Covid-19 đảo lộn thị trường lao động Malaysia như thế nào?

0
216
Lao động nhập cư chờ được xét nghiệm tại thủ đô Kuala Lumpur. (Nguồn: Reuters)

Malaysia từng đứng trong Top 5 các nước thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của đại dịch COVID-19 trên thế giới, nhưng giờ đây chính phủ nước này đã phải tính tới việc ban bố tình trạng khẩn cấp để ứng phó với dịch bệnh.

Lao động nhập cư chờ được xét nghiệm tại thủ đô Kuala Lumpur. (Nguồn: Reuters)

Những tổn thất về kinh tế không dừng lại ở các dự đoán ban đầu và thị trường việc làm cũng vì thế mà xuất hiện thay đổi quan trọng.

Ở Malaysia, tháng 10 đã đến với nhiều nỗi phập phồng. Làn sóng nhiễm COVID-19 thứ ba đã lặng lẽ lây lan ở Malaysia. Giống như làn sóng thứ hai bắt đầu từ cuối tháng 2/2020, làn sóng thứ ba xuất hiện khi cuộc đấu tranh quyền lực đang diễn ra quyết liệt. Tuy nhiên, sự nguy hiểm của làn sóng thứ ba có lẽ sẽ lớn hơn nhiều.

Năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp ở Malaysia dao động trong khoảng 3,2-3,3%. Tuy vậy, trong tháng 5/2020, nghĩa là hai tháng sau khi Malaysia thực hiện Lệnh Hạn chế di chuyển (MCO) nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 5,3% từ mức 5% của tháng 4/2020 và 3,9% của tháng 3/2020. Tỷ lệ này bắt đầu giảm xuống cùng với sự nới lỏng các quy định liên quan tới phòng chống dịch, còn 4,9% trong tháng 6/2020 và 4,7% trong tháng 7/2020.

Con số mới nhất do Cơ quan Thống kê Malaysia (DOSM) đưa ra ngày 13/10 cho thấy trong tháng 8/2020, tỷ lệ thất nghiệp ở Malaysia tiếp tục đứng ở mức 4,7%, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nói cách khác, trong số 15,9 triệu người đang ở độ tuổi lao động (từ 15-64 tuổi) tại Malaysia thì có 741.600 người thất nghiệp. Nhưng đó là thời điểm Malaysia đang thực hiện Lệnh Hạn chế di chuyển trong giai đoạn hồi phục (RMCO).

Hiện nay, nhiều địa phương ở Malaysia đã phải quay trở lại thực hiện MCO. Hơn nữa, từ ngày 22/10, tại những nơi này chỉ có tối đa 30% lao động cơ quan công quyền được tới trụ sở làm việc nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ thiết yếu. Đối với khu vực tư nhân, tỷ lệ này chỉ là 10% và người lao động chỉ được làm 3 ngày trong tuần, nhiều nhất mỗi ngày làm việc 4 tiếng từ 10 giờ sáng tới 14 giờ chiều. Quy định nêu trên được áp dụng tới khi kết thúc RMCO, nhưng khi nào RMCO chấm dứt, theo phát biểu của Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Ismail Sabri Yaakob ngày 20/10, câu trả lời vẫn bỏ ngỏ.

Malaysia không muốn áp dụng trở lại MCO vì lo ngại sẽ dẫn tới sự đổ vỡ về kinh tế xã hội. Tuy nhiên, việc áp dụng trở lại RMCO cũng dẫn tới những tác động không nhỏ. Nhiều tổ chức tài chính ngân hàng quốc tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Malaysia. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới (WB) cắt giảm từ -3,1% xuống -4,9%; Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cắt giảm từ -3,8% xuống -6%.

Cùng với sự đi xuống về kinh tế và quy định phòng chống dịch, nhu cầu thị trường sẽ bị thu hẹp, không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, một số lao động toàn thời gian buộc phải nghỉ không lương, thậm chí bị mất việc. Trong bối cảnh đó, phương thức lao động tại Malaysia đang có những thay đổi quan trọng, song hành với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế việc làm tự do. Những công việc mang tính linh hoạt cao như như tài xế gọi xe trực tuyến và nhân viên giao đồ ăn ngày càng trở thành lựa chọn phổ biến của người Malaysia.

Theo Viện phó Viện Sinh thái học nhân văn, Đại học Putra Malaysia, ông Muhammad Farzly, cùng với sự gia tăng của điện thoại thông minh và nền tảng kỹ thuật số, các công việc tự do ngày càng trở nên đa dạng và chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh các dịch vụ giao đồ ăn quen thuộc, nhiều công việc chuyên môn cũng có thể được thực hiện theo phương thức tự do như tư vấn pháp lý, viết quảng cáo… Phương thức làm việc linh hoạt và các kênh việc làm đa dạng đã khiến nền kinh tế việc làm tự do được nhìn nhận như một trong những lời giải hay cho bài toán thúc đẩy hồi phục kinh tế và giải quyết vấn đề việc làm.

Tháng 6/2020, Chính phủ của Thủ tướng Muhyiddin đã đưa ra Chương trình Chấn hưng kinh tế ngắn hạn trị giá 35 tỷ RM (khoảng 8,4 tỷ USD), trong đó dành 50 triệu RM trợ cấp cho lao động làm việc tự do. Theo thống kê chưa đầy đủ, Malaysia hiện có khoảng 23.000 nhân viên đưa hàng và hơn 160.000 lái xe công nghệ. Dự kiến trong 5 năm nữa, số lao động tự do có thể chiếm trên 40% tổng số lao động ở Malaysia..

Nói cách khác, cùng với tiến bộ khoa học công nghệ, dịch bệnh thúc đẩy, không gian làm việc từ xa ngày càng mở rộng, làm việc tự do sẽ trở thành một trong những phương thức lao động quan trọng trong tương lai. Tuy nhiên, cùng với việc phát triển kinh tế việc làm tự do để ứng phó với dịch bệnh và thích ứng với thời đại, việc mang tới bảo đảm xã hội cho những lao động trong lĩnh vực này cũng cần phải tính đến. Đây có lẽ không phải là vấn đề riêng mà Malaysia cần phải giải quyết.

Hà Ngọc 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here