Tin Kinh tế Bangladesh

0
53
(Bangladesh)
(Bangladesh)

1. Xuất khẩu có thể giảm 7 tỷ đô la mỗi năm sau khi thoát khỏi nhóm các nước kém phát triển

Cục Kinh tế Tổng hợp (GED) đã chuẩn bị Kế hoạch Triển vọng 2021-2041 (PP2041) nhằm đưa Bangladesh muốn trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2041.

Kế hoạch đưa ra dự báo việc mất ưu đãi tại các thị trường EU, Canada, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc sau khi thoát khỏi nhóm các quốc gia kém phát triển (LDCs) và trở thành quốc gia đang phát triển vào năm 2024 có thể dẫn đến giảm 11% tổng thu nhập xuất khẩu hàng năm của Bangladesh, tương đương khoảng 7 tỷ USD theo dự báo hiện tại về tăng trưởng xuất khẩu.

Bangladesh cũng có thể bị tước quyền lợi từ các khoản vay ưu đãi từ các đối tác phát triển đa phương và song phương sau khi thoát khỏi LDC.

Bên cạnh đó, quyền miễn trừ nhiều điều khoản của WTO, bao gồm cắt giảm thuế quan và trợ cấp, và miễn trừ tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ (đặc biệt đối với lĩnh vực dược phẩm) sẽ không còn nữa sau năm 2024, ngoại trừ EU cho phép một giai đoạn chuyển tiếp đến năm 2027. Là một nước LDC, Bangladesh cùng với 48 nước khác, hiện được hưởng các lợi ích miễn thuế và hạn ngạch theo Hệ thống Ưu đãi Chung (GSP) của EU. Theo Cục Xúc tiến Xuất khẩu, Bangladesh đã kiếm được 18,70 tỷ USD, chiếm 51% trong tổng số 36,6 tỷ USD thu nhập, từ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang các thị trường Châu Âu trong năm tài chính 2019-20.

Mặc dù việc thoát khỏi nhóm LDCs sẽ cải thiện hình ảnh và xếp hạng của đất nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng vẫn sẽ có một số yếu tố rủi ro.

Kế hoạch PP2041 cho rằng hầu như tất cả các tổn thất trên có thể xảy ra sẽ tự động ngay sau khi quốc gia này thoát khỏi tình trạng LDC và Bangladesh phải chuẩn bị trong vòng 07 năm tới để đối phó hoặc giải quyết những thách thức này.

Giáo sư Shamsul Alam, thành viên GED nói rằng GED đã xác định được những thách thức sau khi thoát khỏi LDCs. GED cũng đề xuất một số kế hoạch hành động và cải cách chính sách để giải quyết những thiệt hại và bảo vệ tăng trưởng xuất khẩu.

Nhà kinh tế, Tiến sĩ Ahsan H Mansur cho rằng lựa chọn duy nhất của Bangladesh là tiến hành đàm phán song phương với các nước EU cũng như các điểm đến thương mại quan trọng khác như Canada, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc để được hưởng một số ưu đãi.

Tiến sĩ Mansur, Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Chính sách cho biết chính phủ nên khởi động các cuộc đàm phán song phương với một số khối khu vực, như ASEAN, để giải quyết những thiệt hại về xuất khẩu có thể xảy ra sau khi chuyển sang một nước không thuộc LDCs. Bangladesh cũng cần đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về quyền lao động và tự do hóa thương mại, như giảm thuế nhập khẩu hiện đang cao hơn tiêu chuẩn, nếu muốn ký kết các thỏa thuận song phương với các đối tác thương mại để hưởng các lợi ích có thể có tại thị trường của họ.

2. Bangladesh trong số các quốc gia đứng cuối về chỉ số FDI trên lĩnh vực xanh

Báo cáo “Chỉ số Hiệu suất Greenfield-2020” của FDI Intelligence cho biết Bangladesh đã được xếp hạng là quốc gia kém thứ ba trên thế giới về thu hút đầu tư mới (Green-Field FDI). Đầu tư mới hay Green-field là một loại hình đầu tư FDI trong đó công ty mẹ thành lập một công ty con ở một quốc gia khác, xây dựng mọi hoạt động của mình từ đầu. Các dự án này có thể bao gồm xây dựng các cơ sở sản xuất, các trung tâm phân phối, văn phòng mới.

Khi một quốc gia đạt 1,0 điểm có nghĩa là tỷ trọng đầu tư mới của quốc gia đó trong tổng đầu tư mới toàn cầu tương đồng với tỷ trọng GDP của quốc gia đó trong tổng GDP toàn cầu. Báo cáo đã phân tích 101 nền kinh tế. Trong số đó, 75 nền kinh tế có điểm chỉ số lớn hơn 1,0, trong khi 26 nền kinh tế có điểm từ 1,0 trở xuống.

Bangladesh đạt 0,31 điểm và có 18 dự án đầu tư mới, tính đến năm 2020. Con số này chỉ ra Bangladesh đang thu hút vốn FDI ít hơn nhiều so với quy mô của nền kinh tế.

10 quốc gia có thành tích kém nhất là Nhật Bản, Trung Quốc, Bangladesh, Iraq, Hàn Quốc, Na Uy, Pakistan, Hoa Kỳ, Ý và Ecuador. Nhật Bản và Trung Quốc là những quốc gia có chỉ số kém, một phần do quy mô nền kinh tế, và do các rào cản đối với đầu tư nước ngoài.

Mặt khác, quốc gia Châu Phi Togo đứng đầu danh sách các quốc gia có thành tích tốt nhất trong việc thu hút vốn FDI. Các quốc gia có thành tích tốt nhất khác là: Rwanda, Costa Rica, Mozambique, Serbia, Lithonia, Senegal, Zimbabwe, Georgia và Singapore.

Trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, 5 nền kinh tế có điểm chỉ số trên 1,0 là Anh (2,5), Pháp (1,4), Đức (1,3), Ấn Độ (1,2) và Canada (1,08).

Chỉ số Hiệu suất Greenfield sử dụng một phương pháp do UNCTAD đưa ra cho tổng thể FDI, nhưng chỉ áp dụng phương pháp này vào phần đầu tư mới, không bao gồm M&A, các khoản vay nội bộ và các hình thức đầu tư xuyên biên giới khác.

Ngân hàng Bangladesh cho biết tổng vốn FDI trong tháng 4 đến tháng 6 là 742 triệu đô la Mỹ, trong đó từ tháng 1 đến tháng 3 là 803 triệu USD. Lượng vốn FDI lũy kế (FDI stock) lên tới 18,7 tỷ đô la vào cuối tháng 6 năm 2020. Tính theo thành phần, vốn chủ sở hữu/vốn chứng khoán (equity capital) là 12,6 tỷ đô la, vốn tái đầu tư (reinvested earnings) là 3,2 tỷ đô la và vốn vay nội bộ (intra-company loans) là 2,9 đô la./.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh) 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here