Tin Kinh tế Trung Quốc

0
96
(Internet)
(Internet)

1. Thị trường bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc tiếp tục được cải thiện

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, trong ba quý đầu năm 2020, tình hình thị trường bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc tiếp tục được cải thiện, thúc đẩy tiêu dùng tăng trưởng. Trong ba quý đầu năm 2020, doanh số bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc vượt 8 nghìn tỷ NDT, tăng 9,7% so với cùng kỳ. Bán lẻ trực tuyến thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các chủ thể thị trường, tạo ra các hình thức, mô hình kinh doanh mới, nâng cao hiệu quả của chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị, tạo động lực mới cho nền kinh tế số.

Về tổng thể, trong ba quý đầu năm 2020, thị trường bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc cho thấy những đặc điểm sau: (i) các điểm nóng về tiêu dùng trực tuyến liên tục xuất hiện. Tiêu dùng lành mạnh, tiêu dùng xanh đã trở thành xu hướng mới trong tiêu dùng trực tuyến. Các mô hình mới tiêu dùng mới thu hút sự ưa chuộng của người tiêu dùng; (ii) thương mại điện tử nông thôn duy trì đà phát triển tốt. Theo số liệu, doanh số bán lẻ trực tuyến nông thôn đạt 1,2 nghìn tỷ NDT trong ba quý đầu năm 2020, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán lẻ nông sản trực tuyến đạt 288,41 tỷ NDT, tăng 34,3% so với cùng kỳ; (iii) thương mại điện tử xuyên biên giới duy trì được đà tăng trưởng, thúc đẩy nâng cao chất lượng ngoại thương; (iv) tiêu dùng dịch vụ trực tuyến đã phục hồi. Theo số liệu, trong quý 3 năm 2020, dịch vụ ăn uống trực tuyến tăng gần 10% so với cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng của du lịch trực tuyến chuyển từ tăng trưởng âm sang tăng trưởng dương.

 2. Morgan Stanley: nhà đầu tư không nên bỏ qua sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc

Trong một báo cáo gần đây, chuyên gia đầu tư trưởng của Ban quản lý tài sản Morgan Stanley Lisa Shalett nhận định Trung Quốc có thể là động lực tăng trưởng toàn cầu quan trọng nhất; hiện đã đóng góp 40% tăng trưởng GDP toàn cầu, bằng tổng của cả Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản; là quốc gia thành viên G20 duy nhất vượt ra khỏi suy thoái. Trung Quốc ít lệ thuộc vào xuất khẩu, hiện chỉ chiếm 17% GDP, giảm xuống từ mức 35% năm 2007. Nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc từ Mỹ chỉ chiếm 3% GDP, giảm xuống từ mức 12% năm 2008.

Theo Shalett, Trung Quốc có dư địa cho mở rộng tăng trưởng do thu nhập bình quân đầu người khả dụng và chi tiêu tiêu dùng đang trở về chiều hướng tăng trưởng dài hạn; doanh số hàng hóa tiêu dùng, chỉ dấu của sức tiêu thụ của Trung Quốc, tăng về mọi mặt, đứng đầu là tiêu dùng ô tô do thu nhập của hộ gia đình trở lại tăng trưởng dương và điều kiện việc làm được cải thiện sau khi bị tác động nặng nề bởi đại dịch. Tuy nhiên, tiêu dùng cho dịch vụ thấp hơn so với tiêu dùng cho hàng hóa, với lĩnh vực dịch vụ ăn uống và khách sạn bị tác động tiêu cực do các biện pháp phòng dịch.

Shalett cho rằng, Trung Quốc có đủ nguồn lực thực hiện sự linh hoạt về tài chính tiền tệ. Trong khi Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản theo đuổi các chính sách với tổng gói kích thích tài chính tiền tệ lên tới 30% GDP, chi tiêu của Trung Quốc cho đến nay chỉ chiếm khoảng 6% GDP. Tỷ lệ lãi suất và sự năng động tiền tệ của Trung Quốc vẫn tiếp tục hấp dẫn; đồng Nhân dân tệ hiện đang ở mức mạnh nhất kể từ năm 2018; quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ tiếp tục được thúc đẩy và dự kiến đến năm 2030, đồng Nhân dân tệ sẽ chiếm 10% tổng dự trữ thế giới; cổ phiếu A của Trung Quốc tăng 24%, gần gấp 3 lần S&P 500. Các nhà kinh tế của Morgan Stanley dự đoán kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,3% và kinh tế toàn cầu tăng trưởng –3,7% trong năm 2020.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here