Tin Kinh tế Trung Quốc

0
264
(Internet)
(Internet)

1. Quy mô dự trữ ngoại hối của Trung Quốc 6 tháng liên tiếp vượt mốc 3,1 nghìn tỷ USD

Theo số liệu của Cục quản lý Ngoại hối Trung Quốc (07/11), tính đến cuối tháng 10/2020, quy mô dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt 3,12 nghìn tỷ đô la Mỹ, giảm 14,6 tỷ USD so với cuối tháng 9/2020, mức giảm 0,46%. Quy mô dự trữ liên tiếp sáu tháng vượt mốc 3,1 nghìn tỷ USD. Về tổng thể, quy mô dự trữ ngoại hối của Trung Quốc vẫn vận hành ổn định.

Theo ông Vương Xuân Anh, Phó Cục trưởng Cục quản lý ngoại hối Trung Quốc, thị trường tài chính quốc tế chịu ảnh hưởng của các yếu tố tình hình dịch bệnh Covid-19, kỳ vọng về chính sách tài chính và tiền tệ, chỉ số đồng đô la Mỹ tăng, giá tài sản các quốc gia chủ yếu giảm. Tác động tổng hợp của việc chuyển đổi tỷ giá và biến động giá tài sản đã khiến quy mô dự trữ ngoại hối của Trung Quốc trong tháng 10/2020 giảm nhẹ.

Ôn Bân, chuyên gia cao cấp Ngân hàng Dân Sinh nhận định, tình hình nhu cầu bên ngoài cải thiện đã thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc. Thị trường vốn tuy có biến động, nhưng dòng vốn xuyên biên giới vẫn cho thấy xu hướng chảy vào Trung Quốc. Thương mại và dòng vốn xuyên biên giới đóng góp tích cực cho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc trong tháng 10/2020.

Cùng ngày, Cục quản lý ngoại hối Trung Quốc cũng công bố số liệu về cán cân thanh toán quốc tế của Trung Quốc. Theo đó, trong ba quý đầu năm 2020, thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc đạt 170,7 tỷ USD, tương đương 1,7% GDP cùng kỳ. Trong đó, thặng dư tài khoản vãng lai trong quý 3/2020 đạt 94,2 tỷ USD.

Số liệu cho thấy, trong quý 3/2020, thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc đạt 155,4 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ; thâm hụt thương mại dịch vụ đạt 40,4 tỷ USD, thu hẹp 44% so với cùng kỳ, trong đó thâm hụt du lịch thu hẹp 50%, thâm hụt giao thông vận tải thu hẹp 32% so với cùng kỳ.

Trong quý 3/2020, thặng dư đầu tư trực tiếp đạt 23,9 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài là 33,2 tỷ USD, vốn đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc là 57,1 tỷ USD.

2. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc: Đẩy nhanh hoàn thiện khuôn khổ quản lý và giám sát công nghệ tài chính phù hợp với tình hình quốc gia

Theo “Báo cáo ổn định tài chính Trung Quốc 2020” do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) công bố gần đây cho biết, trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục ngăn chặn và giải quyết hiệu quả các rủi ro tài chính lớn, xử lý chính xác rủi ro trong các lĩnh vực trọng điểm, khắc phục thiếu sót trong hệ thống quản lý và giám sát. Đẩy nhanh hoàn thiện khuôn khổ quản lý và giám sát công nghệ tài chính phù hợp với tình hình quốc gia.

Báo cáo cho biết, các bộ, ngành quản lý tài chính cần làm tốt công tác phối hợp tổng thể, đẩy mạnh thiết kế thượng tầng và xây dựng bố cục tổng thể, cụ thể: (i) cải thiện hệ thống kiểm soát rủi ro thông qua đổi mới các công cụ quản lý, giám sát và kinh nghiệm từ thí điểm quản lý, giám sát đổi mới công nghệ tài chính. Kịp thời phát hành Sách trắng và sớm đưa ra các công cụ quản lý, giám sát đổi mới công nghệ tài chính phù hợp với tình hình Trung Quốc và tiệm cận với trình độ quốc tế; (ii) kịp thời ban hành các quy định về quản lý, giám sát với mục tiêu bảo đảm các hoạt động công nghệ tài chính tuân thủ quy định kinh doanh, an ninh kỹ thuật…, giải quyết các vấn đề về lỗ hổng quy định hoặc trục lợi do chậm chễ trong ban hành quy định liên quan; (iii) sử dụng các biện pháp số hóa để xây dựng nền tảng báo cáo quản lý, giám sát số.

Báo cáo nhận định, trên cơ sở hoàn thiện hơn nữa hệ thống giao dịch cụ thể của từng cấu phần trong thị trường vốn, tập trung xây dựng môi trường giao dịch công khai, công bằng thông qua xây dựng các quy định và xử phạt nghiêm các hành vi trái quy định, phát huy vai trò tự ổn định của thị trường, tăng cường sức cạnh tranh của thị trường, nâng cao sức thu hút của thị trường vốn và năng lực phục vụ nền kinh tế thực.

Báo cáo chỉ ra, cần tiếp tục hoàn thiện các luật, quy định liên quan, nâng cao tính răn đe đối với các hành vi trái quy định trên thị trường chứng khoán. Đề nghị sửa đổi và hoàn thiện “Luật Hình sự”, tăng hình phạt cho các hành vi phát hành gian dối, tiết lộ thông tin bất hợp pháp, thao túng thị trường. Đồng thời, tận dung thời cơ từ việc việc Thượng Hải thành lập tòa án tài chính đầu tiên của Trung Quốc, phát huy tính chuyên nghiệp của tòa án tài chính, tăng cường chức năng xét xử tội phạm, nâng cao hiệu quả xét xử các vi phạm, nâng cao sức răn đe đối với vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.

Báo cáo chỉ ra, PBOC cùng với các sở, ban ngành và địa phương sẽ xử lý ổn thỏa các rủi ro của các ngân hàng vừa và nhỏ như Baoshang Bank, Hengfeng Bank, Jinzhou Bank, ngăn ngừa rủi ro tài chính mang tính hệ thống. Báo cáo đề xuất, trong thời gian tới, cần tổng kết kinh nghiệm, hiệu quả và bài học trong việc xử lý rủi ro của ba ngân hàng trên, nhanh chóng khắc phục thiếu sót về hệ thống, xây dựng cơ chế phòng ngừa và hóa giải rủi ro tài chính trong dài hạn.

3. Kim ngạch thương mại Trung Quốc tăng 1,1% trong 10 tháng đầu năm, liên tục tăng trưởng dương trong 5 tháng liên tiếp

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong 10 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc đạt 25,95 nghìn tỷ NDT (khoảng 3,8 nghìn tỷ USD), tăng 1,1% so với cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu đạt 14,33 nghìn tỷ NDT (2,1 nghìn tỷ USD), tăng 2,4%; nhập khẩu đạt 11,62 nghìn tỷ NDT (1,7 nghìn tỷ USD), giảm 0,5%; thặng dư thương mại là 2,71 nghìn tỷ NDT, tăng 16,9%.

Riêng trong tháng 10/2020, kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc là 2,84 nghìn tỷ NDT (khoảng 417,6 tỷ USD), tăng 4,6% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu là 1,62 nghìn tỷ NDT, tăng 7,6%; nhập khẩu là 1,22 nghìn tỷ NDT, tăng 0,9%; thặng dư thương mại là 401,75 tỷ NDT, tăng 34,9%.

Đại diện Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, xuất nhập khẩu của Trung Quốc liên tục tăng trưởng dương trong 5 tháng liên tiếp kể từ tháng 6/2020.

Về đối tác thương mại, trong 10 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc với 5 đối tác hàng đầu (ASEAN, EU, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc) đều tăng. Trong đó, ASEAN, EU, Mỹ lần lượt đạt 3,79 nghìn tỷ NDT (tăng 7%,), 3,62 nghìn tỷ NDT (tăng 3,5%) và 3,2 nghìn tỷ NDT (tăng 3,9%); xuất nhập khẩu sang các nước dọc tuyến “Vành đai và Con đường” đạt 7,58 nghìn tỷ NDT, tăng 1,4%.

Về lĩnh vực, số liệu cũng cho thấy, xuất khẩu các sản phẩm cơ điện tăng trưởng dương, xuất khẩu vật tư phòng chống dịch tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh. Trong 10 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã xuất khẩu 8,45 nghìn tỷ NDT các sản phẩm cơ khí và điện, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2019; xuất khẩu hàng dệt may, bao gồm khẩu trang, đạt 908,41 tỷ NDT, tăng 34,8%.

Xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp tư nhân tăng. Trong 10 tháng đầu năm 2020, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp tư nhân đạt 12 nghìn tỷ NDT, tăng 10,5%, chiếm 46,2% tổng giá trị ngoại thương của Trung Quốc, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Về khu vực, trong 10 tháng đầu năm 2020, hoạt động xuất nhập khẩu ngoại thương tại khu vực miền Trung và miền Tây sôi động, tốc độ tăng trưởng dẫn đầu cả nước, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Trong đó, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu của Tứ Xuyên, Quý Châu, Giang Tây, An Huy và Trùng Khánh đứng trong Top 5 cả nước. Khu vực miền Trung và miền Tây đang được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển ngoại thương của Trung Quốc.

4. Ngành ngân hàng và bảo hiểm hoạt động hiệu quả trong 9 tháng đầu năm 2020

Phát biểu tại cuộc họp báo của Văn phòng Quốc Vụ viện Trung Quốc, ông Lương Đào, Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CPIRC) cho biết, 9 tháng đầu năm 2020, tài sản và nợ của ngành ngân hàng và bảo hiểm của Trung Quốc tăng ổn định, các chỉ số điều hành và quản lý chủ chốt nằm trong phạm vi hợp lý.

Số liệu cho thấy đến cuối quý 3/2020, tổng tài sản của các tổ chức tài chính ngân hàng của Trung Quốc đạt 314,7 nghìn tỷ NDT (khoảng 46,2 nghìn tỷ USD), tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó các khoản cho vay là 178,6 nghìn tỷ NDT, tăng 12,6% so với cùng kỳ; tổng nợ phải trả là 288,7 nghìn tỷ NDT, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng tài sản của các công ty bảo hiểm là 22,4 nghìn tỷ NDT, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong 3 quý đầu năm 2020, các khoản cho vay mới bằng đồng NDT tăng 16,3 nghìn tỷ NDT, tăng 2,6 nghìn tỷ NDT so với cùng kỳ năm 2019 và các khoản đầu tư trái phiếu của các tổ chức bảo hiểm ngân hàng đã vượt 8 nghìn tỷ NDT; các khoản vay dành cho các doanh nghiệp tư nhân tăng 5,4 nghìn tỷ NDT. Các khoản cho vay sản xuất tăng 2 nghìn tỷ NDT, tăng gấp 2,6 lần năm 2019.

Trong 3 quý đầu năm 2020, ngành ngân hàng đã trích lập một khoản dự phòng mới trị giá 1,5 nghìn tỷ NDT, tăng 206,8 tỷ NDT so với cùng kỳ năm 2019. Vốn ròng của các ngân hàng thương mại là 23,8 nghìn tỷ NDT, tỷ lệ an toàn vốn là 14,41%.

Trong 3 quý đầu năm 2020, các ngân hàng thương mại đạt lợi nhuận ròng 1,5 nghìn tỷ NDT, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2019. Ngành ngân hàng đã xử lý 1,7 nghìn tỷ NDT nợ xấu, tăng 341,4 tỷ NDT so với cùng kỳ năm 2019. Vào cuối quý 3/2020, số dư nợ xấu trong ngành ngân hàng là 3,7 nghìn tỷ NDT, với tỷ lệ nợ xấu là 2,06%./.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here