê trong cơ sở dữ liệu xuất khẩu này. Tương tự, trong năm 2018, Bangladesh đã xuất khẩu thuốc trị giá bằng hoặc dưới 100 USD sang 10 quốc gia.

Khi xem xét kỹ về 21 quốc gia hàng đầu mà Bangladesh xuất khẩu hầu hết các sản phẩm của mình vào năm 2019, một bức tranh không mấy sáng khi các nhà sản xuất dược phẩm Bangladesh chỉ có thể xuất khẩu thuốc trị giá hơn 10 triệu USD sang bốn quốc gia là Sri Lanka, Myanmar, Hoa Kỳ (Mỹ) và Philippines. Các điểm đến chính tiếp theo là Kenya, Campuchia, Việt Nam và Afghanistan. Trong số tám quốc gia này, về chủng loại và nhu cầu thuốc, sự khác biệt về văn hóa xã hội, khoảng cách địa lý, vị thế kinh tế và khuôn khổ pháp lý, Hoa Kỳ rất khác. Các nước nhập khẩu khác có sự tương đồng về thành phần nhân khẩu học, tình trạng sức khỏe, mô hình bệnh tật và tình trạng kinh tế của nhân dân các nước này. Nhu cầu và sử dụng sản phẩm dược phẩm, sức mua và hành vi, và quy mô thị trường có thể tương đương với nhau ở một mức độ nào đó.

Khi xem xét, phân tích khả năng Bangladesh đáp ứng nhu cầu nhập khẩu dược phẩm của các nước này, có thể đánh giá sâu sắc hơn về vị trí hiện tại và dư địa để phát triển. Đối chiếu dữ liệu về tổng kim ngạch nhập khẩu của các quốc gia này từ nguồn dữ liệu chung trên thế giới, Bangladesh chiếm thị phần lần lượt là 7,40% và 4,53% tổng nhập khẩu dược phẩm của Myanmar và Sri Lanka.  Myanmar đã nhập khẩu tổng cộng 434 triệu USD sản phẩm thuốc trong năm 2019 và Bangladesh cung cấp được 19,6 USD triệu, như vậy 415 triệu USD Myanmar phải nhập khẩu từ các nước khác. Tương tự như vậy, Sri Lanka nhập khẩu tổng cộng 276 triệu USD sản phẩm trong năm 2019 và Bangladesh cung cấp 20,5 triệu USD, còn lại 256 triệu USD Sri Lanka nhập khẩu từ các nguồn khác. Đối với một số nước, Bangladesh chỉ chiếm 1-6% tổng thị phần của họ: Afghanistan (5,7%), Somalia (4,6%), Campuchia (3%), Jamaica (2,2%), Kenya (1,9%), Nepal (1,4%), Mauritius (1%), Philippines (0,9%) và Việt Nam (0,3%). Nhìn chung, các quốc gia này chủ yếu đưa dược phẩm từ các quốc gia khác vào để đáp ứng nhu cầu của họ.

Đối với 4 quốc gia phát triển trong danh sách 21 quốc gia mà Bangladesh có thể thâm nhập, thị phần của Bangladesh rất nhỏ, không đáng kể: Mỹ (0,02%), Đan Mạch (0,08%), Anh (0,01%) và Úc (0,03%).

Chắc chắn, các chiến lược kinh doanh mà các công ty dược Bangladesh đã không mang lại những gì mong muốn. Các công ty dường như đã thực hiện rất kém trong việc nghiên cứu và tìm hiểu thị trường nhập khẩu dược phẩm toàn cầu, lựa chọn các quốc gia mục tiêu phù hợp. Họ cũng không tập trung vào một số quốc gia cụ thể nơi họ có thể tăng thị phần đáng kể. Vì vậy, các nhà sản xuất trong nước đã không tạo ra tác động về mặt chiếm thị phần tương đối ở bất kỳ quốc gia cụ thể nào.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh) 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here