Quản trị toàn cầu trước thách thức do dịch bệnh

0
107
(http://nghiencuuquocte.org)
(http://nghiencuuquocte.org)

Ban Quản trị Trang NGKT trực tuyến trân trọng gửi tới quý độc giả một số nội dung tóm tắt bài viết “Quản trị toàn cầu sẽ ra sao trong bối cảnh đại dịch?” của ông Vương Nghĩa Nguy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu tư tưởng Chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới Tập Cận Bình, Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc.

“Ngày 04/11/2020, Mỹ đã chính thức rút khỏi “Thỏa thuận Paris” về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ngay tối 04/11, ông Biden tuyên bố nếu thắng cử Tổng thống, sẽ đưa Mỹ trở lại Thỏa thuận này trong ngày đầu tiên nhậm chức. Ngoài ra, trong các bài phát biểu trước đây, ông Biden cũng từng tuyên bố sẽ đưa Mỹ trở lại các “nhóm” khác mà Chính quyền Trump rút lui. Điều này thực sự đặt ra câu hỏi thu hút sự chú ý của dư luận. Tương lai toàn cầu hóa và quản trị toàn cầu sẽ ra sao trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa đơn phương?

Quản trị toàn cầu được đánh giá là không hiệu quả. Đây là nhận thức chung của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên có sự nhìn nhận khác nhau về nguyên nhân, bản chất và các biện pháp đối phó, chủ yếu nổi lên 3 quan điểm: (i) Chính quyền Trump oán trách về “sự không kinh tế” của các cơ chế, đổ lỗi “thời thế thay đổi”, đề cao “Nước Mỹ lên trên hết”, “Trump sẽ điều hành, khởi động lại” quản trị toàn cầu và bài trừ Trung Quốc; (ii) EU tin rằng cần “tái cân bằng” các quyền hạn và nghĩa vụ của quản trị toàn cầu, thúc đẩy các chuẩn mực của EU thông qua chủ nghĩa đa phương; (iii) Trung Quốc cho rằng “thiếu hiệu quả” trong quản trị toàn cầu là do thiếu hụt về năng lực, cơ chế và cách nhìn nhận, ủng hộ quan điểm quản trị toàn cầu “Cùng bàn, cùng xây dựng và cùng chia sẻ”.

Lấy thương mại toàn cầu làm ví dụ, thế giới hiện nay có 3 quan điểm: (i) Thương mại công bằng ưu tiên nước Mỹ (quan điểm của Mỹ); (ii) Thương mại tự do dựa trên quy tắc (quan điểm của châu Âu); (iii) Thương mại cùng hưởng trên cơ sở mở cửa và bao trùm (quan điểm của Trung Quốc).

Tương lai của quản trị toàn cầu sẽ ra sao? Tại sao dịch bệnh lần này không có sự phối hợp quản trị toàn cầu giống như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008? Bởi lẽ cuộc khủng hoảng năm 2008 là toàn cầu hóa tư bản. Mỹ là nước tư bản lớn nhất đã kích hoạt G20. Giờ đây, thế giới đã bước vào giai đoạn toàn cầu hóa về con người, 80% người dân sống ở các nước đang phát triển. “Đa số người dân sống lặng lẽ” trong hệ thống quản trị toàn cầu. Do đó, hiện Mỹ phản đối toàn cầu hóa, bản chất không phải chống lại toàn cầu hóa, mà chống lại toàn cầu hóa do Mỹ không thể chi phối. Chẳng hạn Mỹ coi Hoa Vi là “vấn đề an ninh”, đã thúc đẩy tiến trình “bài trừ Trung Quốc”, phân tách Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra toàn cầu hóa loại trừ Trung Quốc, dẫn đến thiếu sự phối hợp trong quản trị toàn cầu.

Phân tích từ góc độ lý thuyết, quản trị toàn cầu hiện đang đối mặt với những thách thức từ các khía cạnh như chủ thể, khách thể, quy trình.

Theo góc độ chủ thể, chủ thể là đa dạng trong khi cơ chế tương đối đơn lẻ. Chủ thể bao gồm các quốc gia có chủ quyền, nhưng vẫn còn nhiều quốc gia mà vận mệnh đất nước không nằm trong tay. Với hơn 160 thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), việc đình chỉ cơ chế giải quyết tranh chấp, đã gây ra nhiều rắc rối. Nhiều chủ thể dẫn đến nhiều lợi ích, nhưng cơ chế tương đối đơn lẻ và mâu thuẫn nhiều hơn.

Theo góc độ khách thể, chủ nghĩa dân túy chi phối chính phủ một số nước, trong khi một số nước phát triển cũng đứng trước nhiều nguy cơ. Ví dụ, Liên minh Châu Âu (EU) hiếm khi nói về Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc về Phát triển bền vững, bởi vì chính EU cũng có nhiều vấn đề không thể tự giải quyết được. Do ngân sách tài chính hạn hẹp, trong khi phải đáp ứng nhu cầu của các nhóm lợi ích khác nhau nên nhiều vấn đề chưa thể giải quyết. Tại một số nước, do vấn đề quản trị trong nước không tốt, nên đã đẩy vấn đề ra bên ngoài, gây ra nhiều phiền phức.

Theo góc độ quy trình, giữa mục tiêu và năng lực thực tế có khoảng cách xa. Trung Quốc đưa ra quan niệm quản trị toàn cầu cùng bàn bạc cùng xây dựng và cùng chia sẻ, trong khi quan điểm của Mỹ là “Cùng đồng minh bàn bạc và xây dựng, nhưng phải do Mỹ chủ đạo”. Do đó, chỉ khi các vấn đề được nâng lên cấp độ nhân loại, khi đó mới không thể độc quyền và khép kín; chỉ khi chủ nghĩa khu vực được nâng lên cấp độ nhân loại thì khi đó mới có tính hợp pháp cao nhất và có tính bền vững.

Cuộc khủng hoảng dịch bệnh đánh dấu sự kết thúc của mô hình tăng trưởng chủ nghĩa tự do mới “Cách mạng Reagan-Thatcher” ra đời 40 năm trước. Dịch bệnh đã nhấn mạnh quyền lực của chính phủ, làm xói mòn nền tảng toàn cầu hóa vốn bị lung lay. Sau khi bùng phát dịch bệnh, Châu Âu tuyên bố cần nhấn mạnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng mọi giá, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Sự sụt giảm lợi ích tại thị trường Trung Quốc cũng vì lý do này.

Tuy nhiên, Châu Âu không thể hiện thực hóa việc nội địa hóa chuỗi cung ứng. Trong hoàn cảnh đó, với tư cách là hai thực thể kinh tế lớn, hai thị trường và hai nền văn minh, những gì Trung Quốc và Châu Âu chủ trương, phản đối và hợp tác đều có ý nghĩa đối với thế giới. Sau khi EU nâng mục tiêu phát thải năm 2030, Trung Quốc đã cam kết đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2060, điều này làm tăng khả năng hình thành một liên minh kinh tế mạnh mẽ song phương. Việc này đã phát đi tín hiệu rõ ràng đến Mỹ, nước phát thải khí nhà kính lớn của thế giới nhưng chưa đưa mục tiêu cắt giảm. Nhân loại đang chuyển từ thời đại thông tin sang thời đại kỹ thuật số, từ nền văn minh hóa thạch sang nền văn minh hậu hóa thạch, Trung Quốc và Châu Âu là bên tạo ra quy tắc của nền văn minh nhân loại mới.

Dịch bệnh đã thúc đẩy toàn cầu hóa thành “địa phương hóa toàn cầu”, và quản trị toàn cầu cũng chuyển sang “quản trị địa phương toàn cầu”. Vì vậy, các nước cần tăng cường sự phối hợp bên trong và bên ngoài, chia sẻ vận mệnh và giải quyết những khiếm khuyết về quản trị trong nước và quốc tế. Phát triển là chìa khóa tổng thể để giải quyết các vấn đề. Tuy nhiên, Mỹ thường sử dụng “an ninh” để phá hoại sự phát triển. Cải cách quản trị toàn cầu cần loại bỏ nghịch lý: “An ninh phụ thuộc vào Mỹ và phát triển phụ thuộc vào Trung Quốc” để đạt được quản trị an ninh và phát triển tổng thể.

Để thúc đẩy quản trị địa phương hóa toàn cầu, đòi hỏi các thực thể trong khu vực và xuyên khu vực cần thiết lập một mạng lưới đối tác toàn cầu thông qua kết nối với nhau. Đây chính là mục tiêu mà “Vành đai và Con đường” hướng tới nhằm xây dựng một cộng đồng cùng chung vận mệnh.

Cuối cùng, quan niệm quản trị toàn cầu mà Trung Quốc chủ trương, đó là tại trong nước lấy con người làm trung tâm, với thế giới lấy cộng đồng nhân loại làm trung tâm. Đây là những giá trị cốt lõi của quản trị toàn cầu mà Trung Quốc theo đuổi”.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here